Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

BÀI THỨ NHỨT
DUY THỨC PHƯƠNG TIỆN ĐÀM
QUYỂN THƯỢNG

Tác giả: ĐƯỜNG ĐẠI VIÊN
Dịch giả: THÍCH THIỆN HOA

 

I. THUẬT LẠI BẢN NGUYỆN TẠO LUẬN

  Người đời khi xem đến Duy thức học, thì luôn luôn lấy làm khó khăn; vì danh từ và hành tướng của Thức quá nhiều,không thể nhớ hết; lời lẽ và nghĩa lý lại sâu xa, rất khó tìm hiểu. Cũng có người cố gắng đọc, nhưng đọc một cách rất khô khan, không thú vị; chỉ đọc nửa chừng rồi bỏ dở, không xem hết quyển được.

  Người học Phật  phần nhiều tránh nơi khó, tìm chổ dễ; chỉ ưa nói suông mà không chuộng đến thực hành. Bởi thế nên kẻ thế Nho chê là yểm thế, các nhà Vật chất chê là tiêu cực.

  Có những người hocï Phật, không hiểu ý Tổ sư nói(1) lại ra sanh ra chấp đoạn diệt: cho tất cả mọi sự việc là không, rồi mọi việc tu hành đều bỏ phế.

  Thế nên người học Phật không hiểu Duy thức  nên Phật pháp suy đồi; kẻ thế tục vì không học Duy thức nên khinh báng Phật; Quốc gia vì không hiểu Duy thức nên rối loạn; nhơn loại vì không học Duy thức mới đảo điên.

  Duy thức là một môn học rất quan trọng như thế, nhưng muốn truyền bá, lại không biết làm sao! Tôi vì thương cái tình tệ ấy, phát nguyện cứu đời, nên viết ra quyển “Duy thức Phương Tiện Đàm” này, mong cho kẻ trí, người độn khi xem đến, đều biết “muôn pháp Duy thức”, hiểu đặng nghĩa lý Chơn không rốt ráo của Phật Đà. Mọi người hăng hái vui đạo, chăm chăm không biết mõi, lòng người lần hồi âm thầm cải đổi ( cải ác lại thiện); phong tục chẳng cần sửa đổi mà được tốt đẹp, quốc gia không trị phạt mà vẫn được thạnh trị; những tai hoạ lần tiêu, các điềm lành mỗi ngày thêm đến, bậc Thánh trí thạnh hành, chúng Ma vương bặt tích, cả thế giới được hoà bình, cốt yếu là do mỗi người đều hiểu lý Duy thức. Cho nên tôi vui mừng và kính cẩn, trước hết nói một bài tụng để cầu Tam Bảo gia hộ: 

Cúi đầu lạy Phật và Bồ tát (2)

Là người đã chứng Duy thức tánh.

Nguyện dùng những lời phương tiện này,

Giải nói nghĩa rốt ráo của Phật.

Lạy Ngài buông tỏa hào quang sáng,

Chiếu phá tối tăm trong thế gian.

Chúng ma nép phục, tai họa tiêu,

Tất cả đồng ở nước  An Lạc.

(1)     Tổ sư nói: “ Tất cả các pháp không thật có, chỉ do thức biến hiện” là Tổ muốn phá trừ các mê lầm chấp thật của chúng sanh. Vì chúng sanh chấp các pháp thật có, nên mới say mê tham luyến, rồi tạo ra các điều tội lỗi. Người học Phật không hiểu ý Tổ, lại sanh ra chấp đoạn diệt: cho không có nhân quả tội phước v.v…

(2)     Câu này trong văn chữ Hán  “Khể thủ mãn phần tịnh”. Chữ  “mãn” là mãn thanh tịnh, tức là Phật. Chữ  “phần tịnh” là phần thanh tịnh tức là Bồ tát.
II. GIẢI THÍCH TÊN “DUY THỨC”

  Thức là gì? Sao gọi là Thức? –Đây là câu hỏi của những người chưa hiểu Duy thức học. Nay xin trả lời vắn tắt: Có một động lực (tác dụng) vô hình, nói lớn thì nó trùm cả vũ trụ, còn nói nhỏ thì cũng không chỉ nhỏ bằng; nó có công năng nhận thức phân biệt các sự vật sai khác, nên kêu là Thức. Nếu trong vũ trụ không có cái động lực (tác dụng) này, thì cái gì làm giềng mối chủ trương cho muôn sự  muôn vật. Vậy chúng ta hãy chín chắn suy xét.

HỎI: Sao gọi là “Duy thức”?

ĐÁP:Tất cả sự vật trong vũ trụ này vẫn không có nhứt định là cái gì hay vật gì cả; chỉ do “Thức” này nó có tác dụng, hay nhận thức phân biệt các vật như thế này hoặc như thế kia, in tuồng thật có. Thật ra muôn sự muôn vật đều do Tâm thức biến hiện, chỉ có giả tướng mà thôi. Cũng như người đi ban đêm, thấy cái bóng của mình mà nghi là quỷ v.v…Thế nên phải biết: tất cả sự vật trong vũ trụ nàyđều không thật, duy có Thức mà thôi, cho nên gọi là Duy thức. Nói chữ “Duy” nghĩa là ngoài Thức ra, không co vậtù gì khác nữa.
III. THÀNH LẬP DUY THỨC  HỌC

  Người đời thấy núi sông đất nước, người và vật, đều cho là vật hiện thật, có thể thấy và dùng được. Hôm nay nghe nói: “ không thật có, chỉ do Thức biến hiện, cũng như bóng dáng v.v…” thì họ quyết định không tin. Vì muốn cho họ hết nghi ngờ, nên phải cùng người nghiên cứu, trình bày các lý do rõ ràng, thì họ mới chịu tin, như thế gọi là Duy thức học. Chữ “Thức” này là “hiểu biết phân biệt”; hoặc nói gọn lại là “hiểu biết”. Tất cả sự vật trong thế gian, đều là những vật hiểu biết; còn cái “hiểu biết phân biệt” đó lá Thức.

  Thức nó không có hình thể, chỉ lấy các vật  có hình sắc trong vũ trụ do Thức biến ra làm thể của nó. Nay muốn nói đến  “Thức”, thì phải căn cứ nơi chúng sanh là vật hữu hình, do Thức biến ra đó, để chỉ rõ cái tác dụng của Thức.

  Song chúng sanh có sáu loài không đồng, nay chỉ nương ở nơi loài người để chỉ cái “Thức” thì dễ rõ hơn.

Xem mục lục