Một mạn đà la được nói là cực kỳ sâu xa bởi vì thiền định về nó được dùng như một đối trị, nhanh chóng nhổ dứt những ngăn che với giải thoát và những ngăn che với toàn giác cũng như những tập khí tiềm ẩn của chúng. Khó khăn cho những ai trí năng kém có thể thâm nhập ý nghĩa của nó.
Có một khác biệt giữa sự đi vào một mạn đà la và nhận lễ nhập môn quán đảnh. Để chỉ đi vào một mạn đà la thì cần đủ niềm tin ; không cần phải phát khởi tâm vị tha của giác ngộ (tâm Bồ đề). Cũng thế, người ta đi vào một mạn đà la và nhận quán đảnh mà không phải đã trọn vẹn phát tâm Bồ đề, nhưng với người tu hành hai giai đoạn của Tantra Yoga Tối Thượng thì phải làm như thế.
Trong thời trước, sự đi vào một mạn đà la và nhận quán đảnh nhập môn được sử dụng rất thận trọng, phân biệt giữa hai cái, nhưng ngày nay người Tây Tạng có chiều hướng nhập môn cho bất cứ ai. Vajradhara nêu lên một hệ thống đầy đủ với những cấp bậc khác nhau – người chỉ có thể vào một mạn đà la, người cũng có thể nhận những quán đảnh nước và tô điểm cái đầu… Khi làm một cách có hệ thống, vị lama trước khi ban cho quán đảnh, phân tích người đệ tử để xác định xem người ấy có thể đi vào trong ba sự tu hành (giới, định, huệ) và giữ được những lời nguyện hay không. Vị ấy cho phép những người không có phẩm chất nhưng có niềm tin lớn lao vào trong một mạn đà la nhưng không chấp nhận quán đảnh. Những hạn chế có hệ thống này khi được tuân theo sẽ làm cho sự quán đảnh nhập môn có hiệu quả và thực tiễn, chúng thường không được tuân theo trong thời nay, gây ra rắc rối cho cả vị lama và người nhập môn.
Có một câu chuyện về Drukpakunlek đang đi thăm một vùng nơi mà một lama đang làm lễ quán đảnh. Khi vị lama ra đi, mọi người ở đó đều đứng dậy và lễ bái, nhưng Drukpakunlek thì không. Vị lama hỏi đùa sao ông làm thế. ‘Khi tôi ra đi, những người khác lễ bái. Tại sao ông bày tỏ thái độ không tốt này ?’ Drukpakunlek trả lời bằng cách hỏi, ‘Có phải ngài đang ban cho nhiều nhập môn quán đảnh ? Có phải ngài đang làm cho nhiều người bị rớt khỏi những lời nguyện và cam kết của họ ? Có phải ngài mở ra cánh cửa địa ngục cho nhiều người ?’
Nếu bạn có thể nghĩ về ý nghĩa của sanh tử luân hồi nói chung và đời người nói riêng, bấy giờ bạn có thể điều phục tâm thức qua thực hành tôn giáo, là tiến trình trở nên an bình và thoát khỏi lo âu. Ngoài ra, nếu quá nhấn mạnh vào sự khổ đau của những địa ngục và hiểm họa của cái chết, thì có nguy cơ rơi vào sự sợ hãi làm tê liệt. Có một câu chuyện ở Tây Tạng về một vị trụ trì một ngôi chùa ra đi thuyết pháp. Một người bạn hỏi người hầu của vị trụ trì ngài đi đâu, và người hầu đáp, ‘Ngài đã ra đi đe dọa đàn ông và đàn bà già cả.’ Nếu bạn đáp ứng giá trị của một đời người qua việc đi vào thực hành tôn giáo, thì không có gì phải bận tâm về cái chết.
Ban đầu, bạn quy y Tam Bảo từ trong sâu thẳm của lòng mình, rồi phát lời thệ nguyện tự giải thoát, và sau đó phát sanh tâm nguyện vọng và thực hành của giác ngộ. Bấy giờ, khi bạn đến một giai đoạn thích hợp để nghe về tantra, bạn sẽ nhận những lời dạy trong Hai Mươi Bài Kệ về Bồ tát Nguyện và Năm Mươi Bài Kệ về Guru của Ashvaghosha (Mã Minh). Bấy giờ bạn có thể nhận quán đảnh nhập môn.
Tu sĩ Phật giáo, Tenzin Gyatso
Phật lịch 2518, dương lịch 1974,
năm Con Cọp Lửa, theo Tây Tạng.