Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

BA CHỖ CON CÓ THỂ LẠC 
VÀ BỐN CHỖ CON CÓ THỂ MẤT 
TÁNH KHÔNG

Hơn nữa, vì con sẽõ lạc vào Ba Cõi nếu con bị ám ảnh bởi ba thứ lạc, sáng tỏ và vô niệm, thế nên chớ bám níu vào những ân điển này như là tối thượng, bất kể cái gì khởi lên, tốt hay xấu.

Nếu bạn bị hấp dẫn bởi ân điển lạc và bám nắm nó cho là thật, bạn sẽ tái sanh làm một vị trời trong cõi dục ; nếu với sáng tỏ, trong cõi sắc ; và nếu với vô niệm trần trụi, trong cõi vô sắc.

Một khi con đã xác quyết tánh Không nhờ quán chiếu rằng những sự vật vốn không phải một cũng không phải nhiều (chẳng hạn tâm và thân không phải hoàn toàn là một cũng không hẳn là khác), con có thể nghĩ rằng mọi sự bản chất trọn vẹn là không hay phủ định theo trí thức rằng mọi sự hoàn toàn là không và không có cái gì hiện hữu dù một cách quy ước. Nếu con lấy quan điểm này làm sự tham thiền, con lạc mất tánh Không về mặt thực tánh của nó. Bởi vì con có thể trở nên bác bỏ nhân quả, con phải từ bỏ những thiền định bám vào mọi sự hoàn toàn không và đặt nền trên một cái không do trí thức tạo ra như vậy. Hãy nhìn vào bản tánh của sự bám chấp hoàn toàn không này và không kiến lập một cách giả tạo bất cứ loại tưởng nào.

Nếu bạn nhìn vào bản tánh của tư tưởng bám chấp vào hoàn toàn không, nó sẽ tự động chìm lặng và tan biến ngay tại chỗ của nó như bất kỳ tư tưởng nào khác. Bản tánh của mọi tư tưởng, dầu vi tế như chấp không, chính là tánh tỉnh giác trong sáng, sống động.

Khi con không có quán chiếu rằng mọi sự là trống không – cả những vọng tưởng cần đoạn trừ cũng như đối thủ của chúng (tức là tánh Không), bấy giờ khi nhiều vọng tưởng hay tư tưởng xấu khởi lên trên dòng tâm thức, con có thể xem chúng như kẻ thù và nghĩ, “Chúng đang giết chết cơ hội giải thoát của ta.” Rồi con nghĩ, “Những cái này cần được hủy diệt bởi tánh Không”, con chấp cả hai thứ ấy là vật có thật cần phải đoạn trừ và cái có thật để giúp đỡ. Thiền định về tánh Không như thế này là lạc mất tánh Không do tạo ra cho nó một đối thủ. Hãy nhận biết bản tánh của chính tư tưởng bám chấp vào những vọng tưởng hay cái cần đoạn trừ và cái giúp đoạn trừ như là tách biệt trong bản chất, và hãy tự đặt con vào trong một trạng thái trong đó không có gì thật sự có để phủ nhận hay kiến lập.

Khi con không có quán chiếu rằng nền tảng (tức là bản tánh thường trụ của thực tại), con đường (hay tham thiền về bản tánh ấy) và quả (sự chứng ngộ Pháp Thân) cả ba đều Không (tự bản chất), con có thể nghĩ rằng tánh Không là con đường tối thượng để đạt Phật quả. Con có thể nghĩ rằng nếu con hiểu tánh Không, đó là con đường tối thượng và ngoài nó ra, mọi con đường khác của Phật giáo đều thấp kém. Không nghĩ những con đường khác này thuộc về những phương tiện được đức Phật dạy là lạc mất tánh Không với tư cách nó là một con đường. Hãy nhận ra bản tánh của chính tư tưởng bị tánh Không ám ảnh và bám chấp vào nó như con đường tối thượng. Do nhìn thẳng vào nó như vậy con sẽ thấu hiểu rằng mọi sự là Không (nền tảng, con đường, cũng như quả) và rằng trong tánh Không không có tối thượng hay thấp, không có cái gì để đoạn trừ hay giúp đỡ.

Chỗ tiếp theo bạn có thể lạc mất tánh Không là khi làm những thực hành giai đoạn phát triển của tantra làm tan biến mọi sự vào tánh Không với một thần chú trước khi quán tưởng một hóa thần thiền định.

Nếu con không có kinh nghiệm vững chắc về tánh Không, con có thể tưởng tượng một hình ảnh về nó do trí thức tạo dựng hay thần chú của nó tản ra trên mọi sự (như thể đó là một vật). Rồi vì con nghĩ riêng rằng mọi vật là tánh Không này hay không có cái gì có thể được kiến lập một cách quy ước bởi vì mọi sự là không, con có thể bác bỏ nghiệp báo nhân quả, nghĩ rằng, “Những thiện hạnh có thể đem lại gì khi chúng chỉ là những hiện tượng hữu vi.” Đây là lạc mất tánh Không do tản nó ra như thể nó là một vật. Hãy nhìn vào chính tư tưởng “Đây là tánh Không” và một khi con đã nhận ra bản tánh của nó, hãy tự đặt mình nhất tâm vào bản tánh trống không thực sự của bản thân tánh Không và không có những tư tưởng ý niệm.

Đây là những ý niệm được tạo tác một cách trí thức về tánh Không, tuy nhiên, không phải là hoàn toàn sai trong mọi trường hợp. Nếu người mới học không tham thiền với những diễn đạt trí thức, họ sẽ không thể có được quán chiếu về tánh Không dù họ có được dạy nó từ ban đầu. Nhưng do quen với ý niệm tánh Không, cuối cùng họ sẽ có được một quán chiếu không ý niệm, không cố gắng vào tánh Không. Bởi thế dù tham thiền về một tánh Không được tạo tác một cách trí thức thì sự việc ấy vẫn được cho phép. Tuy nhiên, cuối cùng một cái hiểu theo ý niệm như vậy phải được từ bỏ vì nó có thể là một cơ hội cho sự lạc mất Đại Ấn.

Một người mới học ám chỉ người chưa hoàn thành con đường thấy và tri giác vô niệm trần trụi về tánh Không, nói cách khác, một con người chưa vào bậc Thánh. Nếu có người đã tích tập một số công đức khổng lồ trong những đời trước, người ấy có thể nhảy thẳng vào và có được tri giác trần trụi tức thời khi tham thiền. Điều này hiếm hoi. Tiến trình thông thường hơn là như sau.

Trước tiên bạn phát triển một cái hiểu giả định về tánh Không dựa trên sự nghe một giải thích đúng. Giả định là đi đến một kết luận đúng cho một lý luận đúng hay thậm chí sai nhưng bạn không hiểu kết luận đó. Guru của bạn dạy bạn về tánh Không và dù cho bạn không thật sự hiểu điều ngài dạy, bạn lập lại lời ngài và có một ý niệm về tánh Không căn cứ trên điều được nghe.

Tiếp theo, bằng cách không ngừng suy nghĩ và phân tích một cách hợp lý điều ngài nói, bạn có được một cái hiểu do suy luận vững chắc về tánh Không căn cứ trên tiến trình trí thức, ý niệm của lý luận hợp lý. Lập đi lập lại tiến trình lý luận này và tập trung vào tánh Không bằng cách hòa lẫn cái hiểu thật sự về tánh Không với một cái hiểu ý niệm hỗ trợ, như một hình ảnh tâm thức về hư không, để bạn có một đối tượng sẵn sàng thuận lợi hơn cho sự tập trung vào tánh Không, cuối cùng bạn sẽ thành tựu cái tri giác vô niệm, trần trụi về nó. Điều này xảy ra không phải bởi một cái nhảy huyền bí của đức tin, mà nhờ luật nhân quả như kết quả của sự tích tập công đức. Bởi thế một hình ảnh tâm thức về tánh Không như một hình ảnh về hư không và một cái hiểu ý niệm đặt nền trên lý luận là những hỗ trợ cần thiết cho sự chứng ngộ trọn vẹn tánh Không. Nhưng cuối cùng chúng phải được từ bỏ, vì chúng có khuynh hướng làm cho tánh Không thành một “vật” và có thể là một chỗ làm lạc mất nó khi mở rộng hình ảnh được tạo dựng một cách trí thức như vậy như thể nó là một vật.

Đấy là bốn chỗ con có thể lạc mất tánh Không. Bởi vì chúng là những can thiệp gây nhiễu (cho tham thiền Đại Ấn đích thực), con phải không lầm lẫn cái cần từ bỏ và cái cần thâu nhận theo những lời dạy này. Rồi trong trạng thái này, không có bất kỳ cái hiểu giả định nào, hãy chú tâm không giả tạo trên bất cứ cái gì khởi lên. Chớ lạc khỏi cái bây giờ và ở đây. Phải mẫn cảm, lưu thông mà không giữ thân trong một tư thế cứng ngắt hay giữ hơi thở v.v...

Những phương pháp này, như được tìm thấy trong “Sáu Yoga của Naropa”, là ích lợi để thành tựu cái quán chiếu Đại Ấn, nhưng một khi thành tựu rồi thì không cần đến nữa.

Bất kỳ tư tưởng nào khởi lên – tốt, xấu hay trung tính – chớ ngăn chặn chúng hay thiết lập chúng, chớ bỏ hay lấy. Bất cứ cái gì khởi lên, chớ theo nó, mà hơn nữa đặt chú ý của con vào nó mà không nắm bắt. Đây là điểm thứ ba để nâng cấp thực hành.

Xem mục lục