KHỞI NGUYÊN CỦA NHÂN MINH
Về tinh thần Nhân minh thì đã có tại Ấn Độ từ rất sớm. Trước hết ta phải nói đến kinh Phật. Tuy đức Phật không đề cập đến luận lý nhưng trong cách thuyết giáo của Ngài rất có tính luận lý. Nếu Nhân minh có ba chi tác pháp là tôn, nhân, dụ; thì ta cũng tìm thấy ba chi đó trong cách thuyết pháp của đức Phật. Thường khi nói đến một pháp gì đức Phật đều có nói rõ nguyên nhân và chứng minh bằng những ví dụ cụ thể qua các sự kiện cụ thể trước mắt, nên những lời của đức Phật dạy rất rõ ràng thực tế.
Trong Kinh Bộ Tăng Chi (bản 1988, tập một, trang 223) đức Phật đã chỉ cách thảo luận như sau : “Với sự tranh luận, một người có thể biết được là có khả năng nói chuyện (kaccha) hay không có khả năng ? Nếu người nào khi được hỏi một câu, không trả lời một cách dứt khoát một câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát; không trả lời một cách phân tích một câu hỏi cần phải trả lời một cách phân tích; không trả lời một câu hỏi ngược lại một câu hỏi cần phải trả lời với một câu hỏi ngược lại; không có gạt qua một bên một câu hỏi cần phải gạt qua một bên; một người như vậy, không có khả năng để thảo luận. Nếu người nào trả lời một cách dứt khoát một câu hỏi cần phải trả lời một cách dứt khoát; trả lời phân tích một câu hỏi cần phải trả lời một cách phân tích; trả lời một câu hỏi ngược lại một câu hỏi cần phải trả lời với một câu hỏi ngược lại; gạt qua một bên một câu hỏi cần phải gạt qua một bên; một người như vậy, có khả năng để thảo luận.
Nếu một người khi được hỏi một câu không xác nhận là đúng hay không đúng, không xác nhận là một giả thuyết, không xác nhận là quan điểm của một bậc trí, không xác nhận là sở hành thường làm; mà người ấy vẫn trả lời; người như vậy, không có khả năng thảo luận. Ngược lại là người có khả năng thảo luận.
Nếu một người khi được hỏi một câu, tránh câu hỏi ấy với một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài, bày tỏ sự phẫn nộ, sân hận, bất mãn, người như vậy, không có khả năng thảo luận. Ngược lại là người có khả năng thảo luận.
Nếu một người khi được hỏi một câu, lại mắng chưởi, đánh đập, nhạo báng, chụp lấy chỗ sơ hở; người như vậy, không có khả năng thảo luận. Ngược lại là người có khả năng thảo luận”.
Bốn cách trả lời trong Kinh Bộ Tăng Chi trên cũng được ghi lại trong kinh Trường A-hàm, Kinh Giải Thâm Mật, Luận Đại Trí Độ, Luận Du-già, Luận Tỳ-bà-sa, Luận Câu-xá.
Nói cách vắn tắt, bốn cách trả lời này là :
1. Nhất hướng ký (hay quyết định đáp) tức trả lời một cách dứt khoát.2. Phân biệt ký (hay giải nghĩa đáp) tức trả lời một cách có phân tích rõ ràng.3.Phản vấn ký (hay phản chất đáp) tức trả lời bằng cách hỏi ngược lại người hỏi.4. Xả trí ký (hay trí đáp) tức trả lời bằng cách im lặng, gạt qua một bên những vấn đề trừu tượng vô bổ. Và như bài kệ trong Kinh Lăng Nghiêm dưới đây càng cho thấy rõ tính cách Nhân minh trong kinh Phật :
Chơn tánh hữu vi không,
Duyên sanh cố như huyễn.
Vô vi vô khởi diệt,
Bất thật như không hoa.
Phân tích bài kệ này, ta sẽ có được hai tỷ lượng với đầy đủ tam chi tác pháp.
1. Tôn : Chơn tánh hữu vi không.
(Đúng theo thật tánh, các pháp
hữu vi là không thật có).
2. Nhân : Duyên sanh cố. (Vì do duyênsanh).