Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

"Cậu khỏe không?", "Ồ tớ thì nhất rồi, không thể nào tốt hơn nữa". Liệu câu

trả lời này có chân thật không?

   Trong nhiều trường hợp, hạnh phúc chỉ là một vai mà người ta diễn kịch thôi,

vì đằng sau vẻ tươi cười bề ngoài ấy là vô số khổ đau nằm ở bên trong. Trầm

cảm, suy sụp tinh thần và phản ứng thái quá là những điều thường xảy ra khi

trạng thái sống không có hạnh phúc của bạn được che đậy dưới vẻ tươi cười bề

ngoài - khi bạn tự dối mình dối người rằng bạn không phải là không hạnh phúc.

    "Tớ được lắm!" là vai diễn của bản ngã rất phổ biến ở Mỹ6 hơn là ở những

nước khác (những nơi mà sự khốn khó và việc biểu lộ vẻ khốn khổ ấy ra hầu như

là một chuẩn mực cư xử và vì thế mà dễ được chấp nhận hơn). Có thể điều này

hơi phóng đại một chút, nhưng tôi nghe rằng tại thủ đô một nước Bắc Âu, bạn có

nguy cơ bị bắt giữ như bạn đang phạm tội say rượu, nếu bạn vô ý mỉm cười với

những người lạ mà bạn gặp ở trên phố.

    Nếu thấy có sự bất hạnh ở trong bạn thì trước hết bạn hãy thừa nhận là bạn

đang có cảm giác bất hạnh, khổ sở ở đó. Nhưng bạn không cần phải nói: "Tôi là

một kẻ bất hạnh". Vì sự bất hạnh không có liên quan gì đến bản chất chân thật

của bạn. Hãy nói rằng "Ở trong tôi, lúc này đang có một cảm giác khổ sở". Rồi

suy gẫm xem tại sao bạn lại có cảm giác này. Có thể bạn đang gặp phải một tình

huống nào đó gây nên cảm giác này. Có thể bạn cần phải hành động để thay đổi

tình trạng đó hay bạn phải giúp cho mình thoát ra khỏi tình trạng đó. Nếu bạn

không thể làm gì được thì hãy đối diện với những gì đang xảy ra và nói "À, bây

giờ thì tình trạng nó đang như vậy. Hoặc tôi phải học chấp nhận rằng tình huống

này đang như thế, hoặc chống đối thì chỉ tự chuốc khổ vào mình". Nguyên nhân

chính của nỗi bất hạnh ở trong bạn không bao giờ là tình trạng nào đó mà bạn

đang gặp phải mà chính là những suy nghĩ của bạn về tình trạng đó. Hãy ý thức

những ý nghĩ gì đang xảy ra ở trong bạn. Tách bạn ra khỏi những ý nghĩ về tình

huống đó. Nên biết là tình huống mà bạn đang gặp phải luôn trung hòa và không

thể nào khác đi được, ít ra là trong lúc này. Bạn nhận rõ đâu là tình huống mà

bạn đang gặp phải và đâu là những suy nghĩ của bạn về tình huống đó. Thay vì

thêu dệt trong đầu những câu chuyện không có thật, bạn hãy tập chú tâm vào

những dữ kiện có thật. Ví dụ nếu bạn có ý nghĩ "Chết, mình đã khánh kiệt" là bạn

vừa tạo nên một câu chuyện lâm ly, nhưng không có thật. Nó sẽ giới hạn và ngăn

cản bạn có những động thái có hiệu quả. Nhận thức “Tôi chỉ còn 50 xu trong túi"

là một nhận thức khách quan về tình huống này. Đối diện với sự kiện một cách

khách quan luôn tạo cho bạn có sức mạnh và khả năng giải quyết vấn đề. Hãy ý

thức rằng những gì bạn đang suy nghĩ sẽ tạo nên những cảm xúc ở trong bạn7.

Hãy quan sát sự liên hệ giữa những suy nghĩ của bạn và những cảm xúc mà bạn

đang có. Đừng trở thành những suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực, mà hãy là nhận

thức sáng tỏ đứng đằng sau những biểu hiện đó8.

    Đừng cố gắng để đi tìm hạnh phúc. Nếu cố tìm thì bạn sẽ không thể tìm ra, vì

tìm kiếm là một phản đề của hạnh phúc. Dù hạnh phúc là thứ bạn khó có thể nắm

bắt, nhưng thoát ra khỏi cảm giác bất hạnh là điều bạn có thể làm được trong

phút giây này bằng cách đối diện với những gì đang xảy ra trước mắt bạn, hơn là

thêu dệt nên những câu chuyện lâm ly về tình huống đó. Ý nghĩ rằng bạn là “một

kẻ bất hạnh” sẽ che phủ trạng thái an nhiên và thanh bình ở bên trong - nguồn

gốc của hạnh phúc chân thực ở trong bạn.

Xem mục lục