Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Ngoài đồ vật ra, một dạng tự đồng nhất căn bản khác là đồng nhất mình với cơ thể, qua ý niệm “Cơ thể này là của tôi”. Trước hết thì cơ thể của bạn sẽ là thuộc phái nam hay phái nữ, do đó cảm giác mình là một người đàn ông hay đàn bà thường chiếm một phần quan trọng trong cảm nhận của bạn về chính mình. Giới tính trở thành một thứ để bạn nương vào và tự đồng nhất mình với nó. Thói quen tự đồng nhất với giới tính của mình thực ra được khuyến khích từ độ tuổi còn rất nhỏ và nó buộc bạn phải đóng vai, nó buộc bạn vào những khuôn mẫu cư xử bó buộc, bị định đặt, bị điều kiện hóaxx, có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sau này của cuộc đời bạn, chứ không phải đơn thuần là chỉ ảnh hưởng đến bản năng tình dụcxxi của bạn. Nhiều người hoàn toàn bị trói buộc vào những vai trò thuộc về giới tính này, nhất là ở các xã hội truyền thống, còn ở xã hội Tây phương thì hầu như thói quen tự đồng nhất mình với giới tính càng ngày càng giảm đi. Ở một số nền văn hóa truyền thống, số phận tệ hại nhất mà một người phụ nữ gánh chịu là không được lập gia đình hay không sinh nở được. Còn đàn ông thì đó là chuyện mất khả năng tình dục hay mất khả năng có con. Đối với những người đó, đời sống được xem như chỉ là để hoàn tất bản năng giới tính của mình (xxii).

         Ở phương Tây, hình dáng bên ngoài của cơ thể tác động lớn đến cảm nghĩ của bạn về chính mình: cơ thể bạn mạnh hay yếu, so với người khác thì nó đẹp hay xấu. Đối với nhiều người thì cảm nhận về giá trị tự thân của họ bị trói buộc với sức mạnh về thể chất, vẻ đẹp ngoại hình, độ dẻo dai hay những biểu hiện bên ngoài của cơ thể. Nhiều người cảm thấy giá trị của bản thân bị suy giảm khi họ cảm thấy cơ thể của mình trở nên xấu xí hoặc thiếu toàn vẹn.

          Trong vài trường hợp, hình ảnh trong đầu hay khái niệm về “cơ thể của Tôi” quả là một sự bóp méo hoàn toàn. Một người phụ nữ trẻ có thể tự cho mình quá béo và nhịn ăn cho gầy bớt đi trong khi sự thực là cô ấy rất gầy. Đó là vì cô không còn thấy được cơ thể mình nữa. Những gì cô “thấy” chỉ còn là một khái niệm về cơ thể của cô ở trong đầu: “Tôi béo quá!” hay “Tôi đang bắt đầu phát phì!”. Gốc rễ của tình trạng này là thói quen tự đồng nhất mình với những suy nghĩ miên man ở trong đầu. Trong những thập niên gần đây, khi người ta càng tự đồng nhất mình nhiều hơn với những suy nghĩ tức là sự tha hóa của bản ngã ở trong họ càng mạnh hơn, thì các trường hợp anorexia - bệnh biếng ăn vì cho rằng cơ thể của họ quá béo mậpxxiii - càng gia tăng. Những người mắc chứng anorexia có thể tự chữa lành cho chính họ bằng cách nhìn lại cơ thể của mình mà không để lý trí chen vào và phán xét, hoặc người đó có thể nhận ra sự sai lầm của những phán xét của mình, thay vì cả tin vào những phán xét đó. Sự bình phục sẽ xảy ra nếu họ có khả năng cảm nhận được cơ thể của họ từ bên trongxxiv.

         Những người có thói quen tự đồng nhất mình với vẻ đẹp ngoại hình hay sức mạnh của cơ bắp sẽ khổ đau khi những thuộc tính đó không còn nữa. Tư cách mà họ tự xác định cho mình qua những thuộc tính đó sẽ có nguy cơ bị sụp đổ. Dù xấu hay đẹp, phần lớn con người thường đi tìm tư cách của mình qua dung mạo cơ thể bản thân. Nói chính xác hơn, họ đi tìm tư cách của họ từ những ý-nghĩ-dính-líu-đến-một-cái-Tôi mà họ đã sai lầm gán ghép cơ thể của họ với một hình ảnh hay khái niệm ở trong đầu, cơ thể của bạn chung quy chỉ là một biểu hiện của hình tướng, mà sự kết thúc tất yếu của mọi vật mang hình tướng là: không vững bền và sớm muộn gì cũng tan rã.

          Cách suy nghĩ rằng “Tôi chỉ là một cơ thể vật lý sớm muộn gì cũng đi đến chỗ già nua, héo tàn và sẽ chết” sẽ luôn dẫn bạn vào tâm trạng yếm thế, khổ đau. Nhưng không còn tự đồng nhất mình với cơ thể nữa không có nghĩalà bạn sẽ xao lãng, coi khinh hay không quan tâm đến cơ thể nữa. Bạn vẫn có niềm vui và lòng biết ơn khi cơ thể bạn vẫn còn trẻ đẹp, khỏe mạnh, tràn trề sức sống. Bạn cũng có thể cải thiện cơ thể mình qua việc thay đổi cách dinh dưỡng và tập thể dục đều đặn. Khi bạn không còn xem mình chỉ là cơ thể này thì dù vẻ đẹp bên ngoài của bạn có tàn phai, sinh lực có sút giảm thì những điều này chẳng mảy may tác động đến cảm nhận về giá trị hay tư cách của bạn. Thực ra khi cơ thể của bạn suy yếu đi thì chiều không gian của Vô tướng, ánh sáng của Tâm sẽ chiếu rọi dễ dàng hơn, qua hình hài đang tàn phai của bạn.

         Không chỉ những người có cơ thể đẹp mới có khuynh hướng tự đồng hóa cơ thể chóng tàn hoại của họ với bản chất của họ, mà những người đang có khiếm khuyết hay bệnh tật trong cơ thể cũng thường tự đồng hóa họ với những vấn đề hay bệnh tật ấy. Lúc đó bạn sẽ thích tuyên bố rằng mình là “nạn nhân” của chứng bệnh ngặt nghèo này hay là “nạn nhân” của tình trạng khiếm khuyết kia. Lúc đó bạn chỉ muốn được bác sĩ và mọi người quan tâm đến bạn hơn; vì họ giúp bạn liên tục khẳng định một hình ảnh có tính chất khái niệm rằng bạn là một bệnh nhân hay là một người bị khuyết tật. Trong vô thức, bạn đã bám víu vào căn bệnh đó vì nó đã trở thành một tư cách quan trọng trong cách bạn cảm nhận về chính mình. Bệnh tật đã trở thành một công cụ mà bản ngã của bạn sử dụng để nó có thể tự đồng nhất mình với căn bệnh đó. Một khi bản ngã của bạn đã tìm ra một tư cách để nó tự đồng nhất mình vào đó, thì bản ngã sẽ không bao giờ muốn buông ra nữa.

Xem mục lục