Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

CHỦ ĐÍCH CỦA NHÂN MINH


     Tất cả luận lý đều nhằm mục đích tự ngộ và ngộ tha. Tam đoạn luận của Aristote  là pháp thức suy tư, chú trọng ở chỗ đúng sai của tư duy suy lý, lấy nguyên lý chung đã được hiểu rõ diễn dịch suy định để hiểu đến bộ phận riêng, mục đích là tự ngộ. Còn Nhân minh là luận thức biện luận, chú ý ở chỗ đúng sai của biện luận nhằm mục đích ngộ tha. Muốn ngộ tha phải nhờ đến biện luận, nhưng nếu biện luận không có phép tắc thì chỉ tạo ra sự hiểu biết sai lầm cho người nghe, chứ không thể ngộ tha được. Do mục đích ngộ tha đó, Nhân minh rất chú trọng chỗ đúng sai trong pháp biện luận Lập và Phá.


     Theo Nhân minh, người lập luận là nêu ra chủ trương để tranh luận với người khác, nên sự đúng sai không phải chỉ do mình quyết định mà còn do người đối luận và người làm chứng quyết định. Thế nên, muốn lập luận trước phải dùng Hiện lượng trí và Tỷ lượng trí để hiểu rõ sự lý, hiểu rõ nguyên nhân kết quả và hiểu rõ cách dùng từ, pháp lập luận, nghĩa là trước phải có trí tự ngộ rồi sau mới lập luận để ngộ tha. Nếu trước không tự ngộ thì khó có thể đạt được mục đích ngộ tha. Trí hiện lượng và trí tỷ lượng là hai khả năng hiểu biết vừa trực tiếp vừa kinh nghiệm suy lý, vừa cảm tính vừa lý
tính. Luận lý Nhân minh được xây dựng trên trí hiện lượng và trí tỷ lượng nên có thể đưa người nghe đi xa, hiểu thấu chỗ đích thực của sự vật, chứ không bị cuộc hạn trong suy lý trừu tượng như Tam đoạn luận hay Biện chứng pháp Tây phương, như Jaspers, triết gia Đức hiện đại đã nhận định : “Biện chứng pháp của Hégel là một thứ Biện chứng pháp của tư duy, còn Biện chứng pháp của Đông phương là Biện chứng pháp của kinh nghiệm thực hiện”.

Xem mục lục