HIỆN HỮU
Một hôm, có người phụ nữ trạc ba mươi tuổi đến gặp tôi. Khi vừa chào hỏi
nhau, tôi đã nhìn thấy niềm đau ẩn sau nụ cười lịch sự và xã giao của cô ấy. Rồi
cô bắt đầu kể cho tôi câu chuyện của mình và chỉ trong vài giây, nụ cười tươi tắn
của cô đã trở thành vẻ nhăn nhó của đau khổ. Sau đó thì cô khóc òa lên. Cô nói
rằng cô cảm thấy rất cô đơn và không thỏa mãn trong lòng. Tôi có thể thấy là cô
rất buồn và giận dữ. Cô kể, khi còn bé, cô đã bị ngược đãi vì có người cha bạo
hành. Tôi thấy ngay là niềm đau của cô không phải do những gì đang xảy ra
trong hoàn cảnh sống hiện thời của cô, mà do một khối khổ đau nặng nề của
những gì đã xảy ra trong quá khứ. Khối khổ đau sâu nặng ở trong cô đã trở thành
một “lăng kính méo mó” ảnh hưởng đến cách cô nhìn đời sống. Cô không thể
thấy được mối liên hệ giữa thói quen suy nghĩ miên man và khối khổ đau sâu
nặng ở trong cô, mà cô hoàn toàn tự đồng hóa mình với cả hai. Cô chưa thể thấy
được chính suy nghĩ của mình đã tiếp sức cho khối khổ đau sâu nặng ở trong cô.
Nói khác đi, cô đang sống với gánh nặng bởi một cái “Tôi” đầy bất hạnh. Tuy
nhiên, ở một cấp độ khác, chắc hẳn cô đã nhận ra rằng khổ đau của cô phát xuất
từ chính cô, rằng cô là gánh nặng của chính mình. Và bởi vì cô đã sẵn sàng để
tỉnh thức nên cô đã tìm đến tôi.
Tôi hướng dẫn cô chú tâm vào những gì cô đang cảm thấy ở trong cô và yêu
cầu cô cảm nhận nó một cách trực tiếp, chứ không phải qua những suy nghĩ đầy
bất bình, hay qua những câu chuyện buồn của cô. Cô phản ứng lại bằng cách nói
rằng cô đến đây để nhờ tôi chỉ cho cô một con đường để thoát ra khỏi những cảm
giác khổ đau ấy, chứ không phải là để lún sâu vào đó. Tuy nhiên, cô vẫn miễn
cưỡng làm theo những gì tôi hướng dẫn cho cô. Có lúc nước mắt cô chảy dàn dụa
trên mặt và toàn thân cô run lên từng hồi. “Trong phút giây này, đây là những gì
đang có mặt ở trong cô”, tôi nói. “Cô không thể tránh né hiện thực, những gì
đang có mặt trong phút giây này, vì đây là những gì cô đang cảm nhận, thay vì cứ
muốn cho giây phút này khác đi, tức là chống đối những gì đang có mặt, và tự
tạo thêm khổ đau cho mình để cộng thêm vào nỗi đau đã có sẵn ở trong cô. Liệu
cô có thể hoàn toàn chấp nhận những gì mà cô đang cảm nhận trong phút giây
này?”.
Cô lặng người trong một lát. Rồi bỗng nhiên cô trở nên bồn chồn, gần như
nhổm dậy và giận dữ trả lời: “Không, tôi không muốn chấp nhận thực trạng này”.
Tôi hỏi lại: “Vậy ai vừa nói câu này, cô hay là niềm bất mãn ở trong cô? Cô
có thấy rằng niềm bất mãn của cô về tình trạng cô đang cảm thấy bất mãn ở
trong cô chỉ là một lớp khác của niềm bất mãn?". Cô lại lặng thinh. “Tôi không
yêu cầu cô phải “làm” gì cả. Tôi chỉ yêu cầu cô là hãy xem rằng cô có thể để cho
những gì mình đang cảm nhận được thể hiện ra hay không. Nói một cách khác,
điều này có vẻ hơi kỳ khôi, rằng cô có ngại việc cho phép mình cảm nhận nỗi
khổ đó hay không. Khi cô làm được như thế thì thì điều gì sẽ xảy ra với nỗi khổ
của cô? Cô có muốn thử không?”.
Cô ấy hơi bối rối và rồi ngồi lặng yên trong một phút, sau đó tôi chợt nhận
thấy có sự thay đổi đáng kể trong trường năng lượng của cô. Cô nói: “Thật kỳ lạ.
Tôi vẫn còn cảm thấy nỗi khổ ở bên trong, nhưng giờ đây, quanh nó như có một
khoảng không gian. Dường như nó không còn quá nghiêm trọng như trước đây”.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe một người diễn tả rằng: “Quanh nỗi bất bình của tôi,
có một khoảng không gian". Dĩ nhiên là khoảng không gian đó chỉ xuất hiện ở
trong bạn khi bạn chấp nhận những gì đang xảy ra trong giây phút này.
Tôi không nói thêm gì mà để cho cô ấy có cơ hội tự trải nghiệm. Sau đó, cô
đã hiểu ra rằng lúc cô thôi không còn tự đồng hóa mình với những cảm xúc đang
xảy ra ở trong mình; thôi không còn tự đồng hóa với khối khổ đau sâu nặng xưa
cũ đang sống ở trong mình; lúc cô trực tiếp chú tâm đến nỗi đau đó mà không
chống lại thì nó không còn kiểm soát được suy nghĩ của cô nữa. Lúc đó khối khổ
đau sâu nặng của cô sẽ không trộn lẫn với câu chuyện do lý trí dựng lên quanh
con người đầy bất hạnh ở trong cô. Một chiều không gian mới đã đi vào đời cô
và cô đã vượt lên trên quá khứ ở trong mình, đó là chiều không gian của Sự Có
Mặt, của Hiện hữu. Một người không thể nào cảm thấy bất bình nếu người đó
không luôn nung nấu một câu chuyện đầy bất bình trong lòng mình. Cho nên đây
là điểm kết thúc của nỗi bất bình ở trong cô, là bước đầu tiên để cô có thể chấm
dứt khối khổ đau sâu nặng trong cô. Những cảm xúc tiêu cực tự nó không tạo ra
niềm bất hạnh. Chỉ khi nào những cảm xúc đó đi kèm với một câu chuyện đầy
bất hạnh mà chúng ta cả tin vào đó thì nó mới có thể tạo ra niềm bất hạnh ở trong
ta.
Cuối buổi hẹn với cô ấy, tôi nhận thấy rằng mình vừa chứng kiến một sự trỗi
dậy của Hiện hữu, của Sự Có Mặt ở trong một con người. Mục đích của đời bạn
chính là để đưa Sự Có Mặt, đưa ý thức vào trong thế giới này. Nhờ cô ấy mà tôi
cũng chứng kiến được sự chuyển hóa của khối khổ đau sâu nặng ở trong một con
người, không phải bằng sự giằng co, mà chỉ bằng việc đưa ý thức vào trong
những gì đang xảy ra.
Vài phút sau khi cô ấy ra về, một người bạn của tôi ghé ngang để đưa cho tôi
vài thứ lặt vặt. Khi vừa bước vào phòng, cô ấy nói: “Chuyện gì đã xảy ra ở đây
vậy? Tôi cảm thấy không khí nặng nề và tối tăm quá. Nó làm tôi muốn phát
bệnh. Xin mở cửa ra cho thoáng một tí nhé và đốt vài nén nhang lên”. Tôi giải
thích là tôi vừa chứng kiến sự vượt thoát của một người có khối khổ đau rất nặng
nề, những gì mà cô bạn tôi cảm thấy chính là năng lượng khổ đau của cô ấy đã để
lại trong buổi gặp gỡ. Tuy vậy, cô bạn của tôi cũng không muốn nán lại lâu hơn
mà chỉ muốn đi ngay ra khỏi chỗ ấy.
Những gì xảy ra sau đó là một sự khẳng định thêm và rõ ràng hơn về những
gì tôi đã biết: Rằng trên một bình diện nào đó, mỗi khối khổ đau sâu nặng có vẻ
như thuộc về riêng mỗi người, nhưng tất cả những khối khổ đau riêng ấy đều có
liên quan với nhau, vì nó là một phần của khối khổ đau sâu nặng chung của tập
thể. Sự khẳng định này cũng làm cho chính tôi cảm thấy rúng động.