Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

DUY THỨC HỌC TẬP I
DUY THỨC PHƯƠNG TIỆN ĐÀM
QUYỂN THƯỢNG

Tác giả: ĐƯỜNG ĐẠI VIÊN
Dịch giả: THÍCH THIỆN HOA

 

LỜI CỦA DỊCH GIẢ

Các Kinh sách trong Đạo Phật có chia làm mười tôn, mà Duy Thức Tôn là một.

Duy Thức Tôn là  một môn học phân tích về hành tướng của tâm lý, hay nhất mà cũng là khó nhất. Khó vì rất nhiều danh từ lạ và phân tích hành tướng của tâm lý rất tinh tế, hơn nữa nó nói lên những việc mà chúng ta chưa quen nghe đến. Ngoài ra nó còn khó vì văn chương khúc chiết, lời lẻ quá tắt gọn, có những câu không biết bao nhiêu nghĩa. Vì vậy mà người học khó thâm nhập, xưa nay các nhà nghiên cứu ai cũng lắc đầu!

Về môn Duy Thức này, chúng tôi dịch ra đây, không phải vì độc giả, mà dành riêng cho những hàng học giả. Nghĩa là: phải người cố tâm nghiên cứu tìm học mới hiểu được môn này, chớ như người chỉ đọc suông qua thì khó mà lãnh hội.

Các sách vở về Duy thức rất nhiều, muốn dễ dàng cho học giả, cố nhiên trước hết phải từ cửa ngõ rồi mới vào nhà; từ nơi phương tiện mới đến chỗ chân thật. Như lời Cổ nhân dạy: “Muốn đi xa phải do nơi gần, muốn lên cao phải từ nơi thấp.”

Vì thế, nên trước hết chúng tôi dịch quyển Duy thức Phương Tiện Đàm của ông Đường Đại Viên, là một nhà học giả ở Trung Hoa đã nhiều năm nghiên cứu uyên thâm về Phật pháp. Oâng có biên ra nhiều loại sách về Duy thức, mà Duy thức Phương Tiện Đàm là một quyển sách rất dễ hiểu cho người mới học. Vì văn chương bình dị, lối trình bày có lớp lang và khoa học, lại dùng những tỷ dụ thông thường rất đại chúng.

Song chúng ta cũng nên nhớ: Duy thức học là một môn học rất khó. Oâng  đường Đại Viên vì muốn cho người dễ hiểu, nên mới phương tiện trình bày. Đã nói “phương tiện” thì chúng ta không nên chấp là chơn thật.

Chúng tôi dịch loại Duy thức này vì muốn cho người dễ hiểu, nên không hoàn tòan dịch sát theo văn chữ  Hán-nghĩa là có đoạn chúng tôi dịch  đúng theo văn, mà cũng có đoạn dịch theo ý, cốt yếu làm sao cho xuôi thuận theo văn chữ Việt, để người đọc được dể hiểu mà thôi.

Có chỗ chúng tôi thêm vào cho rõ nghĩa, mà cũng có đoạn chúng tôi phải tỉa bớt đi cho gọn, xin độc giả chớ chấp theo nguyên bản mà bình phẩm sự phiên dịch của chúng tôi.

Mong chư độc giả cùng chúng tôi đồng hiểu Duy Thức Tướng, đồng nhập Duy Thức Tánh, ngõ hầu cải hoán tự tâm, cải hoán hoàn cảnh, chuyển Bát thức thành Tứ trí, đê trở thành cảnh giới của bậc Đại giác.

Phật Học Đường Nam Việt

Ngày Kỷ niệm Phật A Di Đà (1955)
Dịch giả: THÍCH THIỆN HOA

Xem mục lục