Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

Kết luận


Nếu phải nêu ra điểm thiết yếu nhất trong bài giảng này, hẳn tôi sẽ nói rằng: Nếu sự hiểu biết về Tứ diệu đế của bạn hình thành từ các quán chiếu sâu sắc như đã nói trên, thì bạn sẽ có một sự kính ngưỡng sâu xa đối với Chánh pháp, vốn là đối tượng chân thật của sự quy y, và bạn cũng sẽ phát triển lòng tin vào khả năng vận dụng Chánh pháp ngay trong bản thân mình. Trên cơ sở của một lòng tin như vậy, bạn sẽ có thể phát triển tín tâm chân thật đối với đức Phật, bậc thầy đã chỉ ra cho bạn con đường tu tập, và bạn cũng sẽ có một lòng tôn kính sâu xa đối với chúng Tăng, những người đồng hành tinh thần trên con đường này.

Nếu sự hiểu biết của bạn về Tam bảo được dựa trên một chứng ngộ thâm sâu về Tứ diệu đế như đã nói trên, thì mỗi khi bạn nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng, Tam bảo sẽ hiện đến với bạn thật sống động, với sự sáng tươi mới mẻ. Đây chính là ý nghĩa của việc thực hành quy y Tam bảo.

Trong thực tế, để tóm gọn một cách chính xác và rõ ràng hơn nữa, có thể nói rằng toàn bộ những gì tôi đã giảng giải ở đây chính là để chỉ rõ ý nghĩa của việc quy y Tam bảo.

Mặc dù sự thực hành của riêng tôi là rất kém cỏi, quả thật rất kém cỏi, và mặc dù tôi có trì chú cũng như quán tưởng một số mạn-đà-la (maṇḍala), nhưng trọng tâm chính trong sự tu tập hằng ngày của tôi vẫn là Tứ diệu đế và tâm Bồ-đề. Tôi cảm nhận rằng hai pháp tu này là thực sự mang lại lợi ích thiết thực. Đôi khi tôi nghĩ rằng việc quán tưởng các vị Thánh hộ trì có thể gần như là một cách tự lừa dối. Trong quan điểm của tôi, chúng ta nhất thiết phải theo đuổi việc thực hành theo trình tự từng bước một, với sự kiên nhẫn và quyết tâm. Nếu bạn thực hành theo cách này thì sau một năm hay mười năm, bạn sẽ nhận ra được ít nhất là một sự hoàn thiện nào đó trong bản thân. Và khi bạn thấy được như vậy, điều đó sẽ mang lại một sự khích lệ mới để tiếp tục. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận biết rằng sự thay đổi thật không dễ dàng chút nào.

Giờ đây bạn đã đọc qua những lời dạy về Tứ diệu đế, Nếu bạn tự xem mình là một Phật tử thì xin hãy thực hành những lời dạy này. Những lời dạy này không nên chỉ dừng lại ở mức độ tri thức. Thực hành và giáo lý phải gắn liền với cuộc sống chúng ta. Dĩ nhiên, điều này cũng đúng với những người thực hành và tín đồ của các tín ngưỡng khác, như là Thiên chúa giáo, Hồi giáo hay Do Thái giáo; dù với bất cứ niềm tin nào, nếu bạn chấp nhận niềm tin đó thì nó phải trở thành một phần trong cuộc sống của bạn. Chỉ đi lễ nhà thờ vào Chủ nhật và chắp tay cầu nguyện trong chốc lát thì vẫn là chưa đủ, nếu như trong khoảng thời gian còn lại cách ứng xử của bạn vẫn không có gì thay đổi. Cho dù bạn có tự thân đi đến nhà thờ hay không, tôi nghĩ rằng giáo lý tôn giáo của bạn phải luôn nằm trong trái tim bạn. Điều đó rất quan trọng. Chỉ khi đó bạn mới có được một thể nghiệm về giá trị chân thật của nó, nếu không thì đó chỉ đơn giản là một phần kiến thức trong đầu bạn, và khi bạn đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống thì điều đó sẽ không giúp ích được gì.

Một khi giáo pháp đã gắn liền với cuộc sống của bạn, bất cứ lúc nào bạn gặp phải khó khăn thật sự thì sự thực hành giáo pháp sẽ cho bạn một nội lực. Cũng thế, khi bạn già yếu, hay mắc phải một căn bệnh nan y, và khi cái chết cuối cùng tìm đến, thì sự tu tập của bạn sẽ thực sự mang lại cho bạn một nội tâm vững chãi, an ổn. Xét cho cùng thì cái chết là một phần của sự sống; nó không có gì lạ cả; sớm muộn gì tất cả chúng ta đều cũng phải trải qua. Lúc đó, cho dù còn có kiếp sau hay không thì sự bình thản của tâm hồn vẫn là rất quan trọng. Làm thế nào để có được sự bình tâm trong một thời khắc quan trọng như thế? Điều đó chỉ có thể đạt được nếu ta có được những kinh nghiệm tự thân mang lại cho ta nội lực, vì không ai khác có thể cho ta sức mạnh này – không thần thánh nào, không bậc thầy nào, và cũng không bạn bè nào hết! Đây là lý do tại sao đức Phật dạy rằng bạn phải là bậc thầy của chính mình.

Xem mục lục