Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Ai cũng có kinh nghiệm yêu người, ghét người, và cũng đều hiểu rõ thế nào là ái tình, thế nào là thù hận.

Nếu anh là người ít kinh nghiệm, thì hãy xem tiểu thuyết hay các phim truyền hình. Nội dung của các tiểu thuyết và phim truyền hình, nói chung cũng không vượt ngoài phạm vi yêu, ghét, tình, thù.

1. Trong Nhân Gian, Đâu Đâu Cũng Có Yêu Ghét Tình Thù

Xem phim truyền hình và tiểu thuyết, chúng ta biết được nhiều chuyện kỳ lạ trên đời. Chúng thực ra không có gì là đặc biệt, mà chỉ là những bức ảnh thu nhỏ lại của đời sống thực tế. Những câu chuyện trong tiểu thuyết, trong kịch truyền hình đều có thể xảy ra trong cuộc sống hiện thực, và hàng ngày đều có thể xảy ra.

Cách đây vài ngày tôi có nhận được thư một nữ độc giả ở miền Nam. Đó là một cô gái tuổi còn trẻ, câu chuyện của cô ta kể lại trong bức thư có đủ tính kỳ lạ và bi kịch để viết thành một thiên tiểu thuyết.

Cô ta, sau khi tốt nghiệp trường Cao Trung ở miền Nam, bèn lên Đài Bắc học đại học, sau yêu một sinh viên đồng học, và mặc dù gia đình phản đối, hai người vẫn lấy nhau và sống 3 năm rất hạnh phúc.

Cha của cô gái là lái xe cho một công ty vận tải hàng. Một ngày, ông ta chở hàng từ miền Nam lên Đài Bắc. Dọc đường, xe ông cán chết một người đi đường. Người đó chính là con rể của ông ta. Thực là một ngẫu nhiên bất hạnh, không thể nói xiết được.

Cô gái, với người con 3 tuổi, không có cách gì sống được ở Đài Bắc, chỉ có thể trở về miền Nam sống với cha mẹ. Hàng ngày gặp người lái xe đã cán chết chồng mình, mà người đó lại chính là cha mình, mâu thuẫn trong nội tâm cô ta thật là đau đớn.

Còn người cha thì hằng ngày gặp con gái mình, rất lấy làm đau lòng nhưng không làm sao được. Làm sao ông biết được người rể của ông trên đường ông đang chạy xe, và bị xe ông cán chết?
Trong thư, người con gái hỏi tôi: “Đó là do nhân duyên gì?”

Tôi không trả lời được. Làm sao có một tình tiết kiểu “điện ảnh” như vậy xảy ra trong đời sống hiện thực? Có đấy, tôi có đọc một truyện gián điệp rất có ý nghĩa như sau: “Đầu cuộc thế giới đại chiến lần thứ nhất, có một gián điệp người Đức tên là Karl đến Pháp làm tình báo, bị Pháp bắt được và giam lại, rồi lấy danh nghĩa của Karl cung cấp tin tình báo giả cho Đức, sau đó lại thu thập tin tình báo của Đức gởi cho Karl.”

Ba năm sau, Karl được trả tự do. Bên Pháp thu được một khoản tiền lớn, là tiền lương hàng tháng của Karl. Không biết dùng làm gì, bèn mua một chiếc xe hơi đặt tên là Karl, để kỷ niệm việc dùng tên người này mà thu thập được nhiều tin tình báo quan trọng.

Một ngày năm 1919, chiếc xe hơi đó đang chạy trên đường thì cán chết một người. Mà người đó lại chính là Karl, một gián điệp lừng danh thế giới.”

Tôi đọc truyện ấy rất đỗi kinh ngạc. Sao trên đời này lại có những ngẫu hợp lạ lùng như vậy? Có đấy, nhất là những truyện liên quan đến ái tình và cừu hận.

Không có người nào, kể cả người rất giàu, dám nói với người khác: “Tôi hoàn toàn hiểu rõ ái tình” (hay là cừu hận).

Bởi vì ái tình cũng như cừu hận đều không thể tăng theo lũy tích được, lần này, anh nói bị thất bại trong luyến ái, và anh nghĩ rằng: “Lần sau, tôi sẽ khéo và thông minh hơn, tôi có thể yêu đương thành công hơn.” Nhưng, anh lại có thể thất bại lần nữa.

Luyến ái vĩnh viễn không có cách nào tích lũy kiến thức, Trí tuệ “cho anh đâu.

”Đối với cừu hận cũng vậy. Bởi vì, mỗi lần yêu đương hay hận thù đều có bộ mặt riêng của nó.

2. Mở Mang Trí Tuệ Trong Luyến Ái Và Hận Thù

Người học Phật nên giải quyết vấn đề luyến ái và hận thù như thế nào cho phải?

Cũng tức là trong luyến ái và hận thù, tìm sự giác ngộ như thế nào? Trong luyến ái và hận thù, mở mang Trí tuệ như thế nào? Làm thế nào gạt bỏ được bộ mặt bên ngoài của luyến ái và hận thù để thấy được bộ mặt thật ở bên trong!.

Trong kinh Phật có câu chuyện này:

Một ngày, Phật cùng với học trò đến một địa phương, thấy một số tín đồ đạo Bà la môn tập họp và tụng kinh xung quanh xác một người chết. Học trò hỏi Phật: “Họ tập họp xung quanh người chết như vậy để tụng kinh, thì có thể làm cho người chết tái sanh lên các cõi lành được không?”
Phật không trả lời mà hỏi lại học trò: “Nếu đem một hòn đá ném xuống giếng, rồi tập họp người xung quanh giếng tụng kinh cầu cho hòn đá nổi lên, thì hòn đá nó có nổi lên mặt nước không?"
Các học trò đều trả lời: “Hòn đá không thể nổi lên được.”

Phật lại hỏi: “Vì sao?”

Học trò trả lời: “Hòn đá vì bản chất nó không nổi lên được.”

Phật nói: “Điều này cũng giống như những người Bà la môn kia, khi họ tụng kinh xung quanh người chết vậy. Khi hành vi của bản thân một người quyết định mạng vận của người ấy sau khi chết rồi, thì người khác không có cách gì thay đổi được.”

Đọc câu chuyện này, tôi kinh sợ: Một người chết rồi lại dựa vào người khác để thay đổi mạng vận của mình! Hi vọng thật là mỏng manh xa vời, cũng như hòn đá chìm xuống giếng rồi, khiến nổi lên sao đặng. Nếu hiện nay, không ra sức nâng cao bản thân mình, thì có khác gì mạng vận của hòn đá bị ném xuống giếng!

Bài học của câu chuyện đó là:

1. Tự giác là điều trọng yếu nhất. Người khác có thể sám hối, hồi hướng, tụng kinh hộ cho mình, tuy cũng có công đức lớn nhưng vẫn là hạn chế.

2. Phật giáo có tính nhân gian rất mạnh. Nếu như ở đời này, thế gian này, anh không có cách nào tự giải thoát thì sau khi chết đi sẽ rất khó giải thoát; khi còn sống, không giải quyết được vấn đề thì sau khi chết đi, cũng sẽ không giải quyết được vấn đề.

3. Hành vi của người có thể quyết định tương lai của người đó, quyết định đời sống tiếp sau của người đó, quyết định bước chuyển của người đó trong luân hồi. Hành vi của con người có thể quyết định tất cả.

3. Suy Nghĩ Lại Hành Vi Và Nhân Sanh

Qua câu chuyện kể trên, mới thấy được “hành vi” của con người thực là trọng yếu.

Làm người mà có hành vi và ý nghĩ yêu thương và hận thù là chuyện rất tự nhiên. Một người không có yêu thương, cũng không có hận thù sẽ bị xem như là kỳ dị. Do yêu thương mà chúng ta có các hành vi này, hành vi khác kể cả từ bỏ sinh mạng, còn đối với người mình oán hận, thì thậm chí một trang giấy mình cũng không muốn bỏ ra.

Tuy rằng yêu thương, hận thù là chuyện rất tự nhiên, nhưng ban đêm, khi tinh thần vắng lặng, sáng suốt, chúng ta hãy suy nghĩ lại vấn đề ấy xem sao?

Yêu thương, hận thù có phải là bản chất của con người không?

Con người có thể hay không vượt lên trên những tình cảm đó để sống với một đời sống an tịnh?
Làm người, phải chăng cả đời đều phải quanh quẩn trong vòng yêu thương, hận thù hay sao?

Biết suy nghĩ như vậy, thì sẽ phản tỉnh và tìm ra được lối suy nghĩ mới.

Một người nếu sống đến tuổi 70, tức là đã sống qua 2 vạn, năm nghìn, năm trăm năm mươi ngày, cũng tức là 61 vạn 3 nghìn 2 trăm giờ, hay là 3.679 vạn 2 nghìn phút. Nếu tính thành khắc, thì sẽ là 22 ức, 752 vạn khắc (Khắc là giây (30 giây bằng một phút); 1 ức = 100 triệu. 22 ức = 2.200.000.000). Một thời gian dài như vậy dùng để làm gì?

Bạn tôi có một ví dụ rất hay. Hơn 2 vạn 5 nghìn ngày sinh mạng có thể ví với 2 vạn 5 nghìn đồng gởi ngân hàng, chỉ có điểm khác là ngân hàng sinh mạng quy định mỗi ngày chỉ được phép rút một số tiền nhất định để chi dùng mà thôi. Mỗi ngày chỉ được dùng một số tiền. Tự nhiên số tiền ấy rất có giá trị. Người rút tiền phải suy nghĩ, trong một ngày dùng số tiền đó như thế nào. Mỗi ngày trước khi ngủ, phải suy nghĩ xem số tiền đó trong ngày có được dùng vào những việc có ý nghĩa hay không; nếu đó hoàn toàn là những việc vô nghĩa thì số tiền đó xem như là đã hoang phí.

Mỗi ngày, một người làm việc bình thường tám tiếng, ngủ tám tiếng và nghỉ ngơi tám tiếng. Suốt ngày công tác rất là bận. Thu được tiền vào cũng có hạn. Để có số tiền thu vào, cũng phải rất gian khổ. Bởi vì ngoài công tác ra, còn có các vấn đề nhân sự phải xử lý, và trong xử lý, thế nào cũng có mâu thuẫn.

Trong công tác thường có những nỗi khổ lớn, mà đức Phật nói, tức là xa người mình mến: người mà anh ưa thích không phải là đồng sự của mình. Gần người mình ghét: người mình ghét, lại hàng ngày làm việc với mình. Cầu không được: mỗi tháng đều muốn tăng lương mà không được; hàng ngày trong công việc, gặp những thứ phiền muộn. Có thể nói trong số một trăm người làm việc ở thời buổi này, hết chín mươi người không làm việc được thoải mái.

Rất nhiều người đến gặp tôi và kể về hoàn cảnh công tác khó khăn củahọ. Có thể thấy vấn đề lớn của con người hiện đại là rất ít người hiểu rõ được ý nghĩa của nhân sinh quan trong công tác. Đặc biệt là những người thuộc lứa tuổi thành niên của chúng tôi, phải làm việc để nuôi sống gia đình, mỗi chiều tối đi làm việc về, vắt tay lên trán tự hỏi: Vì sao lại phải sống qua ngày như thế này?

Trong kinh Phật, có câu chuyện như sau:

Có con một nhà giàu, dùng đạn vàng để bắn chim. Mọi người đều choanh ta là ngu xuẩn. Vàng là cái quý báu nhất, lại đem bắn chim. Nếu bắn trúng thì còn được, nhưng đại bộ phận đạn bắn ra đều không trúng đích, bay đi đâu không ai biết.

Đức Phật mượn chuyện cổ tích “Đạn vàng bắn chim” để răn dạy chúng ta rằng, số đông người đều dùng sinh mạng rất quý báu để làm những việc không có ý nghĩa, không có lợi ích đối với bản thân.

Hàng ngày, vẫn có một số người sống như gã con nhà giàu trong truyện, lấy đạn vàng bắn chim sẻ. Dùng thời gian rất quý báu để đổi lấy đồng lương không có giá trị, hay chỉ có giá trị ít ỏi. Trong công tác lại không thấy có tiến bộ. Phải chăng đó là 8 giờ công tác bị lãng phí?

Còn 8 giờ ngủ?

Phần lớn 8 giờ ngủ là trải qua những giấc mơ, phản ứng lại những sự cố trong ngày. Những tình cảm bị ức chế trong ngày lại bộc phát kịch liệt trong giấc mơ ban đêm. Giấc mơ cũng đầy rẫy những chuyện đáng sợ, ít có giấc mơ tốt đẹp làm tăng trưởng Trí tuệ. Như vậy, 8 giờ ngủ ban đêm cũng là lãng phí.

Còn 8 giờ nghỉ ngơi còn lại thì sao?

Thông thường, đàn ông thì giao tiếp bạn bè, phụ nữ thì xem truyền hình, phần lớn số tiền kiếm được trong công tác gian khổ, đều đem chi dùngcho sự nghỉ ngơi. Trước ngày lập gia đình thì đại bộ phận thời gian nghỉ ngơi, đàn ông dành cho hẹn hò, uống cà phê, nói chuyện điện thoại. Sau khi kết hôn thì thời gian nghỉ ngơi lại dành để vợ chồng cãi nhau, to tiếng, thậm chí còn đánh nhau nữa. Đánh nhau rồi, lên giường, vợ chồng mỗi người nằm một góc giường, mỗi người theo đuổi dòng suy nghĩ riêng của mình. Thế là 8 giờ nghỉ ngơi trôi qua!

Tóm lại, 8 giờ công tác là 8 giờ theo đuổi dục vọng, 8 giờ nghỉ ngơi là 8 giờ thỏa mãn dục vọng, 8 giờ ngủ là 8 giờ mê mờ trong dục vọng.

Sống qua những ngày như vậy, thực là đáng sợ. Dù có tới 22 ức giây phút cũng là trôi qua mau chóng một cách hư vọng.

Những người sống như vậy là phàm phu. Trong chữ phàm có một điểm tâm 凡. Đó là cái tâm theo đuổi dục vọng. Nếu bỏ được cái tâm ấy đi, thì con người trở nên thanh tịnh

Cái tâm trong chữ phàm là cái tâm luyến ái và thù hận, là cái tâm khiến cho chúng ta lẩn quẩn ở trong thế gian này.

Xem mục lục