Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

TỐT VÀ XẤU

    Đến một lúc nào đó thì người ta sẽ ý thức được rằng ngoài những thứ như

sinh ra, lớn lên, sức khỏe, niềm vui, thành tựu,… còn có sự mất mát, già nua,

bệnh tật, buồn phiền, thất bại,... Thông thường thì những thứ này được cho là

“tốt” và những thứ kia là “xấu”, thứ này là trật tự và thứ kia là vô trật tự. Ý nghĩa

của đời sống con người thường có quan hệ với những gì họ cho là “tốt”, nhưng

cái “tốt” lại luôn bị đe dọa bởi sự sụp đổ, hư hỏng, vô trật tự, đe dọa bởi sự vô

nghĩa và bởi cái mà bạn cho là “xấu”, khi bạn không có một giải thích thỏa đáng

và đời sống không còn ý nghĩa gì nữa. Chẳng sớm thì muộn, hỗn loạn sẽ đi vào

đời sống của mỗi người dù họ có muốn ngăn ngừa chúng như thế nào chăng nữa.

Hỗn loạn sẽ đến dưới hình thức mất mát, tai ương, bất lực, già yếu, chết chóc,

bệnh tật. Tuy nhiên, khi một người bị hỗn loạn và mất trật tự tấn công vào đời

sống kéo theo sự sụp đổ của một “ý nghĩa” nào đó, có thể đấy là lúc cánh cửa

Hiện hữu đang mở ra để mời họ đi vào một trật tự cao cấp hơn.

  Theo Kinh Thánh thì: “Điều thông thái của thế gian là một cái gì rất ngu xuẩn

đối với Thượng Đế”. Điều thông thái của thế gian là gì? Là dòng suy nghĩ miên

man, là ý nghĩa của mọi thứ do suy nghĩ miên man của bạn mà ra.

    Suy nghĩ thường tách rời một sự kiện hay tình huống và cho đó là một điều

tốt hay điều xấu, như thể sự kiện đó có thể tồn tại riêng rẽ, độc lập với mọi thứ

chung quanh. Khi bạn quá chú trọng vào suy nghĩ, thực tại sẽ bị phân làm nhiều

mảnh. Sự phân mảnh này chỉ là một ảo tưởng, nhưng khi bạn mắc kẹt vào đó, thì

ảo tưởng ấy lại có vẻ rất thật. Trong thực tế, vũ trụ là một tổng thể không thể

phân chia, trong đó mọi thứ liên quan mật thiết với nhau và không gì có thể nằm

riêng ra được.

   Sự liên quan sâu sắc của mọi sự, mọi vật hàm nghĩa là tấm nhãn “tốt” và

“xấu” rốt cuộc chỉ là một ảo tưởng. Chúng luôn luôn đề cập đến một cách nhìn

giới hạn vì thế mà chỉ đúng một cách tương đối và tạm thời. Điều này được minh

chứng trong câu chuyện về người đàn ông thông thái trúng số được một chiếc xe.

Gia đình và bạn bè tụm đến chúc mừng ông: “Ồ, ông quả là người rất may mắn”.

Ông mỉm cười trả lời: “Có lẽ thế”. Trong mấy tuần đó, ông rất vui vẻ lái chiếc xe

mới của mình. Một ngày kia có tay say rượu đụng vào xe ông ở trên xa lộ và ông

phải vào bệnh viện vì bị thương ở nhiều chỗ. Gia đình và bạn bè chạy đến bảo:

“Ông quả là không may!”. Ông lại mỉm cười, nói: “Có lẽ thế”. Khi ông đang nằm

ở bệnh viện, có cơn mưa lớn đổ xuống, đất núi tuột vào ban đêm cuốn theo nhà

của ông trôi xuống biển. Bạn bè và gia đình lại chạy đến: “Vậy ông cũng không

may mắn lắm khi ở bệnh viện?”. Ông lại đáp: “Có lẽ thế”.

   Câu nói “Có lẽ thế” của người đàn ông thông thái nói lên thái độ từ chối bình

phẩm bất cứ việc gì đang xảy ra. Thay vì bình phẩm tình huống đó, ông chấp

nhận và hòa nhập một cách có ý thức với một trật tự cao cấp hơn. Ông biết rằng

thường thì trí năng của ông không thể nào hiểu được một sự kiện có vẻ như ngẫu

nhiên nhưng lại có vị trí hay mục đích nào đó trong bức tranh chung của cái toàn

thể. Thực ra không có sự kiện nào là ngẫu nhiên, cũng như không có sự vật, sự

kiện nào là có thể tồn tại một cách riêng rẽ. Những nguyên tử làm nên hình hài ta

cũng đã từng được trui luyện trong các tinh tú và nguyên nhân của một sự kiện

thậm chí là nhỏ nhất cũng được xác định rõ ràng và liên kết với cái toàn thể theo

một cách mà ta không thể hiểu được. Nếu muốn truy tìm nguyên nhân của bất cứ

sự kiện nào, bạn phải lần lại phút khởi đầu của vũ trụ khi nó được sáng tạo. Vũ

trụ không phải là sự hỗn loạn. Chính bản thân chữ “vũ trụ” có nguyên nghĩa là

trật tự. Nhưng đây không phải là thứ trật tự mà trí năng ta có thể hiểu được dù

thỉnh thoảng ta có thể hé thấy được nó.

Xem mục lục