Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Các thực hành này là để nuôi dưỡng lòng từ ái, bi mẫn và Bồ đề tâm. Trong Bài Ca Chứng ngộ của Con đường Năm Nhánh, Đức Tôn Quý Jigten Sumgön đã nói:

Nếu chúng ta phi con thần mã của lòng từ ái và bi mẫn
Vì lợi lạc của bản thân chứ không vì người khác,
Ta sẽ không nhận được sự tán thán của các vị trời và người.


Vì thế, hãy chú tâm vào các bước chuẩn bị.

I. LÒNG TỪ ÁI
Nuôi dưỡng lòng từ ái (thiện tâm) có thể được suy xét từ vài quan điểm: nó được phát triển thế nào; thực thể hay chân tánh của nó; sự tăng trưởng lòng từ ái; các hoạt động của lòng từ; sự sai lầm khi sao nhãng nuôi dưỡng lòng từ; và lợi lạc của việc nuôi dưỡng lòng từ – các kết quả đạt được.

Phát triển lòng từ ái
Các phương pháp phát triển lòng từ ái là để thấu hiểu thiện tâm của người khác và đền đáp lòng tốt của họ. Ta nên suy xét thiện tâm của những bậc cha mẹ là những người đã khiến cho ta có cuộc đời này, với thân thể và tâm thức này; ta cần suy xét việc vị Tu viện trưởng và vị Thầy đã thiết lập các quy củ thanh tịnh của giới luật và vị Thầy chỉ rõ điều gì phải tuân theo và điều gì phải từ bỏ. Đặc biệt là ta nên suy xét về lòng tốt vĩ đại của bà mẹ của ta. Tại sao thế? Bởi vì các bà mẹ cho ta vô vàn thực phẩm với số lượng to lớn như núi Tu Di; các bà chăm chút áo quần cho con cái, như thể chúng được che phủ trong một đám mây; sữa mà các bà mẹ cho con uống thì vô hạn như đại dương. Hãy suy tưởng như thế để nuôi dưỡng lòng từ ái.

Thực thể hay chân tánh của lòng từ ái
Có nói rằng: “Khi ta thấy một đứa trẻ thật đáng yêu, lòng từ phát khởi; khi ta tới trước một người cùi, lòng bi được phát khởi; khi ta gặp một người bạn, hỉ lạc được phát khởi. Trong giấc ngủ, sự xả bỏ được phát khởi.” Lòng từ ái tự phát khởi và sức mạnh của nó mang lại cho ta một nguyện ước không bao giờ bị xa lìa đối tượng lòng từ ái của ta.

Tăng trưởng lòng từ ái
Việc tăng trưởng lòng từ ái bao gồm hai thực hành: thiền định về bà mẹ của riêng ta và thiền định được trải rộng đến tất cả chúng sinh. Khi thiền định về bà mẹ của riêng bạn, hãy tưởng nhớ đến lòng tốt của bà và nghĩ: “Cầu mong mẹ được hạnh phúc.”
Đây không phải là thiền định mà đúng hơn là sự làm quen hay quen thuộc. Hãy thực hành liên tục theo cách này. Nhờ năng lực của sự quen thuộc như thế, thực thể của lòng từ ái sẽ ló rạng.
Sau đó, để làm tăng trưởng lòng từ ấy, hãy suy tưởng rằng tất cả chúng sinh đều là cha mẹ của ta và họ đã hết sức tốt lành. Trong một bộ kinh có nói: “Khắp không gian không đâu có một chúng sinh không từng là cha mẹ tôi.” Hãy thiền định về tất cả chúng sinh giống như bạn đã thiền định về bà mẹ của riêng bạn.
Thiền định về tất cả chúng sinh theo cách này, bạn sẽ phát khởi lòng từ. Nếu lòng từ không được phát triển, hãy thiền định trở lại về bà mẹ của riêng bạn; phát khởi trở lại lòng từ đối với mẹ bạn và sau đó, để tăng trưởng nó, hãy hướng lòng từ đến tất cả chúng sinh ở khắp mọi phương – đông, tây, nam và bắc.

Các phẩm tính của lòng từ
Lòng Từ và Bi quét sạch mọi điều kiện đối nghịch (nghịch duyên) của đức hạnh. Ma quân xấu ác nói với Đức Phật: “Ngài chiến thắng không phải nhờ gươm đao, chiến mã, mà bằng vũ khí của lòng từ và bi.” Các hoạt động của lòng từ đem lại điều tốt lành và hạnh phúc, như đã được minh họa bằng cuộc đời của Vua Champetop.

Lỗi lầm của việc sao nhãng nuôi dưỡng lòng từ
Đức Milarepa đã nói:
Nếu không nuôi dưỡng lòng từ và bi, ta rơi vào thừa thấp. Hãy nỗ lực thực hành Bồ Đề tâm được đặt nền trên lòng từ và bi.
Những lợi lạc của việc nuôi dưỡng lòng từ
Ngài Long Thọ Bồ tát nói về những người thực hành lòng từ:

Mặc dù không được giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử,
Họ đạt được tám phẩm tính của lòng từ;
Họ nhận được lòng từ ái của các vị trời và loài người;
Họ được che chở; tâm họ vui sướng;
Họ không bị chất độc hay các vũ khí hãm hại;
Họ thành tựu mục đích mà không cần nỗ lực;
Và được tái sinh trong cõi giới Phạm Thiên.

II. LÒNG BI MẪN:

Đối tượng của sự quán sát lòng bi mẫn
Cũng như việc phát triển lòng từ, để phát triển lòng bi mẫn thì đối tượng của sự quán sát là người mẹ. Ước muốn giải thoát tất cả các bà mẹ khỏi nỗi đau khổ chính là cốt tủy của lòng bi. Ngài Atisha đã nói trong tác phẩm Luận thuyết về Các Đấng Vĩ đại của ngài:
Nhờ trí tuệ đã chứng ngộ, những người ước muốn hoàn toàn giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ - những người ấy là các Đấng Vĩ đại.
Năng lực của lòng bi kích động trong tim ta ước muốn giải thoát đau khổ cho mọi chúng sinh, giống như ta ước muốn tự giải thoát mình khỏi đau khổ.

Tăng trưởng lòng bi mẫn
Thật khó cảm nhận lòng bi mẫn đối với người đã làm hại ta. Nếu chúng ta muốn làm hại lại một người như thế thì ta không thể cảm thấy bi mẫn. Để tăng trưởng lòng bi, ta nên luân phiên thay đổi sự thiền định, trước tiên phát triển lòng bi đến một người bạn và sau đó hướng đến một kẻ thù, cho tới khi tâm ta được tịnh hóa và lòng bi được toàn thiện.

Các phẩm tính của lòng bi mẫn
Kinh Pundarika Karuna (Kinh Bi Hoa) nói:

Có một phẩm tính của các Bồ tát đem lại cho người sở hữu nó mọi phẩm tính của các Bồ tát. Phẩm tính đó là gì? Đó là lòng đại bi.

Kết quả Thành tựu
Đức Phagmo Drupa nói:

Khi dòng suối từ ái chảy đều,
Cội gốc của lòng bi được thấm ướt.
Khi cây Bồ đề tâm được hoàn toàn phát triển,
Trái quả chứng ngộ chín mùi
Và đóa hoa đệ thập địa nở rộ.
Cầu mong hai mục đích được thành tựu.

Sự nuôi dưỡng lòng từ và bi khiến người ta đạt được hai điều kiện của trạng thái cao (của các vị trời và loài người) nhưng không đạt được điều kiện của sự tốt lành tuyệt đối (sự giải thoát).

III. BỒ ĐỀ TÂM

Đức Gampopa nói: “Trạng thái cao trong luân hồi sinh tử là hạnh phúc tạm thời; điều tốt lành tuyệt đối là sự giải thoát.” Ngay cả những người đã đạt được trạng thái của trời hay người nhưng vẫn không giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Một người như thế vẫn còn phải nuôi dưỡng Bồ đề tâm. Bậc thầy vĩ đại Tịch Thiên (Shāntideva) nói:

Bồ đề tâm được hiểu theo hai phương diện:

Tâm ước nguyện giác ngộ (Bồ đề tâm ước nguyện)
Và tâm thực sự giác ngộ (Bồ đề tâm thực sự).
Cũng như mọi người đều biết sự khác biệt
Giữa ước muốn đi tới nơi nào và việc thực sự đi,
Cũng thế, người thiện xảo hiểu rõ các dị biệt giữa hai phương diện đó.
Hai phương diện là tâm thức nỗ lực hướng tới sự giác ngộ và tâm đã đạt tới điều đó.

Bồ đề tâm ước nguyện
Để nuôi dưỡng Bồ đề tâm ước nguyện, hãy lập một hứa nguyện đạt được kết quả. Hãy làm việc này bằng cách suy nghĩ:
Tôi sẽ giải thoát những người bị nhận chìm trong đại dương đau khổ của ba cõi thấp; tôi sẽ giải thoát tất cả chúng sinh, những bà mẹ nhiều vô hạn như bầu trời; và đặc biệt tôi sẽ giải thoát những kẻ thù đã làm hại tôi và tất cả chúng tôi, là những người đã gây nên các chướng ngại làm hại chúng tôi, những chướng ngại cho sự giải thoát và sự Toàn giác; và tôi sẽ giải thoát Ma vương và hội chúng của Ma vương.

Tôi sẽ giải thoát chúng sinh bị giam cầm trong sinh tử. Tôi sẽ an lập trong Đại Ấn những ai không được an lập trong đó. Với những ai không đạt được Niết bàn tôi sẽ an lập họ trong đó.

Trong Hành Bồ tát Hạnh, ngài Tịch Thiên viết:
Nếu những ai đau khổ - bị trói buộc bởi ngục tù của luân hồi sinh tử - hãy phát khởi Bồ đề tâm, thì từ giây phút ấy, họ được gọi là các Bồ tát, và họ trở thành đối tượng cho sự tôn kính thực sự trong thế giới của các vị trời và người.

Hơn nữa, Đức Phật đã nói:
Có một phẩm tính mà nếu các Bồ tát có nó, các ngài có thể từ bỏ những cõi thấp và không kết giao với những ác hữu; nó khiến các ngài hoàn toàn đạt được Phật quả viên mãn thật nhanh chóng. Phẩm tính đó là gì? Đó là Bồ đề tâm, sự toàn thiện của quan điểm tuyệt vời.

Bồ đề tâm thực sự
Nếu ta không có Bồ đề tâm thứ hai là Bồ đề tâm thực sự thì ta sẽ không thành tựu Bồ đề tâm thứ nhất, là Bồ đề tâm ước nguyện.

Ngài Atisha nói:

Nếu bạn phát khởi tâm ước nguyện
Nhưng không nuôi dưỡng ba giới hạnh,
Bạn sẽ không đạt được Giác ngộ.
Nuôi dưỡng tốt đẹp ba giới hạnh này -
Đó là thệ nguyện của Bồ tát.
Vì vậy, hãy nỗ lực
Để hoàn thành thệ nguyện Bồ tát.
Ngài Atisha cũng nói:
Nếu bạn không hoàn thành thệ nguyện của Bồ đề tâm thực sự, tâm ước nguyện sẽ không tăng trưởng. Vì vậy, nếu bạn ước muốn tăng trưởng Bồ đề tâm ước nguyện và đưa nó tới sự thành tựu, bạn phải nỗ lực thực hành Bồ đề tâm thực sự này.
Đối tượng của sự tuân thủ Bồ đề tâm thực sự
Hãy lập một hứa nguyện kiên quyết, nghĩ rằng:

Để tất cả chúng sinh có thể đạt được Phật quả, từ bây giờ cho tới ngày mai, cho tới cuối đời tôi, và cho tới khi tôi đạt được Giác ngộ, tôi sẽ thực hiện thiện hạnh của thân, ngữ, và tâm. Từ bây giờ cho tới lúc đó, tôi sẽ thực hành các giai đoạn của con đường năm nhánh sâu xa.

Việc lập hứa nguyện này một cách kiên quyết là Bồ đề tâm tương đối. Việc an trụ tâm ta nơi tánh Không là Bồ đề tâm tối thượng. Hai loại tâm này liên tục tạo ra các đức hạnh. Có vài luận giảng về điều này trong Hành Bồ tát Hạnh:
Tất cả các đức hạnh khác sản sinh kết quả chỉ một lần
Và sau đó bị khô kiệt,
Giống như một cây chuối;
Nhưng cây Bồ đề tâm
Sinh ra trái quả vô tận,
Phát triển không ngừng nghỉ.
Bồ đề tâm ước nguyện
Sản sinh trái quả to lớn trong vòng sinh tử;
Nhưng nó không liên tục tạo nên đức hạnh,
Như Bồ đề tâm thực sự đã làm.
Để hoàn toàn giải thoát
Vô số chúng sinh trong mọi cõi giới,
Bạn phải thường trực thành tựu Bồ đề tâm.
Nếu bạn có một tâm bất thối chuyển như thế,
Thì từ lúc nó bắt đầu phát khởi,
Và dù bạn thức hay ngủ –
Năng lực công đức của nó liên tục tuôn trào.
Đầy ngập không gian.

Những người phát khởi Bồ đề tâm đó không ngừng thành tựu mục đích của họ và làm lợi lạc người khác bằng bất kỳ phương cách nào họ muốn.

Từ ước nguyện lúc ban đầu của chúng ta (đối với những phẩm tính tốt đẹp để thành tựu bằng sự thực hành) cho tới khi ta đạt được Pháp Thân, ta nên kính ngưỡng Đức Vajradhara, hãy suy tưởng theo những câu kệ của Ngài Long Thọ Bồ tát:

Con đảnh lễ Đức Vajradhara vinh quang,
Thân Tự Tánh của Bồ đề tâm.
Đây là cách thức để đạt được sự tối thượng.

Xem mục lục