Quẻ Địa Lôi Phục, đồ hình |::::: còn gọi là quẻ Phục (復 fu4), là quẻ thứ 24 trong Kinh Dịch.
Giải nghĩa: Phản dã. Tái hồi. Lại có, trở về, bên ngoài, phản phục. Sơn ngoại thanh sơn chi tượng: tượng ngoài núi lại còn có núi nữa.
THEO Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê :
24. 地 雷 復 ĐỊA LÔI PHỤC
Phục Tự Quái
復 序 卦 |
|
Bác giả bác dã. |
剝 者 剝 也 |
Vật bất khả dĩ chung tận. |
物 不 可 以 終 盡。 |
Bác cùng thượng phản hạ. |
剝 窮 上 反 下, |
Cố thụ chi dĩ Phục. |
故 受 之 以 復。 |
Phục Tự Quái
Sự đời đâu mãi tan hoang,
Bác cùng trên dưới, đôi đàng trở trăn.
Cho nên Phục đã theo chân...
Quẻ Phục là một trong những quẻ quan trọng của Dịch kinh; nói lên được lẽ Âm Dương tiêu trưởng, lẽ phản phục của Trời Đất và của tâm lý con người. Từ xưa tới nay, các nhà bình giải cũng đã nhận định được rằng: Quẻ Phục đề cập đến 2 vấn đề:
- Sư hồi phục của khí Dương.
- Sự hồi phục của nhân tâm về cùng đạo lý.
Ngày nay, với sự tiến triển của Khoa Học, với sự phổ biến của các Triết thuyết Âu. Á, ta có thể bàn rộng hơn về lẽ phản phục của Đất, Trời, cũng như của Lịch sử.
A. Phục đánh dấu 1 thời kỳ mà vũ trụ sẽ bắt đầu co lại. Vì nếu vũ trụ khuếch tán được, triển dương được, thì cũng có thể co lại được, phản phục được. (M. Sénard , Le Zodiaque, Le Capricorne, p. 376).
Cũng một nhẽ, thời gian cũng có thể phản phục được, vì thời gian gắn liền với không gian. Cho tới ngày nay, ít ai nghĩ được rằng thời gian cũng có hai chiều, hai hướng, cũng có thể vãng phục như không gian.
B. Phục đứng về phương diện tiết khí, là lúc mà sinh khí phục hồi. Trong ngày Đông Chí, khi mà vạn vật trên mặt đất như đang muốn chết cóng vì gió sương, băng tuyết, thì ở dưới lòng đất, Dương khí phục sinh, để chuẩn bị cho gian trần một mùa Xuân mới, để đem lại cho muôn loài một luồng sinh khí mới.
C. Phục cũng vẽ lại con đường phiêu lãng của vừng Dương. Phục xét về phương diện Lịch số là ngày Đông Chí, là ngày mà vừng Dương như dừng gót lại, để trở về sống gần gũi với Trái Đất & Vạn vật hơn.
Các dân tộc xưa thường ăn mừng ngày Đông chí, để đáng dấu sự phục sinh của Mặt Trời, của thần Mithra.
Từ thế kỷ thứ Tư, Giáo Hội La Mã cũng theo tục lệ của dân gian, mà ăn mừng Lễ Sinh Nhật vào ngày 25 tháng chạp, tức là vài ngày sau tiết Đông Chí.
D. Xét về phương diện Lịch sử, thì khi tới quẻ Phục, nhân loại đã đạt tới một mức độ văn minh vật chất tuyệt đích.
E. Đối với con người. Quẻ Phục là lúc con người trở nên minh giác, giác ngộ, biết được Thiên Mệnh, biết được rằng trong lòng mình vốn có sẵn Lòng Trời:
Phục kỳ kiến Thiên địa chi tâm hồ?
Theo Toán Học cổ truyền, con người có thể giác ngộ năm 42, 43 tuổi.
G. Về Triết Lý & Đạo Giáo. Quẻ Phục nêu lên mấy vấn đề:
1) Con người khi nào sẽ kiến Thiên địa chi tâm?
2)Và làm sao biết mình đã kiến Thiên địa chi tâm?
Các nhà bình giải thường cho rằng: chỉ khi nào tâm hồn con người chí hư, chí tĩnh, mới thấy được Thiên địa chi tâm.
Thiên tâm, đạo tâm là nguồn năng lực, là nguồn sinh hóa, cho nên khi đã kiến Thiên Địa chi tâm, ta sẽ thấy tâm hồn chuyển động, nguồn sống trở nên dạt dào, cảm hứng trở nên sôi động, trí tuệ trở nên mẫn tiệp. Nói tóm lại, ta đã trở thành con người mới.
Phục chính là bước đầu của con đường trở lại. Dịch Kinh đề cập quẻ Phục một cách đơn giản.
*Nơi Thoán thì dùng cho sự hồi phục của Dương khí.
* Nơi Tượng thì nói đến tục lệ đời xưa đã theo trong ngày Đông chí.
* Nơi các Hào thì bình luận cung cách con người trở về cùng Đạo Lý.
I. Thoán.
Thoán Từ.
復:亨。 出 入 無 疾,朋 來 無 咎。 反 復 其 道,七 日 來 復,利 有 攸 往。
Phục. Hanh. Xuất nhập vô tật. Bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo. Thất nhật lai phục. Lợi hữu du vãng.
Dịch.
Dương về, vận đã hanh thông,
Cho nên xuất nhập thong dong, nhẹ nhàng.
Có thêm bè bạn lo toan,
Rồi ra sẽ hết vấn vương, lỗi lầm.
Đạo Trời phản phục, cùng thông,
Đường đi bảy độ, lại vòng về ngay.
Đường về, vận đã hoá hay.
Làm đi, rồi sẽ có ngày thành công.
Phục là Dương khí mới trở về (Phục), và sẽ hứa hẹn một vận hội hanh thông mới (Hanh). Người quân tử tuy biết rằng: Cơ phục hồi đạo lý đã trở lại, nhưng chớ nên vội vàng, chớ nên hấp tấp mà hại cho đạo lý, cho lý tưởng (Xuất nhập vô tật). Hãy ráng chờ cho thêm đồng tâm, đồng chí (Bằng lai), rồi mới tránh khỏi được những chuyện lỗi lầm (Vô cữu).
Cơ Trời muốn phục hồi, phải qua hết 6 giai đoạn biến hóa, đó là: Cấu ( tháng 5), Độn (tháng 6), Bĩ (tháng 7), Quan (tháng 8), Bác (tháng 9), Khôn (tháng 10). Thiên vận, thế vận, phải đi cho cùng đường biến hoá, từ tinh thần ra đến vật chất, rồi mới có thể quay ngược trở lại được. Trở về đến quẻ Phục, tức là giai đoạn thứ bảy. Lúc ấy người quân tử mới có cơ hội hoạt động (Phản phục kỳ đạo thất nhật lai phục. Lợi hữu du vãng).
Thoán truyện.
彖 曰 : 復 亨 ﹔ 剛 反,動 而 以 順 行,是 以 出 入 無 疾,朋 來 無 咎。反 復 其 道,七 日 來 復,天 行 也。 利 有 攸 往,剛 長 也。 復 其 見 天 地 之 心 乎?
Thoán viết:
Phục hanh. Cương phản. Động nhi dĩ thuận hành. Thị dĩ xuất nhập vô tật.
Bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo. Thất nhật lai phục. Thiên hành dã.
Lợi hữu du vãng. Cương trưởng dã. Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ.
Dịch.
Thoán rằng: Vận Phục mà hay,
Là vì Dương cứng tới nay phục hồi,
Động mà vẫn thuận cơ Trời,
Cho nên lui tới thảnh thơi, nhẹ nhàng.
Có thêm bè bạn lo toan,
Xây nền đạo lý, ai than, ai cười.
Vãng lai, phản phục đạo Trời,
Đi đà bảy độ, lại hồi, lại quay.
Làm gì cũng sẽ mắn may,
Là vì Dương vận tới ngày hanh thông,
Phục rồi, được thấy Thiên tâm,
(Vì lòng Trời đất cũng trong lòng người.)
Thoán Truyện đã đưa ra 2 nhận định:
1.) Người quân tử tuy nay gặp hoàn cảnh thuận tiện hơn để hoạt động, nhưng phải hành động cho khéo léo, cho hợp với đạo lý, như vậy mới không chiêu hại cho mình (Động nhi dĩ thuận thị dĩ xuất nhập vô tật.)
2.) Lúc này là lúc con người trở về để tìm cho ra được Thiên địa chi tâm. Tìm ra được Thiên địa chi tâm, chẳng qua là tìm ra được Đạo tâm vi tế trong lòng mình, và nói lên được như Thánh Phao Lồ rằng: Tôi nghĩ tôi có Thần Chúa trong tôi (I Cor. J. 39)
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰 : 雷 在 地 中,復 ; 先 王 以 至 日 閉 關,商 旅 不 行,后 不 省 方。
Tượng viết:
Lôi tại địa trung. Phục. Tiên vương dĩ chí nhật bế quan.
Thương lữ bất hành. Hậu bất tỉnh phương.
Dịch. Tượng rằng:
Phục là lòng đất sấm ran,
Tiên vương Đông chí, cửa quan bế tàng.
Ngược xuôi, vắng bóng khách thương.
Nhà vua tránh chẳng lên đường tuần du.
Tượng Truyện nhắc lại hành động của những vị quân vương xưa trong ngày Đông Chí: Đông chí là ngày Nhất Dương sơ động, chính là lúc ứng vào Hào Sơ quẻ Kiền: Tiềm long vật dụng = Rồng ẩn chớ dùng. Cho nên ngày ấy, đóng cửa quan ải, ngăn cấm khách thương đi lại, và nhà vua cũng không đi tuần thú. Nguyên tắc của các vị quân vương xưa là : Theo Trời mà hành sự, cho nên ngày Thu phân thì truyền cho sửa sang lại cân lạng,(vì là ngày tượng trưng cho sự quân bằng mọi sự = ngày, đêm dài bằng nhau), ngày Đông chí là ngày hàm dưỡng, nghỉ ngơi.