Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Ta cần nguyện ước mãnh liệt và thực hiện hồi hướng. Đức Gampopa nói:

Tôi không phải là người không tích tập giới đức; nhưng giới đức của tôi bị tiêu mòn chỉ vì tôi không hiểu rõ phương pháp hồi hướng.

Và Đức Phật nói trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa:

Sau khi phát khởi từ thời khóa thiền định đó, hãy thực hiện các thực hành giới đức không lỗi lầm; sau đó hồi hướng công đức do các thực hành của con cho việc thành tựu sự giác ngộ cao nhất vì chúng sinh. Nếu con thực hiện sự hồi hướng này thì không đức hạnh nào trong ba cõi có thể sánh kịp.

Ta phải thực hành hồi hướng. Đức Jigten Sumgön nói:

Nếu viên ngọc như ý của hai tích tập

Không được nguyện ước của bạn đánh bóng,

Bạn sẽ không đạt được mục đích;

Vì thế, hãy chú tâm tới sự hồi hướng quyết định này.

HỒI HƯỚNG DAKORMA

Hãy quán tưởng trong không gian trước mặt bạn một quang cảnh thanh tịnh với những con sư tử, pháp tòa quý báu v.v.. trên đỉnh của chúng là Đạo sư và các Bổn Tôn, chư Phật và chư Bồ tát, các Daka, Dakini và các Hộ Pháp.

Hãy khéo nuôi dưỡng động lực thanh tịnh, phát triển tâm vị tha. Hãy gợi lại các đối tượng của sự chấp thủ – các giới đức được tích tập trong ba thời và gốc rễ của giới đức bẩm sinh (Phật tánh, Tathāgatagarbha) của tất cả chúng sinh – và sau đó hãy hồi hướng tất cả những giới đức này cho việc thành tựu sự Giác ngộ tối thượng vì tất cả chúng sinh.

Sự thích đáng của việc hồi hướng Giới Đức bẩm sinh

Có một số người tranh luận rằng không thích đáng khi hồi hướng giới đức bẩm sinh. Tuy nhiên, sự xứng đáng của việc hồi hướng đó có thể được biểu lộ trong ba cách: bởi lời Phật thuyết, bởi lý lẽ, và bởi các giáo huấn tinh túy.

i. Lời Phật thuyết về sự hồi hướng giới đức bẩm sinh. Đức Phật nói: “Hồi hướng mà không có đối tượng của sự chấp thủ – đó là hồi hướng vô thượng.” Ngài cũng nói:

Hồi hướng mà có sự khái niệm hóa (khái niệm về ba phạm vi tác nhân, hành động và đối tượng) không phải là hồi hướng siêu phàm. Hồi hướng mà không có khái niệm hóa là hồi hướng siêu phàm. Thực hiện một hồi hướng với khái niệm hóa thì giống như ăn thực phẩm tốt lành có trộn lẫn thuốc độc. Thực phẩm tốt lành tượng trưng cho giới đức, chất độc tượng trưng cho khái niệm về ba phạm vi. Sự chấp thủ các hiện tượng – ngay cả hiện tượng đức hạnh – thì giống như ăn thực phẩm trộn lẫn với chất độc.

Trong Kinh Bổn Tôn Dược Sư, Đức Phật nói: “Nhờ năng lực của Pháp tánh vô cùng thanh tịnh không thể nghĩ bàn, cầu mong điều ta ước nguyện được xảy ra; cầu mong tất cả chúng sinh được kiến lập trong Phật quả.” Ngài cũng nói về “cội gốc giới đức bẩm sinh, là trí tuệ vô thượng.” Trong tất cả những lời dạy này, Đức Phật đã ám chỉ tới giới đức bẩm sinh.

ii. Lý lẽ về hồi hướng của giới đức bẩm sinh. Có một số người phản đối: “Nếu giới đức bẩm sinh biến đổi (là nguyên nhân của một kết quả), thì hệ quả theo luận lý là cái như thị là một hiện tượng được tạo tác từ những nguyên nhân. Nếu giới đức bẩm sinh không biến đổi, nó không thể sinh ra một hiệu quả; và vì thế sự hồi hướng nó thì vô nghĩa. Nếu sự hồi hướng giới đức bẩm sinh có thể sinh ra một hiệu quả, thì tại sao hành động hồi hướng của Đức Phật nguyên thủy không kết trái vào lúc này?”

Để đáp lại, ta có thể tranh luận: “Nếu sự hồi hướng một đối tượng không bị tạo tác không có hiệu quả, thì nếu ta biểu lộ năng lực của chân lý Như Thị, chân lý đó sẽ trở nên vô hiệu (sẽ không thể sinh ra một hiệu quả) bởi vì nó là một cái không sanh.”

iii. Các giáo huấn tinh túy về hồi hướng giới đức bẩm sinh. Nhiều bậc Đạo sư quý báu đã ban những giáo huấn về cách làm thế nào thực hiện hồi hướng giới đức bẩm sinh.

Xem mục lục