THỜI NIÊN THIẾU
Bấy giờ ngài Retchung hỏi rằng, “Bạch Đạo sư, Thầy đã nói Thầy từng chịu đựng nhiều bất hạnh sau cái chết của cha. Những điều xấu ấy xảy đến cho Thầy như thế nào ?” Ngài cầu xin như thế, và Đạo sư kể tiếp
:
Khi ta khoảng bảy tuổi, cha ta, Mila Ngọn Cờ Chiến Thắng đã ra đi bởi một cơn bạo bệnh. Những y sĩ và thầy pháp tiên đoán rằng ông không thể lành được và bỏ cuộc.
Những người thân thuộc và bạn bè của ông cũng biết ông không thể sống. Chính ông cũng chắc chắn mình sắp chết. Chú của thầy (Ngọn Cờ Chiến Thắng Vĩnh Cửu) và thím (Đấu Thủ Vinh Quang họ Khyung) và mọi người thân thuộc, bạn bè gần xa của ông và láng giềng đều tụ hội.
Cha thầy đồng ý đặt gia đình và những công việc của ông dưới sự chăm sóc của một người được ủy thác. Rồi ông lập một bản chi tiết bảo đảm rằng con trai ông sau này sẽ sở hữu di sản của ông. Và ông đọc to bản chúc thư cho mọi người nghe :
“Trong núi : những gia súc của ta – trâu yak, ngựa và cừu ; trong thung lũng, trước hết thửa đất Tam Giác Phì Nhiêu và vài mảnh đất nhỏ khác ; dưới nhà : bò, dê và lừa ; trong nhà : đồ dùng, vàng, bạc, đồng và sắt, ngọc bích, vải dệt, lụa và kho thóc. Tất cả những cái đó tạo thành sự giàu có của ta. Tóm tắt, ta có nhiều đến độ không cần tham muốn của ai. Hãy lấy một phần tài sản này cho những chi phí sau khi chết của ta. Phần còn lại ta giao phó tất cả cho mọi người có mặt ở đây cho đến khi con trai ta đủ lớn để chăm sóc tài sản của nó. Ta giao phó nó hoàn toàn cho chú thím nó chăm sóc.
“Khi đứa nhỏ này tới tuổi đảm đương được những trách nhiệm gia đình, hãy cưới Zessay cho nó, cô là người nó đã hứa hôn từ nhỏ. Rồi hãy để chúng nhận tất cả tài sản của ta, không trừ thứ gì, và để cho con trai ta thừa kế.
“Trong thời gian đó, hãy để cho chú, thím và những bà con gần biết đến những vui buồn của hai đứa con ta và mẹ của chúng. Chớ dẫn dắt chúng vào sự khốn khổ. Sau khi ta chết ta sẽ trông chừng các người ở dưới suối vàng.” Nói xong, ông chết.
Rồi những nghi lễ đám tang được cử hành. Mọi người thân thuộc đi đến chỗ đồng ý về những gì còn lại của gia sản, và mọi người, đặc biệt là những người được nghe di chúc, nói, “Bạch Ngọc, hãy đảm nhận tài sản của chính bà. Hãy làm cái gì bà nghĩ là tốt.” Nhưng người chú và thím nói, “Tất cả mọi người ở đây là bạn bè của chị, nhưng chúng tôi, những người ruột thịt nhất, thì sẽ tốt hơn bạn bè. Chúng tôi sẽ không làm điều gì sai lầm cho chị và những đứa cháu. Theo ước nguyện, chúng tôi sẽ đảm đương việc giữ gia tài.”
Không nghe gì những tranh luận của người anh của mẹ thầy và của gia đình Zessay, ông chú thầy nắm giữ những tài sản thuộc đàn ông và thím thầy những tài sản thuộc đàn bà. Phần còn lại được chia hai. Rồi thím và chú nói : “Đến phiên chị và các cháu phục vụ cho chúng tôi.” Mẹ và anh em thầy không còn sự kiểm soát nào đối với những tài sản của mình. Vào mùa hè, thời kỳ làm việc trên đồng, gia đình thầy là những người làm công cho ông chú. Vào mùa đông, khi dệt vải, mẹ con thầy là những người tôi tớ cho bà thím. Thức ăn của mẹ con thầy là thứ để cho những con chó, công việc là để dành cho những con lừa. Áo quần là một mớ giẻ rách choàng qua vai và cột bằng dây cỏ. Làm việc không nghỉ ngơi, chân tay mẹ con thầy trầy trụa và nhức nhối. Vì thức ăn tồi tệ và đồ mặc nghèo nàn, mẹ con thầy trở nên xanh xao và gầy gò. Tóc mẹ con thầy một thời thả xuống từng lọn với ngọc bích và vàng, bây giờ thưa thớt xám, đầy chí rận. Những người từng biết mẹ con thầy, khi thấy hay nghe nói, đều rơi nước mắt. Họ nói lén với nhau sau lưng chú thím. Khi mẹ con thầy bị đè bẹp dưới khốn khổ, mẹ thầy nói với bà thím, “Bà không phải là Đấu Thủ Vinh Quang của họ Khyung, mà đúng hơn là Dumo Takdren, Con Quỷ Như Cọp.” Cái tên này, Con Quỷ Như Cọp, còn giữ lại với thím.
Những ngày đó có câu nói thông dụng : “Khi ông chủ giả mà làm ông chủ, thì ông chủ thật bị đuổi khỏi nhà như một con chó.” Câu tục ngữ ấy để diễn tả mẹ con thầy thì rất thích hợp.
Ngày cha anh em thầy còn sống, mọi người, sang hay hèn, đều nhìn vào gương mặt mẹ con thầy tươi vui hay buồn rầu. Về sau, khi chú thím đã giàu có như vua chúa, thì chính gương mặt họ mỉm cười hay buồn rầu mới là cái để người ta nhìn. Người ta nói về mẹ thầy, “Câu tục ngữ : “Chồng giàu thì vợ giỏi : len tốt thì áo đẹp”, quả thật là đúng. Bây giờ chồng không còn, đúng như tục ngữ nói. Lúc trước, khi chồng bà là ông chủ, đầu ngẩng cao, Bạch Ngọc lúc ấy can đảm và khôn ngoan, như một nội trợ giỏi. Còn bây giờ, bà yếu đuối và mặc cảm.” Ngay cả những người đã từng phục vụ gia đình thầy bây giờ lại chế nhạo ba mẹ con thầy. Quả là họ đã làm theo câu tục ngữ “Sự khốn khổ của một người là sự đùa vui cho người khác.”
Cha mẹ của Zessay thỉnh thoảng cho thầy một đôi giầy hay bộ quần áo mới, và họ an ủi thầy, “Chớ nghĩ rằng con nghèo khi sự giàu có đã ra đi, bởi vì tài sản cũng phù du như sương trên đồng cỏ. Trong quá khứ tổ tiên con giàu muộn. Với con thời thịnh vượng rồi cũng sẽ trở lại thôi.”
Rồi thầy bước vào năm mười lăm tuổi. Đó là lúc có một miếng ruộng được giao cho mẹ thầy như là của hồi môn của cha mẹ bà. Miếng ruộng ấy có cái tên chẳng đẹp đẽ gì lắm Trede Tenchung (Thảm Lông Thú Nhỏ), tuy nhiên nó dễ trúng mùa. Anh của mẹ thầy lo canh tác thửa ruộng này, và làm mọi việc có thể làm để thu huê lợi.
Như thế ông đã âm thầm tích lũy một số lúa dư để mua một lượng thịt lớn. Lúa mạch trắng làm ra bột. Lúa mạch đen làm ra bia cho một bữa tiệc mà ông nói là để đòi lại quyền thừa kế của Bạch Ngọc và hai con bà. Bấy giờ mẹ thầy mượn những tấm thảm và trải trong nhà Bốn Cột và Tám Xà của cha thầy để lại.
Trước tiên bà mời chú thím thầy, rồi bà con gần, những bạn bè thân thiết và hàng xóm láng giềng, cuối cùng là những người có biết đến di chúc của cha thầy là Mila Ngọn Cờ Trí Huệ. Với chú thím bà dọn nguyên một con cừu ; với những người khác, tùy theo thứ hạng, một phần tư hay ít hơn. Và bà mời họ dùng bia trong những ly bằng sứ.
Kế đó, mẹ thầy đứng lên giữa đám tiệc và nói, “Khi một đứa con trai được sanh ra, nó được đặt cho một cái tên. Khi một người được mời đến tiệc bia, đó là lúc để nói chuyện. Tôi có điều muốn nói với mọi người tụ hội ở đây, cả hai chú thím và những người lớn tuổi còn nhớ những lời cuối cùng của Mila Ngọn Cờ Trí Huệ vào lúc ông sắp mất.” Bà nói như vậy. Và anh của mẹ thầy đọc bản di chúc. Rồi mẹ thầy tiếp tục, “Tôi không cần phải giải thích cho những vị lớn tuổi ở đây di chúc này muốn nói gì. Cho đến nay, chú và thím đã mất công chịu khó hướng dẫn chúng tôi, tôi và hai con trong mọi việc. Bây giờ con tôi và Zessay đã lớn, đủ sức để có gia đình riêng của chúng. Thế nên tôi yêu cầu các bạn, phục hồi cho chúng tôi những tài sản đã được giao phó cho các bạn, để cho con trai tôi cưới Zessay và giữ quyền sở hữu di sản của nó đúng theo di chúc.”
Bà nói như vậy. Người chú và thím thầy, họ hầu như không bao giờ đồng ý với nhau điều gì, nay kết hợp nhau trong lòng tham lam của họ. Về phần mẹ con thầy, thầy chỉ là một đứa con trai. Về phía họ, họ có nhiều con.
Và chú và thím thầy trả đũa theo cùng một giọng, “Bà có tài sản ư ? Chúng ở đâu thế ? Trước kia khi ông Mila Ngọn Cờ Trí Huệ còn sinh tiền, chúng tôi đã cho ông mượn mọi thứ, nhà cửa, ruộng đất, vàng, ngọc, trâu bò,(1) ngựa cừu. Vào lúc chết ông đã hoàn lại những tài sản ấy cho sở hữu chủ của chúng. Bà có mảnh mún vàng nào đâu ? Một gam bơ nào đâu ? Một bộ quần áo nào đâu ? Một mẩu lụa nào đâu ? Chúng tôi chưa từng thấy một móng chân gia súc. Ai đã viết tờ di chúc đó ? Chúng tôi đã có lòng tốt nuôi nấng các người khi các người mồ côi và cơ cực, bằng không các người đã chết đói. Câu tục ngữ, “Nếu vừa có quyền, người tham lam còn đong luôn cả nước sông” quả là đúng với bà !”
Nói xong, ông chú sụt sịt, hỷ mũi, đứng nhanh dậy, búng ngón tay, giũ áo, dậm chân và nói, “Đủ quá rồi, dầu gì thì cái nhà này cũng là của tôi. Cút đi, thứ mẹ góa con côi bạc nghĩa !” Nói xong ông bạt tai mẹ thầy và đánh anh em thầy bằng ống tay áo.(2)
Bấy giờ mẹ tôi kêu lên, “Bố Mila Ngọn Cờ Trí Huệ ơi, hãy xem số phận gia đình ông. Ông đã nói ông sẽ trông chừng cho chúng tôi ở dưới suối vàng. Hãy xem chúng tôi bây giờ đây này.” Rồi bà khóc, ngã xuống đất và lăn lộn trên đất. Những đứa nhỏ chẳng biết làm gì hơn là cũng khóc theo. Người anh của mẹ thầy không dám đánh trả vì chú thầy có nhiều con trai. Người trong làng vốn yêu quý mẹ con thầy họ thương xót và không ai không chảy nước mắt. Những người khác có mặt đều thở dài.
Chú và thím nói với thầy, “Mày đòi tài sản của mày nhưng mày đã có nhiều rồi. Tiệc đãi đằng cho mọi người mà không thèm ngó ngàng đến bia và thịt đã phung phí. Chúng tao không giàu đến vậy đâu. Mà dù chúng tao có, chúng tao cũng không cho tụi bây đâu, thứ mồ côi ! Nếu tụi bây đông, hãy đánh nhau với chúng tao. Còn nếu ít, hãy chơi bùa chú đi !” Nói xong họ bỏ đi. Sau đó bạn bè họ cũng về hết.
Mẹ thầy khóc không ngớt trong khi anh của bà, cha mẹ Zessay và bạn bè của gia đình thầy ở lại an ủi bà, “Chớ có than khóc nữa ; nước mắt không làm được gì cả. Hãy yêu cầu mỗi người đến dự tiệc đóng góp một cái gì, mỗi người ở đây sẽ cho những cái bà cần, ngay cả chú thím cũng phải đóng góp vào.”
Anh của mẹ thầy nói, “Hãy làm như họ nói và gởi thằng bé đi học một nghề gì đó. Rồi em và Peta có thể sống với anh và làm việc nơi đồng lúa của anh. Luôn luôn là tốt khi mình bận rộn với một công việc có ích. Dầu sao em phải làm một cái gì để không tỏ ra bất lực trước mặt chú và thím.” Mẹ thầy trả lời, “Mất hết tài sản, tôi không bao giờ đi xin một cái gì để nuôi các con tôi. Tôi sẽ không chấp nhận một miếng nhỏ tài sản của tôi từ tay chú thím. Bị chú thím bạc đãi, chúng tôi sẽ không chạy đến như những người đói khát ập đến những chỗ chẩn tế cô hồn.(3) Chúng tôi sẽ làm cho họ nhục nhã. Sau đó chính tôi sẽ trồng trọt trên ruộng đất của tôi.”
Trong vùng Tsa, làng Mithogekka, có một thầy huyền thuật nổi tiếng thuộc phái Nyingma, ông biết sự Thờ Cúng Tám Con Rồng.(4) Mẹ thầy gởi thầy đến đó để học đọc chữ. Lúc đó những bà con cho gia đình thầy mỗi người một vài thứ. Cha mẹ Zessay gởi cho thầy dầu và củi, và để an ủi thầy, thỉnh thoảng cho Zessay đến chỗ thầy đang học đọc. Cậu thầy nuôi mẹ và em thầy và như vậy họ khỏi phải đi xin ăn hay làm việc ở chỗ khác.
Bởi vì anh bà không chịu để cho mẹ thầy cực khổ, bà làm việc ở nhà, ngày này quay chỉ, ngày sau dệt vải. Bằng cách đó bà có một ít tiền và những nhu cầu tối thiểu cho ba mẹ con. Em thầy đi làm cho những người khác nhiều đến mức có thể để kiếm thức ăn và áo mặc. Nó cũng đến những cuộc chẩn tế để kiếm ăn thêm.
Chịu đựng nghèo đói, áo quần ba mẹ con tơi tả và tinh thần xuống thấp, chẳng biết gì là hạnh phúc.
Đạo sư nói như thế. Khi ngài nói những lời này tất cả thính chúng đều xúc động sâu xa, và với tấm lòng sầu não, họ thẫn thờ một lúc và chảy nước mắt. Đây là chương thứ hai, bộc lộ mức độ cao nhất của buồn đau của cuộc đời.