Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

 

KIÊU MẠN

Trong khi khiêm tốn là sự biểu lộ tự nhiên, tự phát của một người thức tỉnh, thì khuynh hướng bẩm sinh của chúng ta như là những chúng sanh ngu dại là cái rất đối nghịch – sự kiêu mạn xuất hiện trong vô vàn hình thức tinh vi. Những người Phật giáo rất chú ý đến sự kiện này, bởi vì nó là một vấn nạn kinh niên và nó phá hoại sự quân bình của đời sống. Văn học Phật giáo nói đến bảy loại kiêu mạn : kiêu mạn bình thường (mana), kiêu mạn lớn lao (adhimana), kiêu mạn gấp bội (manatimana), kiêu mạn tin vào một ngã tính thường tồn (asmimana), kiêu mạn tự đắc (abha-mana), kiêu mạn khiêm tốn (unamana) và kiêu mạn lừa đảo (mithyamana).

Cái thứ nhất “kiêu mạn bình thường”, là cảm thấy hơn người nào rõ ràng thấp hơn mình về khả năng, tài trí, thông minh, hình tướng, địa vị... Điều này xảy ra chẳng hạn chúng ta thấy người lang thang không nhà trong thành phố. Chúng ta cảm thấy rõ ràng mình hơn họ. Tuy nhiên nếu chúng ta cảm thấy thương hại mà không làm gì cả, đó lại là một hình thức giả trang khác của kiêu mạn. Nhưng cái kiêu mạn bình thường này cũng xảy ra khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta tốt hơn ai đó cùng địa vị hay cùng thành đạt.

“Kiêu mạn lớn lao” là nghĩ rằng người ta hơn một người ngang bằng mình, nhưng nó cũng bao hàm ý niệm người ta cũng tốt đẹp ngang với ai đó rõ ràng là hơn mình. Chúng ta thấy điều này thường xuyên khi chúng ta tự đồng hóa mình với phần tốt nhất và chói sáng nhất trong một nhóm của chúng ta. Nhóm đó có thể là gia đình, giai cấp, chủng tộc, tín đồ hay quốc gia ; đôi khi là một nhóm thể thao, câu lạc bộ, bạn học, xí nghiệp... Chúng ta hành động như chúng ta là tốt hơn những người khác không phải vì giá trị cá nhân chúng ta mà bởi vì sự đồng hóa với một nhóm được biết đến.

“Kiêu mạn gấp bội” hay nghĩa đen “kiêu mạn chồng lên kiêu mạn” là cảm thấy mình hơn người nào đó đang có mọi thứ – tiền tài, địa vị, sự thán phục, tài năng, tiếng tăm và ảnh hưởng. Nó là do tự cho mình có hiểu biết đặc biệt hay sở hữu độc nhất nào đó, dù có thể chẳng đáng kể gì, cái mà người cao hơn có thể không có. Chúng ta thấy sự kiêu mạn này trong những học giả tự cho là độc đáo trong sự hiểu biết.

Tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào ba loại kiêu mạn này, và rất ít người trong chúng ta miễn nhiễm với chúng. Chẳng hạn, tôi có một người bạn thường chịu đựng chứng đau tim, phải mổ mấy lần. Tình trạng trái tim của anh bi đát đến độ các bác sĩ từ chối mổ thêm nữa. Nhưng anh không muốn nói về nó, bởi vì mỗi khi anh nói công khai về nó, luôn luôn có ai đó tỏ ra hơn anh. “Ồ, anh mới chỉ có một lần tai biến về tim, tôi đã có hai lần.” “Ối dào, anh mới mổ ba lần, tôi đã bốn lần !” “Đúng lắm, anh đã suýt chết. Còn tôi đã chết... may mà bác sĩ làm tôi sống lại.”... Điều này làm tôi nhớ lại câu chuyện những nhà khổ hạnh trong sa mạc cố gắng hành xác, “chết hết bản thân mình”. Một nhà tu khoe với nhà tu khác, “Tôi chết nhiều hơn anh.”

Bốn hình thức kiêu mạn khác còn lại không thường được xem như là kiêu mạn. “Kiêu mạn về một ngã tánh thường tồn” ám chỉ niềm tin không được tra vấn về sự hiện hữu của một thực thể cái “tôi”. Phật giáo dạy sự sai lầm bám chấp vào năm uẩn (skandha), chúng cấu tạo nên một cái ngã thường tồn : sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Dù các triết gia Tây phương khác nhau như Hume, Kant, Nietzsche và William James đã chỉ ra sự không hiện hữu của một cái ngã có thực thể, nó vẫn đóng một vai trò không gây nên thắc mắc gì trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Bao giờ chúng ta còn cho một cái ngã tưởng tượng như vậy là thực và trường tồn, chúng ta còn là một hình ảnh thu nhỏ của sự kiêu mạn.

Sự phủ định cái ngã quy ước không có nghĩa chúng ta không cần tổ chức cuộc đời chúng ta và dự định cho tương lai. Hơn nữa, nó thúc đẩy chúng ta phải tỉnh giác trọn vẹn về bản chất thoát nhanh của hiện hữu và không đặt toàn thể hiện sinh của chúng ta trên một cái ngã cô lập như vậy. Những người Phật giáo sống với một cái hiểu như thế, như Genza đã nói, “Bao giờ con người còn sống, nó phải làm việc và tính liệu cho một ngàn năm. Ngay cả với Genza trồng hồng vàng và hạt dẻ này. Tôi có một số công việc để làm trong thế giới này. Nhưng chúng ta phải nghe theo giáo lý, như thể không có ngày mai nữa.”

“Kiêu mạn tự đắc” là tuyên bố sai lầm về sự thành đạt, đặc biệt là trong vấn đề tâm linh. Trước hết, sự chứng đắc chân thật không thể ở trong suy tưởng quy ước, cái đặt nền trên sự đối đãi chủ thể-khách thể, nó không thể tránh khỏi đối tượng hóa, khách thể hóa mọi sự và ngăn chặn sự tự tri. Hơn nữa, nếu người ta đã thực hiện sự chứng đắc chân thật, không cần thiết để nói về nó, bởi vì mọi lưỡng phân đã được vượt qua. Có những biến thể khác của câu chuyện sau đây, một samurai trẻ xin học với một vị thầy để hoàn thiện nghệ thuật đánh kiếm. Trong cuộc phỏng vấn, anh hỏi bao lâu để hoàn thiện nghệ thuật này nếu thực hành gắt gao hai giờ mỗi ngày. Vị thầy trả lời, “Bốn năm.” Rồi anh hỏi thực hành bốn giờ mỗi ngày thì bao lâu, câu trả lời là, “Tám năm.” Nhưng khi anh hỏi phải bao lâu để trở nên một vị thầy nếu thực hành tám giờ mỗi ngày, câu trả lời là, “Không bao giờ !” Lão luyện một nghệ thuật nào là không cùng, gồm cả huấn luyện thân và tâm. Do đó, khẩu hiệu của những kịch sĩ tuồng Nô là, “Luôn luôn giữ sơ tâm.”

“Kiêu mạn khiêm tốn” là khi người ta giả bộ khiêm tốn để lôi kéo sự chú ý và có được một loại công nhận nào đó. Có người tìm kiếm thiện cảm và sự thương hại từ những người khác để tăng cường hình ảnh tự hình dung của họ. Nhiều tôn giáo dạy đức hạnh phục tùng và khiêm tốn, nhưng khi điều này được yêu cầu nhưng tách lìa khỏi đời sống tôn giáo thật sự, nó chỉ là một cách khác để tìm kiếm sự chú ý đặc biệt.

“Kiêu mạn lừa đảo” là tự thổi phồng bằng cách khoe khoang, nói những sự thật-một nửa, và nói hai chiều. Dĩ nhiên đây là sự xác nhận cái ta và làm lớn cái ta trong những tình huống trắng trợn nhất. Con người tôn giáo ý thức đầy đủ tiềm năng này trong mình, thế nên con mắt phê phán phải xoay vào trong, dù khuynh hướng là chỉ ngón tay về những người khác.

Tất cả chúng ta đều muốn thắng được những hình thức kiêu mạn này, nhưng càng cố gắng, chúng ta càng thấy sự khó khăn bao la của nó. Điều ít nhất chúng ta có thể làm là thực tế, chấp nhận sự bất lực của chúng ta khi muốn hoàn toàn thoát khỏi chúng. Nhưng sự chấp nhận cũng rất, rất là đau đớn. Thật vậy, sự bất lực này là một chứng cớ rõ ràng khác về tính hữu hạn của một chúng sanh nghiệp báo. Genza (1842-1930) được biết đến nhiều như là người khuyên nhiều người vào đức tin Chân tông. Một lần, một người nói với ông : “Tôi là một người đạo đức giả. Khi tôi đến chùa, tôi ngồi trước A Di Đà và thích thú niệm Phật, nhưng khi về nhà tôi quên hết mọi thứ. Tôi là một người đạo đức giả.” Lúc đó, Genza trả lời, “Nhưng nếu bạn chấp nhận rằng bạn là một người đạo đức giả, thế là tốt, bởi vì thực rất khó khăn để là một người đạo đức giả chân chính.”

Xem mục lục