Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

BÀI THỨ 10
NÓI VỀ TƯỚNG TẠNG CỦA THỨC BIẾN
NĂNG BIẾN
(CÓ 6 ĐOẠN)

  Các Thức đều có cái tác dụng hay biến hiện ra các pháp. Cho nên trong Kinh nói: “Ba cõi đều duy Tâm tạo, muôn pháp đều duy Thức biến v.v… “. Nay xét thứ lớp của các Thức năng biến (hay biến), cũng có thể phân làm ba loại:

1-     Thức năng biến thứ nhứt, tên A lại da (Trung Hoa dịch là Tàng thức).

2-     Thức năng biến thứ nhì, tên là Mạt na (Trung Hoa dịch là Ý).

3-     Thức năng biến thứ ba, lại phân làm Thức là: nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý.

  Trước hết nói về Thức năng biến thứ nhứt, tức là A lại da. Thức này có ba tướng: 1. Tự tướng. 2. Quả tướng. 3. Nhân tướng.

I. NÓI VỀ TỰ TƯỚNG CỦA TÀNG THỨC (A LẠI DA)

  Sao gọi là Tự tướng? – Nghĩa là: cái hình tướng  sẵn có của nó. Thức này đã gọi là “Tàng thức” (thức chứa), vậy chữ :Tàng” nghĩalà gì? – Nó có ba nghĩa như sau:

1-     Năng tàng (có khả năng chứa đựng). Nghĩa là Thức này chứa đựng được tất cả hạt giống của các pháp trong thế gian.

2-     Sở tàng (chỗ để chứa). Nghĩa là Thức này là chỗ để chứa đựng tất cả các pháp lành và dữ v.v…

3-     Ngã ái chấp tàng (chấp ngã). Nghĩa là Thức này là cái chỗ để chúng sanh luôn luôn chấp đó là mình (ta).

  Cái “Tàng thức” này khó nhận, nên tôi xin dẫn một tỷ dụ để giải thích. Như ngày thường chúng ta đọc qua các sách vở, khi đọc rồi thì thôi, không cần nghĩ nhớ đến, cứ lo làm các công việc khác, làm rồi bỏ qua cũng không cần nhớ đến. Mặc dù trải qua mấy năm, nếu không nghĩ đến thì thôi, khi một phen chúng ta nghĩ đến thì vẫn nhớ lại được. Như thế, thời quyết định phải có chỗ để chứa các nghĩa lý trong sách vở đã học và các việc đã làm.

  Những lúc không nghĩ đến nghĩa lý trong các sách vở đã đọc, thì in như cái kho bị đóng cửa, chúng ta không thể thấy đồ vật. Đến khi nghĩ nhớ lại, thì như cái kho được mở cửa, chúng ta thấy các đồ vật một cách rõ ràng.

  Người nước ta thưở xưa, nói sự  “ghi nhớ” này là do tác dụng của trái tim. Còn các nhà Tâm lý học đời nay lại cho là công dụng của bộ óc. Nhiếu thuyết lăng xăng, không thuyết nào phải cả.

  Theo học thuyết xưa nói “trái tim”, học thuyết nay nói “bộ óc”, đều thuộc về vật chất (sắc pháp). Do bốn chất (tứ đại) đất, nước, gió, lửa tạo ra, cho nên nó không thể chứa những sự “nghĩ nhớ” được. Nếu vật chất mà hay chứa những sự “ghi nhớ”ù được, thì những kho lẩm ở thế gian cũng có thể đọc sách hay ghi nhớ các việc được. Thế nên phải biết: “cái khả năng chứa đựng” nhưng sự vật được ghi nhớ đó, theo nhà Duy Thức học nói, thì quyết định phải là Thức A lại da.

  “Trái tim” hay “Bộ óc” chẳng qua là cái chỗ để cho Thức du hành (nương) mà thôi. Nó chỉ làm cơ quan để phát khởi tác dụng của Thức. Người thường chỉ biết “tim” hay “óc” là cơ quan phát sanh ra sự hay biết chớ không biết bên trong của cơ quan này, phải còn có Thức  điều khiển cơ quan đó chíng là Thức A lại da, Trung Hoa dịch là Tàng thức – Thức chứa.

  HỎI: “Ghi nhớ là tác dụng của Niệm Tâm sở” trong năm món Biệt cảnh, nay lại nói “ghi nhớ” lá Thức A lại da. Vậy nên xác nhận lại coi cái nào ghi nhớ”.

  ĐÁP: A lại da là cái kho chứa sự “ghi nhớ”, còn “Niệm Tâm sở” là người mở kho phát ra các việc được ghi nhớ. Bởi thế nên chữ  “Tàng” (kho) có ba nghĩa:

1-     Năng tàng (hay chứa). – Chúng ta ở đời, khi ra làm các công việc, như cày ruộng hay buôn bán; có những  lúc du ngoạn sơn thủy v.v… suốt cả đời trải qua không biết bao nhiêu việc, tất cả những điều thấy, nghe, hay, biết, Thức này đều hay chứa tất cả.

2-     Sở tàng (chổ chứa). – Đây là chỗ chứa đựng hạt giống của các pháp. Đợi đến khi cần dùng thì “Niệm Tâm sở” mới mở cửa kho đưa ra.

3-     Ngã ái chấp tàng. – Thức thứ Bảy tham mến cái kho báu này (tàng thức), chấp cho là Ta (ngã).

II.NÓI VỀ QUẢ TƯỚNG CỦA TÀNG THỨC

  Sao gọi là Quả tướng? – Đây là nói cái tướng của quả báo của Thức này. Thức này khi ở thân đời trước, tạo ra các nghiệp lành dữ, đến khi thân đời trước chết rồi, thì nó đi đầu thaithọ thân đời này. Vì nó làm chủ động đi lãnh thọ thân quả báo, cho nên gọi là “Quả báo thức”.

  Sao gọi là Quả tướng? – Đây là nói cái tướng quả báo của Thức này.Thức này khi ở thân đời trước, tạo ra các nghiệp lành dữ, đến khi thân đời trước chết rồi, thì nó đi đầu thai thọ thân đời này. Vì nó làm chủ động đi lãnh thọ thân quả báo, cho nên gọi là “Quả báo thức”.

  Nhưng chỉ lạ một điều là Thức này khi ở về nhân (đời trước tạo nghiệp) thì có thiện ác rõ ràng, mà đến lúc quả báo thuần thục rồi, quả đời này thì không thể nói thiện hay ác, mà chỉ gọi là Vô ký tánh; nghĩa là không phải thiện, không phải ác. Bởi nhân thì thiện ác, mà quả lại phi thiện ác (Vô ký), tánh chất khác nhau, cho nên Thức này cũng gọi là Dị Thục thức.

  Dị Thục  có ba nghĩa:

1-                             Dị thời nhi thục – Nghĩa là từ khi tạo nhân, cho đến khi quả báo thuần thục, thời gian khác nhau.

2-                             Dị loại nhi thục – Nghĩa là từ  khi sanh (nhân) cho đến khi chín (quả), tánh chất không đồng nhau.

3-                             Biến dị nhi thục – Nghĩa là từ nhân sanh ra quả, nó trải qua nhiều từng biến đổi khác lạ.

  Vì Thức thứ Tám, ở về nhân thì có thiện ác, mà trên quả lại vô ký;  cho nên lấy cái nghĩa đặc biệt là “Dị loại nhị thục” làm chánh, còn lấy cái nghĩa thông dụng là “Dị thời nhi thục” và “Biến dị nhi thục” làm phụ.
 
 

  HỎI: Thức Dị thục, nếu nhân của nó là thiện ác mà quả lại vô ký, thì nhân quả  khác nhau. Như thế làm sao thành lập cái thuyết “nhân quả kh6ong sai khác được”.

  ĐÁP: Cái tứong quả báo của Thức A lại da này, là do hai món: nghiệp chủng tử và thức chủng tử hợp thành. – Nói về “nghiệp chủng tử” thì có thiện và ác, tạo thành quả khổ và vui trên dị thục quả (báo thân). – Còn nói về “thức chủng tử” thì nguyên không có thiện ác, nên nó tạo thành quả vô ký (báo thân) cũng không phải thiện và ác.
 
 

  Bởi “thức chủng” là đối với Thức mà nói, còn “nghiệp chủng” là đối với quả báo mà luận, nên nhân nào quả nấy, y nguyên chẳng sai khác.

  Dị thục:1- Thức chủng – Nhân vô ký – Quả dị thục thức.

               2- Nghiệp chủng – Nhân thiện ác – Quả khổ và vui.

Thức này tuy luân chuyển trong năm thú, nhưng tánh chất của nó không biến đổi, nên trong Tâm Kinh nói: “Không tăng không giảm, không cấu không tịnh, không sanh không diệt v.v…”.

  Quả Dị thục này là hoàn toàn do các nghiệp nhân thiện và ác đời trước tạo ra. Bởi căn cứ trên quả Dị thục thức phi thiện phi ác ở đời này, đối chiếu với nghiệp nhân lành dữ đời trước mà nói, cho nên mới nói “trong nhân có thiện ác, mà trên quả Dị thục lại là vô ký”.

  Nếu căn cứ trên sự giàu nghèo, sang hèn trên quả báo Dị thục này, là do đời trước đã tạo các nghiệp nhân lành dữ mà có, thì gọi là “Đẵng lưu quả” (bình đẳng lưu xuất). Bởi thế, nên trên Dị thục thể (Dị thục thân) lại có hai món quả là “Dị thục quả” và “Đẳng lưu quả”.

  Dị thục thể:  Dị thục quả:  Nhân: Tạo nghiệp thiện ác.

                                              Quả: Thức vô ký.

                       Đẳng lưu quả:  Nhân: Tạo nghiệp thiện ác.

                                                 Quả: Khổ và vui.

III. NÓI VỀ “NHÂN TƯỚNG” CỦA TÀNG THỨC

  Sao gọi là Nhơn tướng? – Nhân là cái tướng về nhân. Nghĩa là: Tàng thức này làm nhân sanh ra quả của các pháp. Bởi vì Thức này hàm chứa những công năng (chủng tử) sanh ra các pháp. Tuy không có hình tướng gì có thể thấy được, song tất cả các pháp đều từ đó sanh ra cho nên gọi cái công năng vô hình này là chủng tử.

  Cũng như hạt giống của đậu, bắp v.v… ẩn ở trong đất; tuy không thể thấy được, nhưng nó có công năng làm cho đậu bắp mọc lên, khỏi mặt đất, sanh ra nhánh lá hoa trái, nên gọi hạt giống này là cái “nhân” của cây đậu và cây bắp.

  Cái “Nhân tướng” này có hai món:

1- Từ chủng tử  khởi tác dụng, sanh ra hình trạng của các pháp. Theo Duy Thức học thì gọi là “hiện hành”. Ý nói: Do chủng tử vô hình này, hiện ra hành động, sanh các pháp hữu hình, nên gọi chủng tử này là “nhân” của hiện hành. Đây là cái “nhân tướng” thứ nhất.

  Cũng như trẻ con khi mới sanh, không ai dạy khóc,  mà nó vẫn biết khóc oa! oa!. Vì trong Thức A lại da đã chứa sẵn  cái nhân (chủng tử) khóc, cho nên mới khởi ra quả (hiện hành) là biết khóc.

  Ít ngày nó lại biết bú, cũng bởi trong Tàng thức sẵn có cái nhân (giống) bú, cho nên mới khởi ra quả là biết bú. Rồi lần hồi biết cười và biết nói: cũng vì trong Tàng thức đã chứa sẵn cái nhân cười và nói, cho nên mới khởi ra quả (hiện hành) được.

  Tuy biết rằng: trẻ con biết nói năng, cũng nhờ có cha mẹ dạy bảo. Nhưng cha mẹ làm trợ duyên mà thôi. Thật ra đều do cái nhân (chủng tử) đã chứa sẵn trong Tàng thức, rồi nhờ ngoại duyên, mới phát sanh được hiện hành (quả).

  Bởi thế nên nói: Tất cả các pháp đã hiện ra trong thế gian này, mỗi mỗi đều do chủng tử của nó  chứa trong Tàng thức, tùy loại nào gặp đủ duyên trước thì nó hiện khởi ra trước.

2-     Những pháp đã hiện hành, trở lại huân tập thành hạt giống ở trong Tàng thức. Dụ như trái đậu và bắp, đến khi già rồi trở lại rớt hột trong đất, khi gặp thời tiết thuận tiện nó lại sanh ra, nên gọi là pháp hiện hành này là cái “nhân” để làm chủng tử. Đây là cái “nhân tướng” thứ hai.

 Nhơn tướng

1-      Chủng tử (chủng sanh hiện).

2-      Hiện hành (hiện huân chủng).
 

IV. TƯỚNG “NGÔ MÀ THỨC MẠT NA CHẤP

  Cái “Năng biến” thứ hai là Thức “Mạt na”. Trung Hoa dịch là “Ý”. Thức này (ý) làm “căn bản” cho Ý thức thứ sáu nương đó phát sanh, mà không phải là “Ý thức”. – Vì sợ người lầm lộn Thức này (thứ 7) với Ý thức (thứ 6), cho nên Thức này chỉ gọi là “Ý” mà không kêu là “Thức”.

  Sở dĩ không kêu là “Thức” là vì muốn   chỉ rõ Thức này (thứ 7) tức là “Ý”: chú trọng về phần “suy nghĩ so đo” (tư lương). Bởi “bản tánh” và “hành tướng năng duyên” của Thức này (thứ 7) đều “suy nghĩ so đo” cho nên trong Duy Thức Tam Thập tụng có câu “Tư lương vi tánh tướng”. Nghĩa là: bản tánh và hành tướng của Thức này đều hay “suy nghĩ so đo”.

  Lại nữa,Thức Mạt na này là từ nơi Thức A lại da sanh ra, rồi trở lại duyên “kiến phần” của Thức A lại da chấp làm ngã (ta), cho nên trong Duy Thức Tam Thập tụng có câu “Y bỉ chuyển duyên bỉ”. Nghĩa là: nương nơi kia sanh, rồi trở lại duyên nơi kia.

  Thức Mạt na tự lấy “kiến phần” của mình duyên qua “kiến phần” của Thức A lại da; khi đó không những nó (Mạt na) chấp kiến phần A lại da làm thật ngã (ta), mà cũng chấp đó (kiến phần A lại da) là thật pháp (thật vật).

  Chữ “Ngã” nghĩa là “chủ tể”. Chữ “chủ” có nghĩa là “ tự tại làm chủ”; như ông vua tự tại làm chủ trong một nước. – Chữ “tể” có nghĩa “phán đoán sai khiến các việc”; như ông quan (Tể tướng) giúp vua phán đoán các việc. – Vì chữ “ngã” có nghĩa: 1- Tự tại làm chủ. 2- Phán đoán các việc, cho nên định nghĩa là “chủ tể”.

  Chữ  “Pháp” có hai nghĩa:

1-                             Giữ gìn cái hình thể của nó không mất (nhậm trì tự tánh).

2-                             Làm cho người ta trông đến thì biết đó là vật gì (quỉ sanh vật giải).

- Phàm vật gì đủ cả hai nghĩa: 1- Giữ gìn tự thể. 2- Làm cho người ta hiểu biết được nó, thì gọi là “Pháp”.

  Nay Thức A lại da này, do từ quá khứ tạo nhân thiện ác, đến đời hiện tại kết thành quả báo dị thục; từ nhân đến quả mỗi phần biến đổi luôn luôn và mỗi sát na (tic tăc) sanh diệt mãi mãi.

  Các chủng tử chứa trong Thức A lại da này, tuy có thiện ác và vô ký không đồng, nhưng khi ở về quá khứ, chưa khởi hiện hành, thì nó cùng với bản thể của Thức A lại da đồng tánh vô ký, không phải khác với Thức A lại da mà cũng không phải một. – Song đến khi chủng tử khởi ra hiện hành (quả) thì lại không đồng tánh vô ký với Thức A lại da, mà mỗi nghiệp nhân lại sanh ra mỗi quả hiện tại, hoặc xấu tốt, hay không xấu tốt khác nhau. Vì thế, nên trong Kinh Giải Thâm Mật có câu:

A đà na thức thậm thâm tế.

Nhứt thiết chủng tử như bộc lưu

  Nghĩa là:

  Thức A đà na rất thậm thâm và tinh tế, các chủng tử chứa trong Thức này biến chuyển sanh diệt luôn luôn, như dòng nước thác.

  Trong Kinh Lăng Già cũng nói:

Như hải ngộ phong duyên,

Khởi chủng chủng ba lăng!

  Nghĩa là:

  Như biển bị gió xao,

  Nhấp nhô sóng nổi dậy!

  Kinh Giải Thâm Mật nói về Pháp (Thức A lại da), Kinh Lăng Già nói về Dụ (như biển bị gió xao…). Đại ý hai kinh đều chỉ rõ Thức này từ vô thỉ đến giờ,  mỗi tic tăc quả sanh nhân diệt, không phải thường và không phải đoạn.

  Bởi thế, nên quyết định Thức này không phải “thật ngã”, vì nó không thật có nghĩa “chủ tể”, như ông vua (chủ) được tự tại hay ông quan (tể tướng) có quyền xử đoán. Và quyết định Thức này cũng không phải “thật pháp”, vì nó không thật có cái nghĩa: 1- Giữ gìn hình thể của nó, 2- Làm cho người biết nó có cái gì!

  Thức Mạt na không bao giờ thấy được nội dung của Thức A lại da, chẳng qua nó vọng chấp mà thôi. Cũng như người đi ban đêm, thấy bóng cây mập mờ, nghi là ma quỷ (chấp ngã), vì thấy hình như có điệu bộ muốn chụp bắt người, hay thấy sợi dây mờ mờ, nghi là rắn rít (chấp pháp), vì thấy nó in như có cái khả năng hại người. Thật ra “bóng cây” chớ nào phải quỷ, “sợi dây” đâu phải rắn độc, chẳng qua vì mê lầm vọng chấp là “quỷ” hay “rắn” đó thôi.

  Bởi thế, nên Thức A lại da tuy bị Thức Mat na chấp làm thật ngã, thật pháp, nhưng Thức A lại da, chẳng những nó không phải “thật ngã thật pháp”, mà Thức Mạt na cũng không bao giờ chấp đến bàn thể của Thức A lại da được.

  Khi Thức Mạt na khởi lên vọng chấp, thì nó chỉ nương “kiến phần” của Thức A lại da làm bản chất, rồi trên “kiến phần” của nó (Mạt na) trở lại biến ra cái hình tướng tương tợ Thức A lại da, mà chấp đó là “thật ngã”.

  Cũng như anh thợ vẽ (đơn thanh) nghe người ta nói ông vua kia oai hùng v.v… rồi anh tưởng tượng vẽ lại trên giấy. Lúc bấy giờ anh ta trở lại cung kính chấp cho đó là thật ông vua kia. Đâu biết rằng: ông vua kia là ông vua kia, còn hình vẽ là hình vẽ, hai bên không quan hệ gì với nhau cả.

  Bởi Thức Mạt na nương “kiến phần” của Thức A lại da làm bản chất, rồi trên “kiến phần” của nó (Mạt na) biến ra cái “cảnh giới tướng phần”, trở lại chấp cho đó là “thật ngã, thật pháp”; nên nhà Duy Thức kêu là “cảnh chơn đới chất”. Nghĩa là Thức Mạt na nương kiến phần của Thức A lại da làm bản chất, rồi biến lại cái :tướng phần ảnh tượng” ở nơi đó. Cái “tướng phần” này, một đầu là do “kiến phần” của Thức A lại da, một đầu là do “kiến phần” của Thức Mạt na, hai bên đều khởi một phần tác dụng, biến ra cái “tướng phần” giữa hai Thức. Cũng như hai cây đèn đốt để gần nhau, hai đầu chiếu sáng, chính giữa có cái bóng hơi tối, đó là dụ cho “tướng phần chơn đới chất”. Vì thế nên ngài Huyền Trang Pháp sư làm bài tụng có hai câu rằng:

Dĩ tâm duyên tâm chơn đới chất

Trung gian tướng phần lưỡng đầu sanh.

  Nghĩa là:

  Đệ thất Thức dùng “kiến phần” duyên qua “kiến phần” của Đệ bát Thức, rồi  nó biến ra cái “tướng phần”, gọi đó là “Chơn đới chất”. Cái tướng phần chơn đới chất ở trung gian đây là do hai đầu (Thức thứ 7 và Thức thứ 8) mà sanh.

  Kiến phần của Thức A lại da và kiến phần của Thức Mạt na đều là “tâm pháp”; hai bên kết hợp lại, sanh ra tướng phần là “sắc pháp”. Song cái “tướng phần” này không phải thuộc về Thức A lại da và cũng không phải thuộc về Thức Mạt na, chẳng qua do hai Thức cùng nhau biến sanh ra cái ảnh  tượng (tướng phần) rồi vọng chấp cho đó là thật ngã, thật pháp mà thôi.

  Bởi  chấp là “thật ngã’, nên lúc nào cũng quý trọng cái ngã của mình, mà bài xích khinh miệt những cái không phải của mình (phi ngã). Bởi thế nên sanh ra các “phiền não chướng”. Vì chấp là “thật pháp”, nên lúc nào cũng quý trọng cho là hơn hết, mặc dù pháp ấy hư vọng. Trái lại, chê bai các pháp khác, mặc dù pháp ấy chơn thật. Bởi thế nên sanh ra các “sở tri chướng”.

   Phiền não và sở tri hai chướng, bắt đầu từ ngã chấp và pháp chấp mà sanh ra như vậy.
 

V. NÓI VỀ TƯỚNG TRẠNG CỦA 6 THỨC TRƯỚC

  Hỏi: Cái: “Năng biến” thứ ba là 6 Thức trước, làm sao sanh khởi?

  Đáp: Việc này phải dùng 3 điều mới giải rõ được:

a) Sáu căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn. Năm căn trước (trừ  ý căn) do nhục chất (thịt) tạo thành. Nó có hình tướng hiện lộ ra ngoài, ai ai cũng đều thấy được, nên gọi là năm căn phù trần (trần tướng phô thù). Lại có năm căn rất tế nhị, nương ẩn bên trong 5 căn phô thù này, chúng ta không thể  thấy được, gọi là 5 căn Thắng nghĩa.

  Còn căn thứ 6 (Ý căn), tức là Mạt na (Thức thứ 7) thuộc về Tâm, nên không có căn phù trần, chỉ có căn thắng nghĩa mà thôi. Bởi Thức Mạt na làm chỗ nương dựa cho Thức thứ 6, nên gọi là Ý căn. Cũng như năm căn trước làm chỗ nương dựa cho năm Thức trước vậy.

b) Sáu trần: Sắc trần, Thing trần, Hương trần, Vị trần, Xúc trần, Pháp trần. Bởi sáu món này đều do các vi trần chứa nhóm làm thành, cho nên gọi là trần.

c) Sáu thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức , Ý thức.
 
 

  Hỏi: Ba móm này quan hệ cùng nhau như thế nào?

  Đáp: Phàm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, thì mỗi căn đều  có một tác dụng phát sanh ra mỗi món phân biệt. Như Nhãn căn đối với Sắc trần, sanh ra một món tác dụng phân biệt về sắc, thì gọi là Nhãn thức. Khi Nhĩ căn đối với Thinh trần, khởi ra tác dụng phân biệt về tiếng, thì gọi là Nhĩ thức. Khi Tỹ căn đối với Hương trần, phát sanh ra tác dụng phân biệt về mùi, thì gọi là Tỹ thức. Khi Thiệt căn đối với Vị trần, phát sanh ra tác dụng phân biệt về vị, thì gọi là Thiệt thức. Khi Thân căn đối với Xúc trần, phát sanh ra tác dụng về phân biệt về xúc, thì gọi là Thân thức. Khi Ý căn đối với Pháp trần, phát sanh ra tác dụng phân biệt về Pháp, thì gọi là Ý thức.
 
 

  Hỏi: Căn, Trần, Thức, ba món này từ đâu mà có?

  Đáp: Trước tôi không nói sao! Từ Thức A lại da chứa chủng tử (hạt giống) của  tất cả pháp. Bởi trong Tàng thức đã chứa chủng tử của 6 căn, nên khởi ra hiện hành 6 căn là Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý. Bởi trong Tàng chứa chủng tử của 6 trần, nên khởi ra hiện hành của 6 trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Bởi trong Tàng thức chứa chủng tử của 6 Thức, nên phát sanh ra hiện hành 6 Thức là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức.
 
 

  Sáu căn, sáu trần, sáu thức cộng lại là 18 pháp; mỗi pháp đều có chủng tử riêng và phát sanh ra hiện hành của nó, cho nên Phật gọi 18 pháp này là 18 Giới.

  Chữ “giới” tức là nghĩa “chủng tử”. Những người mê muội không biết, nghe nói “thức y nơi căn phát sanh”, rồi nghi rằng: căn tức là chủng tử của Thức. Kỳ thật không phải, tuy rằng Thức y nơi căn phát sanh, nhưng Thức  do chủng tử của Thức khởi ra hiện hành; chẳng qua chủng tử của Thức chỉ nương nhờ nơi căn mà phát khởi thôi. Cũng như hạt giống  của đậu bắp, nó tự sanh ra cây bắp và cây đậu nhưng phải nhờ có đất, nước, phân, tro mới khởi ra hiện hành được.

  Cái quan hệ về phần phụ giúp này, gọi là “Tăng thượng duyên”; không phải như cái nghĩa “thân nhân duyên là chủng tử sanh hiện hành hay hiện hành huân chủng tử” có thể so sánh được.

  Trong Đạo phật, hàng Tiểu thừa vì chưa nghe đến Kinh giáo nói về Thức A lại da, nên họ không hiểu được nghĩa “chủng tử, hiện hành, huân sanh, huân trưởng”, nên không biết cái giới hạn của căn và Thức. Vì thế, ngài Huyền Trang Pháp sư làm bài tụng “BátThức Quy Củ” có câu rằng:”…Ngu giả nan phân thức dữ căn” (người ngu khó phân Thức và căn).

Xem mục lục