Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

HÃY ĐỂ CHO BẢN NGÃ CỦA BẠN THU NHỎ LẠI

    Bản ngã ở trong bạn luôn cảnh giác chống lại bất cứ điều gì làm suy giảm sức

mạnh của nó. Trong bạn có một cơ cấu tự động phục hồi lại sự nguyên vẹn kích

thước của bản ngã khi nó cảm thấy đang bị đe dọa hoặc suy giảm. Khi một ai đó

chỉ trích hay phê bình về cái “Tôi” ở trong bạn, lập tức bản ngã của bạn sẽ cố

gắng tự phục hồi lại cảm nhận về chính mình bằng cách công kích, biện minh,

trách móc hay bảo vệ cho nó. Bản ngã không hề quan tâm đến chuyện người

khác đúng hay sai, mà nó chỉ quan tâm đến việc tự bảo vệ cho chính nó. Đó là

bảo vệ cho một hình ảnh về một nhân cách, về một cái "Tôi" có tính tâm lý ở

trong bạn. Ngay cả điều bình thường như khi bạn phản ứng, lên tiếng đáp trả

người gọi bạn là "thứ đồ ngu", thì hành động đó cũng là biểu hiện của cơ chế tự

bảo vệ mà bản ngã thường làm một cách tự động, máy móc ngoài sự kiểm soát

của ý thức bạn. Một trong những cơ cấu phục tự hồi của bản ngã phổ biến nhất

là thái độ giận dữ, nó gây ra sự thổi phồng tức thời nhưng rất mạnh mẽ ở bản

ngã. Tất cả các cơ cấu tự phục hồi của bản ngã tạo ra cảm giác rất thích thú đối

với bản ngã, đồng thời tạo ra sự tha hóa cho chính bạn. Thái độ bạo hành đối với

người khác và tự lừa dối chính mình dưới dạng những hoang tưởng trầm trọng là

những thứ tạo ra sự tha hóa rất tai hại cho bạn.

    Một cách rất hiệu quả để thực tập nhằm làm suy giảm bản ngã ở trong bạn là

tạo điều kiện cho sự suy giảm đó xảy ra một cách có ý thức, và bạn sẽ không cố

gắng để khôi phục lại nó ngay sau đó. Bạn hãy thực tập như thế nhiều lần. Ví dụ,

khi có người nào đó phê bình, trách móc, hay đặt điều nói xấu bạn, thì thay vì

phản ứng ngay với họ, hoặc trở nên co rúm, thu người lại, thì bạn không cần phải

làm gì cả. Cứ để cho bản ngã, cho cảm nhận về chính mình bị suy giảm như thế

một cách có ý thức, và bạn trở nên tỉnh táo và không phản ứng với những gì mà

bạn đang cảm thấy ở trong tận chiều sâu của lòng mình. Trong vài ngày như thế,

bản ngã của bạn sẽ cảm thấy bức bối và hầu như kích thước của nó bị co lại, trở

nên nhỏ hơn. Nhưng rồi dần dần bạn sẽ cảm thấy có một khoảng không gian rất

sống động và rộng thoáng ở trong lòng. Vì thực ra, bạn chẳng hề giảm sút gì cả

mà ngược lại, bạn đang được mở rộng ra, đang trở thành lớn hơn. Khi không còn

bảo vệ hay cố gắng làm mạnh những hình tướng, cái cảm nhận về tự thân do suy

nghĩ bạn tạo ra, thì bạn thực sự đi qua một quá trình mở rộng không gian bên

trong và cho phép an nhiên tự tại được thể hiện. Năng lực thực sự, bản chất chân

chính của bạn vượt lên trên hình tướng, lúc đó sẽ được chiếu rọi qua cái hình hài

già nua - hình tướng rõ ràng đang dần dần bị suy yếu của bạn. Đây cũng là điều

Chúa Jesus muốn dạy ta khi Ngài bảo: "Con hãy tập để từ khước bản ngã ở trong

con", hay "Ai đã đánh con má bên này, thì hãy chìa luôn má bên kia ra".

    Dĩ nhiên Chúa không có ý khuyên rằng bạn hãy để cho người khác lợi dụng

hay hành hung mình, hay biến mình thành nạn nhân của những người thiếu nhận

thức. Trong một số tình huống, bạn vẫn có thể bộc lộ sự cương quyết bằng những

lời lẽ dứt khoát. Khi lời nói của bạn không còn tính bản ngã thì lời nói ấy có sức

mạnh hơn, mà lại không tạo ra phản ứng ở người khác. Nếu cần thiết, bạn có thể

nói “Không” một cách rõ ràng và chắc chắn với một người nào đó, và tôi gọi đây

là một chữ "Không" đầy uy lực mà không tạo ra năng lượng tiêu cực ở người

khác.

   Nếu bạn hài lòng với việc làm một người rất bình thường, chứ không phải là

người có danh tiếng, nghĩa là bạn đang song hành với năng lực của vũ trụ. Cái

mà bản ngã cho là điểm yếu thật ra lại là sức mạnh chân chính. Chân lý tâm linh

sâu sắc này hoàn toàn trái ngược với những giá trị của nền văn hóa đương đại và

cách cư xử mà nó định đặt cho con người.

   Đạo Đức Kinh đã dạy: "Thay vì gắng làm một ngọn núi cao, hãy làm một

thung lũng thấp". Làm được như thế chính là bạn đã trở về với uyên nguyên của

vạn vật, và mọi thứ bạn cần sẽ đến với bạn.

   Chúa Jesus cũng dạy điều tương tự như thế trong những lời răn của Ngài:

"Khi được mời, con hãy đến và ngồi ở chỗ thấp hèn nhất để khi chủ nhà đến, họ

sẽ bảo con lên ngồi ở một chỗ cao quý hơn. Lúc đó, trước sự có mặt của tất cả

những người cùng bàn, con sẽ được mọi người kính trọng. Những người thường

tự đề cao mình thì sẽ bị đưa xuống thấp; còn những ai biết khiêm nhường thì sẽ

được đưa lên cao".

    Một khía cạnh khác của lối thực tập giảm thiểu kích thước của bản ngã là bạn

tự ngăn mình, đừng cố gắng củng cố bản thân bằng cách phô trương, muốn nổi

bật lên trong đám đông, gây ấn tượng ở người khác, hay bằng cách vòi vĩnh.

Thỉnh thoảng, bạn cũng thực tập ngăn mình nêu lên ý kiến khi người khác đang

nói ý kiến của họ. Bạn hãy thực tập như thế và thử xem việc đó làm cho bạn cảm

thấy như thế nào.

Xem mục lục