GIẢI THÍCH: PHẨM BA TUỆ THỨ 70
KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát làm thế nào hành Bát-nhã ba-la-mật? Sinh Bát-nhã ba-la-mật? Tu Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy: Vì sắc tịch diệt, vì sắc không, vì sắc hư dối, vì sắc không chắc thật nên hành Bát-nhã ba-la-mật; vì thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Như ông hỏi: Làm thế nào sinh Bát-nhã ba-la-mật? Vì như hư không sinh nên sinh Bát-nhã ba-la-mật. Như ông hỏi: Làm thế nào tu Bát-nhã ba-la-mật? Tu các pháp phá hoại nên tu Bát-nhã ba-la-mật.
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, hành Bát-nhã ba-la-mật, sinh Bát-nhã ba-la-mật, tu Bát-nhã ba-la-mật trải qua bao nhiêu thời gian?
Phật dạy: Từ khi mới phát tâm cho đến khi ngồi đạo tràng nên hành, nên sinh, nên tu Bát-nhã ba-la-mật.
* Trang 91 *
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, tâm thứ lớp có thể hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy: Thường không bỏ tâm Nhất thiết trí, không để các niệm khác xen vào, là hành Bát-nhã ba-la-mật, là sinh Bát-nhã ba-la-mật, là tu Bát-nhã ba-la-mật. Nếu tâm tâm số pháp không hiện hành là hành Bát-nhã ba-la-mật, là sinh Bát-nhã ba-la-mật, là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật sẽ được Nhất thiết trí chăng?
Phật dạy: Được.
Bạch đức Thế Tôn, không tu Bát-nhã ba-la-mật được Nhất thiết trí chăng?
Phật dạy: Không.
Bạch đức Thế Tôn, tu và không tu được Nhất thiết trí chăng?
Phật dạy: Không.
Bạch đức Thế Tôn, chẳng phải tu chẳng phải không tu được Nhất thiết trí chăng?
Phật dạy: Không.
Bạch đức Thế Tôn, nếu không như vậy thời làm sao sẽ được Nhất thiết trí?
* Trang 92 *
Phật dạy: Bồ-tát được Nhất thiết trí như tướng Như.
Bạch đức Thế Tôn, làm sao như tướng Như? Như thật tế.
Làm sao như thật tế? Như pháp tính.
Làm sao như pháp tính? Như ngã tính, chúng sinh tính, thọ mạng tính.
Bạch đức Thế Tôn, thế nào là ngã tính, chúng sinh tính, thọ mạng tính?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Ngã, chúng sinh, thọ mạng có thể có được chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Không thể có được.
Phật dạy: Nếu ngã, chúng sinh, thọ mạng không thể có được, làm sao nói có ngã tính, chúng sinh tính, thọ mạng tính? Nếu trong Bát-nhã không nói có hết thảy pháp sẽ được trí Nhất thiết chủng.
Tu-bồ-đề thưa: Chỉ Bát-nhã là không thể nói hay Thiền Ba-la-mật cho đến Thí ba-la-mật cũng không thể nói ?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bát nhã không thể nói, bố thí cho đến hết thảy pháp hoặc hữu vi, hoặc vô vi, hoặc Thanh-văn, hoặc Bích-chi Phật, hoặc Bồ-tát, hoặc Phật cũng không thể nói.
* Trang 93 *
Bạch Thế Tôn, nếu hết thảy pháp không thể nói, làm sao nói đó là địa ngục, là súc sinh, là ngạ quỷ, là người, là trời, là Tu-đà-hoàn, là Tư-đà-hàm, là A-na-hàm, là A-la-hán, là Bích-chi Phật, là chư Phật?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Danh từ chúng sinh ấy thật có thể có được chăng? Bạch đức Thế Tôn, không thể có được.
Phật dạy: Nếu chúng sinh không thể có được, làm sao nói có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời, Tu-đà-hoàn cho đến Phật? Như vậy, Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật nên học hết thảy pháp không thể nói.
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát khi học Bát-nhã ba-la-mật nên học sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến nên học trí Nhất thiết chủng?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát khi học Bát-nhã ba-la-mật nên học sắc không thêm không bớt cho đến nên học trí Nhất thiết chủng không thêm không bớt.
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, làm sao học sắc không thêm không bớt cho đến học trí Nhất thiết chủng không thêm không bớt?
Phật dạy: Vì không sinh không diệt nên học.
* Trang 94 *
Bạch đức Thế Tôn, làm sao gọi là không sinh không diệt nên học?
Phật dạy: Không khởi không làm các hành nghiệp hoặc có hoặc không.
Bạch đức Thế Tôn, làm sao không khởi không làm các hành nghiệp hoặc có hoặc không?
Phật dạy: Quán các pháp tự tướng không.
Bạch đức Thế Tôn, làm sao nên quán các pháp tự tướng không?
Phật dạy: Nên quán sắc, sắc tướng không; nên quán thọ, tưởng, hành, thức, thức tướng không; nên quán mắt, tướng mắt không, cho đến ý; sắc cho đến pháp; nhãn thức giới cho đến ý thức giới, tướng ý thức giới không; nên quán nội không, tướng nội không không, cho đến nên quán tự tướng không, tướng tự tướng không không; nên quán bốn thiền, tướng bốn thiền không, cho đến diệt thọ tưởng định, tướng diệt thọ tưởng định; nên quán bốn niệm xứ, tướng bốn niệm xứ không, cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác không. Như vậy, Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật nên hành các pháp tự tướng không.
Bạch đức Thế Tôn, nếu sắc, sắc tướng không, cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tướng
* Trang 95 *
Vô thượng chánh đẳng chánh giác không, làm sao Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy: Không hành là hành Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch đức Thế Tôn, làm sao không hành là hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy: Bát-nhã ba-la-mật không thể có được, Bồ-tát không thể có được, hành cũng không thể có được; người hành, pháp hành, chỗ hành cũng không thể có được; ấy gọi là Bồ-tát hành không hành Bát-nhã ba-la-mật, vì hết thảy hý luận không thể có được.
Bạch đức Thế Tôn, nếu không hành là hành Bát-nhã ba-la-mật, vậy Bồ-tát khi mới phát tâm, làm sao hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy: Bồ-tát từ khi mới phát tâm lại đây, nên học không, không có sở đắc. Bồ-tát ấy dùng không có sở đắc nên bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, vì không có sở đắc nên tu trí tuệ; cho đến trí Nhất thiết chủng cũng như vậy.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, thế nào gọi là có sở đắc? Thế nào gọi là không có sở đắc?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Có hai là có sở đắc, không có hai là không có sở đắc.
* Trang 96 *
Bạch đức Thế Tôn, hai cái gì là có sở đắc, không hai cái gì gọi là không có sở đắc?
Phật dạy: Mắt và sắc là hai, cho đến ý và pháp là hai, cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác và Phật là hai; ấy gọi là hai.
Bạch đức Thế Tôn, không có sở đắc từ trong có sở đắc hay không có sở đắc từ trong không có sở đắc?
Phật dạy: Không có sở đắc chẳng từ trong có sở đắc; không có sở đắc chẳng từ trong không có sở đắc. Này Tu-bồ-đề, có sở đắc, không có sở đắc; bình đẳng ấy gọi là không có sở đắc. Như vậy, Bồ-tát đối với có sở đắc, không có sở đắc bình đẳng ấy nên học. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát học Bát-nhã như vậy gọi là người không có sở đắc, không có lỗi lầm.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không hành có sở đắc, không hành không có sở đắc, làm sao từ một địa đến một địa được trí Nhất thiết chủng?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật không trú trong có sở đắc, từ một địa đến một địa, vì sao? Vì trú trong có sở đắc thời không thể từ một địa đến một địa, vì sao? Vì vô sở đắc là tướng Bát-nhã ba-la-mật, vô sở đắc là tướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vô sở
* Trang 97 *
đắc cũng là tướng người hành Bát-nhã ba-la-mật. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu Bát-nhã không thể có được, Vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng không thể có được, người hành Bát-nhã cũng không thể có được, làm sao Bồ-tát phân biệt được các pháp tướng là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức cho đến là Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật không thủ đắc sắc, không thủ đắc thọ, tưởng, hành, thức cho đến không thủ đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật, sắc không thể có được cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác không thể có được, làm sao đầy đủ Thí ba-la-mật cho đến đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật để vào pháp vị; vào rồi làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, được trí Nhất thiết chủng; được trí Nhất thiết chủng rồi chuyển bánh xe pháp, làm Phật sự độ chúng sinh khỏi vòng sinh tử?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát không vì sắc nên hành Bát-nhã ba-la-mật, cho đến không vì Vô
* Trang 98 *
thượng chánh đẳng chánh giác nên hành Bát-nhã ba-la-mật.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát vì việc gì nên hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy: Không vì việc gì nên hành Bát-nhã ba-la-mật, vì sao? Vì hết thảy pháp không có làm gì, Bát-nhã ba-la-mật cũng không có làm gì, Vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng không có làm gì, Bồ-tát cũng không có làm gì. Như vậy, Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật không có làm gì.
LUẬN: Người nghe nghe tán thán công đức Bát-nhã khéo biết hết mọi việc mà yêu quý Bát-nhã, dùng phương tiện muốn được. Tu-bồ-đề biết ý mọi người nên hỏi Phật: Làm sao hành Bát-nhã? Làm sao sinh? Làm sao tu? Có người nói: Hành là ở địa vị Càn tuệ; Sinh là ở địa vị được Vô sinh nhẫn; Tu là sau địa vị Vô sinh nhẫn, do Thiền Ba-la-mật huân tu Bát-nhã.[1] Phật đáp: Năm uẩn là nơi tâm thế gian hiện hành, trói buộc; Niết-bàn là tướng tịch diệt. Bồ-tát do sức trí tuệ Bát-nhã thông lợi nên có thể phá năm uẩn, thông đạt làm cho không, tức là tướng Niết-bàn tịch diệt. Từ tịch diệt khởi xuất trú trong sáu căn, trở lại nghĩ tới tướng tịch diệt, biết các pháp đều không, hư dối không chắc thật; ấy gọi là Bát-nhã. Hành Bát-nhã (prajđ caryṃ) không có định tướng nên không được nói hoặc có hoặc không, vì đường nói năng dứt bặt; “không” như hư không (ka), thế nên nói như hư không sinh. Lại, như hư không, trong hư không
[1] Tham khảo Tục Tạng 24: Đại phẩm kinh nghĩa sớ (大品經義疏), quyển 9, tr. 322a4-12.
* Trang 99 *
không có pháp sinh, hư không cũng không thể có sinh gì, vì sao? Vì hư không không có pháp, không có hình, không có xúc chạm, không có tướng tạo tác; Bát-nhã cũng như vậy.
Lại có người nói: Có hư không, chỉ vì nó là pháp thường, không có tạo tác nên không sinh; ấy là định tướng của hư không. Trong Đại thừa, hư không là không có thật pháp, không được nói nó thường, không được nói nó vô thường; không được nói có, không được nói không; không được nói chẳng phải có chẳng phải không; dứt hết hí luận, không nhiễm không trước, cũng không có văn tự; Bát-nhã cũng như vậy, hay quán thế gian tợ như hư không; ấy gọi là sinh Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát được Bát-nhã rồi, vào sâu thiền định, do sức Bát-nhã (prajđ-bala) nên quán và duyên của thiền định đều phá hoại, vì sao? Vì Bát-nhã xả bỏ hết thảy pháp, không trước tướng; ấy gọi là tu Bát-nhã ba-la-mật. Người nghe nghĩ rằng: Hết thảy pháp đều có thời tiết, thế nên Tu-bồ-đề hỏi: Hành Bát-nhã phải trải qua bao nhiêu thời gian? Phật đáp: từ khi mới phát tâm tu cho đến khi ngồi đạo tràng.
Hỏi: Bồ-tát từ khi mới phát tâm nên tu mười địa, sáu Ba-la-mật, ba bảy phẩm trợ đạo, hết thảy thiện pháp, cớ sao chỉ nói hành Bát-nhã?
Đáp: Tu-bồ-đề chỉ hỏi Bát-nhã nên Phật chỉ đáp hành Bát-nhã. Lại, hết thảy pháp đều hòa hợp với Bát-nhã, vì Bát-nhã lớn nên không nói các pháp khác.
* Trang 100 *
Hỏi: Bát-nhã vô lượng vô hạn, cớ gì lấy việc ngồi đạo tràng làm giới hạn?[1]
Đáp: Trước đã đáp: Bát-nhã khi đến trong tâm Phật, chuyển lại gọi là Nhất thiết trí; lý tuy một mà danh từ đã đổi, nên nói siêng tu cho đến khi ngồi đạo tràng. Bồ-tát đến đạo tràng, từ khi phát tâm lại đây, những pháp tu được đều xả bỏ, được vô ngại giải thoát nên thông suốt cả ba đời.
Hỏi: Trong khoảnh khắc gảy móng tay gồm có 60 niệm, niệm niệm sinh diệt, làm sao một tâm có thể thường niệm Nhất thiết trí không để cho niệm khác xen vào?
Đáp: Tâm có hai thứ: Một là tâm niệm niệm sinh diệt; hai là tâm thứ lớp nối nhau sinh, chung gọi là một tâm.[2] Vì thứ lớp nối nhau sinh nên tuy có nhiều mà gọi là một tâm. Khi ấy không để cho tâm tham, giận tiếp tục xen vào, vì sao? Vì tâm tham, giận trụ lâu thời có thể làm chướng ngại Bát-nhã; niệm ít thời không hại. Đây là vì hàng Bồ-tát mới phát tâm mà nói.
Lại có đại Bồ-tát tuy hành các thiện pháp khác mà đều hòa hợp với Bát-nhã nên có thể làm cho trong mỗi niệm các tâm khác không xen vào. Bồ-tát phần nhiều đối với Bát-nhã khởi lên các hí luận và các tà kiến, nên Phật dạy thường nghĩ đến Nhất thiết trí, đừng để các tâm khác xen vào. Thường nghĩ đến là tâm không hướng đến chỗ khác, giả sử chết đến bên mình
[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 11: Lại có người nói” Từ sơ phát tâm cho đến khi ngồi dưới cội Đạo thọ, những trí tuệ có được ở khoảng trung gian đó, gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Đến khi thành Phật, thì Bát-nhã Ba-la-mật ấy đổi lại gọi là Tát-bà-nhã; quyển 43, 72, 82.
[2] T. 45: Cưu-ma-la-thập pháp sư đại nghĩa (鳩摩羅什法師大義), quyển 3, tr. 138c17-29: Có người nói: Tâm có hai thứ: một là phá liệt phân tán cho đến niệm niệm diệt tợ như phá sắc cho đến vi trần; hai là tương tục sanh mà không đoạn diệt.
* Trang 101 *
cũng không quên Nhất thiết trí. Tướng tu hành Bát-nhã là không hành theo tâm tâm số pháp.
Hỏi: Người phàm phu vào vô tưởng định hoặc sinh cõi trời vô tưởng. Bậc thánh nhân trú ở Hữu dư Niết-bàn, vào Diệt tận định; hết thảy thánh nhân vào Hữu dư Niết-bàn tâm tâm số pháp đều không hiện hành; tâm tâm số pháp không hiện hành thời khi Bồ-tát hành Bát-nhã, làm sao tâm tâm số pháp không hiện hành?
Đáp: Việc ấy trong A-tỳ-đàm[1] nói chứ không phải nghĩa của Đại thừa. Tiểu thừa, Đại thừa sai khác như trước nói.[2] Thế nên không nên đem A-tỳ-đàm nạn hỏi Đại thừa.
* Lại nữa, trong tam-muội Vô tướng, các tướng sắc... diệt nên gọi là vô tướng, vì vô tướng nên không nên sinh tâm tâm số pháp. Đây cũng chẳng phải là vô tưởng định, diệt tận định.
Hỏi: Nghĩa vô tướng như Phật mỗi mỗi nói hoặc gọi là kiến đế đạo, hoặc tín hành, pháp hành là vô tướng, người cho là mau;[3] hoặc nói định Vô sắc, vì tưởng vi tế khó biết nên cũng gọi là vô tướng;[4] hoặc trong ba môn giải thoát duyên Niết-bàn nên gọi là vô tướng.[5] Thế nên không được nói chỉ vì vô tướng nên gọi là tâm tâm số pháp không hiện hành, cho đến vì duyên Niết-bàn vô tướng, tâm tâm số pháp không diệt, huống gì duyên pháp hữu tướng?
Đáp: Trong kiến đế đạo, trong định vô sắc nói vô tướng có thể được; nếu nói duyên Niết-bàn vô tướng thời
[1] Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra- 大毘婆沙論), quyển 151, tr. 772b11-12: nghĩa là trú Vô tưởng, Diệt tận định v.v… cho đến tâm tâm sở hết thảy không hiện hành, lúc ấy tâm tâm sở pháp không khởi, không diệt; quyển 154, tr. 782c18-21: nhập vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn, diệt hết thảy hữu sở duyên pháp, tâm tâm sở pháp không khởi, không diệt. Trú Diệt tận định cũng diệt hết thảy hữu sở duyên pháp, tâm tâm sở pháp không khởi, không diệt.
[2] Xem Đại trí độ luận, quyển 4, 7, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 24, 25, 26, 27, 28.
[3] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra- 大毘婆沙論), quyển 105, tr. 541c15-542a1: Đối với kiến đạo nói vô tướng thanh (tiếng), như nói: Mục Liên không nói vô tướng trú thứ sáu. thế nào là vô tướng trú thứ sáu? Đó là tùy tín hành, tùy pháp hành không thể thi thiết, ở đây và kia không thể thi thiết; ở Khổ pháp trí nhẫn cho đến Đạo loại trí nhẫn. Hỏi: vì sao gọi kiến đạo là vô tướng? đáp: kiến đạo mau không vượt giới hạn tâm, không thể thi thiết tướng đây kia vậy.
[4] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論), quyển 105, tr. 542a6-12: Đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ nói vô tướng thanh, như nói: Tôi khởi nhiều gia hạnh, dụng nhiều công lực, được Vô tướng tâm định, không nên ở trong đó hân hoan nhiễm trước. Ở đây nói không khởi hữu đảnh vị định, chỉ khởi tịnh định. Hỏi: vì sao Phi tưởng phi phi tưởng xứ gọi là vô tướng? Đáp: vì Phi tưởng phi phi tưởng xứ không hiểu rõ tưởng tướng, cũng không có vô tưởng tướng, chỉ có muội độn không hiểu rõ tướng vi tế hiện hành, như nghi mà chuyển nên gọi là vô tướng.
[5] T. 28: Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm luận (舍利弗阿毘曇論), quyển 16, tr. 633b4-11: Thế nào là vô tướng định? (1) trừ không định, hoặc định khác dùng Thánh Niết-bàn làm cảnh giới, ấy gọi là vô tướng định. (2) lại nữa vô tướng định là gì? Hành có tướng, Niết-bàn là vô tướng. Hành có ba tướng: sanh, trú, diệt; Niết-bàn không có ba tướng: không sanh, không trú, không diệt. Như vậy hành có tướng, còn Niết-bàn là vô tướng. Niết-bàn là tịch diệt, là xá trạch, cứu hộ, đăng minh, y chỉ, quy thú, không ưu não, là không ưu bi khổ não và các hành khác. Tư duy Niết-bàn được định tâm trú chánh trú, ấy gọi là vô tướng định.
* Trang 102 *
không đúng. Phật thường tán thán Niết-bàn vô tướng, vô lượng, không thể nghĩ nghì, tức là pháp vô tướng, vô duyên, ông làm sao nói duyên Niết-bàn?
Hỏi: Diệt tướng nam, tướng nữ nên gọi là vô tướng,[1] chứ không nói không có tướng Niết-bàn? Hành giả thủ tướng Niết-bàn ấy sinh tâm tâm số pháp gọi là duyên.
Đáp: Phật nói hết thảy pháp hữu vi sinh đều là lưới ma, hư dối không thật; nếu tâm tâm số pháp duyên Niết-bàn là thật, thời mất tướng hữu vi hư vọng; nếu không thật thời không thể thấy Niết-bàn. Thế nên ông nói Niết-bàn có tướng có thể duyên, việc ấy không đúng.
Hỏi: Phật tự nói Niết-bàn có ba tướng, sao nay nói vô tướng?
Đáp: Ba tướng ấy giả danh, không thật, vì sao? Vì phá ba tướng hữu vi nên nói không sinh, không diệt, không trụ dị, vô vi, không có tướng riêng.[2]Lại nữa, tướng sinh trước chẳng mỗi mỗi phá rồi, tướng sinh chẳng thể có được, làm sao có vô sinh? Lìa tướng hữu vi, tướng vô vi không thể có được? Thế nên vô vi chỉ có tên gọi, không có tự tướng.
* Lại nữa, Phật pháp chơn thật, tịch diệt, không có hý luận (aprapađca); nếu Niết-bàn có tướng tức là có tướng chắc thật có thể thủ, bèn là hí luận; hý luận nên sinh ra tranh cãi; nếu tranh cãi sân giận còn không được sinh vào cõi trời cõi người, huống gì Niết-bàn! Thế nên Phật nói Niết-bàn vô tướng, vô lượng, không thể nghĩ nghì,
[1]T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra- 大毘婆沙論), quyển 104, tr. 538b27-29: Vô tướng tam-ma-địa, sở duyên định này lìa mười tướng: lìa tướng sắc, thanh, hương, vị, xúc, nữ, nam và ba tướng hữu vi.
[2] Đại trí độ luận, quyển 31: Lại nữa, lìa hữu vi thời không vô vi, vì sao? Vì thật tướng của hữu vi chính là vô vi; tướng vô vi thời chẳng phải hữu vi, chỉ vì chúng sanh điên đảo nên phân biệt nói.
Tướng hữu vi là sanh diệt trụ dị, tướng vô vi là chẳng sanh chẳng diệt chẳng trụ chẳng dị; ấy là cửa ban đầu để vào Phật pháp. Nếu pháp vô vi có tướng, ấy thời là hữu vi. Hữu vi pháp sanh tướng là Tập đế, diệt tướng là Diệt đế. Nếu không tập thời không làm, nếu không làm thời không diệt; ấy là tướng như thật của vô vi pháp. Nếu ngộ được thật tướng các pháp thời không còn rơi trong tướng sanh, diệt, trụ, dị, khi ấy không thấy pháp hữu vi hợp với pháp vô vi, không thấy vô vi hợp với pháp hữu vi; không thủ tướng hữu vi pháp vô vi pháp; ấy là vô vi pháp, vì sao? Vì nếu phân biệt hữu vi pháp vô vi pháp, thời đối với hữu vi vô vi bị chướng ngại. Nếu dứt hết các ức tưởng phân biệt, dứt các duyên, vì thật trí không các duyên thì không đọa vào trong chúng sanh số, mà được Niết-bàn an ổn thường vui.
Đại trí độ luận, quyển 46: Hỏi: Phật dùng ba tướng nói pháp vô vi, tại sao nói vô tướng? Đáp: Không phải vậy, phá sinh nên nói vô sinh, phá trụ nên nói vô trụ, phá diệt nên nói vô diệt; đều từ bên sinh, trụ, diệt mà có tên gọi đó, không phải riêng có pháp vô sinh, vô diệt gọi là vô pháp, vô pháp không.
* Trang 103 *
diệt các hí luận (prapađca). Tướng Niết-bàn ấy tức là Bát-nhã ba-la-mật (prajđ-pramit). Thế nên không nên có tâm tâm số pháp. Như phẩm trước nói, Bồ-tát hành Bát-nhã lìa tướng tâm và chẳng phải tâm. Nếu có tướng chẳng phải tâm thời nên nạn rằng không có tâm tướng, làm sao hành Bát-nhã?[1] Nay lìa cả hai bên ấy nên không nên vấn nạn.
* Lại nữa, vì vô minh điên đảo tà kiến đời trước nên được thân này, tâm tâm số pháp trong thân ấy tuy có thiện song vì nhân duyên sinh nên không có tự tính, hư dối không thật. Quả báo của thiện tâm ấy hưởng phước vui cõi trời cõi người đều là vô thường nên sinh khổ lớn, cũng là hư dối không thật; huống gì tâm bất thiện, vô ký! Nhân hư dối nên quả cũng hư dối; vì Bát-nhã ba-la-mật chơn thật nên tâm tâm số pháp không hiện hành.
Tu-bồ-đề nghe nói tâm tâm số pháp không hiện hành nên hỏi Phật: Tu Bát-nhã ba-la-mật được Nhất thiết trí chăng? Phật đáp: không, vì sao? Vì tu là thường hành chứa nhóm, đều là lực của tâm tâm số pháp, nên nói không tu. Tu còn không được, huống gì không tu! Tu và không tu là vì Bát-nhã là pháp vô vi nên không tu; vì Bát-nhã hay quán thật tướng nên nói tu; cả hai đều có lỗi, nên Phật đáp không.
Hỏi: Nếu trong cách thứ ba tu không tu có lỗi, còn trong cách thứ tư chẳng phải tu chẳng phải không tu có lỗi gì mà Phật đáp không?
[1] Tham khảo Đại phẩm Bát-nhã kinh, quyển 3, phẩm khuyến học; T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh, quyển 2, phẩm học; T. 8: Quang tán Bát-nhã kinh, quyển 3, phẩm Liễu không.
* Trang 104 *
Đáp: Vì Tu-bồ-đề đem tâm chấp thủ tướng mà hỏi nên Phật đáp không. Vì nhận tu không tu nên mới có việc chẳng phải tu chẳng phải không tu, thế nên Phật đáp không; nếu không đem tâm chấp tướng nói chẳng phải tu chẳng phải không tu thời không có lỗi. Bốn câu hỏi của Tu-bồ-đề Phật đều không chấp thuận nên tâm mê hoặc lại hỏi Thế Tôn: Nay làm sao sẽ được Nhất thiết trí? Phật đáp: Như tướng như. Tu-bồ-đề cũng không hiểu như, nên Phật lại đáp: như thật tế.
Hỏi: Trong phẩm Như, Tu-bồ-đề tự khéo nói Như,[1] sao đây còn nghi?
Đáp: Như ấy không có tướng nhất định, thế nên không thể không hỏi. Nếu Như có tướng nhất định thời đã hiểu rõ; Như ấy sâu xa vô lượng nên Tu-bồ-đề có chỗ hiểu, có chỗ không hiểu. Thí như chỗ nước lớn, có người vào sâu, có người vào cạn, đều gọi là vào nước; không được nói người vào cạn là không vào nước.
Hỏi: Vì sao không lấy Như để ví dụ Thật tế mà lấy Thật tế ví dụ Như? Thật tế có gì dễ hiểu nên ví dụ?
Đáp: Như và Thật tế tuy là một nhưng khi quán sát có khác nhau. Như là thể tính các pháp; Thật tế là tâm hành giả thủ chứng. Phật vì Tu-bồ-đề thủ chứng Thật tế nên lấy Thật tế làm ví dụ.
Hỏi: Thường nói pháp tính sau Như, Thật tế sau Pháp tính; sao nay Pháp tính lại nói ở sau?
[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 71, giải thích phẩm đại như thứ 54; Đại phẩm Bát-nhã kinh, quyển 16, phẩm Đại như; T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh, quyển 12, phẩm Thán thâm.
* Trang 105 *
Đáp: Nay vì muốn lấy ngã tính, chúng sinh tính nói rốt ráo không, nên đổi thứ lớp ở sau. Lại nữa, từ sau khi được thấy đế đạo, trong khi học đạo có thể quán các pháp Như; còn trong vô học đạo, vì phiền não sạch hết, định tâm tác chứng; vì định tâm tác chứng nên thông suốt hết thảy tướng chung, tướng riêng, gọi là pháp tính. Chỗ bản sinh của các pháp gọi là tính, thế nên lấy pháp tính ví dụ thật tế. Phật dạy: Pháp tính có phần Thanh-văn, có phần Đại thừa. Tu-bồ-đề đối với phần Thanh-văn không nghi, đối với phần Đại thừa có nghi nên hỏi. Phật muốn lấy việc người phàm có thể hiểu làm chứng, cho nên nói như ngã tính, chúng sinh tính, thọ mạng tính. Tu-bồ-đề không còn hỏi gì nữa, Phật muốn nói câu kết thúc nên hỏi ngược lại Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Ngã thật có chăng? Tu-bồ-đề được đạo nên đáp không. Bậc Tu-đà-hoàn còn không thấy ngã, huống gì A-na-hàm! Phật dạy: Ông là hàng Tiểu thừa độn căn còn không thấy ngã, huống gì Phật! Phật dùng trí tuệ tìm ngã không thể có được, thời làm sao có thể nói? Như ngã không thể nói có, thời hết thảy pháp cũng như vậy. Bồ-tát hành được pháp không thể nói ấy nên được Nhất thiết trí. Không thể nói là không thể phân biệt hoặc có hoặc không.
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, các pháp nếu không thể phân biệt, làm sao phân biệt nói có địa ngục, ngạ quỷ..., có các thánh đạo Tu-đà-hoàn...?
Phật đáp: Chúng sinh không có định pháp. Địa ngục chỉ có tên gọi giả (prajđapti), làm sao phân biệt nói có không?
* Trang 106 *
Chúng sinh và thánh nhân, từ nơi phân biệt chúng sinh nên có các tên thánh đạo, song chúng sinh thật không thể có được. Như thế, Bồ-tát nên học “Bát-nhã ba-la-mật không thể nói” như vậy.
Tu-bồ-đề hỏi: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát nên học sắc pháp, nay cớ gì nói học hết thảy pháp không thể nói?
Phật đáp: Bồ-tát tuy học sắc pháp... chỉ nên học là không thêm (na pariprṇḥ) không bớt (non). Ý nghĩa không thêm không bớt như trước nói.[1] Trong đây Phật tự nói nhân duyên học được không thêm không bớt: Nếu Bồ-tát học pháp tức là học không thêm không bớt.
Tu-bồ-đề hỏi: Làm sao học pháp không sinh không diệt?
Phật đáp: Không khởi không làm các hạnh nghiệp hoặc có hoặc không. Có là ba hữu (ba cõi):[2] Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu. Không là đoạn diệt, lìa tám thánh đạo miễn cưỡng muốn cầu tịch diệt. Vì hai việc ấy mà người phàm phu tạo các hành nghiệp hoặc thiện hoặc bất thiện. Bồ-tát biết thật tướng các pháp là không sinh không diệt nên không tạo ba nghiệp, không khởi lên pháp tương ưng với nghiệp; ấy gọi là vô tác giải thoát môn; không sinh không diệt là vô tướng giải thoát môn.
Bạch đức Thế Tôn, dùng phương tiện gì có thể không khởi không làm các hành nghiệp?
[1] Đại trí độ luận, quyển 64, quyển 55: Nếu học được như vậy, là chánh hành đạo Bồ-tát, học sắc không tăng không giảm. Tăng là nếu chỉ thấy bốn đại và bốn đại tạo sắc (sắc, hương, vị, xúc) hòa hợp thành thân, thời không sinh tâm chấp trước, để đối với thân này khởi lên các tướng nam nữ, tốt xấu, dài ngắn v.v... cho nhất định là có thật, sinh tâm nhiễm đắm; ấy là tăng. Nếu phá sắc khiến cho không, tâm nhiễm đắm không ấy; ấy là giảm; cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.
[2] Tam hữu (tribhava): Tam hữu chỉ cho Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu, tức đồng nghĩa với Tam giới. Vì chúng sanh sinh trong năm cõi này có (hữu) tạo nghiệp dẫn đến quả bảo dị thục nên gọi là Tam hữu. (1) Dục hữu: Nơi cư trú của các loài trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh, mỗi loài tùy theo nghiệp nhân mà chịu quả báo. (2) Sắc hữu: Các trời Tứ thiên của cõi Sắc, tuy đã lìa thân thô nhiễm của cõi Dục nhưng còn sắc thanh tịnh. (3) Vô sắc hữu: Các trời Tứ không của cõi Vô sắc, tuy không còn sắc chất làm ngại, nhưng cũng vẫn tùy theo chỗ tạo nghiệp nhân mà chịu quả báo. Xem Đại trí độ luận, quyển 3; luận Tập dị môn túc, quyển 4; Luận Đại tỳ-bà-sa, quyển 60.
* Trang 107 *
Phật đáp: Nếu Bồ-tát quán được các pháp tự tướng không (sarvadharma-svalakṣaṇa-nyat); nghĩa là sắc (rpa), sắc tự tướng không (rpa-svalakṣaṇa-nyat), cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác không, bấy giờ Bồ-tát có thể làm hai việc: Một là không khởi không làm các hành nghiệp, hai là có thể đối với hết thảy pháp tập hành tự tướng không.
Lại hỏi: Nếu sắc pháp... tự tướng không, làm sao Bồ-tát nên tập hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật đáp: Chẳng hành là hành Bát-nhã ba-la-mật. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Thể của Bát-nhã ba-la-mật không thể có được; người tập hành, pháp tập hành, chỗ tập hành không thể có được. Vì pháp không, nên Bát-nhã không thể có được, chỗ tập hành cũng không thể có được; vì chúng sinh không, nên người tập hành không thể có được. Vì hết thảy hí luận không thể có được nên Bồ-tát không tập hành, gọi là hành Bát-nhã ba-la-mật (prajđpramityṃ caryṃ).
Tu-bồ-đề hỏi: Nếu không hành là hành Bát-nhã, thời Bồ-tát mới phát tâm làm sao nên hành Bát-nhã? Ý Tu-bồ-đề muốn nói: Nếu không hành là hành thời hàng Bồ-tát mới phát tâm thời tâm mê muội, nếu cho hành là hành thời là điên đảo, thế nên hỏi. Phật đáp: Bồ-tát mới phát tâm nên học pháp không có sở đắc, pháp không có sở đắc tức là không có hành. Học là dùng sức phương tiện dần dần tập hành, khi bố thí do pháp không có sở đắc nên bố thí. Trong các pháp thật tướng rốt ráo không, không có pháp có thể được, hoặc có
* Trang 108 *
hoặc không; Bồ-tát trú trong trí tuệ ấy nên bố thí hoặc nhiều hoặc ít. Vì xem vật bố thí, người bố thí, người nhận thí, bình đẳng nghĩa là đều không thể có được; cho đến Nhất thiết trí cũng như vậy. Tu-bồ-đề nghĩ rằng: Vì có sở đắc thời là thế gian điên đảo; không có sở đắc tức là Niết-bàn, thế nên hỏi Phật: Thế nào là có sở đắc, thế nào là không có sở đắc? Phật lược đáp: Có hai tướng là có sở đắc, không có hai tướng là không có sở đắc. Hai tướng là mắt và sắc; hai cái hòa hợp gọi là hai. Do mắt nên biết sắc; do sắc nên biết là mắt; mắt và sắc đối đãi nhau.
Hỏi: Nếu khi không thấy sắc cũng có mắt, cớ sao mắt không lìa sắc?
Đáp: Vì từng thấy sắc nên gọi là mắt; nay tuy không thấy sắc, vì trước có thấy nên gọi là mắt. Thế nên hết thảy pháp hữu vi đều thuộc nhân duyên; nhân thuộc quả; quả thuộc duyên, không có định tướng tự tại; cho đến ý và pháp, Phật và Bồ-tát cũng như vậy. Kẻ phàm phu ngu trí mỗi mỗi phân biệt, tạo nghiệp thiện ác; kẻ trí biết hai pháp ấy đều hư dối, thuộc nhân duyên, không cho hai là hai. Tu-bồ-đề hỏi: Hai pháp ấy tức là có sở đắc, không có hai pháp tức là không có sở đắc; vậy không có sở đắc từ trong có sở đắc hay không có sở đắc từ trong không có sở đắc? Vì duyên theo các pháp thủ tướng hành đạo nên được rốt ráo không, không có sở đắc? Hay vì không duyên, không thủ tướng hành đạo nên được rốt ráo không, không có sở đắc? Nếu không có sở đắc từ trong có sở đắc, thời có sở đắc tức là
* Trang 109 *
điên đảo (viparysa)? Hành theo điên đảo làm sao được chơn thật? Nếu không có sở đắc từ trong không có sở đắc, không có sở đắc tức là không có gì? Không có gì thời làm sao phát sinh không có gì?
Phật cho cả hai đều có lỗi nên không chấp thuận, có sở đắc và không có sở đắc đều bình đẳng quán sát. Bình đẳng tức là rốt ráo không, không có sở đắc; nhân không có sở đắc mà phá có sở đắc, việc hoàn thành cũng bỏ luôn, không có sở đắc. Như vậy, Bồ-tát ở nơi có sở đắc và không có sở đắc bình đẳng, trong Bát-nhã nên học. Nếu Bồ-tát học được như vậy gọi là người chân thật không có sở đắc, không có lỗi lầm. Từ một địa đến một địa, ý nghĩa cũng như vậy.
Tu-bồ-đề hỏi: Nếu Bát-nhã không thể có được, Bồ-đề không thể có được, Bồ-tát không thể có được thời làm sao Bồ-tát học Bát-nhã, phân biệt các pháp tướng? Nghĩa là tướng não hoại là sắc, tướng khổ vui là thọ...? Nếu Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, sắc pháp không thể có được, làm sao đầy đủ được các thiện pháp bố thí...? Làm sao vào được Bồ-tát vị, như trong kinh nói rộng?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát không vì thủ đắc tướng sắc nên học Bát-nhã.
Lại hỏi: Vì việc gì nên hành Bát-nhã?
Phật đáp: Vì không có sở đắc nên hành Bát-nhã, vì sao? Vì hết thảy pháp không, vô tướng, vô tác, vô khởi, Bát-nhã, Bồ-tát, Bồ-đề cũng vô tướng, vô tác, vô
* Trang 110 *
khởi. Bồ-tát vì hết thảy thật tướng các pháp nên hành Bát-nhã, chẳng phải vì tâm điên đảo. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên hành vô tác Bát-nhã như vậy, vì không tác, không khởi.
(Hết cuốn 83 theo bản Hán)
Kinh: Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu các pháp không có sở vi, không có sở tác, không nên phân biệt có ba thừa Thanh- văn, Bích-chi Phật và Phật thừa.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong các pháp không có sở vi, không có sở tác thời không có phân biệt; trong pháp có sở vi, có sở tác thời có phân biệt. Vì sao? Vì người phàm phu không nghe được Thánh pháp, chấp trước năm thọ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chấp trước Thí ba-la-mật cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Người ấy nghĩ có sắc ấy, được sắc ấy cho đến nghĩ có Vô thượng chánh đẳng chánh giác ấy, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác ấy. Bồ-tát ấy nghĩ rằng, ta sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, ta sẽ độ chúng sinh. Này Tu-bồ-đề, Ta dùng năm mắt xem xét còn không thấy được sắc cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác, người ngu cuồng không có mắt mà muốn được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, độ thoát chúng sinh ư?
* Trang 111 *
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu Phật dùng năm mắt xem xét không thấy có chúng sinh có thể độ, sao nay Thế Tôn được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, phân biệt chúng sinh có ba nhóm:[1] Nhóm chánh định, nhóm tà định và nhóm bất định?
Phật dạy: Này Tu-bồ-đề, Ta được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, lúc đầu không thấy có ba nhóm chúng sinh hoặc chánh định, hoặc tà định, hoặc bất định, vì chúng sinh có ý tưởng cho rằng có pháp, không pháp, Ta muốn trừ vọng tưởng chấp trước ấy nên theo pháp thế tục mà nói có được, chứ chẳng phải theo đệ nhất nghĩa.
Bạch đức Thế Tôn, chẳng phải trụ trong đệ nhất nghĩa được Vô thượng chánh đẳng chánh giác ư? Phật đáp: Không.
Bạch đức Thế Tôn, trú trong điên đảo được Vô thượng chánh đẳng chánh giác ư? Phật đáp: Không.
Bạch đức Thế Tôn, nếu không trú trong đệ nhất nghĩa được, cũng không trú trong điên đảo được vậy toan không có Thế Tôn không được Vô thượng chánh đẳng chánh giác ư ?
Phật dạy: Không. Ta thật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không có chỗ trú hoặc
[1] Đại trí độ luận (大智度論), quyển 45, tr. 383a28-b1: Chúng sanh có ba phần: 1. Chánh định, chắc chắn vào Niết-bàn. 2. Tà định, chắc chắn vào ác đạo. 3. Bất định. Đại trí độ luận, quyển 84: Hạng người phá được điên đảo gọi là nhóm chánh định; hạng người chắc chắn không phá được điên đảo là hạng tà định; hạng người gặp được nhân duyên thời có thể phá, không được thời không thể phá điên đảo là thuộc nhóm bất định; Thích ma-ha-diễn luận, quyển 1: Thập thánh là Chánh định tụ, Tam hiền là Bất định tụ, Phàm phu là Tà định tụ.
* Trang 112 *
nơi tướng hữu vi, hoặc nơi tướng vô vi. Thí như người Phật biến hóa[1] ra không trú nơi tướng hữu vi, không trú nơi tướng vô vi mà người biến hóa cũng có đến có đi, cũng ngồi cũng đứng. Này Tu-bồ-đề, người biến hóa ấy hoặc hành Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, hoặc hành bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông, bốn niệm xứ cho đến tám phần Thánh đạo; hoặc Không tam-muội., Vô tướng tam-muội, vô tác tam-muội; hoặc hành nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; hoặc bội xả, định chín thứ lớp, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, đại từ đại bi, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chuyển Pháp luân. Người biến hóa ấy hóa làm vô lượng chúng sinh có ba nhóm. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Người biến hóa ấy có hành Thí ba-la-mật cho đến có ba nhóm chúng sinh chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không. Này Tu-bồ-đề, Phật cũng như vậy, biết các pháp như biến hóa, như người biến hóa độ chúng sinh biến hóa, không thật có chúng sinh có thể độ. Như vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật giống như người Phật biến hóa hành.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu hết thảy pháp như biến hóa, vậy Phật cùng với người biến hóa có gì sai khác?
[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 46, 54.
* Trang 113 *
Phật bảo Tu-bồ-đề: Phật cùng với người biến hóa không có sai khác, vì sao? Vì Phật có tạo tác, người biến hóa cũng có thể có tạo tác.
Bạch đức Thế Tôn, nếu không có Phật, riêng người biến hóa có thể có tạo tác chăng? Phật dạy: Có thể có tạo tác.
Tu-bồ-đề thưa: Làm sao không có Phật mà người biến hóa có thể có tạo tác?
Này Tu-bồ-đề, thí như quá khứ có Phật hiệu là Tu-kiến-đa, vì muốn độ Bồ-tát nên hóa làm Phật, xong liền tự diệt độ. Vị Phật biến hóa ấy trụ nửa kiếp làm Phật sự, thọ ký cho Bồ-tát hành giả xong mới diệt độ. Hết thảy chúng sinh trong thế gian cũng biết Phật thật diệt độ.[1] Này Tu-bồ-đề, người biến hóa ấy cũng không sinh không diệt. Như vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật nên tin biết các pháp như huyễn hóa.
Bạch đức Thế Tôn, nếu Phật và người Phật biến hóa ra không có sai khác, làm sao khiến bố thí thanh tịnh; như người cúng dường Phật, người ấy cho đến khi được Vô dư Niết-bàn, phước đức không cùng tận; nếu cúng dường vị hóa Phật, người ấy cho đến khi được Vô dư Niết-bàn, phước đức cũng có thể không cùng tận ư?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Phật vì thật tướng các pháp nên làm ruộng phước cho chúng sinh và trời
[1]Đại trí độ luận, quyển 7: Cũng như Phật Tu-phiến-đa, vì bản hạnh của đệ tử chưa thuần thục, nên bỏ mà vào Niết-bàn, lưu lại hóa Phật một kiếp để độ chúng sanh. Quyển 34: Lại như Phật Tu-phiến-đa thành Phật rồi, không ai thọ hoá, nên làm hoá Phật lưu lại một kiếp thuyết pháp độ người, còn tự thân thì diệt độ. Quyển 88: Lại ví như Phật Tu-phiến-đa được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì hàng ba thừa chuyển pháp luân, không có ai được thọ ký Bồ-tát. Nên hóa làm Phật rồi, xả thọ mạng mà vào Vô dư Niết-bàn.
* Trang 114 *
người; hóa Phật cũng vì thật tướng các pháp nên làm ruộng phước cho chúng sinh và trời người. Này Tu-bồ-đề, gác qua phước đức gieo trồng được nơi Phật và hóa Phật ấy, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân chỉ đem tâm cung kính niệm Phật, do thiện căn ấy cho đến khi hết khổ, phước đức kia không cùng tận. Này Tu-bồ-đề, gác qua việc tâm cung kính niệm Phật ấy, nếu người thiện nam kẻ thiện nữ chỉ dùng một cành hoa rải lên hư không và niệm Phật, cho đến khi hết khổ, phước kia không cùng tận. Này Tu-bồ-đề, gác qua việc tâm cung kính niệm Phật, rải hoa (puṣpeṇa) niệm Phật ấy, nếu có người một lần xưng “Nam mô Phật” (namo ’stu buddhya kṛta ekavram), cho đến khi hết khổ, phước kia không cùng tận. Như vậy, trong ruộng phước của Phật gieo trồng, phước kia không cùng tận. Vì vậy nên biết Phật và hóa Phật không có sai khác, vì thật tướng các pháp không có sai khác. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như vậy hành Bát-nhã ba-la-mật (prajđpramityṃ caryṃ), vào trong thật tướng các pháp, thật tướng các pháp ấy không hư hoại; đó là tướng Bát-nhã ba-la-mật cho đến tướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác không hư hoại.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu thật tướng các pháp không hư hoại, cớ sao Phật gọi các pháp tướng, nói rằng là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức; là nội pháp, ngoại pháp; là
* Trang 115 *
thiện pháp, là bất thiện pháp, là hữu lậu, vô lậu; là thế gian, xuất thế gian; là pháp có tránh, pháp không tránh; là pháp hữu vi, pháp vô vi...? Bạch đức Thế Tôn, như vậy toan không hoại pháp tướng ư?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Không, vì sao? Vì tướng danh tự nên Ta chỉ bày các pháp để chúng sinh hiểu rõ, Phật không phá hoại thật tướng các pháp.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu do tướng danh tự nên Phật thuyết pháp để cho chúng sinh hiểu rõ, bạch Thế Tôn, nếu hết thảy pháp không có danh, không có tướng, làm sao dùng danh tướng để chỉ dạy cho chúng sinh được hiểu?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Theo pháp thế tục có danh có tướng, thật không có chỗ chấp trước. Thí như người phàm phu nghe nói khổ, chấp trước danh, theo tướng, còn Phật và đệ tử không chấp trước danh, không theo tướng. Nếu đối với danh chấp danh, đối với tướng chấp tướng, đối với không cũng nên chấp không, đối với vô tướng cũng nên chấp vô tướng, vô tác cũng nên chấp vô tác, thật tế cũng nên chấp thật tế, pháp tính cũng nên chấp pháp tính, vô vi cũng nên chấp vô vi? Này Tu-bồ-đề, hết thảy pháp chỉ có danh và
* Trang 116 *
tướng, pháp ấy không ở trong danh tướng. Như vậy, Bồ-tát chỉ ở trong danh tướng hành Bát-nhã ba-la-mật, ở trong danh tướng ấy cũng chẳng nên chấp trước.
Bạch đức Thế Tôn, nếu hết thảy pháp hữu vi chỉ có danh tướng, vậy Bồ-tát vì ai nên phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chịu mọi sự lao khổ? Khi Bồ-tát hành đạo bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, vào thiền định, tu trí tuệ, hành bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ cho đến tám phần Thánh đạo; hành không hạnh, vô tướng hạnh, vô tác hạnh, mười lực của Phật cho đến đại từ đại bi?
Phật dạy: Như lời Tu-bồ-đề nói, nếu hết thảy pháp hữu vi chỉ có danh tướng, thời Bồ-tát vì ai nên hành Bồ-tát đạo? Này Tu-bồ-đề, nếu pháp hữu vi chỉ có danh tướng, danh tướng ấy, tướng danh tướng không; vì vậy nên Bồ-tát hành Bồ-tát đạo, được trí Nhất thiết chủng; được trí Nhất thiết chủng rồi, chuyển pháp luân; chuyển pháp luân rồi, lấy pháp ba thừa độ thoát chúng sinh. Danh tướng ấy cũng không sinh, không diệt, không trụ dị.
Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn nói trí Nhất thiết chủng ?
* Trang 117 *
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ta nói trí Nhất thiết chủng.
Tu-bồ-đề thưa: Phật nói Nhất thiết trí, nói đạo chủng trí, nói trí Nhất thiết chủng, ba trí[1] ấy có gì sai khác?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nhất thiết trí là trí của Thanh-văn, Bích-chi Phật; đạo chủng trí là trí của Bồ-tát; trí Nhất thiết chủng là trí của Phật.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì nên Nhất thiết trí là trí của Thanh-văn, Bích-chi Phật?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nhất thiết là chỉ cho pháp trong, pháp ngoài mà Thanh-văn, Bích-chi Phật biết được, nhưng không thể dùng trí Nhất thiết đạo, Nhất thiết chủng.
Tu-bồ-đề thưa: Vì nhân duyên gì đạo chủng trí[2] là trí của Bồ-tát?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nhất thiết đạo, hàng Bồ-tát nên biết, hoặc là đạo Thanh-văn, đạo Bích-chi Phật, đạo Bồ-tát phải biết đầy đủ, cũng phải biết đạo ấy độ chúng sinh mà không tác chứng thật tế.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, như Phật nói Bồ-tát nên đầy đủ các đạo, không nên do đạo ấy tác chứng thật tế ư?
[1] Đại trí độ luận, quyển 84, giải thích phẩm ba tuệ thứ 70: (1) Nhất thiết trí: Trí biết rõ cái tướng chung của tất cả các pháp. Cái tướng chung ấy chính là Không tướng. Trí này là trí của hàng Thanh văn, Duyên giác. (2) Đạo chủng trí (cũng gọi là Đạo chủng tuệ, Đạo tướng trí): Trí biết rõ tướng riêng của tất cả các pháp. Cái tướng riêng ấy tức là các thứ đạo pháp sai biệt. Trí này là trí của hàng Bồ tát. (3) Nhất thiết chủng trí (cũng gọi là Nhất thiết tướng trí): Tức trí biết rõ suốt tướng chung và tướng riêng, đó là Phật trí.
Tham khảo Kinh Bồ-tát địa trì, quyển 3, phẩm Phương tiện xứ vô thượng bồ đề: ba trí chỉ cho Thanh tịnh trí, Nhất thiết trí và Vô ngại trí: (1) Thanh tịnh trí (śuddha-jñāna): Trí quán Đệ nhất nghĩa, đoạn trừ tất cả tập khí phiền não, lìa chướng, vô nhiễm. Đây là Đệ nhất nghĩa của Như-lai. (2) Nhất thiết trí (sarva-jñāna): Trí biết rõ tất cả pháp tướng như tất cả thời, tất cả cõi, tất cả việc, tất cả giống loài…Đây là trí thế đế của Như-lai. (3) Vô ngại trí (asaṅga-jñāna): cũng gọi là Vô trệ trí. Tức trí đối với tất cả pháp tướng trong bốn loại nói trên, hễ phát tâm là biết liền, không nhờ phương tiện, không cần suy nghĩ, rõ suốt không ngại. Đây là trí thế đế của Như-lai.
Ba trí này thuộc về Quán chiếu Bát-nhã trong ba loại Bát-nhã, cũng thuộc về Nhất thiết chủng trí. Xem Du già sư địa luận, quyển 38; Đại thừa nghĩa chương, quyển 19; Kinh Lăng già: Ba trí: (1) Thế gian trí (Laukika-jñāna): Tức trí của phàm phu, ngoại đạo. Phàm phu, ngoại đạo đối với tất cả pháp phân biệt theo các quan điểm, chấp trước hữu vô, nên không thể ra khỏi thế gian. (2) Xuất thế gian trí (Lokottara-jñāna): Trí của hàng Thanh-văn, Duyên-giác. Thanh-văn, Duyên-giác tu tứ đế, mười hai nhân duyên, có khả năng ra khỏi thế gian, nhưng vẫn còn rơi vào cái thấy tự tướng, cộng tướng, cho rằng có sinh tử đáng chán, có Niết-bàn để cầu. (3) Xuất thế gian thượng thượng trí (Lokottaratama-jñāna): trí của chư Phật, Bồ-tát. Trí của chư Phật, Bồ-tát quán thấy tất cả pháp đều vắng lặng, chẳng sinh chẳng diệt, được địa vị Như-lai, vượt trên Thanh-văn, Duyên-giác.
[2] Xem Đại trí độ luận, quyển 86.
* Trang 118 *
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát chưa nghiêm tịnh cõi Phật, chưa thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, khi ấy chưa nên tác chứng thật tế.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát trú trong đạo nên tác chứng thật tế ư?
Phật đáp: Không.
Bạch đức Thế Tôn, trú trong chẳng phải đạo tác chứng thật tế ư?
Phật đáp: Không.
Bạch đức Thế Tôn, trú trong đạo và chẳng phải đạo tác chứng thật tế ư?
Phật đáp: Không.
Bạch đức Thế Tôn, trú trong chẳng phải đạo chẳng phải chẳng phải đạo tác chứng thật tế ư?
Phật đáp: Không.
Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát trụ chỗ nào tác chứng thật tế?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Ông trú trong đạo, vì không lãnh thọ các pháp nên sạch hết lậu hoặc, tâm được giải thoát chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Không.
Ông trú trong chẳng phải đạo lậu hoặc sạch hết, tâm được giải thoát chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
* Trang 119 *
Ông trú trong đạo chẳng phải đạo, lậu hoặc sạch hết, tâm được giải thoát chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Ông trú trong chẳng phải đạo chẳng phải chẳng phải đạo, lậu hoặc sạch hết, tâm được giải thoát chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Con không có chỗ trú, không lãnh thọ các pháp, lậu hoặc sạch hết, tâm được giải thoát.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát cũng như vậy, không có chỗ trú nên tác chứng thật tế.
Tu-bồ-đề thưa: Thế nào là tướng của trí Nhất thiết chủng?
Phật dạy: Vì một tướng nên gọi là trí Nhất thiết chủng, đó là tướng các pháp tịch diệt. Lại nữa, đối với hành, loại, tướng mạo, danh tự các pháp hiển bày, thuyết giảng, Phật như thật biết, do vậy gọi là trí Nhất thiết chủng.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Nhất thiết trí, đạo chủng trí, trí Nhất thiết chủng, ba trí ấy dứt kiết sử có sai khác, có cùng tận, có dư thừa chăng?
Phật dạy: Dứt phiền não không sai khác. Chư Phật đều dứt hết phiền não và tập khí, còn Thanh-văn không dứt hết phiền não và tập khí.
* Trang 120 *
Bạch đức Thế Tôn, các người ấy không được pháp vô vi, có dứt được phiền não ư?
Phật dạy: Không.
Bạch đức Thế Tôn, trong pháp vô vi có thể có sai khác chăng?
Phật dạy: Không.
Bạch đức Thế Tôn, nếu trong pháp vô vi không có sai khác, cớ sao nói người ấy phiền não tập khí dứt, người ấy phiền não tập khí không dứt?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Tập khí chẳng phải phiền não; thân và miệng của hàng Thanh-văn, Bích-chi Phật có việc tợ như tướng dâm dục, sân hận, ngu si, đó là tập khí, người phàm phu làm nó thời mắc tội. Tập khí ba độc ấy chư Phật không có.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu đạo không có, Niết-bàn cũng không có, cớ sao phân biệt nói đây là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, Phật?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Đó đều là do pháp vô vi mà có phân biệt là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, Phật.
Bạch Thế Tôn, thật do pháp vô vi nên phân biệt có Tu-đà-hoàn cho đến Phật ư?
* Trang 121 *
Phật bảo Tu-bồ-đề: Thế Tôn nói có hai việc, đó chẳng phải theo đệ nhất nghĩa; trong đệ nhất nghĩa không nói có hai việc, vì sao? Vì trong đệ nhất nghĩa không có ngôn thuyết. Vì Thánh đạo dứt kiết sử nên nói có đời sau.[1]
Tu-bồ-đề thưa: Trong các pháp tự tướng không, đời trước không thể có được, huống gì nói có đời sau? (tiền tế, hậu tế)
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy, trong các pháp tự tướng không, không có đời trước huống gì có đời sau. Này Tu-bồ-đề, vì chúng sinh không biết các pháp tự tướng không nên Ta nói đời trước đời sau; trong các pháp tự tướng không đời trước đời sau đều không thể có được. Như vậy, Bồ-tát nên vì pháp tự tướng không mà hành Bát-nhã ba-la-mật. Nếu Bồ-tát hành pháp tự tướng không, thời không vướng mắc gì, hoặc nội pháp, hoặc ngoại pháp, hoặc pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi, hoặc pháp Thanh-văn, hoặc pháp Bích-chi Phật, hoặc pháp Phật.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Thường nói Bát-nhã ba-la-mật vì nghĩa gì gọi là Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy: Được đệ nhất độ hết thảy pháp đến bờ kia, vì nghĩa ấy nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Lại nữa, chư Phật, Bồ-tát, Bích-chi Phật, A-
[1] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 462, phẩm Xảo tiện thứ 68 (巧便品 68), tr. 338a19-21: Vì cớ sao? Chẳng phải trong vô vi có đường ngôn ngữ, hoặc tuệ phân biệt, hoặc cả hai thứ. Nhưng bởi thế tục ngôn thuyết kia các pháp dứt vậy, nên thi thiết thế tục ngôn thuyết các pháp đời sau (hậu tế).
* Trang 122 *
la-hán dùng Bát-nhã ấy được qua bờ kia, vì nghĩa ấy nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Lại nữa, phân biệt, trù lượng, phá hoại hết thảy pháp cho đến vi trần, trong đó không có chút nào chắc thật, vì nghĩa ấy nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, các pháp như như, pháp tính, thật tế đều vào trong Bát-nhã, vì nghĩa ấy nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật không có pháp hoặc hợp hoặc tán, hoặc sắc hoặc vô sắc, hoặc có thể thấy, hoặc không thể thấy, hoặc có đối, hoặc không đối, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi, vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật ấy vô sắc, vô hình, vô đối, là một tướng, nghĩa là vô tướng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bát-nhã ba-la-mật ấy hay sinh hết thảy pháp, hết thảy lạc thuyết biện tài, chiếu sáng tất cả; Bát-nhã ba-la-mật ấy ma hoặc ma trời, Thanh-văn, Bích-chi Phật, người, và các hàng Phạm-chí, ngoại đạo; những người oán thù, hung ác không thể phá hoại vị Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, vì sao? Vì những hạng người kia đều không thể có được trong Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát ấy nên như vậy hành theo nghĩa Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát muốn hành nghĩa Bát-nhã ba-la-mật sâu xa nên hành nghĩa vô
* Trang 123 *
thường (anitya), nghĩa khổ (duḥkha), nghĩa không (nyata), nghĩa vô ngã (antman); cũng nên hành nghĩa khổ trí (duḥkha-jđna), nghĩa tập trí (samudaya-jđna), nghĩa diệt trí (Nirodha-jđna), nghĩa đạo trí (Mrga-jđna), nghĩa pháp trí (Dharma-jđna), nghĩa loại trí (Anvaya-jđna), nghĩa thế trí (saṃvṛtỵ-jđna), nghĩa tha tâm trí (Para-citta-jđna), nghĩa tận trí (Kṣaya-jđna), nghĩa vô sinh trí (Anutpda-jđna), nghĩa như thật trí (bhtatathat-jđna).[1] Như vậy, Bồ-tát vì nghĩa Bát-nhã ba-la-mật nên hành Bát-nhã ba-la-mật.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Trong Bát-nhã ba-la-mật sâu xa ấy, nghĩa với phi nghĩa đều không thể có được, làm sao Bồ-tát vì nghĩa Bát-nhã ba-la-mật sâu xa nên hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát vì nghĩa Bát-nhã ba-la-mật nên nghĩ như vầy: Tham dục là chẳng phải nghĩa, nghĩa ấy không nên hành; sân hận, ngu si là chẳng phải nghĩa, nghĩa ấy không nên hành; hết thảy tà kiến là chẳng phải nghĩa, nghĩa ấy không nên hành,[2] vì sao? Vì tướng ba độc “như” không có nghĩa, không có chẳng phải nghĩa; vì hết thảy tướng tà kiến “như” không có nghĩa, không có chẳng phải nghĩa. Lại nữa, Bồ-tát nên nghĩ rằng: Sắc chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa, cho đến thức chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa; Thí ba-la-mật cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa, vì sao? Vì khi Phật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không có pháp có thể
[1] Mười trí (daśa-jñāna): (1) Pháp trí (dharmajñāna) là trí vô lậu đối với pháp khổ hệ thuộc cõi Dục (khổ), trí vô lậu đối với pháp nhân hệ thuộc cõi Dục (tập), trí vô lậu đối với pháp diệt hệ thuộc cõi Dục (diệt), trí vô lậu đối với đạo đoạn dứt hệ thuộc cõi Dục (đạo) và trí vô lậu trong pháp trí phẩm. (2) Tha tâm trí (paracittajñāna) là trí biết tâm tâm số pháp và một phần tâm tâm số pháp vô hiện tại của người khác hệ thuộc cõi Dục cõi Sắc. (3) Thế trí (saṃvṛtijñāna) là các trí tuệ hữu lậu (sāsrava-jñāna). (4) Khổ trí (duḥkhajñāna) là năm thọ uẩn vô thường, khổ, không, vô ngã, khi quán thời vô lậu trí (anāsrava-jñāna). (5) Tập trí (samudayajñāna) là nhân của pháp hữu lậu có bốn tướng là nhân, tập, sanh, duyên, khi quán thời được vô lậu trí (anāsrava-jñāna). (6) Diệt trí (nirodhajñāna) là bốn tướng diệt, chỉ, diệu, xuất, khi quán thời được vô lậu trí (anāsrava-jñāna). (7) đạo trí (margajñāna) là bốn tướng đạo, chánh, hành, đạt (hay đạo, như hành xuất) khi quán thời được vô lậu trí (anāsrava-jñāna). (8) Tận trí (kṣayajñāna) là ta đã thấy khổ, đã đoạn tập, đã chứng diệt, đã tu đạo. Khi nhớ nghĩ như vậy được trí vô lậu: tuệ, kiến, minh, giác. (9) Vô sanh trí (anutpādajñāna) là ta đã thấy khổ không còn thấy nữa, ta đoạn tập không còn đoạn nữa, ta đã chứng diệt không còn chứng nữa, ta đã tu đạo không còn tu nữa. Khi nhớ nghĩ như vậy được trí vô lậu (anāsrava-jñāna): tuệ, kiến, minh, giác. (10) Như thật trí (yathābhūtajñāna) là như thật biết đúng tướng chung tướng riêng của hết thảy pháp, không có quái ngại.
[2]T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 463, tr. 338c24-27: Phật bảo: Thiện Hiện! Các Bồ-tát Ma-ha-tát vì hành Bát nhã Ba la mật đa nghĩa thú thâm sâu nên khởi nghĩ này: ta không nên hành tham nghĩa và chẳng phải nghĩa; ta không nên hành sân nghĩa và chẳng phải nghĩa; ta không nên hành si nghĩa và chẳng phải nghĩa; ta không nên hành tà kiến nghĩa và chẳng phải nghĩa; ta không nên hành cho đến tất cả kiến thú nghĩa và chẳng phải nghĩa. Vì sao? Vì Tham dục, sân nhuế, ngu si, tà kiến, tà định, cho đến tất cả kiến thú chơn như, thật tế chẳng cùng các pháp làm nghĩa và phi nghĩa.
* Trang 124 *
được hoặc nghĩa hoặc chẳng phải nghĩa. Có Phật, không có Phật thì các pháp tánh vẫn thường trú, không có nghĩa, không có chẳng phải nghĩa. Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật nên xa lìa nghĩa và chẳng phải nghĩa.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, cớ gì Bát-nhã ba-la-mật chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Vì hết thảy pháp hữu vi không có tướng làm, vì vậy nên Bát-nhã ba-la-mật chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa.
Bạch đức Thế Tôn, hết thảy hiền thánh hoặc Phật hoặc đệ tử Phật đều lấy vô vi làm nghĩa, cớ sao Phật nói Bát-nhã ba-la-mật không có nghĩa, chẳng phải nghĩa?
Phật dạy: Tuy hết thảy hiền thánh hoặc Phật hoặc đệ tử Phật đều lấy vô vi làm nghĩa, nhưng cũng không vì vậy tăng thêm, cũng không vì vậy giảm bớt. Thí như hư không “như” không thể tăng thêm chúng sinh, không thể giảm bớt chúng sinh. Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát không thêm không bớt.
Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật vô vi được trí Nhất thiết chủng chăng?[1]
[1] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 463, tr. 339b16-17: Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Các Bồ-tát Ma-ha-tát đâu chẳng cần học vô vi Bát nhã Ba la mật đa mới có thể chứng được Nhất thiết trí trí?
* Trang 125 *
Phật dạy: Như vậy, như vậy, Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật vô vi ấy sẽ được trí Nhất thiết chủng, không vì hai pháp.
Bạch đức Thế Tôn, pháp không hai có thể được pháp không hai chăng?
Phật dạy: Không.
Tu-bồ-đề thưa: Pháp hai có thể được pháp không hai chăng?
Phật dạy: Không.
Tu-bồ-đề thưa: Bồ-tát nếu không do pháp hai, không do pháp không hai, làm sao được trí Nhất thiết chủng?
Phật dạy: Không có gì được tức là được, vì thế được, không có gì được.
LUẬN: Tu-bồ-đề lại hỏi: Bạch đức Thế Tôn, nếu hết thảy pháp không có tướng tạo tác, tướng sinh khởi, làm sao phân biệt có ba thừa (tri-yna)? Phật chấp thuận ý ấy và nói nhân duyên: Kẻ phàm phu chưa đắc đạo chấp trước năm uẩn, cũng chấp trước pháp không, không tạo tác, không sinh khởi cho nên sinh nghi, làm sao phân biệt có ba thừa? Còn ông đã đắc đạo, không chấp trước năm uẩn, không chấp trước pháp không, không tạo tác, không sinh khởi, cớ sao sinh nghi? Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Ta dùng năm mắt xem còn không thấy các pháp sắc..., huống gì người cuồng không có mắt mà muốn thấy được?
* Trang 126 *
Tu-bồ-đề hỏi: Nếu không có pháp, không có chúng sinh, vì sao nói có ba nhóm chúng sinh?
Phật đáp: Ta xem chúng sinh một nhóm còn không thể có được thì làm sao có ba? Chỉ vì muốn phá trừ điên đảo cho chúng sinh nên phân biệt có ba. Hạng người phá được điên đảo gọi là nhóm chánh định; hạng người chắc chắn không phá được điên đảo là hạng tà định; hạng người gặp được nhân duyên thời có thể phá, không được thời không thể phá điên đảo là thuộc nhóm bất định; đều là nói theo pháp thế tục, chẳng phải chơn đệ nhất nghĩa.
Hỏi: Phật thật ở trong đệ nhất nghĩa đắc đạo, cớ gì đáp với Tu-bồ-đề rằng không?
Đáp: Phật dạy: Tu-bồ-đề vì hàng Bồ-tát mới phát tâm nên hỏi, vì thế Phật đáp không, vì sao? Vì trong pháp điên đảo chấp có còn không thể trú, huống gì trú trong đệ nhất nghĩa không có gì! Thế nên Tu-bồ-đề nghi: Nếu không trú cả hai nơi, thời sẽ không có Thế Tôn, không được thành Chánh giác ư? Nên Phật đáp: Thật được đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chỉ không trú chỗ nào. Tính hữu vi hư dối không thật, tính vô vi không, không có gì của chính nó, cho nên không thể trú. Trong đây Phật muốn nói rõ việc ấy nên nêu ví dụ hóa Phật: Như hóa Phật không trú trong tính hữu vi, không trú trong tính vô vi mà có thể đi lại thuyết pháp.
Hỏi: Người biến hóa đi lại thuyết pháp thời có thể được, làm sao có thể hành Thí ba-la-mật được?
* Trang 127 *
Đáp: Không nói người biến hóa thực hành được, mà chỉ mắt chúng sinh thấy tợ như có thật hành. Việc biến hóa ấy như trong kinh nói, cho đến tu phiến đa. Ý Tu-bồ-đề đã tin chịu, mỗi mỗi nhân duyên người biến hóa và Phật thật không khác nhau, nhưng vẫn còn chút nghi nên hỏi Phật: Nếu không có phân biệt thời phước đức cúng dường Phật thật cho đến khi được Vô dư Niết-bàn không cùng tận, vậy phước đức cúng dường hóa Phật cũng không cùng tận ư? Phật đáp: Cúng dường hóa Phật, Phật thật, phước ấy không khác nhau, vì sao? Vì Phật chứng được thật tướng các pháp nên phước đức cúng dường không cùng tận, hóa Phật cũng chẳng lìa thật tướng nên cúng dường hóa Phật, tâm không thể khác; phước kia cũng vậy.
Hỏi: Hóa Phật không có công đức mười lực..., làm sao bằng Phật thật?
Đáp: Công đức mười lực... đều vào trong thật tướng, nếu mười lực xa lìa thật tướng thời chẳng phải là Phật pháp, bị rơi vào tà kiến điên đảo.
Hỏi: Nếu như vậy, Phật thật, hóa Phật chắc chắn có thật tướng, cớ sao nói đem ác tâm làm thân Phật chảy máu mắc tội nghịch, mà không nói làm hóa Phật chảy máu mắc tội nghịch?
Đáp: Trong kinh chỉ nói đem ác tâm làm thân Phật chảy máu, chứ không nói Phật thật hay hóa Phật. Nếu cúng dường hóa Phật được đầy đủ phước, thời nếu đem ác tâm hủy báng cũng phải mắc tội nghiệp; vì
* Trang 128 *
người ác định gọi hóa Phật là Phật thật nên đem ác tâm làm Phật chảy máu, bèn mắc tội nghịch.
Hỏi: Nếu như vậy, cớ gì trong Luật tạng nói giết hóa nhân không phạm giới sát?
Đáp: Trong Luật tạng đều vì việc thế gian, nhiếp chế chúng Tăng nên kiết giới, chứ không luận thật tướng, vì sao? Vì theo Luật tạng có người, có chúng sinh theo giả danh mà kiết giới, vì hộ trì Phật pháp nên không xem tội đời sau nhiều ít. Lại, tội nặng đời sau trong Luật lại xem nhẹ, như đạo nhân đánh chết trâu dê, tội nặng mà giới nhẹ, còn đạo nhân tán thán người nữ thì đối với giới là nặng mà tội đời sau lại nhẹ. Giết trâu dê biến hóa thời mọi người không cơ hiềm cũng không dị nghị nhưng tự mắc tội trong tâm; nếu giết trâu dê thật và trâu dê biến hóa mà tâm không cho là khác nhau thời mắc tội như nhau. Nhưng ý của Phật chế giới là vì bị mọi người cơ hiềm nên là nặng, thế nên trong kinh nói ý nghiệp (manas-karma) rất nặng, chứ không phải thân nghiệp (kya-karma), khẩu nghiệp (vc-karma). Như người làm việc bố thí lớn mà không bằng người hành từ tam-muội, vì hành từ tam-muội xem chúng sinh không có sở đắc nên tự được vô lượng phước; người tà kiến dứt thiện căn, tuy không não hại chúng sinh mà bị vào địa ngục A-tỳ. Thế nên cúng dường hóa Phật, Phật thật với tâm bình đẳng thời phước cũng bình đẳng.
* Lại nữa, trong đây Phật nói, gác qua việc hóa Phật đầy đủ tướng sáng, nếu có người thấy tượng đất đá mà có từ tâm niệm Phật thời người ấy cho đến khi hết
* Trang 129 *
khổ, phước kia không cùng tận. Lại, gác qua việc tượng đất đá, nếu người có tâm cung kính, tuy không thấy tượng Phật mà vì nghĩ đến Phật, dùng hoa rải giữa hư không để cúng dường, phước ấy cũng được dứt hết khổ. Lại gác qua việc rải hoa, chỉ một lần xưng “nam mô Phật”, người ấy cũng cho đến được hết khổ, phước kia không cùng tận.
Hỏi: Tại sao chỉ xưng suông danh tự “Nam mô Phật” (namo Buddhya) bèn được hết khổ, mà phước kia không cùng tận?
Đáp: Vì người ấy từng nghe công đức của Phật hay độ thoát khổ già, bệnh, chết cho chúng sinh, nên hoặc cúng dường nhiều ít và xưng danh hiệu Phật, được vô lượng phước; cũng đến khi hết khổ, phước không cùng tận. Thế nên, vì phước điền vô lượng nên tuy tâm nhu nhuyến bố thí, phước kia cũng không cùng tận. Có các nhân duyên và thí dụ như vậy nên Phật thật, hóa Phật không khác nhau. Cúng dường nơi phước điền của Phật, phước kia vô lượng, vì thật tướng hết thảy pháp không khác biệt.
Tu-bồ-đề hỏi: Bạch đức Thế Tôn, nếu thật tướng các pháp không phá hoại nên hai Phật không khác, nay Phật phân biệt thuyết pháp, nói ấy là sắc, ấy là thọ, tưởng, hành, thức cho đến ấy là hữu vi, ấy là vô vi há không phá hoại thật tướng các pháp ư?
Phật đáp: Này Tu-bồ-đề, Phật tuy mỗi mỗi phân biệt thuyết pháp, chỉ dùng ngôn thuyết muốn cho chúng sinh được giải thoát, mà tâm Phật không vướng mắc gì.
* Trang 130 *
Nếu hai Phật cùng nói với nhau không nên nói danh tự, vì chúng sinh không hiểu kịp Phật nên muốn dẫn chúng sinh hiểu biết mà nói thiện nói ác, như trong kinh Pháp Hoa nói ví dụ Nhà lửa, dùng ba xe để dụ dẫn các người con ra khỏi nhà.[1] Chỉ dùng danh tướng thuyết pháp mà không phá hoại đệ nhất nghĩa.
Tu-bồ-đề hỏi: Tuy dùng danh tướng vì chúng sinh thuyết pháp, không có thật sự, như vậy há không hư dối ư?
Phật đáp: Thánh nhân nói theo thế tục,[2] trong đó không có chỗ chấp trước danh tướng.[3] Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Nếu phàm phu nói khổ thời chấp danh thủ tướng, chư Phật và đệ tử miệng nói khổ mà tâm không chấp trước, nếu chấp trước thời không gọi là khổ thánh đế. Khổ đế tức là danh tướng, không có chơn thật nhất định, phàm phu chấp trước cũng là danh tướng, không có chơn thật nhất định, làm sao trong danh tướng “không” lại chấp trước danh tướng “không”? Nếu trong danh tướng không mà chấp trước danh tướng thời đối với Không ấy cũng nên chấp trước Không; vô tướng cũng nên chấp trước vô tướng, vô tác cũng nên chấp trước vô tác, cho đến tính vô vi cũng nên chấp trước tính vô vi. Pháp ấy đều như tướng khổ đế của phàm phu, chỉ có danh tướng, danh tướng cũng không trú trong danh tướng. Bồ-tát vào trong pháp môn danh tướng ấy trú trong danh tướng Bát-nhã ấy nên quán sát hết thảy pháp không có thật.
[1]T. 9: Diệu pháp liên hoa kinh (妙法蓮華經), quyển 2, phẩm thí dụ thứ 3, tr. 12c4-13a10; Saddharmapuṇḍarīka sūtra, Aupamyaparivartaḥ, tr. 46-70.
[2] Xem Đại trí độ luận, quyển 89.
[3]Đại trí độ luận, quyển 74, tr. 578c5-13: Bồ-tát tuy tu hết thảy pháp không mà vui pháp, yêu pháp. Bồ-tát tuy tu pháp tánh, thường tán thán pháp bất hoại mà vui thích thiện tri thức là chư Phật và Bồ-tát, Thanh-văn, Bích-chi Phật những vị hay giáo hóa khiến vui thích an trú Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại nữa, Bồ-tát tuy an trú hết thảy pháp không mà vẫn vui pháp, yêu pháp, vì cớ sao? Vì Bồ-tát không đắm trước hết thảy pháp không ấy. Lại tu pháp thứ lớp từ thiền định, trí tuệ….vậy sau mới chứng được hết thảy pháp không; pháp không ấy không thể miệng nói mà tâm đắm trước được, thế nên trước tu pháp tu thứ lớp.
Lại nữa, trong pháp tánh không phân biệt các pháp, vì pháp tánh chẳng phải tướng phá hoại; Bồ-tát không đắm trước pháp tánh, thương xót chúng sanh vì họ mà phân biệt pháp thiện, ác, khiến họ được hiểu. Tuy vì chúng sanh nói như vậy cũng thường tán thán pháp không phá hoại, dẫn dắt chúng sanh vào trong pháp tánh.
* Trang 131 *
Tu-bồ-đề hỏi: Nếu hết thảy pháp chỉ có danh tướng, Bồ-tát làm sao phát tâm như trong kinh nói?
Phật đáp: Nếu hết thảy pháp chỉ có danh tướng, trong danh tướng, danh tướng cũng không; pháp ấy đều rốt ráo không, vào Như, pháp tánh, thật tế; thế nên Bồ-tát có thể phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cho đến có thể dùng pháp tam thừa độ chúng sinh. Nếu pháp có thật tướng nhất định, chẳng phải danh tướng, tức là không có sinh diệt, vì không có sinh diệt nên không có Khổ (duḥkha), Tập (samudaya), Diệt (nirodha), Đạo (mrga), làm sao đem pháp Nhị thừa độ chúng sinh? Nếu các pháp chỉ là danh tự suông, không có thật, cũng không sinh diệt, vì không sinh diệt nên không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo thời làm sao có thể độ? Nay Bồ-tát biết hết thảy pháp danh tướng “không” thời xa lìa điên đảo (viparysa) của thế gian, cũng biết danh tướng “không”, cũng xa lìa danh tướng “không”. Như vậy, lìa có lìa không, ở vào trung đạo có thể độ chúng sinh. Ý Phật muốn nói: Bồ-tát hành Bát-nhã trung đạo ấy được trí Nhất thiết chủng.
Bấy giờ Tu-bồ-đề muốn nạn hỏi nên trước ấn định lời Phật, mới hỏi: Thế Tôn nói trí Nhất thiết chủng ư?
Phật dạy: Ta nói trí Nhất thiết chủng.
Lại hỏi: Phật thường nói ba trí, ba trí có gì sai khác?
Phật dạy: Nhất thiết trí là trí của Thanh-văn, Bích-chi Phật, vì sao? Vì Nhất thiết (sarva) là trong sáu căn, ngoài sáu trần mười hai nhập;[1] trí Thanh-văn, Bích-chi
[1] Tương ưng bộ kinh IV, tr. 15: Sāvatthi... Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả (sabba). Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả (sabba)? Mắt và các sắc; tai và các tiếng ; mũi và các hương; lưỡi và các vị ; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả; T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 13, kinh số 319, tr. 91a24-b3: Nhất thiết là: 12 xứ, nhãn sắc, nhĩ thanh, tỷ hương, thiệt vị, thân xúc, ý pháp, gọi là nhất thiết (sarva).
* Trang 132 *
Phật biết được tướng chung của pháp ấy đều là vô thường, khổ, không, vô ngã. Đạo chủng trí là trí của Bồ-tát. Đạo có bốn thứ là: Đạo thọ phước lạc trong cõi nhân thiên; nghĩa là gieo trồng phước đức thọ quả báo phước lạc trong trời, người, cọng với ba thừa đạo thành bốn. Pháp của Bồ-tát là dẫn đường cho chúng sinh, đưa vào trong đại đạo. Nếu người không thể vào đại đạo thì đưa vào Nhị thừa; nếu người không thể vào Niết-bàn, thời đưa vào phước lạc cõi người cõi trời, làm nhân duyên cho Niết-bàn. Đạo phước lạc của thế gian là mười điều thiện và phước đức bố thí; ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo của Nhị thừa; ba mươi bảy phẩm trợ đạo và sáu Ba-la-mật là đạo của Bồ-tát, Bồ-tát nên biết rõ ràng các đạo. Bồ-tát dùng Phật đạo để làm lợi mình, lợi người và dùng ba đạo kia chỉ vì chúng sinh; ấy gọi là đạo chủng trí của Bồ-tát.
Tu-bồ-đề hỏi: Cớ gì đạo chủng trí là việc của Bồ-tát?
Phật đáp: Bồ-tát nên đầy đủ hết thảy đạo, dùng đạo ấy giáo hóa chúng sinh, tuy ra vào đạo ấy mà chưa giáo hóa chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật, thời không thủ chứng; khi đầy đủ việc ấy, vậy sau mới ngồi đạo tràng thủ chứng. Thế nên đạo chủng trí là việc của Bồ-tát.
Tu-bồ-đề hỏi: Bồ-tát trú ở chỗ nào thủ chứng thật tế? Ý Tu-bồ-đề muốn hỏi: Nếu ở trong đạo thủ chứng thời việc ấy không đúng, vì có hai lỗi: Một là người còn có kiết sử không thể có chánh trí rốt ráo thanh tịnh;
* Trang 133 *
nếu có thời không khác gì với Phật, nếu khác mà còn phiền não tập khí nên phải có sai lầm. Hai là hết thảy pháp hữu vi đều là hư dối, do hòa hợp nên có, giả danh không có chơn thật nhất định, thế nên Phật đáp không. Nếu trú trong đạo còn không được chánh trí thanh tịnh, huống gì trú trong đạo? Vì đạo và chẳng phải đạo có hai lỗi. Chẳng phải đạo và chẳng phải chẳng đạo, vì tâm chấp trước thủ tướng nên Phật cũng đáp không. Bấy giờ Tu-bồ-đề hoặc nghĩ rằng: Đạo mà Phật chứng được rất sâu, không thể biết tận đáy, thế nên lại hỏi: Bồ-tát trú chỗ nào thủ chứng thật tế? Phật hỏi ngược lại Tu-bồ-đề.
Hỏi: Cớ gì Phật không đáp thẳng mà hỏi ngược lại Tu-bồ-đề?
Đáp: Tu-bồ-đề đối với đạo sở đắc rõ ràng không lầm, vì quý chuộng pháp sở chứng của Phật, đối với bốn câu hý luận như còn có tâm chấp trước, không hiểu rõ nên hỏi. Vì thế Phật lấy chỗ sở chứng của Tu-bồ-đề hỏi ngược lại: Khi ông đắc đạo là ở trong bốn câu chứng đắc ư? Đáp: Thưa không, con không có chỗ trú mà được sạch hết lậu hoặc. Phật dạy: Ông không có chỗ trú mà tâm được giải thoát, thời nên biết Bồ-tát cũng như vậy, không ở trong bốn câu mà chứng thật tế, cho nên Phật hỏi ngược lại.
Lại có người nói: Trong bốn cách đáp, đây là đáp bằng cách hỏi ngược lại.
* Trang 134 *
Hỏi: Tu-bồ-đề ở trong Kim cang tam-muội tâm được giải thoát, cớ gì nói không trú trong đạo?
Đáp: Trú là thủ tướng pháp thật có nhất định; người ấy lại cầu thắng pháp vô vi nên không gọi là trú nơi pháp hữu vi, vì không cần dùng nên không trú trong đó. Lại có người nói: Danh tướng ấy trong pháp phàm phu còn có phân biệt là Kim cang, là giải thoát; còn chứng được pháp vô tướng thời không phân biệt gì. Phật vì pháp vô tướng nên hỏi ngược lại Tu-bồ-đề: Ông không nên lấy danh tướng mà hỏi, ông không nên lấy danh tướng mà vấn nạn.
Trí Nhất thiết chủng là trí của Phật (Buddha-jđna). Trí Nhất thiết chủng là trí thông suốt không ngại đối với hết thảy pháp ba đời, biết rõ lớn nhỏ, tinh thô, không việc gì không biết. Phật tự nói nghĩa của trí Nhất thiết chủng, có hai tướng: Một là thông suốt thật tướng các pháp, là tướng tịch diệt, như nước trong biển lớn, gió không thể lay động, vì nó sâu thẳm, sóng mòi không khởi lên; trí Nhất thiết chủng cũng như vậy, gió hý luận không thể làm lay động; hai là đối hết thảy pháp có thể dùng danh tướng, văn tự, ngữ ngôn thông suốt rõ ràng vô ngại, bao nhiếp hai việc có không, nên gọi là trí Nhất thiết chủng (sarvath-jđna). Có người nói: Mười trí lực, bốn việc không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không sinh đều là tướng trí tuệ hòa hợp; ấy gọi là trí Nhất thiết chủng. Lại có người nói: Từ Kim cang tam-muội, thứ lớp được vô ngại giải thoát nên hoặc lớn nhỏ, xa gần, cạn sâu, khó dễ không việc gì không biết. Có vô
* Trang 135 *
lượng nhân duyên như vậy nên gọi là trí Nhất thiết chủng (sarvath-jđna).
Tu-bồ-đề nghe xong hỏi Phật: Phật phân biệt trí tuệ có cao, vừa, thấp, vậy phiền não do trí tuệ đoạn trừ có sai khác chăng?
Phật đáp: Không có sai khác. Khi đang đoạn trừ thời có sai khác, đoạn trừ xong rồi thời không có sai khác; thí như lưỡi dao có bén, lụt, nên khi chặt có chậm mau; khi chặt xong không có sai khác. Như Lai đối với phiền não (kleśa) và tập khí (vsan) đều dứt hết, còn Thanh-văn, Bích-chi Phật chỉ dứt phiền não mà tập khí đang còn.[1]
Tu-bồ-đề hỏi: Ba cách đoạn phiền não như Phật nói là hữu vi hay là vô vi? Phật đáp: Đều là vô vi.
Lại hỏi: Trong pháp vô vi có thể có sai khác chăng?
Phật đáp: Pháp ấy vô tướng, vô lượng, làm sao có thể có sai khác?
Lại hỏi: Nếu không có sai khác thời làm sao nói trong sự đoạn trừ ấy còn sót lại hay không còn sót lại?
Phật đáp: Tập khí không gọi là phiền não thật; có người tuy dứt tất cả phiền não mà nơi thân và miệng cũng có tướng phiền não xuất hiện, phàm phu thấy nghe tướng ấy thời khởi tâm bất tịnh. Thí như A-la-hán (Arhat) Mật-bà-tư-tra năm trăm đời ở giữa loài khỉ, nên nay tuy được thành A-la-hán mà vẫn còn tập khí leo trèo cây cối, người ngu trông thấy liền sinh kiêu mạn nói vị Tỳ-
[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 26, 27, 81; Đại tỳ-bà-sa luận, quyển 9.
* Trang 136 *
kheo ấy giống như khỉ; vị A-la-hán ấy không có tâm phiền não nhưng còn có thói quen cũ. Lại như A-la-hán Tất-lăng-già-bà-sa (Pilinda-vatsa) năm trăm đời sinh trong nhà Bà-la-môn, tập quen tâm khinh miệt, nên khi được thành A-la-hán mà còn nói với thần sông Hằng rằng: Tiểu tỳ phải ngưng chảy để cho ta đi qua. Thần sông Hằng nổi giận, đến cáo tố với Phật. Phật dạy ông sám hối, ông còn xưng là tiểu tì. Tập khí của phiền não thân nghiệp và khẩu nghiệp như vậy, hàng Tiểu thừa chưa dứt sạch, còn Phật không có việc ấy. Như một Bà-la-môn ác khẩu, trong một lúc lấy năm trăm việc mắng Phật, Phật không có sắc giận. Tâm Bà-la-môn bèn hoan hỷ, liền trong một lúc lấy năm trăm việc hay tán thán Phật, Phật cũng không có sắc mừng. Nên biết, phiền não tập khí Phật đã sạch hết, lành và dữ không khác nhau.
Lại, Phật khi mới đắc đạo, từ trong công đức thật đã tỏa ra tiếng tăm tốt đẹp, chỉ có Phật tự biết; và việc Bà-la-môn giết người con gái Phạm-chí Tôn-đà-lị (Sundari), đem xác bỏ bên Tinh xá để vu khống Phật, tiếng dữ đồn xa, Phật đối với hai việc ấy tâm không đổi khác, cũng không lo mừng. Lại, Phật vào làng Bà-la-môn khất thực, mang bát không trở về, hoặc được hàng trời người cúng dường, hoặc trong ba tháng phải ăn cơm bằng lúa nuôi ngựa,[1] hoặc trời Đế-thích dùng món ăn trời để cúng dường, hoặc Phật ở lại trong rừng A-la-bà-già bị chông gai, gió rét, hoặc ở trong vườn Hoan hỷ, ở trên tảng đá trắng báu lớn của Chư thiên mềm dịu, trơn láng; hoặc nằm trên tọa cụ của Chư thiên... đối với những việc tốt xấu, lành dữ như vậy, tâm Phật không lo
[1] Xem T. 11: Đại bảo tích kinh (大寶積經), quyển 108, tr. 606c22-23; T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 14, tr. 99c20-22; T. 24: Tỳ-nại-da (鼻奈耶), quyển 8, tr. 886b10-12; T. 26: Thập trụ tỳ-bà-sa luận (十住毘婆沙論), quyển 10, tr. 74c10-12; T. 4: Trung bản khởi kinh (中本起經), phẩm 13 Phật thực mã mạch (佛食馬麥品13), tr. 162c15; T. 4: Phật thuyết hưng khởi hành kinh (佛說興起行經), quyển 2, Phật thuyết thực mã mạch túc duyên kinh đệ cửu (佛說食馬麥宿緣經第九), tr. 172a10-11; T. 16: Phật thuyết đại thừa tạo tượng công đức kinh (佛說大乘造像功德經), quyển 2, tr. 795a11-15.
* Trang 137 *
mừng. Lại như Đề-bà-đạt-đa (devadatta) đem sân tâm lăn đá đến Phật, hoặc La-hầu-la đem tâm cung kính chấp tay lễ Phật, đối với hai người ấy, tâm Phật bình đẳng thương yêu như yêu đôi mắt mình. Có những điều gây loạn như vậy, Phật không có tư tưởng đối khác. Thí như vàng thật, đốt, mài, dũa, sắc nó không biến đổi. Phật trải qua các việc ấy, tâm không có thêm bớt, nên có thể biết các tập khí phiền não yêu ghét, Phật đều dứt sạch.
Tu-bồ-đề thưa: Nếu trong thật tướng các pháp hoặc đạo, hoặc Niết-bàn, không có gì của chính nó, nếu không có gì của chính nó thời cớ sao phân biệt đây là Tu-đà-hoàn, đây là Bích-chi Phật chưa dứt hết tập khí, còn Phật đã dứt hết tập khí?
Phật dạy: Ba thừa của bậc thánh đều do pháp vô vi mà có sai khác. Tuy nhân nơi vô vi mà có sai khác, song đối với pháp vô vi có thể nói được. Tu-bồ-đề muốn ấn định lời Phật nên hỏi: Thật do pháp vô vi nên có sai khác ư?
Phật đáp: Theo danh tướng ngữ ngôn của thế tục nên có thể phân biệt sai khác, còn trong đệ nhất nghĩa không có phân biệt, vì sao? Vì trong đệ nhất nghĩa, hết thảy đường ngôn ngữ dứt, hết thảy chỗ tâm hành dứt, chỉ vì các bậc Thánh đã dứt kiết sử nên nói có đời sau; đời sau là Vô dư Niết-bàn (Nirupadhiśeṣa-nirvṇa).[1]
Tu-bồ-đề hỏi: Các pháp tự tướng không, nên đời trước không thể có được, huống gì đời sau? Vì sao? Vì nhân đời trước nên có đời sau?
[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 31, 100; Tham khảo T. 1: Trung a-hàm kinh, quyển 2, Kinh Thất xa; Luận Đại tỳ-bà-sa, quyển 32; Luận Du già sư địa, quyển 13, 21, 86; Luận Thành duy thức, quyển 10.
* Trang 138 *
Phật hứa khả lời ấy: Vì chúng sinh không biết các pháp tự tướng không, nên Phật nói đời trước đời sau, chứ trong các pháp tự tướng không, đời trước đời sau không thể có được, vì sao? Vì trước có sinh thời sau có già chết! Nếu lìa già chết có sinh thời không chết mà sinh? Cái sinh ấy không có nhân duyên? Nếu trước có già chết sau có sinh, không sinh làm sao có già chết? Trước và sau đã không thể có được thời cùng một lúc cũng không thể có được? Vì thế nên nói trong pháp tự tướng không, không có đời trước đời sau. Phật dạy: Như vậy, như vậy, Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên do pháp không tự tướng mà hành Bát-nhã, nội ngoại pháp cho đến Phật pháp đều không vướng mắc.
Hỏi: Từ trước lại đây thường nói tướng Bát-nhã,[1] cớ gì nay còn hỏi?
Đáp: Không chỉ hỏi tướng mà còn hỏi Phật thường nói Bát-nhã ba-la-mật, lấy nghĩa gì nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy: Vì sự đệ nhất độ hết thảy pháp qua đến bờ kia, gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Đệ nhất độ là hàng Thanh-văn dùng trí thấp độ mà qua; hàng Bích-chi Phật dùng trung trí mà qua, còn đối với hàng Bồ-tát dùng thượng trí mà qua, nên gọi là đệ nhất độ.
* Lại nữa, phiền não có chín: Thượng, trung, hạ mỗi bậc có ba; trí tuệ cũng có chín bậc: Trí tuệ hạ hạ, là trí từ độn căn Tu-đà-hoàn, cho đến trí thượng hạ là trí của đệ nhất Thanh-văn Xá-lợi-phất; bậc trí thượng
[1]Xem Đại trí độ luận, quyển 54, 67, 70; Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh, quyển 14, 18; Phóng quang Bát-nhã kinh, quyển 11, 62.
* Trang 139 *
trung là trí Bích-chi Phật; bậc trí thượng thượng là Bồ-tát. Dùng thượng thượng trí độ thoát nên gọi là đệ nhất độ. Đối với Thanh-văn Bích-chi Phật chỉ tướng chung độ thoát, nơi tướng riêng có phần ít. Còn Bồ-tát đối với hết thảy pháp tướng chung, tướng riêng đều biết rõ ràng, nên gọi là đệ nhất độ.
* Lại nữa, khi Bồ-tát độ thoát, trí tuệ biết khắp pháp có thể biết, còn hàng Nhị thừa đối với pháp có thể biết, trí không biến khắp được, nên gọi là đệ nhất độ.
* Lại nữa, đệ nhất độ là hàng Đại thừa phước đức, trí tuệ, sáu Ba-la-mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo đầy đủ nên an ổn đi qua.
* Lại nữa, chư Phật, đại Bồ-tát và chư thiên đều đến giúp đỡ, an ổn được độ; như người cỡi thuyền bảy báu, sửa sang dụng cụ đi đường đầy đủ, chắc chắn; trên thuyền đủ thứ đồ ăn ngon, có người dẫn đường tốt, lại gặp gió thuận, thời có thể vượt qua tốt đẹp. Nếu người cỡi chiếc bè cỏ đi qua chỗ ghê sợ thời không gọi là vượt qua tốt.
* Lại nữa, Phật nói người ba thừa do Bát-nhã ba-la-mật mà vượt đến bờ bên kia Niết-bàn, dứt mọi ưu khổ; vì nghĩa ấy nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, trong Bát-nhã ba-la-mật, hết thảy pháp trong ngoài, lớn nhỏ, tư duy, trù lượng, phân biệt, truy tìm cho đến nhỏ như mảy bụi, không có cái gì bền chắc. Khi đến tướng vi trần thời không thể phân chia; tâm tâm số pháp trong một niệm cũng không thể phân chia;
* Trang 140 *
trong Bát-nhã ba-la-mật ấy tâm và sắc đều phá hoại, truy tìm không thể có được chắc thật; vì nghĩa ấy nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, Bát-nhã là tuệ, Ba-la-mật là đến bờ kia. Bờ kia là cùng tận bờ mé của hết thảy trí tuệ. Trí tuệ là tướng không thể phá hoại, tướng không thể phá hoại tức là Như, thật tế, pháp tính, vì nó thật nên không thể phá hoại; ba việc đó nhiếp vào trong Bát-nhã nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật không có pháp với pháp hoặc hợp, hoặc tán, vì rốt ráo không. Bát-nhã ấy không sắc, không hình, không đối, chỉ một tướng đó là không có tướng. Nghĩa ấy như trước đã nói.[1] Có các nhân duyên như vậy nên gọi là nghĩa Bát-nhã.
Nay sẽ nói nghĩa Bát-nhã. Nghĩa là Bát-nhã có thể sinh ra tất cả trí tuệ, thiền định, lạc thuyết biện tài. Do lực Bát-nhã nên diễn thuyết một câu mỗi mỗi làm trang nghiêm cùng kiếp không hết. Chỗ mặt trời mặt trăng, sao không thể chiếu đến, Bát-nhã chiếu được. Bát-nhã phá bóng tối vô minh tà kiến. Ma hoặc ma dân hoặc người cầu Thanh-văn, Bích-chi Phật, ngoại đạo, người ác không thể phá hoại, vì sao? Vì Bồ-tát hành Bát-nhã, các người ấy đều không thể có được ở trong Bát-nhã.
* Lại nữa, nếu hành giả nhất tâm tin thọ, đọc tụng thời các người ác không thể tìm được chỗ thuận tiện, huống gì hành giả nhớ nghĩ đúng, làm đúng như
[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 18, chương 28: giải thích tướng Bát-nhã; quyển 50, giải thích phẩm Xuất đáo thứ 21.
* Trang 141 *
nói. Như vậy, Bồ-tát nên hành nghĩa Bát-nhã ấy. Nghĩa Bát-nhã là nghĩa vô thường, nghĩa khổ, không, vô ngã, trí bốn đế, tận trí, vô sinh trí, pháp trí, loại trí, thế trí, tha tâm trí, như thật trí nên hành Bát-nhã. Bát-nhã ấy như biển cả có các báu vật hoặc lớn hoặc nhỏ, duy nhất là ngọc như ý. Bát-nhã cũng có các châu báu trí tuệ, đó là: Bốn thánh hạnh vô thường, khổ, không, vô ngã, mười trí, duy nhất có như thật trí giống như ngọc như ý.
Hỏi: Như phẩm trước nói,[1] hành theo thường hoặc vô thường không gọi là hành Bát-nhã ba-la-mật, nay cớ sao nói: Hành nghĩa vô thường... nên hành Bát-nhã ba-la-mật?
Đáp: Tôi đã đáp như trước: Vô thường có hai thứ:[2] Nếu tâm chấp trước hý luận (prapađca) và hý luận vô thường thời không gọi là hành Bát-nhã; nếu không có tâm chấp trước, không hý luận vô thường là phá điên đảo chấp thường. Lại không tự sinh tâm chấp trước, ấy gọi là hành Bát-nhã.
Hỏi: Trong Tam tạng chỉ có mười trí, sao trong đây có thêm như thật trí?
Đáp: Thế nên gọi là Đại thừa. Đại pháp hay hàm thọ tiểu pháp, tiểu pháp không hàm thọ được đại pháp.
Hỏi: Mười trí có thể tướng riêng, còn như thật trí có tướng gì?
Đáp: Có người nói: Biết được thật tướng các pháp là như như, pháp tính, thật tế, gọi là tướng như thật trí. Trong đây Phật nói như thật trí là chỉ cho trí Phật có
[1] Xem Đại phẩm bát nhã, quyển 1, phẩm Tập tương ưng; phẩm Tam giả; quyển 3, phẩm Tập tán, phẩm hành tướng; quyển 4, phẩm Huyễn nhân vô tác; quyển 26, phẩm Vô sanh; quyển 12, phẩm Vô tác thật tướng; quyển 20, phẩm Vô tận; quyển 21, phẩm Phương tiện; Phóng quang bát nhã kinh, quyển 1, phẩm Giả hiệu; quyển 2, phẩm Hành phẩm, Bổn vô; quyển 3, phẩm Không hành; quyển 5, phẩm Vấn quán; quyển 9, phẩm Vô trụ; quyển 15, phẩm Vô tận.
[2] Xem Đại trí độ luận, quyển 86.
* Trang 142 *
được, vì sao? Vì người nào chưa sạch, còn có vô minh thời không thể biết như thật. Hàng Nhị thừa và Đại Bồ-tát tập khí chưa sạch nên không thể biết khắp hết thảy pháp, hết thảy chủng, không gọi là như thật trí, chỉ có Phật đối với hết thảy vô minh dứt sạch, không còn thừa nên có thể biết như thật.
Hỏi: Nếu ngoài Phật lại không có người nào có như thật trí, thời hàng Nhị thừa làm sao được Niết-bàn, hàng Bồ-tát làm sao được vô sinh nhẫn?
Đáp: Như thật trí[1] có hai: Một là biến khắp, đầy đủ; hai là chưa đầy đủ. Đầy đủ là Phật, chưa đầy đủ là Nhị thừa và đại Bồ-tát. Thí như trong nhà tối, vì cần việc nên đốt đèn; việc làm xong sau lại đốt đèn, ánh sáng càng tỏ thêm. Nhà tối có hai phần, một phần ngọn đèn trước đã trừ, phần thứ hai ngọn đèn sau trừ. Bóng tối phần thứ hai hợp với ánh sáng ngọn đèn đầu, nếu không như vậy thời ngọn đèn thứ hai vô dụng. Như vậy, trí tuệ của hàng Nhị thừa và đại Bồ-tát tuy đã phá vô minh, song phần vô minh, mà trí tuệ Phật trừ được các người trên không thể trừ; không được nói ngọn đèn đầu không chiếu sáng. Như vậy, không được nói trí tuệ của hàng Nhị thừa, Bồ-tát là biết khắp như thật. Trí biết khắp như thật là trí Phật, còn trí như thật là trí chung của Nhị thừa và Bồ-tát.
Tu-bồ-đề hỏi: Bạch đức Thế Tôn, nếu trong Bát-nhã thâm sâu, nghĩa và phi nghĩa đều không thể có được, làm sao nói Bồ-tát vì nghĩa Bát-nhã thâm sâu nên hành Bát-nhã?
[1] Như thật trí: như thật biết đúng tướng chung tướng riêng của hết thảy pháp, không có quái ngại.
Ngoài ra, vì đức Phật có năng lực tự biết rõ thực tướng các pháp, cho nên được gọi là bậc Như thật trí. Lại vì đức Phật chẳng những tự thấu suốt thực tướng các Pháp, mà còn giảng nói cho chúng sinh biết rõ về thực tướng ấy, cho nên Ngài cũng được tôn xưng là bậc Như thật thuyết. Hai danh xưng đều là đức hiệu của Phật thường được thấy trong các kinh điển.
* Trang 143 *
Phật đáp: Các phiền não tham dục là phi nghĩa không nên hành. Các pháp có ba phần: Các phiền não tham dục là phi nghĩa; các thiện pháp sáu Ba-la-mật... là nghĩa; sắc pháp vô ký nên chẳng phải nghĩa chẳng phải phi nghĩa. Nếu có người đối với phiền não và người gây phiền não sinh tâm oán ghét, đối với các thiện pháp sáu Ba-la-mật và người hành thiện pháp sinh tâm thương yêu, còn đối với sắc pháp vô ký và người hành pháp vô ký sinh tâm ngu si thời như trong kinh nói: Phàm phu khi thọ vui sinh tâm tham, khi thọ khổ sinh tâm giận, khi thọ không vui không khổ sinh tâm si.[1] Thế nên nói Bồ-tát nên nghĩ rằng tham dục... là phi nghĩa, không nên nghĩ cho đó là phi, như kinh nói rộng. Trong đây Phật tự nói nhân duyên; pháp lành (kuśala-dharma), pháp dữ (akuśala-dharma), pháp vô ký (Avykṛta-dharma) chỉ một tướng Như, không có nghĩa và phi nghĩa, vì tướng Như không có hai, không có phân biệt.
* Lại nữa, khi Phật đắc đạo không thấy một pháp hoặc nghĩa hoặc phi nghĩa. Thật tướng các pháp dù có Phật hay không có Phật vẫn thường trú, không khởi lên nghĩa và chẳng phải nghĩa. Nếu biết như vậy tức là nghĩa, chỉ vì phá trừ tâm phân biệt nên nói không nên hành theo nghĩa và phi nghĩa. Như vậy, Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật lìa nghĩa và phi nghĩa
Tu-bồ-đề lại hỏi: Cớ gì Bát-nhã ba-la-mật chẳng phải nghĩa chẳng phải phi nghĩa?
Phật dạy: Hết thảy pháp không có tướng tác khởi, không có tướng năng tác, sở tác, làm sao Bát-nhã lại khởi lên nghĩa và chẳng phải nghĩa?
[1] Tham khảo Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含), quyển 17, kinh số 470, tr. 120a12-21.
* Trang 144 *
Tu-bồ-đề lại hỏi: Nếu hết thảy chư Phật và đệ tử đều lấy vô vi pháp làm nghĩa, cớ sao Phật nói Bát-nhã ba-la-mật không thể khởi tác nghĩa và chẳng phải nghĩa?
Phật đáp: Hết thảy thánh nhân tuy lấy pháp vô vi làm nghĩa mà không khởi tác nghĩa và chẳng phải nghĩa, vì không thêm không bớt. Trong kinh này nói thí dụ: Như hư không Như, không thể thêm chúng sinh, không thể bớt chúng sinh, vì hư không, không có pháp nên không có nghĩa và chẳng phải nghĩa, huống gì hư không Như! Hư không tuy không có pháp song hết thảy thế gian nhân nơi hư không mà có được sự tạo tác; Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, tuy vô tướng vô vi, mà nhân nơi Bát-nhã có thể tu các Phật đạo, năm Ba-la-mật. Vì tâm chấp trước nên nói Bát-nhã không có nghĩa và chẳng phải nghĩa; không có tâm chấp trước nên nói thật nghĩa đệ nhất. Vì theo thế tục đế nên nói nghĩa, còn trong đệ nhất nghĩa đến không có nghĩa.
* Lại nữa, Bát-nhã có hai: Một là hữu vi (saṃskṛta), hai là vô vi (asaṃskṛta). Học hữu vi Bát-nhã có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, trú trong mười địa; học vô vi Bát-nhã, dứt sạch hết thảy phiền não và tập khí, thành Phật đạo. Nay Tu-bồ-đề hỏi Phật: Bồ-tát học vô vi Bát-nhã được Nhất thiết trí, làm sao nói không có nghĩa?
Phật đáp: Tuy được Nhất thiết trí, chẳng vì hai pháp nên được. Phân biệt thủ tướng gọi là hai pháp.
Lại hỏi: Pháp không hai có thể được pháp không hai ư?
* Trang 145 *
Phật đáp: Không, vì sao? Vì pháp không hai tức là vô vi. Vô vi không có tướng đắc (prapti) và không đắc (aprapti), vì pháp vô vi không thể hành.
Lại hỏi: Nếu do pháp không hai không được, thời có thể do pháp hai được pháp không hai chăng?
Phật đáp: Không, vì sao? Vì pháp hai hư dối, không thật, làm sao hành pháp không thật được pháp thật?
Lại hỏi: Nếu chẳng do pháp hai, chẳng do pháp không hai, làm sao được trí Nhất thiết chủng?
Phật đáp: Không có sở đắc tức là đắc. Trong đây hai và không hai tức là không có phân biệt, đều không có sở đắc. Không có sở đắc ấy không do có sở đắc mà hành. Tuy hành pháp hữu vi, không có sở đắc ấy, vì tâm không thủ tướng nên không có sở đắc, vì sao? Vì hành hợp với không (śnyat), vô tướng (animitta), vô tác (apraṇihita) vậy.
(Hết cuốn 84 theo bản Hán)
* Trang 146 *