Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục
LÂM CHUNG NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Nguyên tác: Pháp Sư Thế Liễu
Soạn dịch: Thích Nguyên Liên

D. RỐT CÙNG CỦA CUỘC ĐỜI
Đại sư Hoằng nhất


Tháng mười hai năm nhâm ngọ, tại chùa Diệu thích ở Nhạn môn tổ chức pháp hội niệm Phật mời tôi đến thuyết giảng và đúc kết thành bản thảo này. Lúc đó luật sư Liễu thích đang bịnh nặng ngày đêm muôn vàn sầu khổ, khi luật sư đọc qua bản thảo nỗi buồn vui lẫn lộn, liền buông xả thân tâm tạ từ thuốc thang dốc lòng niệm Phật. Gặp lúc bịnh khởi bèn phát tâm lễ thêm Đại bi sám, lớn tiếng tụng niệm quỳ dài không đứng, dõng mãnh tinh tấn vượt qua người thường. Việc dõng mãnh tu hành của luật sư làm cho kẻ thấy người nghe thảy đều kinh ngạc hoan hỷ tán thán cho rằng lực cảm động của bản thảo này là vô cùng to lớn.

Tôi nhân đây suy nghĩ, bản thảo này tuy chỉ có vài trang nhưng đã tóm thâu được những lời vàng ngọc xưa nay và kinh nghiệm cá nhân mình, kẻ thích ngắn gọn có thể sử dụng. Do đó, bèn giám định để in ra lưu thông xa gần.

 

Đại sư Hoằng nhất ghi.

 

 

CHƯƠNG 1 : LỜI MỞ ĐẦU

Cổ thi nói : “ Ta nay thấy người chết. Trong lòng nóng xót xa. Chẳng xót vì kẻ chết. Vì phải đến phiên ta”. Việc lớn sau cùng của đời người há có thể tạm quên chốc lát hay sao ! Nay tôi sẽ nói rõ việc này xin phân thành sáu chương như sau :

 

CHƯƠNG 2 : LÚC BỊNH NẶNG.

Ngay lúc bịnh nặng nên đem tất cả việc nhà cho đến thân thể của mình thảy đều buông xả. Chỉ chuyên tâm niệm Phật một lòng cầu nguyện vãng sanh Tây Phương. Làm được như thế nếu như thọ mạng đã hết quyết định vãng sanh Tây Phương. Bằng như thọ mạng chưa hết, tuy cầu vãng sanh nhưng bịnh tình cũng thuyên giảm. Do bởi tâm tha thiết thành khẩn nên có thể tiêu trừ các ác nghiệp đời trước. Trái lại nếu chẳng buông xả mọi duyên chuyên tâm niệm Phật, như thọ mạng đã hết quyết định không thể vãng sanh, do vì bản thân chỉ chuyên cầu khỏi bịnh chứ không cầu vãng sanh nên không do đâu mà được vãng sanh. Bằng như thọ mạng đã hết, do tự thân chỉ mong cầu khỏi bịnh rồi vọng sanh lòng bi ai sầu khổ, thế rồi không những bịnh tình đã không thuyên giảm trái lại ngày một tăng thêm.

Lúc bịnh chưa nặng cũng có thể uống thuốc nhưng vẫn nên tinh tấn niệm Phật, chớ nghĩ rằng uống thuốc bịnh tình sẽ thuyên giảm. Khi bịnh đã đến lúc nguy kịch không nên uống thuốc nữa. Tôi trước đây bịnh nặng nằm ở Thạch Thất có người khuyên mời lương y đến bốc thuốc, tôi bèn nói lời kệ tạ từ : “ Đức A Di Đà Phật là Vô thượng y vương. Nếu bỏ đây không cầu ấy là kẻ si cuồng. Một câu hồng danh Phật là thuốc diệu Dà đà. Nếu bỏ đây không uống thật lầm to lắm mà”. Do thường ngày tôi đã thâm tín pháp môn Tịnh độ tha thiết vì người giảng nói. Nay bản thân mình có bịnh nặng cớ sao lại bỏ niệm Phật mà tìm cầu thuốc thang, như thế há chẳng phải là kẻ si cuồng đại sai lầm lắm sao ?

Nếu lúc bịnh nặng, nỗi thống khổ vô cùng kịch liệt cũng chớ sanh lòng kinh sợ. Bởi vì bịnh khổ này là do nghiệp chướng đời trước phát hiện. Hoặc là do chuyển quả khổ trong ba ác đạo đời vị lai mà ngày nay bản thân cảm có chút bịnh khổ để sớm đền lại những nợ xưa.

Bản thân nếu có các tài vật, y phục nhân lúc bịnh nặng nên y theo lời dạy trong phẩm Như Lai tán thán trong kinh Địa Tạng Bồ tát bản nguyện mà đem bố thí cúng dường … thì công đức lành càng thêm tăng trưởng.

Nếu lúc bịnh nặng, nhân lúc thần thức còn thanh tỉnh gia đình nên mời vị thiện tri thức đến vì người bịnh mà thuyết pháp an ủi. Thiện tri thức nên nói ra những công đức mà người bịnh khi sanh tiền đã tạo được, khiến người bịnh sanh tâm hoan hỷ dứt hẳn mọi sự lo sầu. Người bịnh tự biết rõ sau khi mạng chung nương nhờ vào công đức lành này, quyết được vãng sanh Cực Lạc.

 

CHƯƠNG 3 : LÚC LÂM CHUNG.

Thời điểm người bịnh sắp mạng chung, gia đình chớ nên thưa hỏi di chúc cũng không được cười giỡn nói chuyện tạp. Nếu không, người bịnh sẽ bị dây tình ái lôi kéo khởi lòng tham luyến thế gian chướng ngại cho sự vãng sanh. Nếu muốn lưu lại di chúc nên lúc còn khoẻ chuẩn bị sẵn giao phó cho gia đình cất giữ.

Nếu như lúc này người bịnh có ý muốn tắm rửa thay quần áo, gia đình nên thuận theo ý họ mà làm. Bằng như họ không tỏ ý hoặc do cấm khẩu không thể nói được thì chớ đụng vào thân thể họ. Do vì con người trước khi mạng chung, thân thể không tránh khỏi sự đau nhức thóng khổ. Nếu như gia đình xúc chạm hoặc di chuyển để tắm rửa thay quần áo, tức sự đau nhức thống khổ lại càng tăng thêm. Thế gian có nhiều người khi sống phát nguyện cầu sanh Tây Phương, do khi lâm chung bị bà con quyến thuộc xúc chạm quấy nhiễu phá hoại chánh niệm, do đó mà họ không được vãng sanh. Trường hợp này đã xảy ra rất nhiều, rất nhiều !

Hoặc có kẻ mạng chung đáng lẽ được sanh về cõi lành, nhưng bởi thân bằng quyến thuộc không biết, hành xử không như pháp khiến họ khởi tâm sân hận chết đoạ vào đường ác. Như trong Kinh có chép, xưa vua A kỳ đạt chết đoạ làm thân con rắn, như thế chẳng đáng sợ hay sao ?

Lúc lâm chung, người bịnh hoặc ngồi hoặc nằm chớ nên gắng gượng. Nếu bản thân biết sức lực của mình đã suy yếu chỉ có thể nằm, thì chớ vì muốn người khác xem cho ra vẻ mà gượng sức ngồi dậy. Khi nằm, nên nằm nghiêng hông bên phải khuôn mặt quay về hướng tây. Nếu do thân thể thống khổ, hoặc nằm nghiêng hông bên trái, khuôn mặt xoay về hướng đông, hoặc nằm giữa, gia đình cũng nên để người bịnh tự nhiên không được gò ép họ.

Lúc đại chúng chuẩn bị trợ duyên niệm Phật, nên thỉnh Thánh tượng Phật A-Di-Đà tiếp dẫn an trí trong phòng bịnh, sao cho người bịnh trông thấy.

Nguời trợ niệm càng nhiều càng tốt. Nếu số người nhiều nên chia thành hai ban luân phiên trợ niệm, làm sao cho tiếng niệm Phật liên tục không gián đoạn. Hoặc niệm sáu chữ hay bốn chữ, hoặc niệm nhanh hay niệm chậm đều nên hỏi ý kiến người bịnh, tùy theo tập quán và sự ưa thích lúc sống của người bịnh, khiến người bịnh có thể duyên tâm niệm Phật thầm theo được. Ngày nay, tôi thấy phần nhiều người trợ niệm đều niệm theo ý mình không hỏi qua người bịnh, như thế là trái ngược với tập quán và sự ưa thích lúc sống của người bịnh, thử hỏi làm sao người bịnh có thể duyên tâm niệm thầm theo được .Tôi mong từ nay về sau vị nào đảm nhậm trách nhiệm trợ niệm, đối với vấn đề này cần lưu tâm chú ý.

Lại thấy, thường khi người trợ niệm đều sử dụng khánh hoặc mỏ nhỏ. Theo kinh nghiệm cá nhân, khi bịnh là lúc thần kinh suy yếu rất sợ âm thanh khánh hoặc mỏ nhỏ. Nhân vì âm thanh của các thứ này, thuờng chát chúa đinh tai nhức óc kích thích thần kinh khiến cho tinh thần người bịnh khó được an ổn.Theo thiển ý, khi trợ niệm nên tránh sử dụng khánh hay mỏ nhỏ, chỉ nên niệm suông là thỏa đáng hơn cả. Nếu có dùng thì nên dùng thứ chuông lớn, mỏ lớn bởi âm thanh của những pháp khí này âm thanh hùng tráng, làm cho người bịnh nghe được sanh niệm nghiêm trang cung kính, thích hợp hơn đánh khánh hay mỏ nhiều. Nhưng cũng tùy theo sở thích của mỗi người không đồng, việc này tốt nhất là nên hỏi qua người bịnh, tùy theo ý kiến của họ mà sử dụng. Hoặc có chỗ nào không thích hợp thì cũng nên tùy theo đó mà cái biên, chớ nên quá cố chấp.

 

CHƯƠNG 4 : SAU KHI MẠNG CHUNG MỘT NGÀY.

Sau khi người bịnh đã mạng chung điều khẩn yếu là không được va chạm di chuyển xác chết. Hoặc dính chất nhơ cũng chớ nên vội tắm rửa. Cần phải trải qua tám giờ đồng hồ mới được tắm rửa thay quần áo. Con người phần nhiều là không để ý việc này, nhưng đây là điều vô cùng quan trọng. Chỉ xin rộng khuyên mọi người nên y theo đây cẩn thận mà làm.

Thời gian trước và sau khi mạng chung gia đình chớ nên bi ai khóc lóc. Bởi vì khóc lóc là điều không ích lợi, lúc này cần phải phát tâm niệm Phật trợ niệm mới thật sự làm cho người chết đạt được sự ích lợi. Nếu không nén được nỗi bi ai thì phải đợi sau tám giờ đồng hồ mới được khóc lóc.

Về thuyết thăm dò hơi nóng tuy có Kinh điển căn cứ nhưng cũng không nên quá cố chấp. Nếu người bịnh khi sanh tiền có tâm tín sâu nguyện thiết, lúc lâm chung lại chánh niệm phân minh quyết định sẽ được vãng sanh thế giới Cực Lạc.

Sau khi lâm chung, trợ niệm niệm Phật đã xong liền đóng cửa phòng lại, để tránh người bên ngoài vào phòng xúc chạm cơ thể người chết. Cần phải trãi qua sau tám giờ mới có thể thay quần áo. Nhân vì trong thời gian tám tiếng nếu xúc chạm người chết tuy không nói được nhưng cũng còn thống khổ.

Sau tám giờ đồng hồ mới thay quần áo, nếu tay chân người chết cong cứng không thể chuyển động được, nên lấy nước nóng lau rửa. Dùng vải cũ nhúng vào nước nóng háp quanh các đốt tay chân khoảng vài ba phút có thể mềm mại y như người đang sống.

Việc tẩm liệm người chết nên dùng quần áo cũ không nên mặc quần áo mới. Các quần áo còn lại của người chết nên đem bố thí, điều này có thể làm cho họ tăng thêm phước đức. Không nên dùng quan tài sang trọng cũng không nên xây lăng mộ to cao. Các việc xa xỉ như thế đều không có lợi ích mà còn gây tổn hại cho người chết.

 

CHƯƠNG 5 : CÁC VIỆC CÚNG TẾ…

Trong thời gian bốn mươi chín ngày, mời tăng ni đến làm lễ cầu siêu thì nên lấy việc niệm Phật là chính. Nếu làm các pháp sự như tụng kinh, bái sám, chẩn tế bạt độ…tuy có công đức bất khả tư nghì, nhưng tăng chúng hiện nay đối với các pháp sự này, phần nhiều chỉ chạy theo hình thức phô diễn sao cho dễ xem, bởi không đúng như pháp để làm nên khó đạt được sự lợi ích. Trong Ấn Quang pháp sư văn sao đã có bài xích việc này, cho rằng làm pháp sự chỉ lo phô diễn hình thức nên rốt cùng thành ra giỡn cợt. Nếu gia đình ai cũng chuyên tâm niệm Phật thì mọi người đều có thể niệm được. Việc này rất thiết thật sẽ đạt được sự lợi ích không thể nghĩ bàn.

Phàm làm tất cả các công đức như niệm Phật…đều hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh, thì công đức cực kỳ rộng lớn. Phước đức của người chết cũng nhờ đó mà thêm tăng trưởng.

Người đến viếng tang nên đãi chay chớ nên dùng mặn, cho đến việc sát sanh…đều hoàn toàn không có lợi ích đối với người chết.

Tang lễ chớ nên phô trương, đồng thời cũng không nên chạy theo thị hiếu thế gian mà nên vì người chết tích phước.

Sau bốn mươi chín ngày cũng nên làm các việc cúng tế ngõ hầu tỏ lòng hiếu đạo. Đại sư Liên trì dạy hàng năm nên thường truy tiến người chết, không nên cho rằng chết là giải thoát rồi mà không cử hành truy tiến.

 

CHƯƠNG 6 : KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÁC HỘI TRỢ NIỆM KHI LÂM CHUNG.

Việc trợ niệm khi lâm chung là điều vô cùng thiết yếu, cho nên ở các địa phương làng, xã cần nên thành lập hội trợ niệm. Trong quyển Lâm chung bờ bến có nói vấn đề này rất rõ, cần xem kỹ lại.

 

CHƯƠNG 7 : LỜI KẾT.

Ngày qua tháng lại nháy mắt đã đến ba mươi tháng chạp là ngày sau cùng của một năm. Nếu chưa chuẩn bị tiền bạc cho ổn đáng thì trăm công ngàn việc tiêu xài làm sao an ổn. Chúng ta đến lúc mạng chung, đó là ngày ba mươi tháng chạp của đời người. Nếu chưa chuẩn bị tư lương vãng sanh cho ổn đáng tất sẽ bị cảnh hốt hoảng kêu vợ trách chồng, ác nghiệp nhiều đời phát hiện làm sao thoát được. Cho dù người nào lâm chung có duyên lành được thiện hữu trợ niệm mọi việc diễn ra đều như pháp, nhưng bản thân thường ngày phải có công phu tu trì mới có được lâm chung an nhiên tự tại. Tôi xin có lời khuyên các bậc hiền giả, tốt nhất là khi còn sống chuẩn bị tư tưởng vãng sanh mới là thoả đáng.

 

TINH YẾU PHÁP THẬP NIỆM :

Do lời thỉnh cầu pháp sư Tịnh Không bèn khai thị giảng yếu pháp Thập niệm tất sanh, vì một số vị ở tịnh tông học nhân lấy đó làm nội quy để tự tu và đồng tu.

Tự tu : Trong một ngày có chín thời niệm mười câu Phật hiệu, là buổi sáng mới thức dậy cho đến tối trước khi đi ngủ mỗi buổi đều niệm một lần; ba bữa cơm sáng, trưa, chiều trong ngày mỗi bữa đều miệm một lần; trước ngọ mới đầu thời công phu và sau khi công phu xong đều niệm một lần, sau ngọ mới đầu thời công phu và công phu xong đều niệm một lần, tổng cộng là chín lần. Mỗi lần xưng mười câu Phật hiệu bốn chữ hay sáu chữ, như có định khoá thường ngày cũng nên chiếu theo đó mà hành trì.

Đồng tu : Phàm khi giảng Kinh, khai hội, thọ trai…không đặt định nghi thức tập hội nào, đầu tiên ở nơi hành sự tập thể mà hành trì pháp thập niệm này. Tức là đại chúng đồng chấp tay xưng niệm mười câu Phật hiệu “ Nam mô A Di Đà Phật”, sau đó mới tiến hành các công việc tụng kinh, khai hội thọ trai…Xét pháp Thập niệm tự tu và cộng phu này có sự lợi ích vô cùng đặc biệt. Xin nêu ra như sau :

1. Pháp này đơn giản dễ hành trì, hành trì ít mà thâu hiệu quả nhiều, xác thật thiết yếu công đức càng lâu càng lớn.

2. Là phương pháp hiệu quả cụ thể của “Phật hoá gia đình”. Ví như: Trong gia đình ba bữa cơm thì mọi thành viên trong gia đình dù tin hay không tin đều được năng lực Phật nhiếp trì không xót một ai. Lại còn Phật hoá thân bằng quyến thuộc phổ cập toàn xã hội.

 3. Do đơn giản dễ hành trì một ngày chín lần, từ sáng đến tối Phật khí không đoạn, trong sanh hoạt một ngày Phật hiệu niệm liên tục, ngày lại qua ngày dần dà như thế thì khí chất tâm tánh của người hành trì lần lần thanh tịnh, tín tâm và pháp lạc tăng trưởng phước đức lớn mạnh vô cùng.

4. Nếu có thể thân ái tuỳ thuận xưng mười câu Phật hiệu, liền có thể khử trừ tạp nhiễm tâm niệm thanh tịnh, tâm thần ngưng tụ chuyên tâm phục vụ đạo cho đến mọi việc dễ thành, đều gặp việc hoan hỷ được Phật gia hộ công đức sẽ bất khả tư nghì.

5. Tự tu và cọng tu : Có sự hỗ tương lẫn nhau tư lương tu tập. Cá nhân chắc chắn vãng sanh mà nghiệp lớn Bồ đề của công phu cũng do đây thành tựu.

Pháp này có thể lấy hai tên xin nêu danh sau :

a. “ Tịnh nghiệp gia hạnh thập niệm pháp” là đối với bản thân có định khoá tu hành mà nói, nhân pháp này là khóa nghiệp vốn có mà càng thêm tăng tiến.

  b. “ Giản yếu tất sanh thập niệm pháp” là trước mắt phê bình đối với một số vị ở trong tịnh nghiệp học nhân ngày nay niệm Phật không có định khoá.

 Nhân xã hội hiện nay thay đổi, bận rộn không rảnh rất ngại chuyện khó. Mà pháp thập niệm này dễ tích tập tư lương Tín, Nguyện, Hạnh, bình dị tròn đầy, nhưng tiêu chuẩn “ Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối nhau” cũng rất thích hợp không thiếu.

Nhân thời gian mỗi lần niệm Phật rất ngắn, nên dễ nhiếp tâm vì không giải đãi. Lại bởi công hành chín lần niệm Phật đều phân bố quán xuyến toàn ngày, toàn ngày thân tâm không đâu là không Phật. Cũng tức là sanh hoạt toàn ngày niệm Phật hoá, niệm Phật sanh hoạt hoá.

Tóm lại, pháp này giản yếu nhưng thỏa mái không có chút khổ nhọc, như pháp này hành trì thời tịnh nghiệp học nhân mừng lắm ! Chúng sanh vị lai mừng lắm ! Chư Phật vô cùng hoan hỷ !!!.

Xem mục lục