Bài Thực Tập số 8
ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Danh từ “Phật” ở đây được dùng trong nghĩa là người đã đạt đến trạng thái thức tỉnh hoàn toàn của tâm thức : sự hiểu biết thanh tịnh và trí huệ, hợp nhất không thể phân chia với lòng bi vũ trụ. Vậy thì chính để tượng trưng cho trạng thái này mà người ta quán tưởng hình tướng Phật. Nhưng nếu sự quán tưởng như vậy gây ra vấn đề cho bạn bởi những lý do cá nhân, bạn có thể thay thế nó bằng một khối cầu ánh sáng trong sạch sáng rỡ, và bạn sẽ mượn ở đó cùng những phẩm chất vừa nói ở trên.
Nhận xét sơ khởi : Kỹ thuật quán tưởng
1. Gợi ra nơi mình một hình ảnh, một cảm tưởng
“Quán tưởng” chỉ có nghĩa là “tưởng tượng”, tưởng tượng, nghĩa là gợi ra, tưởng ra một ảnh tượng bằng tâm thức – như chính ngữ nguyên học của chữ ấy. Người ta tạo ra trở lại nơi mình hình ảnh hay cảm tưởng về cái gì hay về người nào. Đó là hoạt động tự nhiên nhất của con người, cái mà người ta vẫn làm mọi ngày mà không biết, như thở : bạn nghĩ đến mẹ bạn và tức thời hình ảnh của bà khởi lên trong trí nhớ bạn, người ta nói với bạn một nơi chốn mà bạn biết rõ và bạn thấy nó tức khắc rõ ràng... Cứ tiếp tục như thế, người ta không ngừng quán tưởng, hình dung những sự vật trong tâm thức.
Vậy thì bạn đã biết gợi ra một cách tự phát những hình ảnh ; quán tưởng, đó là học làm việc đó một cách cố ý, sử dụng khả năng bẩm sinh này để tưởng tượng một sự vật nào đó cần thiết cho thực hành một thực tập.
Một điểm quan trọng : cần cảm thấy sự hiện diện của người hay vật người ta quán tưởng, gây ra nơi mình cảm tưởng người ta đang dự phần với nó, dù cho người ta không “thấy” chính xác những chi tiết cụ thể. Phải có cảm tưởng rằng cái người ta quán tưởng thực sự ở trước mặt mình.
2. Tạo ra những hình ảnh không thể sờ nắm
Còn một khác biệt quan trọng khác giữa những hình ảnh mà sự tưởng tượng bình thường của chúng ta tạo ra và những hình ảnh do quán tưởng. Hình ảnh quán tưởng không bao giờ cứng đặc, làm bằng thịt xương, bằng đá, đồng, gỗ hay bất kỳ vật chất nào khác. Cái người ta tưởng tượng phải thấy được rõ ràng nhưng không thể sờ chạm, làm bằng ánh sáng, như một cầu vồng. Khi người ta quán tưởng một người, người ta thấy nó – thậm chí người ta có thể ý thức nhiều chi tiết, nhưng đồng thời không thể sờ nắm được : nó có mọi vẻ bề ngoài vật chất, nhưng không có bản chất. Như vậy, khi bạn phải quán tưởng “một ống sáng”, bạn chớ tưởng tượng một bóng nê-ông hay một ống cứng đặc chứa đầy ánh sáng, mà hãy thử hình dung một tia sáng tỏa sáng hình cái ống – với tất cả vẻ bề ngoài của một cái ống, nhưng không có vật chất. Cũng thế, chớ tưởng tượng một đức Phật bằng đồng, hay một khối cầu sáng rỡ giống như một bóng điện. Nếu người ta hình dung những vật cứng đặc, người ta sẽ tự tạo cho mình những vấn đề rắc rối nhưng giả tạo : làm thế nào đem một đức Phật to lớn bằng đồng hay một bóng đèn 2000 oát vào trong thân thể bằng xương thịt bình thường của bạn ? Bạn hãy nhớ rằng những quán tưởng là những dụng cụ cần thiết cho công việc tâm thức, làm việc với những hình tướng tâm thức, và bạn chớ bám vào ý niệm cứng đặc của thân bạn và những đối tượng được quán tưởng khác. Nếu thân thể bạn cũng không thể sờ nắm như một cầu vồng và đức Phật, khối cầu sáng rỡ hay mọi vật khác cũng như vậy, bạn sẽ không có trở ngại khi đem nó vào bản thân mình và những quán tưởng sẽ không đặt ra những vấn đề khó khăn cho bạn.
• Điều chính yếu tóm tắt : quán tưởng, tức là gợi ra một hình ảnh tâm thức rõ ràng và hiện thực, đồng thời không thể sờ nắm và sáng rỡ, như một cầu vồng và cảm thấy sự hiện diện của nó, dù người ta không “thấy” nó một cách cụ thể.
Mô tả thực tập
1. Chuẩn bị
Đã cẩn thận ngồi thằng lưng, bạn hãy tưởng tượng ở trong trung tâm của thân thể bạn một bông sen vàng có những cánh hướng về phía trên.
Tiếp theo hãy quán tưởng một ống sáng rỡ, không có màu sắc đặc biệt (điều đó không quan trọng), nó từ đỉnh đầu của bạn (trong vùng thóp trên đầu), đi qua thân thể và đến trong tim hoa sen. Phần trên cùng của ống hình cái phễu và mở rộng trên đỉnh đầu bạn.
2. Gợi ra
Hãy tưởng tượng trên đầu bạn, ngay trên chỗ mở rộng của ống ánh sáng, có một đức Phật – hay một khối cầu – ánh sáng rực rỡ, kích cỡ tùy bạn muốn.
Hãy tưởng tượng và cảm thấy rằng thân thể bạn trở nên càng lúc càng kém cứng đặc, càng trong suốt và không thể sờ nắm.
3. Thiền định (45 phút)
Hãy dần dần đưa vào trong bạn hình tướng sáng rỡ của Phật hay khối cầu : hãy tưởng tượng nó đang xuống một cách êm dịu từ trên đầu bạn đến trung tâm thân thể bạn để an định ở tim hoa sen.
• Quan trọng : hãy nhớ không tưởng tượng thân thể bạn hay hình tướng ánh sáng rực rỡ là cái gì cứng đặc.
Sau 45 phút thiền định, hãy nghỉ ngơi một lát.
4. Thư giãn (1 giờ)
Làm thực tập thư giãn (số 2). Hãy trả tâm thức về với chính nó, bằng cách để cho mọi tư tưởng, ý tưởng, tình cảm, cảm giác của bạn đến và đi tự nhiên.
Bạn hãy để cho tinh túy của sự thức tỉnh và lòng bi từ nay hiện hữu trong bạn và chung quanh bạn. Thân thể bạn không còn cứng đặc nữa – bạn không phân biệt nữa tay chân, bộ phận, đau đớn, căng thẳng. Tất cả dần dần tan biến trong một đại dương tĩnh lặng và an bình của tâm thức.
Hãy ở như vậy trong một giờ.
• Hãy thực hành “Đức Phật Bên Trong” trong một tuần, một thời khoảng 1 giờ 45 phút (45 phút thiền định, 1 giờ thư giãn) mỗi ngày.
Câu hỏi : Khi ngài nói về “trung tâm thân thể”, chính xác nó ở đâu ?
Trả lời : Trước hết, phải nói về trung tâm bản thể của bạn. Người ta quan niệm nó ở khoảng trong vùng trái tim. Ở Đông phương, người ta cũng nói “trung tâm trái tim”, không phải theo nghĩa ở giữa bắp thịt tim, mà trong nghĩa chakra một trong những trung tâm năng lực của thân thể, như một vòng tròn có tâm điểm giữa ngực. Điều đó nói rằng, đây là một vấn đề khá chủ quan : tất cả tùy thuộc vào cảm tưởng cá nhân của bạn, vào ý tưởng về địa điểm trung tâm của bản thể bạn.
Câu hỏi : Nếu tôi không thấy được trong tâm thức hình ảnh của Phật, thì cảm thấy sự hiện diện của ngài có đủ chăng ?
Trả lời : Vâng, bởi vì mục đích của thực tập là gợi ra sự hiện diện của những phẩm tính nền tảng của tâm thức hơn là hình thức mà những phẩm tính đó khoác vào – ở đây hình thức chỉ là phụ.
Câu hỏi : Đôi khi có những màu sắc khác hiển lộ thế chỗ cho ánh sáng rực rỡ. Tôi có phải nỗ lực để luôn luôn tìm thấy ánh sáng rực rỡ chứ ?
Trả lời : Vâng, tôi nghĩ tốt hơn là tưởng tượng ra một loại ánh sáng rực rỡ.
Câu hỏi : Ngài có thể gợi cho tôi một cách để đạt đến đó dễ dàng hơn ?
Trả lời : Hãy quan sát một miếng vải sáng rực rỡ, nhưng nếu bạn có cảm tưởng về một màu sắc “cứng đặc”, hãy thử nhìn sự rực rỡ của tấm vải trong một cái gương, để có một ý tưởng về sự trong suốt của màu sắc bạn sắp quán tưởng.
Câu hỏi : Trong phần cuối của thư giãn, tâm thức tôi thường không hoàn toàn an bình và tôi thấy mọi loại xúc cảm. Tôi phải làm sao ?
Trả lời : Hãy tìm thấy dù chỉ một vùng rất nhỏ của sự yên tĩnh và hãy để cho những tư tưởng và tình cảm bạn tan vào đó. Dù chỉ có một phần trăm tâm thức bạn bình an, bạn cũng sẽ có thể đạt tới chỗ đó.
Câu hỏi : Nếu người ta không có thì giờ đòi hỏi cho thực tập này, một giờ bốn mươi lăm phút, thì có cần làm đủ một giờ thư giãn sau chót không ?
Trả lời : Vâng, cần. Điều bạn có thể làm, là chia thời giờ bạn có để duy trì mối tương quan giữa hai phần thực tập : thư giãn thì lâu hơn thiền định một chút.