Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

TỈNH THỨC VÀ CHUYỂN ĐỘNG TRỞ VỀ

    Sự chuyển động trở về trong đời sống một con người, sự suy sụp hoặc băng

hoại của hình tướng, do tuổi già, bệnh tật, mất khả năng, do mất mát, hoặc do

những biến cố bi thảm nào đó… đem đến khả năng tỉnh thức lớn ở tâm linh, tức

là làm cho ý thức của người đó tách ly với hình tướng. Do nền văn hóa đương đại

có rất ít yếu tố tâm linh nên không mấy người nhìn ra được điều này. Vì thế, khi

sự tỉnh thức xảy đến cho họ hoặc cho một người thân, thì họ chỉ nghĩ rằng có một

điều gì đó không may hay cực kỳ tệ hại đã xảy ra.

    Nền văn minh của chúng ta có rất ít hiểu biết về tâm linh và thân phận con

người, và khi bạn càng kém hiểu biết về hai lĩnh vực này thì bạn càng chịu nhiều

khổ đau. Đối với nhiều người, đặc biệt là ở phương Tây, cái chết đối với họ là

một khái niệm rất trừu tượng và họ không thể hiểu được điều gì sẽ đến khi hình

hài của họ tan biến đi. Do đó hầu hết những người già yếu bị đưa vào những nhà

an dưỡng còn thi hài người chết thì bị giấu biệt đi; trong khi ở những nền văn hóa

xa xưa, thi hài người chết được đem ra cho mọi người xem2. Ở các nước Tây

phương, nhìn một xác chết bị xem gần như là trái pháp luật, ngoại trừ đó là người

thân của bạn. Thậm chí ở các nhà quàn, khuôn mặt của xác chết còn được trang

điểm, làm cho đẹp lên. Và bạn chỉ được phép nhìn một phiên bản đã được làm

đẹp của cái chết.

    Vì cái chết chỉ là một khái niệm trừu tượng, hầu hết mọi người đều không

được chuẩn bị cho quá trình phân rã của hình hài này. Do đó khi cái chết đến, sẽ

có xúc động mạnh, có sợ hãi, tuyệt vọng, và họ không thể hiểu được những gì

đang xảy ra. Họ không thể hiểu thêm gì nữa vì đối với họ tất cả ý nghĩa và mục

đích của đời sống đều dính đến chuyện tích lũy của cải, thành đạt, tạo dựng, bảo

vệ của cải và thỏa mãn những đòi hỏi của giác quan. Tất cả liên hệ đến chuyển

động hướng ngoại và thói quen tự đồng nhất mình với hình tướng, tức là với bản

ngã. Hầu hết mọi người không thể hình dung ra bất kỳ một ý nghĩa nào khác nếu

đời sống của họ, thế giới của họ bỗng dưng bị sụp đổ.

    Tuy nhiên, cái chết có những ý nghĩa bên trong sâu sắc hơn cho bạn so với

những chuyển động ngoại vi.

    Chính vào lúc tuổi già, qua sự mất mát, hoặc qua những tai ách lớn của cá

nhân mà chiều tâm linh thường đi vào đời sống của họ. Tức là mục đích bên

trong của họ chỉ có thể trỗi dậy khi mục đích bên ngoài của họ sụp đổ và cái vỏ

cứng của bản ngã bắt đầu rạn nứt. Những sự kiện đó tượng trưng cho sự khởi đầu

của quá trình trở về với sự phân rã của hình tướng. Có thể trong hầu hết các nền

văn hóa cổ xưa, bằng trực giác người ta đã hiểu được quá trình này, vì thế người

già được tôn kính và yêu quý. Họ được xem là những kho tàng chứa đầy sự

thông thái và tạo ra chiều sâu, mà nếu không có chiều không gian này thì không

có nền văn minh nào có thể tồn tại lâu dài. Trong nền văn minh phương Tây

(hoàn toàn tự đồng nhất mình với bên ngoài và không hiểu được chiều tâm linh

bên trong) từ "người già" chủ yếu mang ý nghĩa tiêu cực. Nó gần như đồng nghĩa

với từ vô dụng, và vì thế khi một người nào đó bị cho là đã già thì đó hầu như là

một sự sỉ nhục. Để tránh dùng từ này, người ta dùng những từ khác như những

người cao tuổi hay các cụ. Tại sao người già lại bị cho là vô dụng? Vì ở tuổi già,

trọng tâm chuyển từ trạng thái "làm việc" sang trạng thái "an nhiên tự tại", mà

nền văn minh đương đại đang lạc lối trong chuyện phải luôn luôn có nhu yếu

“làm” một cái gì nên nó chẳng biết tí gì về an nhiên tự tại. Do đó nó sẽ đặt câu

hỏi: “An nhiên tự tại ư? Tôi phải làm gì với cái này?”.

    Ở nhiều người, chuyển động hướng ngoại để phát triển trong đời sống của họ

bị cản trở một cách nghiêm trọng do sự bắt đầu quá sớm của quá trình trở về, tức

là sự phân rã của hình tướng. Trong vài trường hợp thì đó là một sự cản trở tạm

thời, trong những trường hợp khác thì đó là một chướng ngại vĩnh viễn. Chúng ta

cho rằng trẻ nhỏ không nên đối diện với cảnh chết chóc, nhưng sự thật là một số

trẻ con phải đối diện với cái chết của bố hoặc mẹ chúng do bị ốm đau hoặc tai

nạn, hoặc thậm chí đối diện với khả năng chính chúng có thể chết. Một số trẻ thì

bị dị tật bẩm sinh, và điều này tạo ra những hạn chế rất lớn cho sự phát triển tự

nhiên của chúng. Có người thì khi đang còn ở lứa tuổi vị thành niên đã gặp phải

những giới hạn rất ngặt nghèo.

    Sự gián đoạn của chuyển động hướng ngoại vào lúc ta nghĩ điều đó "không

nên xảy ra" cũng có thể mang lại cho ta một sự tỉnh thức tâm linh sớm hơn. Xét

cho cùng, không có chuyện gì xảy ra mà lại không nên, tức là không có chuyện gì

xảy ra mà không có mục đích của nó, và đó cũng là một phần của bức tranh toàn

thể, lớn lao hơn mà lúc này có thể ta chưa nhìn thấy. Như thế thì sự gián đoạn

của mục đích bên ngoài có thể giúp bạn tìm ra mục đích bên trong và sẽ dẫn đến

sự xuất hiện một mục đích bên ngoài sâu sắc hơn, đi đôi với mục đích bên trong.

Trẻ con mà phải chịu nhiều khổ đau sớm thường lớn lên với sự trưởng thành,

chín chắn hơn so với độ tuổi của chúng.

    Những gì bạn mất mát trên phương diện hình tướng sẽ được đền bù trên

phương diện bản chất. Ở một số nền văn hóa cổ xưa có nói đến những dạng nhân

vật đặc biệt như dị nhân chột mắt hay những vị thầy đau khổ lại có tài chữa bệnh

cho nhiều người; điều này nói lên rằng: Những gì bạn bị mất mát hay tàn tật trên

mặt hình tướng có thể là một cánh cửa rất lớn, mở lối cho bạn đi vào cõi tâm

linh. Khi bạn đã trực nghiệm được bản chất không bền vững của mọi hình tướng,

bạn sẽ không còn quá coi trọng hình tướng nữa, nên bạn sẽ không còn mù quáng

chạy theo hay bị vướng mắc vào chúng nữa.

    Ngày nay người ta chỉ mới bắt đầu nhận ra cơ hội mà sự tan rã hình tướng

mang lại, chủ yếu qua hình thức biểu hiện của tuổi già. Đa số vẫn còn bỏ lỡ cơ

hội đó một cách tội nghiệp vì bản ngã thường tự đồng nhất mình với chuyển động

trở về cũng như với chuyển động ra đi. Kết quả là lớp vỏ bản ngã ở trong họ

càng trở nên cứng rắn hơn, thay vì mở ra thì nó lại càng co rúm lại. Lúc đó bản

ngã đang bị suy yếu ở trong bạn sẽ dùng những ngày còn lại để than vãn, tự giam

hãm mình trong những sợ hãi hay giận dữ, than thân trách phận, mặc cảm tội lỗi,

oán trách người khác, hoặc xoay qua những cách tránh né vấn đề như là vướng

mắc vào những ký ức cũ,… hoặc thích suy tư hay nói về quá khứ.

    Khi bản ngã không còn tự đồng nhất mình với chuyển động trở về thì tuổi già

hay sự cận kề cái chết trở về ý nghĩa của chính nó: Là cánh cửa giúp bạn đi vào

cõi tâm linh. Tôi đã từng gặp nhiều người là hiện thân của quá trình này: Họ trở

nên bừng sáng. Cái hình hài đang suy tàn kia của họ trở nên trong suốt dưới ánh

sáng của nhận thức.

    Trong một thế giới mới, tuổi già sẽ được hiển nhiên công nhận và được đánh

giá là thời kỳ nở rộ của nhận thức ở một con người. Đối với những người còn lạc

lối trong những tình huống ở bên ngoài đời sống thì đó là cơ hội giúp họ trở về,

dù là muộn màng, khi họ thức tỉnh với mục tiêu bên trong của mình. Đối với

những người khác thì tuổi già tượng trưng cho quá trình tăng tốc và lớn mạnh của

quá trình tỉnh thức.

Xem mục lục