Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

BÀI THỨ MƯỜI HAI
NÓI VỀ HAI “ĐẾ” VÀ BA “TÁNH”
(CÓ BA ĐOẠN)

  Học Duy thức không gì lớn bằng “dụng” cái “dụng” cũng không gì lớn bằng “biến”. Cho nên Duy Thức học cũng kêu là “biến học” hoặc gọi là “dụng học”.

  Cái đại dụng của “biến”, như trước đã nói “ba tướng năng biến” và “các tướng sở biến”. – ở sách khác nói: “Buông ra thì nó trùm khắp cả sáu cõi, còn cuốn lại thì nó kín nhiệm vô cùng. Nói “nhỏ” thì không thể chẻ được nó, nói “lớn” thì không có cái gì chở nổi. Tất cả những sự nghiệp không thể nghĩ bàn, đều do nó sanh”. – Bởi thế,  nên những kẻ sơ học trông vào lý này, cũng như người  đi biển cả mà không có buồm, lái, băn khoăn lo lắng không biết trôi về đâu!

  Vì thương xót cái tệ này, nên Phật nói ra “hai Đế, ba Tánh và ba món Vô tánh”. Cứ  y theo  hai đế và ba tánh này, chúng ta có thể phân biệt cùng tột được sự biến hoá của tất cả pháp, cái nào chơn cái nào vọng. Cũng như người thợ mộc làm  các đồ vật mà trong tay có mực thước.

  Nay xin tuần tự nói trước hai đế. Đế nghĩa là sự thật và cũng có nghĩa là lời nói đúng với sự thật ấy. Đế có hai thứ là: 1- Chơn đế. 2- Tục đế. Mỗi đế lại chia làm bốn lớp. Chơn đế và Tục đế hợp lại thành ra tám lớp, hay cũng gọi là “hai đế, bốn lớp”.

I. HAI ĐẾ MỖI ĐẾ CÓ BỐN LỚP

a) Thế tục đế, có bốn lớp:

1. Thế gian thế tục đế, cũng gọi là “Giả danh vô thật đế”. Như cái bình, cái bàn v.v… chỉ có giả danh mà không có thật thể.

2. Đạo lý thế tục đế, cũng gọi là “Tùy sự sai biệt đế”. Như 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới v.v…do tùy theo các vật đó mà lập.

3. Chứng đắc thế tục đế, cũng gọi là “Chứng đắc an lập đế”. Như Khổ, Tập, Diệt, Đạo, do chứng  đặng đạo lý mà an lập vậy.

4. Thắng nghĩa thế tục đế, cũng gọi là “Giả danh, phi an lập đế”. Như hai món quán Không – Chơn như. Do y pháp môn “quán giả” và “quán không” mà nói “Chơn tánh”. Vì “Chơn tánh” là cái cảnh của Nội trí tự chứng, chớ không thể nói ra được, nên hai món “Quán Không – Chơn như” là giả đặt ra cái tên mà thôi.

  Ba đế trên, còn có thể tính toán luận bàn, đến như món Đế thứ tư, thì chỉ tạm đặt cái “giả danh” để kêu gọi mà thôi.

b) Chơn đế hay Thắng nghĩa đế, có bốn lớp:

1. Thế gian thắng nghĩa, cũng gọi là “Thể dụng hiển hiện đế”. Như 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới đều có thật thể tánh. Vì nó thù thắng hơn món “thế gian thế tục” cho nên gọi là “thắng nghĩa”. Vì tùy theo sự sai khác của năm uẩn và 12 xứ v.v… cho nên gọi rằng “hiển hiện”.

2. Đạo lý thắng nghĩa, cũng gọi là “Nhân quả sai biệt đế”. Như  Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Hành giả biết Khổ đoạn Tập, tu  Đạo chứng diệt, nhân và quả sai khác. Vì hơn “Đạo lý thế tục” cho nên gọi là “thắng nghĩa”.

3. Chứng đắc thắng nghĩa, cũng gọi là “Y môn hiển thật đế”. Như lý “nhị không”. Vì hơn “chứng đắc thế tục” cho nên gọi là “thắng nghĩa”. Do y pháp “quán không” mà chứng được đạo quả, hiển bày cái “thật”, cho nên gọi là “Y môn hiển thật đế”.

4. Thắng nghĩa – thắng nghĩa, cũng gọi là “Phế thuyên đàm chỉ đế”. Như cái Thể của “Nhứt, thật, như” rất mầu nhiệm, không thể nói bàn đựơc. Vì cái thắng nghĩa này thù thắng hơn cái thắng nghĩa của thế tục, cho nên nói rằng “thắng nghĩa thắng nghĩa”. Vì “diệu chỉ” của nó không thể luận bàn được, nên gọi là “Phế thuyên đàm chỉ”.

c) “Hai đế” hiệp với “Ba tánh”

  Trong bốn món tục đế, về món đầu tiên là “thế gian thế tục” chỉ có giả danh  chớ không có thật thể. Vì không có cái gì thù thắng, cho nên chẳng gọi là “chơn” mà chỉ gọi là “tục”. Đối trong ba tánh, nó thuộc về “Tánh biến kế sở chấp”.

  Trong bốn món Chơn đế sau, về món thứ tư là “thắng nghĩa thắng nghĩa” vì nó là “chơn” chớ không phải “tục” nên chúng ta không thể nói bàn được. Đối trong ba tánh thì nó là “Tánh viên thành  thật”.

  Trong Chơn đế mà ba đế trước, thì tương đương với ba món tục đế sau. Vì có cả chơn và tục, nên đối trong ba tánh, thì nó thuộc về “Tánh  y tha khởi”.

CÁI BIỂU “HAI ĐẾ” HIỆP VỚI “BA TÁNH”

Tục đế: Thế gian thế tục: - Như bình, bàn v.v…

                               - Thuộc “biến kế sở chấp tánh”.

   Đạo lý thế tục: - Như 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới v.v…

               Chứng đắc thế tục – Như Khổ, Tập v.v…

              Thắng nghĩa thế tục – Như hai món Chơn như

Chơn đế:  Thế gian thắng nghĩa – Như năm uẩn, 12 xứ, 18 giới v.v…

            Đạo lý thắng nghĩa – Như Khổ, Tập v.v…

           Chứng đắc thắng nghĩa – Như hai món Chơn như.

           Thắng nghĩa thắng nghĩa – Như “nhứt, thật, như”. – Thuộc “Viên thành thật tánh”.

Như vậy ba đế, có thể tóm tắt lại thành bốn câu:

1.      Có tục không phải chơn: Món tục đế đầu tiên.

2.      Có chơn không phải tục: Món Chơn đế tối hậu.

3.      Cả tục và cả chơn: 3 món tục đế sau và 3 món Chơn đế trước.

4.      Không chơn và không tục.

II. BA MÓN TỰ TÁNH

  Ba món Tự tánh là:

1. Biến kế sở chấp tự tánh (mê muội vọng chấp, không đúng sự thật).

2. Y tha khởi tự tánh (các pháp hữu vi do các duyên sanh khởi).

3. Viên thành thật tự tánh (hiểu biết đúng đắn, chơn thật).

  Tất cả pháp hữu vi đều do các duyên hòa hợp mà sanh, vốn không có thật tánh. Vì nó y các duyên kia sanh ra, như huyễn như hóa, không thật, nên kêu là “Y tha khởi tự tánh”.

  Nếu như kiến phần của Thức, duyên các pháp do nhân duyên hòa hợp kia, rồi vọng chấp cho là thật có, như thế gọi là “Biến kế sở chấp tự tánh”.

  Nếu người tu Thánh đạo, cứ y nơi các pháp do nhân duyên hòa hợp kia (Y tha khởi tánh) mà xa lìa các vọng chấp mê lầm ấy (Biến kế sở chấp tự tánh) lúc bấy giờ Chơn như thật tánh hiển hiện, nên gọi là “Viên thành thật tự tánh”.

  Trên “Y tha khởi tự tánh”: - Khởi mê lầm vọng chấp, thì gọi “Biến kế sở chấp tự tánh”.

                                                  - Xa lìa được mê lầm, thì gọi “Viên thành tự tánh”.

  Nay đemTạng thức ra tỷ dụ, để giải rõ ba tánh này. Như Tạng thức hàm chứa tất cả hạt giống hữu lậu và vô lậu. Các hạt giống này sanh diệt nối nhau chuyển biến trong từng tíc tắc (sát na) đó là “Y tha khởi tánh”.

  Rồi Thức Mạt na thứ bảy, khởi mê vọng chấp cho là thật ngã, nên các hạt giống “hữu lậu” được xuất hiện, trở lại che ngăn hạt giống “vô lậu”, nên gọi là “Biến kế sở chấp tự tánh”.

  Nếu Ý thức thứ sáu, tu hai pháp quán không (nhơn vô ngã và pháp vô ngã), khiến cho cái ngã bị chấp của Thức Mạt na kia  đổi lại thành “vô ngã”, lúc bấy giờ những hạt giống hữu lậu trong Tạng thức bị tiêu diệt, chỉ còn hoàn toàn hạt giống “vô lậu”, thì gọi là “Viên thành thật tự tánh”.

  Trong ba món tự tánh này, về món “Biến kế sở chấp” thì “giả”, như lông rùa sừng thou, không có thật thể. Còn “Y tha khởi tánh” tuy có, nhưng cũng là hư vọng, chứ không phải chơn thật. Duy có “Viên thành thật tự tánh” mới có thật thể, không phải vọng hiện.

   Nhưng có những người mê muội, nghe Phật nói “ba món tự tánh” rồi lầm chấp cho ngoài Thức, thật có “ba món tự tánh”. Bởi thế, nên Phật y ba món tự tánh này, mà mật ý nói ra ba món “vô tánh” để phá cái chấp ấy.

III. NÓI VỀ BA MÓN VÔ TÁNH

1. Tướng vô tánh (các vọng tướng không có thật tánh). Nghĩa là: Phật y “Biến kế sở chấp tự tánh” lập ra “tướng vô tự tánh”. (Phật y cái tướng vọng chấp của chúng sanh, mà chỉ ra cái tướng vọng chấp ấy không có), bởi cái thể tướng của “Biến kế sở chấp” kia, rốt ráo không có, như hoa đốm giữa hư không v.v…

2. Sanh vô tánh (do nhân duyên sanh, không có thật tánh). Nghĩa là: Phật y cái “Y tha khởi tự tánh”, lập ra “sanh vô thật tánh” (Phật y các pháp do nhân duyên sanh, mà chỉ rõ các pháp ấy, không có thật tánh). Bởi những pháp y các duyên kia sanh ra, nên hư huyễn, không có thật thể; chẳng qua do những kẻ mê muội, vọng chấp cho là tự nhiên sanh. Vì phá cái vọng chấp này, nên Phật nói: “Các pháp duyên danh, không có thật tánh”, chớ chẳng phải hoàn toàn không có tánh.

3. Thắng nghĩa vô tánh (Viên thành thật không có thật tánh). Nghĩa là: Phật y “Viên thành thật tự tánh” mà lập ra “thắng nghĩa vô tánh”. Bởi xa lìa cái vọng chấp ngã pháp do Tánh biến kế trước, mới đặng “Viên thành thật” nên “Viên thành thật” cũng vô tánh. “Viên thành thật” tức là “Thắng nghĩa”.

   Vì phá các vọng chấp của người, cho nên Phật giả nói “Viên thành thật vô tánh”, chớ không phải Viên thành thật hhoàn toàn không. Cũng như hư không tuy bao trùm hết các vật, mà các vật không có nêu bày tánh hư không được.

   Bởi thế nên nói Duy Thức Tánh, tóm có hai món:

1- Tánh hư vọng, tức là “Biến kế sở chấp”.

2- Tánh chơn thật, tức là “Viên thành thật”.

   Lại có hai món:

a) Thế tục, tức là “Ytha khởi tánh”.

b) Thắng nghĩa, tức là “Viên thành thật tánh”.

               Trong ba món vô tánh này, về tánh “biến kế sở chấp” có thể nói hoàn toàn không, còn tánh “y tha khởi” và tánh “viên thành thật”, vì phá vọng chấp, nên Phật phương tiện mật ý nói “không”; chớ chẳng phải hoàn toàn không, mà cũng không thể nói “có”.

              Bởi thế, nên Phật nói “ba món vô tánh” này, là chẳng phải “có”, chẳng phải “không” chẳng phải “cũng có cũng không” và cũng chẳng phải “chẳng có chẳng không”. Trong Duy Thức nói về nghĩa “Trung đạo thứ nhứt” tức nơi ở lý này vậy.

              Ba món vô tánh:

                     *Hoàn toàn không: +Tánh biến kế không (tướng vô tánh).

                     *Chẳng phải có, chẳng phải không: +Tánh y tha khởi không (sanh vô tánh).

                                                                                  +Tánh viên thành thật không (thắng nghĩa vô tánh).

               Gần đây, các học thuyết bên Thái Tây nêu lên danh từ Chơn, Thiện, Mỹ còn các nhà khoa học thì kheo khoang vain năng, hô hào những sự thực nghiệm. Các nhà Triết học cũng đua nhau cổ vũ nào là: kinh nghiệm, thật lợi và duy thật v.v… Nhưng, nếu chúng ta chín chắn xét kỹ những điều mà họ gọi là thực nghiệm hay kinh nghiệm v.v…đó, chẳng qua như cái bình, cái bàn v.v… thuộc về “thế gian thế tục” trong tục đế trước đã nói.

               Cũng như thế, trong Duy Thức Tam Thập Tụng  có nói: “Do các vọng chấp kia, vọng chấp tất cả vật. Các món vọng chấp đó, tánh nó không thật có”.

Do do bỉ bỉ biến kế,

Biến kế chủng chủng vật.

Thử biến kế sở chấp,

Tự tánh vô sở hữu.

              Đến như  “Đạo lý thế tục” hay “Thế gian thắng nghĩa”,  đem so sánh với học thuyết “thuần lý phê phán” của ông Khương Đức v.v… thì có phần giống nhau.

              Qua đến “Chứng đắc thế tục” hay “Đạo lý thắng nghĩa” thì các nhà học giả trên, họ mờ mịt trông theo không kịp, như người ở sau xa trông bụi mù trước.

               Nói đến “Thắng nghĩa thế tục” hay “Chứng đắc thắng nghĩa” thì ôi thôi! Mặc tình họ công kích, bài bác cho là nói hư huyền.

               Nếu nói đến Thắng nghĩa thắng nghĩa” hay “Nhứt chơn pháp giới”, thì các nhà họ giả ấy lại càng tuyệt vọng, như cái bánh xe ở phương Nam, mà cái trục xe lại ở phương Bắc, không bao giờ gặp được.

                Cái mà các học thuyết kia tin và nói là “chơn thật”, chẳng những là “giả”, mà cái “Thiện và Mỹ” của các học thuyết kia khen ngợi đó, cũng là “xấu hèn” mà thôi.

                Than ôi! Phải hay chăng đảo loan (điên đảo) thành ra đại loạn. Chúng ta là kẻ tìm học, cầu những chỗ chơn thật, vậy không thể không phản tỉnh, xét lại cho thấu đáo ư!

Xem mục lục