BI KỊCH CỦA BẠN LÀM CHO KHỐI KHỔ ĐAU ĐÓ MẠNH HƠN
Nếu có người chung quanh, nhất là những người thân, thì khối khổ đau sâu
nặng này ở trong bạn sẽ cố ý “nhấn vào những nhược điểm” của họ, khiêu khích
họ để dựng nên một tấn tuồng bi kịch nào đó nhằm tạo thêm sức mạnh cho chính
nó. Những khối khổ đau sâu nặng này được tiếp sức nhiều nhất qua các quan hệ
gần gũi như quan hệ vợ chồng, quan hệ gia đình và các quan hệ luyến ái, yêu
đương. Thật khó cho bạn cưỡng lại được khối khổ đau sâu nặng ở người khác khi
họ cương quyết một cách vô thức muốn lôi kéo bạn vào vòng phản ứng. Nhờ bản
năng, khối khổ đau sâu nặng biết rất rõ những điểm yếu, những chỗ dễ gây tổn
thương nhất ở trong bạn. Nếu lần đầu không thành công, thì chúng sẽ thử đi thử
lại nhiều lần. Chẳng qua đây chỉ là khối khổ đau có sẵn đang đi tìm thêm khổ đau
mới. Khối khổ đau sâu nặng ở người kia muốn đánh thức khối khổ đau sâu nặng
ở trong bạn để cả hai khối khổ đau ấy có thể bổ sung năng lượng khổ đau cho
nhau.
Nhiều mối quan hệ của bạn sẽ đi qua những tấn tuồng hủy diệt và bạo lực vào
những chu kỳ rất đều đặn. Đối với một đứa trẻ thì quả là một nỗi đau quá sức
chịu đựng cho chúng khi phải chứng kiến những bi kịch bạo lực gây ra do khối
khổ đau sâu nặng này ở bố mẹ chúng. Tuy nhiên, đó là điều đang diễn ra với
hàng triệu trẻ em trên thế giới, là cơn ác mộng chúng phải chứng kiến hàng ngày.
Đó cũng là một trong những phương cách chính để khối khổ đau sâu nặng này
được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng sau mỗi bi kịch kết thúc, hai
bên sẽ làm hòa với nhau8 trong một thời gian, khi nào bản ngã ở trong bạn còn
cho phép.
Uống rượu quá độ thường kích động khối khổ đau sâu nặng này ở đàn ông,
và ngay cả ở phụ nữ. Khi say, khối khổ đau sâu nặng này chiếm lĩnh lấy người
đàn ông và làm cho họ thay đổi tâm tính hoàn toàn. Một người thiếu nhận thức
sâu sắc mà lại có một khối khổ đau rất sâu nặng thì thường tự nuôi nấng khối khổ
đau sâu nặng ấy qua thói bạo hành đối với vợ hoặc con cái mình. Khi tỉnh rượu,
anh ta cảm thấy thật hối tiếc và hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa, và anh ta quả
thực muốn làm được như thế. Tuy nhiên, cái người thốt lên lời hứa đó không
phải là người đã gây ra những bạo hành, nên trừ khi anh ta có mặt, tức là có khả
năng nhận ra và làm chủ được khối khổ đau sâu nặng ở trong mình, nếu không
thì tình trạng bạo hành với vợ con sẽ không bao giờ chấm dứt. Trong vài trường
hợp, sự cố vấn về tâm lý có thể có tác dụng giúp cho đương sự hiểu rõ được tình
trạng.
Hầu hết những người có khối khổ đau sâu nặng vừa thích gây đau khổ cho
người khác vừa thích nhận chịu khổ đau. Nhưng một số khác thì hoặc chủ yếu là
nạn nhân hoặc là những kẻ bạo hành. Dù gì đi nữa, họ cũng sống nhờ vào bạo
hành về mặt thể xác hoặc tinh thần. Nhiều cặp vợ chồng cứ tưởng rằng họ yêu
nhau, nhưng thật ra họ chỉ bị cuốn vào nhau vì khối khổ đau sâu nặng của mỗi
người bù đắp cho nhau9. Trong nhiều trường hợp, thì vai trò kẻ bạo hành và nạn
nhân đã được quy định rõ ngay từ lúc họ mới gặp nhau. Nhiều cuộc hôn nhân mà
bạn ngỡ là được tác hợp ở thiên đàng thì thực ra đã được tác thành ở địa ngục.
Quan sát một con mèo, bạn sẽ thấy rằng ngay cả khi ngủ thì dường như nó
vẫn biết những gì đang xảy ra xung quanh, vì chỉ cần một tiếng động bất thường,
dù nhỏ nhặt nhất thì tai nó sẽ vểnh lên hướng về phía đó và hé mắt nhìn. Những
khổ đau sâu nặng đang nằm im ở trong bạn cũng vậy. Ở một mức độ nào đó,
chúng vẫn còn rất tỉnh táo và sẵn sàng lao vào hành động khi gặp bất kỳ kích
thích nào.
Trong quan hệ vợ chồng, khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn thường khôn
khéo nằm rất yên cho đến khi hai người bắt đầu cuộc sống chung. Khi đó bạn
không chỉ kết hôn với người kia, mà bạn cũng kết hôn với khối khổ đau sâu nặng
ở trong người đó, và ngược lại. Quả là choáng váng nếu chỉ sau một thời gian
ngắn sống chung hay chỉ sau tuần trăng mật, bạn bất ngờ nhận ra có sự thay đổi
hoàn toàn trong cá tính của người mình yêu. Rất có thể chỉ là vì một chuyện rất
nhỏ nhặt mà giọng người kia bỗng đanh lại, lên giọng tố cáo, trách móc bạn.
Hoặc người ấy bỗng thu mình lại một cách vô cùng khó hiểu. Bạn quan tâm hỏi
han thì nhận được câu trả lời: “Không, anh/em không sao cả!”. Tuy vậy, bạn cảm
thấy một nguồn năng lượng thù nghịch từ phía người ấy toát ra như muốn nói:
“Mọi thứ đã hỏng cả rồi”. Và khi bạn nhìn vào đôi mắt người yêu thì sự linh
động trong ánh mắt ấy giờ đây không còn nữa, nó như có một tấm màn u ám kéo
xuống che mờ những gì bạn từng yêu thích trước đây. Dường như một con người
xa lạ đang nhìn bạn, và trong ánh mắt của người ấy có đầy cả sự thù nghịch, đắng
cay và oán hận. Khi người bạn yêu nói với bạn một điều gì, thì đó không phải là
người mà bạn đã từng yêu đang nói, mà chính là khối khổ đau sâu nặng của
người ấy đang nói. Tất cả những gì được thốt lên chỉ là một phiên bản méo mó từ
khối khổ đau sâu nặng của người đó về hiện thực, một hiện thực hoàn toàn bị
biến dạng bởi sự sợ hãi, thù ghét và giận dữ; có một khuynh hướng muốn gây
khổ cho người kia, cũng như muốn nhận thêm khổ đau mới cho chính mình. Vào
giây phút đó, có thể bạn sẽ tự hỏi : “Đây là bộ mặt thật mà mình chưa biết ở
người bạn đời, hoặc mình đã sai lầm khi chọn một người hôn phối như thế?”. Dĩ
nhiên đó không phải là bản chất chân thật của người bạn yêu mà chỉ bởi vì họ
đang tạm thời bị khối khổ đau sâu nặng chiếm hữu. Thật khó tìm được người
không có sẵn một khối đau khổ sâu nặng ở bên trong nên bạn thật may mắn nếu
người bạn đời của bạn có khối khổ đau không quá nặng nề.