Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

8. Hồi Hướng Làm Cho Nhân Duyên Thanh Tịnh

Người có thái độ cảm ứng và học tập sẽ ít có vấn đề tình dục phải giải quyết. Tình dục của chúng ta thông thường nảy sinh từ những người có liên quan đến chúng ta: vợ, con, bè bạn, người quen, bạn đồng sự, những người này khiến chúng ta chấp trước, không được giải thoát. Chúng ta phải tỏ ra khiêm nhường đối với họ, phải cảm ơn họ, thì có thể đối trị được tình dục.

Còn có một phương pháp nữa để đối trị tình dục, đó là đem công đức của mình, sức mạnh trong sạch của mình hồi hướng cho đối tượng đang bị vướng mắc trong tình dục.

Đối tượng ấy có thể không phải là người, mà có thể là một cái chén, một đồ cổ. Có người sưu tập đồ cổ, chết rồi không vãng sanh được vì ham đồ cổ quá sau tái sanh lại trong gia đình cũ để giữ đồ cổ. Nhưng sau khi tái sanh lại quên rằng chính vì đồ cổ mà mình tái sanh lại ở đây, về sau lại đem bán hết những đồ cổ ấy đi.

Đối tượng của tình dục không phải chỉ là người mà là sự vật, nhân duyên.

Chúng ta phải có thái độ hồi hướng, đem công đức của chúng ta, sức mạnh thanh tịnh của chúng ta hồi hướng cho thế giới này, hồi hướng cho những người có nhân duyên hay không có nhân duyên đối với chúng ta. Làm như vậy chắc chắn có thể đối trị được sự ràng buộc của tình dục.

Có lần, nhà tôi bị nạn dán hoành hành. Tôi bèn đọc kinh, làm công đức, hồi hướng cho các con dán, cầu cho chúng được tái sanh với thân phận tốt đẹp hơn thân phận con dán.

Nếu ngày nào, anh cũng phải gặp người mà anh ghét, thì mỗi ngày hãy tụng một biến kinh Kim Cang và hồi hướng công đức tụng kinh cho anh ta, tự khắc sẽ thấy quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn.

Hồi hướng có thể khiến cho ác duyên trở thành thiện duyên, khiến nhân duyên ràng buộc biến thành nhân duyên sáng suốt tốt lành.

9. Hoan Hỷ Sống, Tùy Tục, Tùy Duyên

Có câu chuyện sau đây về Thiền sư Hoàng Bích. Khi Thiền sư còn là đệ tử một vị Hòa thượng trụ trì một ngôi chùa, thì có Đường Tuyên Tôn, lúc bấy giờ chưa lên ngôi vua, chạy loạn đến ngôi chùa, trong khi Thiền sư Hoàng Bích ngồi tham Thiền. Một ngày, Đường Tuyên Tôn thấy Thiền sư Hoàng Bích đang lễ Phật, bèn hỏi: “Người cầu đạo không được chấp trước ở Phật, Pháp, Tăng, sao sư còn lễ bái?” Thiền sư Hoàng Bích trả lời: “Tôi không có chấp trước ở Phật, Pháp, Tăng. Tôi chỉ tùy tục mà thôi.” Sự lễ bái của Thiền sư Hoàng Bích không nhằm một đối tượng cụ thể mà là nhằm khai phát nội tâm, chỉ là tùy tục, không có mong cầu, không có nhiễm trước, không có tham trước, chấp trước và hoàn toàn thanh tịnh.

Chúng ta đối với tình dục trong cuộc sống, cũng phải tùy tục, tùy duyên.

Yêu thương cha mẹ, vợ, con bạn bè mình, đều không có mong cầu riêng. Yêu thương cha mẹ không phải là vì cha mẹ có tiền, dù cha mẹ có nghèo không đồng xu dính túi, cũng yêu thương cha mẹ. Yêu vợ không phải vì được vợ nấu cơm, quét dọn nhà cửa, giặt dũ quần áo mà là vì nhân duyên vợ chồng, yêu thương con cái cũng không có mong cầu riêng, để cho chúng nó sau này lớn sẽ nuôi dưỡng mình, mà cũng là tùy tục, tùy duyên mà thôi.

Có lần con tôi hỏi: “Này ba, khi ba già rồi, con không muốn ở cùng với ba nữa, vì người già rất khó tính. Nhưng tháng nào, con cũng gởi tiền cho ba.” Tôi bèn nói: “Ngày mai, con phải dọn ở một nơi khác, vì con quá nhỏ tuổi, hay gây phiền phức, nhưng ba sẽ gởi tiền cho con.” Con tôi rất hổ thẹn, nói: “Thưa ba, con xin lỗi ba, khi ba già con sẽ ở với ba.”

Chúng ta săn sóc con cái, không phải để sau này, chúng phụng dưỡng chúng ta. Chúng ta có bạn bè, cũng không phải vì bạn bè cho chúng ta nhiều lợi ích. Chúng ta trong quan hệ bạn bè cũng không có mong cầu riêng gì hết.

10. Bố Thí Mà Không Chấp Ngã

Học Phật cũng phải như vậy. Niệm Phật mà không cầu mong gì thì mới được thanh tịnh. Lễ Phật mà không cầu mong gì thì thân tâm mới nhu hòa. Trì chú cũng chỉ cầu mong cho sức mạnh của chú sẽ đem lại lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta chỉ nghĩ đến giúp người, giúp chúng sanh, không có chấp ngã.

Khi có cơ hội bố thí, thì đừng có chấp ngã.

Có lần tôi đến thăm hội “Từ tế công đức”, thấy có hàng trăm người tình nguyện hàng ngày đến phục vụ ở bệnh viện của hội. Tôi hỏi những người ấy rằng: “Sức mạnh gì thúc đẩy các anh đến làm việc ở đây?” Một người trả lời: “Người phục vụ bệnh nhân hạnh phúc hơn bệnh nhân.”

Đúng vậy! Họ phục vụ bệnh nhân, bởi vì họ là người có sức khỏe. Đó thực là hạnh phúc vậy.

Tôi lại hỏi Pháp sư Chứng Nghiêm, là người sáng lập ra hội Từ tế: “Bà hàng ngày cứu giúp những người bệnh nghèo, hàng ngày chứng kiến những cảnh bi thảm. Bà có thấy gian khổ hay không?.”
Bà nói: “Người ham thích leo núi, đường leo núi gian khổ, nhưng trong tâm không thấy là khổ, chỉ có người không ham thích leo núi mới thấy leo núi là rất khổ.”

Lời của Pháp sư Chứng Nghiêm làm tôi rất cảm động, một người có thể hoàn toàn quên mình thì không thấy khổ. Pháp sư Chứng Nghiêm là người có bệnh, mắc bệnh tim nặng, ngày nào cũng uống thuốc, tiêm thuốc rất là gian khổ, nhưng bà lại không thấy khổ, vì bà luôn nghĩ tới người khác.

Tôi thường khuyên những người thất tình rằng: “Trên thế giới, những người thất tình đều khổ như anh. Nghĩ tới nỗi đau khổ của người khác thì anh cũng giảm bớt đau khổ.”

Nếu biết nghĩ tới mặt tốt của sự việc, nghĩ tới người khác và bỏ chấp ngã thì sẽ không còn thống khổ.

Làm thế nào để đoạn trừ chấp trước, giải thoát khỏi sự ràng buộc. Hãy đừng có mong cầu gì hết! Đối với chúng sanh, không có mong cầu. Đối với Phật cũng không có mong cầu.

Không có mong cầu là thái độ có lợi đối với bản thân. Có người đốt hương cúng dường Phật, Bồ tát. Tôi nói với họ: “Phật và Bồ tát không cần các anh thắp hương cúng dường, bởi vì là Phật là Bồ tát. Các anh thắp hương là để cho tâm mình thanh tịnh, là để có lợi ích cho bản thân các anh. Đối với Phật không có mong cầu, đối với chúng sanh cũng không có mong cầu, đừng có hy vọng chúng sanh cho mình cái gì cả.”

Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta rằng: “Phải tùy thuận chúng sanh, phải tùy theo nhân duyên của chúng sanh mà chuyển hóa, mà không có yêu cầu gì đối với chúng sanh, không phải lên lớp cho chúng sanh mà lên lớp cho bản thân mình; bởi vì mình cũng là chúng sanh.”

Tôi có một người bạn mới học Phật, có lần anh đến tìm tôi, với giọng nói rất kích động: “Chúng ta không thể hằng ngày cứ ngồi trong nhà niệm Phật mà phải đi ra ngoài cứu độ chúng sanh.” Tôi trả lời: “Đúng là chúng ta phải cứu độ chúng sanh. Nhưng trước tiên phải cứu độ chúng sanh ở trong cái nhà này đã.” Anh bạn tôi ngạc nhiên hỏi: “Trong nhà này có chúng sanh ư?” Tôi nói với anh ta rằng anh ta và tôi đều là chúng sanh.

Khi chúng ta nói cứu độ chúng sanh, thường thường chúng ta quên chúng ta là chúng sanh, vì chúng ta tự cho mình là ở trên chúng sanh. Thực ra, chúng ta cũng là chúng sanh; chúng sanh cũng là Bồ tát. Chúng ta chỉ là nhân duyên di động giữa chúng sanh và Bồ tát mà thôi!.

Xem mục lục