KHẾ LÝ - KHẾ CƠ
(Tọa Đàm 11)
Nam Mô A-Di-Đà Phật,
Hôm nay là ngày “Niệm Phật Tinh Tấn”. Chúng ta tạm gọi là tinh tấn, chứ thật ra là chúng ta không tinh tấn! Vào đêm hồi hôm có một vị thầy ở Việt Nam điện thoại qua đây, Ngài ở tỉnh Gia-Lai, Ngài nói rằng Ngài đang hướng dẫn một cái đạo tràng kiết thất niệm Phật, kiết thất quanh năm, hết Phật thất này đến Phật thất khác, cứ liên tục như vậy. Ngài hỏi, bên cư sĩ có làm được như vậy không? Thì Diệu Âm mới thưa là, nếu Thầy làm được như vậy thì thật sự là bất khả tư nghì! Còn đạo tràng A-Di-Đà của Diệu Âm hai tuần mới có được một ngày tinh tấn, nhưng mà ngày tinh tấn đó là giả đò tinh tấn, chứ cũng không phải thực tinh tấn!...
Nghe Ngài nói như vậy, mới biết rằng mình tu hành thực sự còn quá yếu, và cái ách nạn sinh tử luân hồi của mình chưa chắc gì đã nắm vững phần giải thoát. Trong khi đó thì đời này đã là mạt pháp rồi, mà chúng ta gặp câu A-Di-Đà Phật thì đây chính là cơ hội cuối cùng để chúng ta thành đạo. Đã là cái cơ hội cuối cùng nếu mà nó thoát qua, nó vượt qua mà chúng ta không thành tựu, thì nhất định đời sau chúng ta bị đại nạn! Đúng như vậy, nhất định đại nạn!...
Nếu mình hiểu một chút xíu thì thấy rõ vấn đề này. Trong kinh, Phật dạy thời mạt pháp này muốn được thành tựu thì người tu hành phải biết lánh xa, gọi là “Viễn Ly” những nơi gọi là “Hội náo chi chúng”. Ồn ào! Những chỗ ồn ào đông người! Nên trong mấy ngày Tết ngay tại đạo tràng của chúng ta im lìm, lặng lẽ, thế mà chúng tôi còn dặn với nhau rằng, nếu có một người nào tới thăm đạo tràng, thì hãy mời họ vào trong Niệm Phật Đường niệm Phật, đừng mời những người đang niệm Phật trong Niệm Phật Đường ra tiếp họ. Tức là, chương trình của chúng ta không có tiết mục tiếp một người khách nào trong suốt ba ngày Tết, để cho chúng ta yên lặng thanh tịnh niệm Phật. Có như vậy chúng ta mới thoát được cái ách nạn mà trong vô lượng kiếp qua ta thoát không được.
Nếu quý vị đã về Tây Phương rồi, một người nào vãng sanh về Tây Phương thì có cái năng lực gọi là “Túc-Mạng Thông”, biết được vô lượng kiếp về trước, biết được vô lượng kiếp về sau, cái thế giới nó hình thành như thế nào, quý vị sẽ thấy được điều này. Là thật ra, trong vô lượng kiếp về trước chúng ta đã bị đọa lạc, bị đau khổ, trải qua những cảnh khổ vô cùng khổ mà chúng ta không hay!
Trong những lần chúng tôi đi ra thăm cái ao sen, chúng tôi thấy một con sâu, con sâu bám vào cái lá sen để ăn, mình không đưa nó ra ngoài thì nó phá hết đọt hoa sen, mà mình đưa nó ra ngoài thì không biết chỗ nào cho nó trú. Tôi mới bắt những con sâu đó đưa qua lá môn, vì lá môn và lá sen tương tự với nhau. Tôi mới mời các ngài qua ăn lá môn đó. Quý vị không tưởng tượng được đâu, chưa chắc nó đã ăn được đâu à! Nó chưa kịp ăn, thì con chim đã tới ăn nó rồi, và cuộc sống của nó lại qua một cái đời khác!...
Có lần đức Thế-Tôn gặp một đàn kiến, chỉ đàn kiến và nói với ngài A-Nan, “Con biết đàn kiến này trải qua bảy đời Phật rồi mà chúng vẫn còn làm con kiến”. Quý vị tưởng tượng đi, chúng ta ở đây là thân người, một cái cơ may vô cùng, trong cái thời mạt pháp này mà gặp được câu A-Di-Đà Phật, xin thưa thực, đúng là cơ hội cuối cùng cho ta thoát nạn. Đã là cái cơ hội cuối cùng thì không có cơ hội thứ hai. Nếu mà chúng ta sơ ý không chịu bám víu lấy cơ hội này để quyết lòng vãng sanh về Tây Phương, thì thôi không còn có cơ hội nào khác nữa hết.
Ngày hôm qua có một vị tới đây ngỏ ý muốn chúng tôi tới hộ niệm. Tôi mới nói, hãy về liên lạc với gia đình đi, và tôi bày cho cái cách tu, là khuyên bà Cụ mỗi ngày hãy niệm năm ngàn danh hiệu A-Di-Đà Phật. Nghe nói vậy thì Cụ đó giựt mình nói, “Ôi! Tôi mệt quá! Tôi niệm không nổi!”. Tôi mới nói, nếu Cụ niệm không nổi thì con cũng không có cách nào có thể hộ niệm cho Cụ vãng sanh được.
Thực ra, cái tiêu chuẩn năm ngàn câu đó chẳng qua là sự thử thách đầu tiên đó thôi. Tiếp theo đó phải tăng lên mười ngàn, tăng lên hai chục ngàn, tăng lên ba chục ngàn… thì may ra chúng ta mới có khả năng vượt qua cái ách nạn sinh tử luân hồi trong một đời này. Còn không thì xin thưa thực, hôm trước chúng ta đã nói rồi, “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu”, nó:
- Bắt buộc mình phải cố gắng,
- Bắt buộc mình phải kiên trì,
- Bắt buộc mình phải vượt qua tất cả những ách nạn.
Chúng ta ở đây kiết thất niệm Phật, kiết nhất tịnh khẩu niệm Phật thực ra là để chi? Để tất cả những tập khí gì, chúng ta cố gắng bỏ, ráng bỏ, ráng bỏ… Nếu không ráng bỏ thì những tập khí này nhất định sẽ lôi mình lại trong lục đạo luân hồi.
Chúng ta phải nhớ rằng, đới nghiệp vãng sanh là đới những nghiệp cũ, không thể nào đới những nghiệp mới. Đối với những ngày tháng trước chúng ta làm điều gì sai, A-Di-Đà Phật không có màng cái chuyện đó đâu à! Ngài sợ là sợ cái tập khí chúng ta không chịu bỏ. Chư Thượng-Thiện-Nhơn trên cõi Tây Phương, các Ngài mong muốn chúng ta về trên đó hội tụ với các Ngài. Các Ngài nói:
“Chư vị mà làm các điều sai lầm trong quá khứ, tôi không sợ, tôi chỉ sợ cái tập khí của chư vị không bỏ được”.
Trong kinh A-Di-Đà, Phật nói người về bên Tây Phương là để hội tụ với chư Thượng-Thiện-Nhân. Chư vị nên biết, “Thiện Nam Tử - Thiện Nữ Nhân” có cái tiêu chuẩn của nó, chứ không phải là chúng ta cứ đi tới Niệm Phật Đường niệm vài câu A-Di-Đà Phật, niệm vài giờ A-Di-Đà Phật là Thiện-Nam-Tử, là Thiện-Nữ-Nhân. Không phải đâu! Hoàn toàn không phải!
Trong những giờ tới chúng tôi sẽ cố gắng khai thác chỗ này, quý vị sẽ thấy. Trong ý định của chúng tôi là trong năm Tân-Mão này, chúng ta hô hào lần lần, tức là trước khi mở ra một chương trình gì chúng ta đều hô hào, hô hào tinh tấn hơn nữa. Tức là hiện tại bây giờ chúng ta hai tuần có nửa ngày tịnh khẩu niệm Phật. Quá ít! Chúng ta phải tiến lần lên hai tuần chúng ta có hai ngày liên tục tịnh khẩu niệm Phật, đúng 48 tiếng đồng hồ không nói một lời nào hết. Đây là tập sự.
Chúng ta tu hành cần phải có hợp lý, hợp cơ. Căn cơ chúng ta yếu quá mà áp dụng một cách mạnh mẽ thì sợ rằng chúng ta chịu không nổi! Thì bây giờ chúng ta phải tập sự trước, tập lần lần. Hôm nay chúng ta có nửa ngày tịnh khẩu, hãy vui vẻ thoải mái với thời gian này để chúng ta tập cho trong thời gian sau, chúng ta tăng lên, thay vì nửa ngày chúng ta sẽ tăng lên một ngày, rồi chúng ta tăng lên hai ngày, hai ngày, đúng 48 tiếng đồng hồ nhất định không mở miệng ra nói chuyện. Để chi vậy? Xin thưa, chư Tổ dạy rằng: “Bớt đi một câu chuyện, niệm thêm câu Phật hiệu, đánh chết tập khí đi, để chân tâm hiển lộ”. Lời Tổ dạy như vậy đó. Ngài dạy cho những người phàm phu tục tử chúng ta chứ không dạy cho ai hết. Chính cái thị phi, chính cái nói chuyện nó phá tiêu hết tất cả các công đức của người niệm Phật. Cho nên Ngài dạy rõ ràng... “Bớt đi một câu chuyện”. Nói chuyện thế gian làm chi? Nói câu chuyện thị phi làm chi? Hãy “Niệm thêm câu Phật hiệu”.
Quý vị hãy phát tâm ra, quyết thề đánh chết cái tập khí đi. Cái tập khí gì? Tập khí không chịu niệm Phật mà niệm chuyện lục đạo luân hồi. Phải đánh chết cái tập khí này thì chân tâm chúng ta mới hiển lộ, không hiển lộ tại đây thì chư Thượng-Thiện-Nhơn sẽ tiếp đón chúng ta về Tây Phương với các Ngài, rồi các Ngài sẽ giúp cho ta hiển lộ chơn tâm tự tánh. Chúng ta chỉ cần buông đi, bỏ đi. Nhất định:
- Ngày hôm qua ta ghét một người nào, hôm nay quyết định không ghét nữa.
- Ngày hôm qua ta nói một người nào xấu, nhất định hôm nay không nói xấu nữa.
- Ngày hôm qua ta giận dữ, nhất định hôm nay đừng giận dữ nữa.
Tại vì chúng ta phải làm người hiền. Chỉ làm người hiền là được.
- Người hiền thì không có tham.
- Người hiền thì không có giận, tại vì giận nó kèm chữ dữ, chứ không phải nói là lành.
Thiện lành! Cứ vậy mà tu. Sẵn sàng Niệm Phật Đường tại đây sẽ hộ niệm cho chư vị vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Chư Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây Phương sẵn sàng đón chư vị về đó, dù rằng trong quá khứ mình làm lỗi như thế nào thì các Ngài không sợ chuyện đó. Các Ngài chỉ sợ rằng cái tập khí này không chịu bỏ.
Đã không chịu bỏ, thì A-Di-Đà Phật ngày đêm buông tay xuống để tiếp độ chúng sanh nhưng mà cái hoa sen của chúng ta trên cõi Tây Phương đã tiêu rồi. Chư Thượng-Thiện-Nhân đã biết được cái tập khí này nó còn hiển hiện ra, hễ tập khí còn hiển hiện ra thì không cách nào có cảm ứng được, không cách nào vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được.
Chính vì vậy, xin thưa... chư vị ơi! Quyết lòng mà hạ quyết tâm tu hành, một lòng một dạ ăn ở hiền lành là được. Buông xả vạn duyên ra, thành tâm niệm Phật, chỉ vậy thôi, bao nhiêu cái nghiệp trùng trùng trong quá khứ chúng ta được đem nó về Tây Phương để hội ngộ cùng chư Thượng-Thiện-Nhân, và chúng ta thành Phật.
A-Di-Đà Phật.
KHẾ KÝ - KHẾ CƠ
(Tọa Đàm 12)
Nam Mô A-Di-Đà Phật,
Ngày hôm qua, khi chúng ta nói về cái hướng tu hành trong tương lai cố gắng tịnh tâm hơn. Bây giờ thì hai tuần chúng ta được nửa ngày tinh tấn, chỉ có nửa ngày. Nhưng ước vọng trong tương lai chúng ta tiến lên nữa. Phải tiến chớ không thể lùi được. Cố gắng tinh tấn được hai ngày liên tục, ít ra phải có 48 tiếng đồng hồ và tính từng giờ thì chúng ta mới tập sự, tập sự cho được và thực hành cho được, để khi lâm chung chúng ta mới niệm được mười câu A-Di-Đà Phật đó quý vị. Không dễ đâu!
Hôm trước bác Trí nói một câu làm tôi ngộ. Tôi ưa ngộ lắm!
- Bác nói: “Trời ơi! Tôi đau như vậy, mới cảm thôi, nằm trên giường muốn niệm Phật mà tôi niệm không được! Cố gắng niệm mà niệm ít tiếng thì cái cơn đau đến làm cho quên mất tiêu!”.
Những lời nói hết sức đơn giản này nhưng thật sự nó có cái đạo lý vi diệu trong đó. Mới đau cảm sơ sơ chúng ta đã niệm Phật không được, đừng nghĩ rằng là trong những giây phút mà “Tứ Đại Phân Ly” ta dễ cất lời niệm Phật được. Đừng có sơ ý chuyện này. Chính vì vậy mà chúng ta phải cố gắng thực tập, cố gắng giống như là trui luyện. Thật ra những giờ phút chúng ta ngồi đây niệm Phật, là để thực tập cho lúc lâm chung chúng ta niệm được câu A-Di-Đà Phật đó. Nếu mà chúng ta cứ tu tà tà, tà tà như thế này, bên ngoài thì người ta nói rằng ở Niệm Phật Đường A-Di-Đà tu 365 ngày, không bỏ một ngày nào. Nghe thấy ngon lắm! Nhưng thực ra 365 ngày, một ngày chỉ có hai tiếng rưỡi đồng hồ, trong hai tiếng rưỡi đồng hồ mình niệm Phật hình như chỉ có 5 phút nhiếp tâm là nhiều lắm rồi, còn lại tất cả đều loạn tâm hết! Tức là ta thực tập cũng không được cái pháp “Mười Niệm Tất Sanh”.
Bây giờ mình thử coi, giả sử trong lúc niệm Phật, có một người kia nói lên một tiếng thì tâm mình động liền. Tắt cái quạt một chút, không khí hơi nóng nóng lên một chút thì mình giận rồi. Khi mình giận đó biết chừng đâu bao nhiêu công đức mà mình đang tu hành bị nó đốt hết trơn rồi! Chư vị ơi! Nguy hiểm vô cùng! Chính vì vậy mà rất nhiều người tu, sau cùng không được vãng sanh.
Ngày hôm qua mình có đưa ra tiêu chuẩn một dạng người Hiền, tức là làm sao chúng ta tập:
- Bỏ cho được những cái khó chịu,
- Bỏ cho được những cái cay cú,
- Bỏ cho được những cái giận hờn.
Để chi? Để chúng ta thật sự là một người Hiền.
Một người hiền thì thường thường không chấp những thứ đó. À! Lạnh một chút cũng được, nóng một chút cũng được, thôi thì mình tha thứ hết tất cả. Được như vậy thì đến lúc mình lâm chung những tập khí đó nó không bao vây mình nữa, lúc đó mình mới niệm Phật được. Và lúc đó người hộ niệm mới hộ niệm với mình mới được. Chớ đừng có nghĩ rằng hộ niệm là vãng sanh đâu. Không đâu à!... Người ta tới hộ niệm, niệm lớn tiếng một chút mình tức mình. Mình tức mình trong lúc sắp sửa ra đi, bao nhiêu công đức của mình tiêu hết rồi, còn đâu nữa cái hoa sen mà đức A-Di-Đà Phật cầm trên tay đưa xuống để cứu mình lên Tây Phương!
Mình ghét một người kia, ngày nào mình cũng nêu những điều sai trái của họ, lúc đó họ thấy mình sắp sửa chết, tự nhiên họ phát tâm thương hại, họ thành tâm tới hộ niệm cho mình. Mình mở mắt ra vừa thấy người đó thì phiền não. “Đấy, bà tới hại tôi rồi! Bà tới làm cho tôi bị đọa địa ngục!”. Mình nổi một cơn sân giận lên, là tự mình đi vào con đường địa ngục đó chứ!...
Cho nên hôm qua mình có nói, chư Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây Phương các Ngài luôn luôn chờ mình về trên đó, các Ngài nói rằng:
“Chư vị chúng sanh ơi! Bao nhiêu nghiệp chướng trùng trùng phía trước, xin đừng có lo đến. Hãy đừng làm như vậy nữa! Rồi thành tâm niệm Phật đi. Niệm mười câu quyết lòng nguyện vãng sanh thì quý vị được vãng sanh. Tôi sợ nhất là chư vị không chịu phá cái tập khí này”.
Hòa thượng Tịnh-Không đã nói lên, nói xuống không biết bao nhiêu lần, Phật chỉ cho chúng ta đới Nghiệp, không cho chúng ta đới Tập-Khí. Cái này khó nhất! Mà đây là cái dễ vướng. Nói chung là 99% người bị vướng. Không vãng sanh là vì tập khí này.
Tại sao một người làm ác! Một người mổ heo, một người làm bò, một người trong quá khứ tạo những tội... những tội đọa địa ngục A-tỳ đi nữa! Nhưng đến giờ phút lâm chung gặp thiện tri thức tới khai thị, họ buông xả hết, kiệt thành sám hối... niệm Phật họ vãng sanh? Là tại vì, thật ra cái tâm của họ thoải mái trong đó. Họ có cái phước trong quá khứ, cái phước đó dồn tới đời này, nhưng vì họ chưa có cái duyên gặp được Phật đạo nên họ nhất thời hồ đồ làm ác. Họ dùng cái phước đó mà làm ác, nhưng cái ác trong đời này chưa thành quả báo để họ hưởng, còn những thiện căn phước đức trong đời kiếp trước lại hiển hiện về. Tại sao vậy? Tại vì trong nhiều đời kiếp trước họ là người “Hiền”. Còn mình bây giờ tu hành ở đây, nhưng chưa chắc gì mình đã có cái tâm “Hiền” bằng họ. Tại sao? Vì một lần tu là một lần nghĩ rằng mình hơn thiên hạ. Một khi nghĩ hơn thiên hạ tức là tập khí đã nổi lên rồi!...
Hòa Thượng Tịnh-Không nói, một trăm thứ phiền não của chúng sanh, trong đó có sáu đại phiền não nhất định phải bỏ cho được: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến. Sáu thứ căn bản phiền não này nó tạo ra hàng trăm cái phiền não khác. Chính vì vậy, Diệu Âm thường cứ nhắc đi nhắc lại những điều hết sức căn bản. Ví dụ như ta thường nổi giận, nổi giận ở thế gian người ta coi bình thường lắm. “Ôi! Cái ông đó ưa nổi giận, chứ ổng tốt lắm!”. Không phải đâu ạ! “Giận” nó kèm theo chữ “Dữ”. Người giận không thể nào là người hiền được! Tại vì dữ nên không thể tương ưng với cảnh giới của hàng đại Thượng-Thiện trên cõi Tây Phương Cực Lạc.
Biết được như vậy, khi mà nổi cơn sân giận lên, chúng ta hãy sám hối liền. Bằng cách nào? Chắp tay lại niệm... “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”... “Bất phạ niệm khởi, đản phạ Giác trì!”, là đừng sợ cái niệm giận khởi lên, mà hãy sợ là lúc đó mình có tiếp tục giận nữa hay không? Hãy ngừng lại liền đi để niệm Phật. Hãy quyết lòng khởi tâm niệm Phật liền đi. Nghĩa là, ta chỉ sợ rằng cái “Giác” mình chậm quá mà thôi! Nếu mình tập được điều này, thì khi nổi cơn giận lên, thì mau mau bỏ ngay hiện trường, ra uống một ly nước, tạt nước lên mặt, rửa mặt, xoa cái đầu một chút, rồi niệm câu A Di Đà Phật, tưới mát cơn giận liền lập tức đi, thì chúng ta sẽ phá được cái tập khí này. Phá được cái tập khí này để ta có cơ hội về Tây Phương Cực Lạc. Không phá cái tập khí này nhất định ta bị nạn!...
Chính vì vậy, ngày hôm qua khi tôi thấy bốn năm người, ba bốn người gì đó, phát tâm lập công cứ, tôi mừng vô cùng. Xin thưa, khi mình lập công cứ thì:
- Mình không dám coi Ti-Vi nữa đâu à! Coi Ti-Vi mình mất cái phước.
- Mình không dám coi phim chưởng đâu à! Coi phim chưởng mình không lập được công cứ.
- Không có dám nói người này xấu, người kia xấu đâu à! Vì nếu cái duyên này khởi lên thì nó cứ truyền truyền với nhau... Mình không niệm Phật được đâu à!
Vì mình lo làm công cứ, thành ra mình không dám nói chuyện, mình bỏ đi cái duyên của thế gian, mình bỏ đi cái tập khí. Công cứ này giống như nấc thang cho mình leo, tự mình phải lo lấy chứ không ai lo được. Đừng bao giờ nghĩ rằng có ban hộ niệm là ta vững vàng. Không phải! Quan trọng là ta có chấp nhận hộ niệm hay không? Vì sao? Vì hộ niệm là một phép tu rõ rệt:
- Người ta dạy mình phải bỏ tập khí: Đây là một phép tu.
- Người ta dạy mình phải nhiếp tâm lại niệm câu A-Di-Đà Phật: Đây là một phép tu.
- Người ta dạy mình phải nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc: Đây là một phép tu.
Mình mới đau bịnh một chút thì sợ lên sợ xuống, nhất định ý nguyện này là nguyện láo, là nguyện sai lầm! Chính vì thế, xin thưa với chư vị, tu cần phải “Khế cơ - Khế lý”.
- “Khế lý” là như trong kinh Pháp-Hoa nói, tám vạn bốn ngàn pháp môn trùng trùng điệp điệp, rộng rãi vô cùng, không cách nào mà nói cho thấu đáo.
- Nhưng còn “Khế cơ” là gì? Vì chính căn cơ của mình đang hạ liệt:
Mình thường giận dữ, hãy bỏ mau. Mình hay thị phi, mau mau bỏ. Mình buồn rầu cái gì, mau mau bỏ đi. Hãy bỏ liền lập tức đi. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến phải bỏ liền lập tức đi. Không bỏ được thì mình phải bỏ ngay trong lúc mình vừa khởi lên đó, gọi là “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Niệm ngay câu A-Di-Đà Phật đi!
Xin thưa với chư vị, chỉ cần như vậy chúng ta đã bắt đầu cảm ứng được với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, và chắc chắn trên cõi Tây Phương Cực Lạc, cái hoa sen của chúng ta dù không lớn mấy, nhưng mà nó cũng đã có rồi, nó không nở nhưng ít ra là nó cũng đã có. Có như vậy thì cái hoa sen trên tay của đức A-Di-Đà Phật, chính là công đức của mình, nhờ công đức đó mà mình mới ngự vào để đi về Tây Phương. Nếu không có công đức đó, A-Di-Đà Phật cũng không cách nào tới tiếp độ mình về Tây Phương được.
Mong chư vị hiểu được chuyện này thì nhất định chúng ta có cái căn bản đi về Tây Phương để thành đạo Vô-Thượng.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
KHẾ KÝ - KHẾ CƠ
(Tọa Đàm 13)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Trong mấy ngày hôm nay, chúng ta phải đưa ra chương trình “Cố Gắng Niệm Phật”, vì tiêu chuẩn niệm Phật của chúng ta so ra vẫn còn yếu. Trong ngày hôm nay thì tôi có vào website của chùa Thanh-Hà ngoài Đà-Nẵng, người ta báo cáo là ban hộ niệm của họ đã hộ niệm cho được 101 người vãng sanh, và người ta đưa chi tiết từng người một lên trang web đó. Mấy tháng trước người ta báo cáo 77 người, thì bây giờ lên đến 101 người…
Mình thấy rõ rệt là niệm Phật vãng sanh Tây Phương thật sự có thật, nhưng nếu chúng ta tu yếu quá thì sau cùng có thể bị ách nạn. Như hổm nay chúng ta có nói qua là nghiệp chướng của chính những người chúng ta cũng thuộc về phần hạ căn, phước mỏng, đức bạc nên còn nặng nề lắm, khó thoát lắm chứ chẳng phải dễ đâu.
Ban hộ niệm của chùa Thanh-Hà đặt ra tiêu chuẩn những người tham gia vào ban hộ niệm, trung bình mỗi người phải niệm một ngày hai chục ngàn câu A-Di-Đà Phật. Những người mới vào thì tiêu chuẩn niệm mười ngàn câu A-Di-Đà Phật. Sau mấy tháng thì tăng lên mười lăm ngàn câu và khi đạt được hai chục ngàn câu A-Di-Đà Phật thì người ta mới chịu.
Đây cũng là điều hay để nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng, ngay tại đạo tràng của chúng ta đang có chương trình gọi là công cứ. Công cứ chúng ta đưa ra đầu tiên mới có năm ngàn mà nhiều người đã dội! Nhưng xin thưa rằng, năm ngàn quá ít! Nếu như chúng ta cứ giữ năm ngàn một ngày, thì sau cùng vượt không được ách nạn đâu. Vì chắc chắn nếu niệm chỉ có năm ngàn câu, thì một ngày hai mươi bốn giờ, ít ra ta cũng có tới hai chục giờ nói chuyện Ta-bà, hai chục giờ đi theo con đường sanh tử, còn những giờ khác thì cơm nước gì đó... Rốt lại, tu hành chẳng có bao nhiêu hết. Cho nên nếu thật sự chúng ta thấy rằng cái huệ mạng của chúng ta đang ở trong cơn nguy hiểm vô cùng thì chính chúng ta phải lo, chúng ta phải cứu chúng ta, chứ không ai cứu ta được. Pháp môn niệm Phật rất dễ thành tựu, nhưng cũng không dễ đến nỗi mà chúng ta không muốn về cũng về được đâu. Không phải vậy!
Hôm qua, chúng tôi có nhắc đến vấn đề “Mười niệm tất sanh”, xin quý vị đồng tu đừng nghĩ rằng, mười câu A-Di-Đà Phật trước phút lâm chung là đơn giản. Không có như vậy đâu! Anh Minh Trí bịnh một ngày, anh muốn niệm Phật, mà niệm không được. Anh niệm không được! Đó là lúc bệnh sơ sơ. Còn lúc sắp chết nếu mình đi vô bệnh viện, bác sĩ chích cho mình vài mũi thuốc morphine để cho mình nằm thiêm thiếp rồi đi luôn. Nếu cho rằng đó là sự an toàn ra đi thì thôi những lời này không còn giá trị gì nữa. Nhưng nếu thật sự mình biết rằng trong khi mê man bất tỉnh đó, nó sẽ dẫn mình tới vô lượng kiếp về sau trong cảnh khổ đau bất tận thì phải lo, lo lắm, nếu không lo, thì không ai lo cho mình được.
Trong năm 2011 này, chúng tôi dự định rằng sẽ cố gắng tiến thêm nữa để tu. Hẳn nhiên sự tu hành không ai bắt buộc hết. Có người có thể theo được, có người có thể không theo được, hoàn toàn tùy duyên. Những ai cố gắng theo được thì cứ theo. Còn 365 ngày tu hành thì chúng ta vẫn cứ giữ. Ví dụ như có người thì có ngày đi có ngày không, có người thì ngày nào cũng đi, chúng ta phải có người trên người dưới kéo nhau. Nhưng riêng vấn đề tu tinh tấn chúng ta vẫn còn yếu quá! Thật sự yếu quá! Chúng ta phải tiến đến hai ngày kiết nhật niệm Phật, mà hai ngày nghiêm chỉnh chứ không phải là một ngày còn có nửa ngày như bây giờ... Không phải. Tiến đến làm sao một ngày phải đúng 24 tiếng đồng hồ không nói chuyện, hai ngày phải đúng 48 tiếng đồng hồ, đó là những người muốn ghi danh tu toàn thời. Còn những vị tu bán thời, thì có thể tham gia thời nào thì tới, nhưng khi bước vào trong cánh cổng Niệm Phật Đường thì không được nói chuyện, và khi bước ra khỏi cổng Niệm Phật Đường thì lúc đó không còn có giới hạn trong cái quy luật nữa. Có như vậy chúng ta mới có khả năng thật sự yên lặng thanh tịnh, để khi cuối đời trước những giờ phút ra đi, tâm chúng ta luôn luôn giữ được câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh.
Mình cứ tưởng tượng, khi mình nói chuyện như thế này nếu tắt cái máy lạnh đi, máy lạnh tắt nhưng không khí này cũng cỡ chừng 21°C hay 22°C, vậy mà có nhiều người chịu không nổi. Ấy thế, khi rơi xuống địa ngục, mình biết địa ngục gọi là cái hầm lửa, nó sẽ thiêu đốt ngày này qua ngày khác, đời này qua đời khác, kiếp này qua kiếp nọ... “Thiết Sàng, Đồng Trụ” hiển hiện! Mình thấy rằng với không khí không phải là tệ lắm như ở tại đây mà chúng ta đã chịu không nổi rồi, trời nắng một chút chúng ta chịu không nổi rồi, chẳng lẽ chúng ta lại coi thường những sự thiêu đốt, lửa cháy bừng bừng đời này qua đời nọ, kiếp nọ qua kiếp kia, gọi là “Lũy kiếp nan xuất” ở dưới đó sao? Chẳng lẽ dễ dàng? Chẳng lẽ chúng ta thấy đơn giản để xuống đó xem coi cho biết sao? Mong chư vị, vì cái huệ mạng rất ư nguy hiểm của mình có thể bị nạn lâu dài tới vô lượng kiếp mà mình phải ráng lên, tự mình ráng lên.
Cho nên trong những khóa tu đó, đang kêu gọi chư vị phát tâm ghi tên. Hẳn nhiên hoàn toàn không ép một người nào hết, nhưng mà tự mình phải ráng.
Ngài Tĩnh-Am Đại Sư có dạy như thế này: “Đường tu hành quý ở chỗ Phát Tâm. Đạo nghiệp của mình quý ở chỗ Lập Hạnh”.
Hai chữ “Phát Tâm” và “Lập Hạnh” vô cùng quan trọng đối với những người thật sự tu hành, đối với những người thật sự trong đời này muốn thoát vòng sanh tử, đối với những người thật sự muốn niệm Phật vãng sanh. Chứ còn như niệm Phật mà không muốn vãng sanh thì thôi không nên nêu ra vấn đề này.
Phát Tâm! Đường tu vạn nẻo, chúng ta phát tâm niệm Phật thì chúng ta phải thẳng một đường. Sự phát tâm này cần phải chuyên nhất mới tốt... Hòa Thượng Tịnh-Không luôn luôn nhắc nhở chúng ta cần phải chuyên nhất. Nếu không chuyên nhất thì nhất định sẽ bị trở ngại! Đang đi con đường niệm Phật mà kèm thêm một đường nào khác là một cái ngã rẽ. Tụng hai bộ kinh thành ra ngã rẽ. Ta niệm một câu A-Di-Đà Phật, lại niệm thêm một cái gì nữa là thành ra ngã rẽ. Chính vì cái ngã rẽ này...
- Nó sẽ chia cái tâm của chúng ta!
- Nó chia cái trí nhớ chúng ta!
- Nó chia cái niềm tin!
- Nó chia cái đường đi!
Để đến lúc mà nằm xuống rồi ta sẽ phân vân vô cùng không biết con đường nào chọn lựa. Bên cạnh đó, nên nhớ cái nghiệp của mình, oan gia trái chủ của mình ở sát bên cạnh chứ không đâu xa hết... Họ tìm mọi cách ngăn cản, không cho mình vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Họ chỉ cần làm cho mình rớt lại trong lục đạo, là không biết bao nhiêu cơ hội để họ trả thù. Dễ sợ vô cùng! Chính vì vậy, Hòa Thượng Tịnh-Không luôn luôn nhắc nhở là phải chuyên nhất. Không chuyên nhất thì nhất định sẽ bị trở ngại!
Lập Hạnh. Ví dụ đơn giản như chúng ta niệm Phật một ngày không biết là niệm bao nhiêu? Hình như hai trăm, ba trăm hay bốn trăm câu... Ít quá! Chúng ta phải phát một tâm nguyện ra, niệm năm ngàn, bảy ngàn... Như ở ban hộ niệm Hoa Sen tiêu chuẩn của người ta là hai chục ngàn câu, ai chịu nổi vào tu, ai không chịu nổi thì rớt đài. Tại vì họ tuyển chọn như vậy, nên mới qua có mấy tháng trời mà bây giờ cái số lượng vãng sanh lên đến 101 người. Ngày hôm nay tôi mới mở web ra xem thấy lên đến 101 người. Có những ban hộ niệm đã lên đến một trăm mấy chục người. Ở Việt Nam có đến mấy trăm ban hộ niệm như vậy, quý vị tưởng tượng đi, biết bao nhiêu người vãng sanh?
Ấy thế mà chúng ta ở đây chưa có lập hạnh. Chúng ta còn nghĩ rằng sự vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc có vẻ rẻ rúng quá, giống như đi ra ngoài shop mua vài bó rau lang, lựa lên lựa xuống, trả lên trả xuống!... Không phải như vậy đâu! Vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc quý giá vô ngần, làm cho mình trong vô lượng kiếp không còn đau khổ nữa. Từ trong vô lượng kiếp qua mình bị đọa lạc! Từ giờ phút này trở đi chúng ta an vui cực lạc, tiến thẳng về Tây Phương để thành đạo. Cái giá này không cách nào có thể so sánh với bất cứ cái gì được!
Xin thưa với chư vị đồng tu, hãy cố gắng lên, vững vàng phát cái nguyện dũng mãnh lên, lập hạnh vững vàng lên.
- Cầm tờ báo lên đọc để làm chi? Mất đi năm, mười phút. Năm mười phút đó ta niệm được một ngàn câu A-Di-Đà Phật.
- Nói vài câu chuyện với hàng xóm làm chi? Một tiếng đồng hồ ta niệm được cả năm, sáu ngàn câu A-Di-Đà Phật.
- Kình cãi với hàng xóm làm gì? Chúng ta niệm Phật!
Cho nên, cái công cứ nó hay vô cùng. Ngày hôm qua có bốn người phát tâm làm công cứ. Hay vô cùng! Tôi mừng vô cùng!... Nó buộc mình bỏ đi Ti-Vi, nó buộc mình bỏ đi cái phim chưởng, nó buộc mình bỏ đi không nghĩ tới những chuyện trong lục đạo luân hồi nữa. Bà kia xấu, kệ bả! Ông nọ tốt, kệ ổng! Mình cứ lo niệm Phật. Lúc nằm xuống mình phải lo niệm Phật. Bịnh lên mình niệm Phật. Bịnh xuống mình niệm Phật. Gặp bất cứ một điều trở ngại nào trong đời mình đều trả lời bằng câu A-Di-Đà Phật... thì lúc ngộp ngộp mình sẽ niệm câu A-Di-Đà Phật. Oan gia trái chủ, những người mà mình đã lỡ sát hại họ, họ nhìn thấy rõ rệt mình đang quyết lòng đi về Tây Phương để cứu họ... thì họ sẽ cảm thông... sẽ tha thứ cho mình. Chư Thiên-Long Hộ-Pháp sẽ gia trì cho mình, A-Di-Đà Phật cũng sẽ gia trì cho mình, mình mới có thể vượt qua cái ách nạn này. Nếu không thì vô phương! Không dễ gì đâu!...
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
KHẾ LÝ - KHẾ CƠ
(Tọa Đàm 14)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Ngài Tĩnh-Am Đại Sư khuyên tất cả chúng ta, việc tu hành nên phát tâm, nếu không phát tâm thì chúng ta sẽ lơ mơ lờ mờ trong sáu nẻo luân hồi, không biết đường nào đi.
Chúng ta đã niệm Phật, quyết lòng chuyên tu câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh, tức là ta đã phát tâm. Khi phát tâm rồi, nếu chúng ta không có cái nấc thang để đi, thì nhiều khi đoạn đường sanh tử trong một phần đoạn này, một đời này đi không tới. Ngài nói, “Đạo nghiệp cần ở chỗ Lập Hạnh”. Mình nói cho dễ hiểu hơn, “Phát Tâm” là có hướng đi, “Lập Hạnh” là tốc độ đi. Phải có cái tốc độ đi phù hợp thì chúng ta mới tới đích. Ta biết hướng đi, nhưng con đường dài quá mà ta đi tà tà, dù cũng đi theo hướng đó nhưng ta sẽ ngã quỵ ở giữa đoạn đường! Nghĩa là chúng ta cũng không được thành tựu, không đạt được tới mục đích. Trong cái ý hướng để quyết lòng bước đi, vừa vững mà vừa đủ thời gian tới đích, có nghĩa là khi tới giờ phút lâm chung ta vững vàng niệm câu A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật, Quán-Âm, Thế-Chí về Tây Phương Cực Lạc. Ta nói đến chuyện “Lập Hạnh”.
Có nhiều người khi đã phát tâm rồi, nhưng không chịu lập hạnh, nói cho rõ ra tức là tu tà tà, thì đến lúc lâm chung chướng nạn đến họ chịu không nổi. Chính vì thế rất nhiều người đã mất phần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, dù rằng họ đã niệm Phật.
Trong ngày hôm nay có một vị tới thăm, nói rằng, “Nếu mà tu tinh tấn hai ngày thì tôi không có giờ, làm sao tham gia?”.
Thì tôi cười và nói... Không sao đâu! Việc tu hành không ai ép buộc cả. Hồi giờ mình tu được như vậy thì cũng đã đáng khen rồi. Hai tuần chúng ta kết nhau lại từ sáng cho đến tối để niệm Phật cũng đáng khen rồi!... Nhưng mà riêng Diệu Âm này tự xét mình thì thấy nghiệp chướng còn nặng quá! Căn cơ còn yếu quá! Tu hành mười mấy năm qua nhưng tâm này chưa có mở chút xíu nào hết trơn! Tức là cái nghiệp của mình còn dày quá! Trí huệ của mình còn mỏng quá! Chính vì sợ rằng trước những giờ phút ra đi niệm câu A-Di-Đà Phật không được! Nên mới âm thầm, thật sự ra, hổm nay âm thầm vạch ra chương trình để quyết lòng tu. Khi lập chương trình tu như vậy thì muốn hô hào cho các vị đồng tu tham gia. Nhưng tham gia được hay không chẳng sao cả. Những người nào bận đi làm việc thì cứ việc đi làm. Tu theo không được cũng không sao, cứ tu đều đều như vậy. Chỉ có những người nội trú trong Niệm Phật Đường, thì bắt buộc phải tham gia toàn thời trong những ngày tu tinh tấn đó. Còn các vị ở ngoài thì có thể sáng Chủ Nhật tới tu tinh tấn, tu xong rồi tối về như thường lệ. Ngày tiếp theo, tức là ngày thứ hai không tham gia cũng không sao, cứ tối lại chúng ta vào tu, tu rồi ra về.
Chúng tôi cũng đã dự định rằng, hễ có nhiều người thì tu nhiều người, không có người nào tham gia, những ngày tinh tấn đó giả sử như chỉ có một mình Diệu Âm, thì Diệu Âm cũng quyết lòng vẫn tu như vậy. Tức là, ngày đó là ngày tịnh khẩu, chỉ cần chư vị vào đây tịnh khẩu niệm Phật để hỗ trợ cho nhau là được. Nếu chúng ta không lập hạnh vững vàng thì sợ rằng chúng ta sẽ không qua được ách nạn!...
Tôi nhớ cách đây cỡ chừng mười năm hay mười một năm, tôi có xem một cuộn DVD quay lại một vị Pháp Sư ở bên Trung Quốc. Ngài lặng lẽ rời ngôi chùa, rời tất cả đại chúng, không báo cho một ai biết hết. Một túi gạo, một con dao, một hộp quẹt, một bình nước và một số lương khô... rồi lặng lẽ rời chùa đi thẳng vào núi, tức là cứ hướng tới ngọn núi đó mà đi thẳng thẳng vào, đi suốt suốt suốt vào trong ngọn núi, một mình như vậy mà đi. Ngài đã âm thầm tu trong núi sâu suốt mười năm trường, quyết lòng không liên lạc với đại chúng. Mười năm sau, có một vị đại úy người bắc Hàn, được một vị Thần tới báo mộng, nói: “Ông hãy dẫn đại đội của ông đi về phía nam, cứ vào trong núi đó để mà cứu một người”...
Ông đại úy đó không chịu đi. Ngày hôm sau vị Thần đó lại đến báo mộng cho ông ta lần nữa, “Anh phải dẫn đại đội của anh đi thẳng vào hướng nam, tới vùng núi đó để cứu một người”.
Ông ta cũng không đi. Ngày thứ ba thì vị Thần đó kêu ông ta dậy, cũng trong mộng, “Ngày hôm nay nhất định ông phải đi, đem đại đội đi vào trong núi đó cứu một người”.
Ba ngày liên tục như vậy. Thì sáng sớm hôm sau, ông đại úy đó mới dẫn một đại đội đi thẳng vào núi. Đi từ sáng, ban đầu thì đi bằng xe, vào núi, xe chạy không được nên để xe lại... Đi sâu vào trong núi. Đi đến chiều luôn cũng không thấy. Đi ngày thứ hai cũng không thấy. Đi đến ba ngày, thì ngày cuối cùng họ đã gặp một người với đầu tóc râu ria giống như một người ở thời thượng cổ. Họ bắt về. Người này nói tiếng Hoa được. Khi bắt về xong rồi thì mới biết ông này gốc là một nhà Sư. Lúc Thầy bỏ chùa đi chỉ có ba mươi tuổi mà thôi. Khi bị bắt, thì Thầy đã 40 tuổi.
Bắt về xong, họ thấy ông này dơ dáy, bẩn thỉu!... Thôi! Cho tắm rửa, cạo râu, cạo tóc… rồi kêu bên Trung Quốc trả lại. Khi bên Trung Quốc nhận người đó về rồi thì tin đó được tung ra. Lạ thật! Cái nơi mà nhà Sư đó ở tự nhiên phát triển lên. Thực ra, có lẽ tại vì nghe tin lạ quá, khắp nơi người ta ùa tới... nào là xe bus, nào là xe đò, nào là quán xá... nổi lên một cách nhộn nhịp. Cuộc sống tại nơi đó tự nhiên phát triển nhanh lên. Sau đó, bên Bắc Hàn muốn đòi người đó lại, vì nói rằng người này là người được họ bắt về. Thế nhưng bên Trung Quốc không chịu trả lại. Vô tình nhà Sư đó đã làm cho cả tỉnh đó được phồn thịnh lên. Đây là một sự thực. Mắc cười quá!
Quý vị thấy không? Lập Hạnh!... Thường tại vì ta sợ rằng làm không được, cho nên ta làm không được! Chứ nếu mà ta lập hạnh chuyên chí tu hành, quyết lòng niệm Phật. Xin thưa với chư vị, trong kinh có nói: “Quang trung hóa Phật vô số ức. Hóa Bồ-Tát chúng diệc vô biên”. Trong kinh Thập-Vãng- Sanh, Phật có nói, người nào phát tâm niệm Phật, có 25 vị Bồ-Tát kèm sát bên cạnh người đó, để hộ trì cho người đó.
Chính vì ta không đủ lòng tin, nên sợ rằng ta tu như vậy thì mệt quá, ta xỉu đi. Quý vị không biết đâu, 25 vị Bồ-Tát!... Trong một lần ngài Tịnh-Không nói:
- Quý vị tu... mà quý vị bị chết đói, chẳng lẽ các vị Bồ-Tát đó mất chức sao? Ngài nói như vậy.
Cho nên chúng ta phải biết tin, niềm tin phải vững vàng. Nếu thật sự đi về Tây Phương thì phải phát tâm nguyện mạnh mẽ lên... Phải tu hành!
Mấy ngày hôm nay chúng ta đưa ra chương trình công cứ. Cái mức công cứ đầu tiên đưa ra chỉ có năm ngàn một ngày. Nếu so với những chỗ khác thì mức này còn quá tệ! Ấy thế mà có người khi nghe tới năm ngàn thì dội! Tôi nói:
- Nếu nghe năm ngàn mà dội, thì con đường vãng sanh của chúng ta thật sự vẫn còn quá xa vời! Xa vời!...
Ngài Tịnh-Không nói rằng, quý vị niệm Phật, niệm một ngày tới mười vạn tiếng, là một trăm ngàn câu, liệu rằng chưa chắc tu suốt đời mà cái nghiệp của mình đã giải được. Ấy thế mà chúng ta mới đặt ra có năm ngàn câu Phật hiệu một ngày, mà có nhiều người làm không tới! Thì hôm nay Diệu Âm xin thưa thực với chư vị, hãy cố gắng quyết lòng bằng cái khởi điểm là năm ngàn đi. Năm ngàn, một thời gian rất ngắn thôi, rồi tăng lên đi... Mười ngàn. Nếu không lo cái huệ mạng của mình, nhất định vạn kiếp bị trầm luân, chắc chắn chúng ta không cách nào đổ thừa cho ai được hết.
Hôm qua mình có nói mà, tắt máy lạnh một chút mình nhức đầu chịu không nổi. Đi xuống địa ngục, lửa cháy bừng bừng thiêu đốt cả ngàn vạn kiếp như vậy!... Dưới địa ngục có “Thiết Sàng”. Thiết sàng là cái giường đốt nóng lên, rồi bắt tội nhân để trên đó cho cháy tan ra. Tại sao người ta đốt mình như vậy? Có phải là mình bắt con cá rô, mình bắt con cá lóc... để lên trên cái vỉ sắt mà nướng nó không? Ở dưới địa ngục có những loài quỷ họ bắt mình liệng trong chảo nước sôi, liệng vào trong chảo dầu sôi, sự thực có phải mình đã từng bắt con cua liệng trong chảo dầu không? Đúng như vậy mà!... “Nhân-Duyên Quả-Báo tơ hào không sai!”...
Ta đã làm cái chuyện này, ta phải trả cái nợ này. Ta mà sơ ý xuống địa ngục... nhất định ta phải trả, trả từng chút từng chút, gọi là “Tơ hào không sai”. Trong cái duyên, khi chúng ta còn làm kiếp người, chưa gặp quả báo địa ngục, thì cái duyên này, cái cơ hội này nhất định ta phải trân quý, phải tranh thủ từng thời gian, đừng để phải xuống địa ngục. Nếu không, nhất định những nghiệp báo này ta phải trả hết, đó gọi là “Nhân-Duyên Quả-Báo”. Xuống địa ngục thì cái duyên này hợp với những quả ác, nhất định tất cả những cái nhân ác sẽ nở thành quả ác... Nhất định chúng ta sẽ phải trả từng cái, từng cái, từng cái… Trả cho đến khi nào hết mới thôi, gọi là “Lũy kiếp nan xuất”, không thể nào ra được!...
Biết được đạo lý này, xin thưa với chư vị, hãy phát tâm tu hành vững vàng. Một câu A-Di-Đà Phật thành tâm mà niệm sẽ phá tan cho ta 80 ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Nếu ta không thành tâm niệm, hôm nay niệm, ngày mai không, đấy chỉ là niệm giả thôi, không phải niệm thật! Bữa nay nguyện vãng sanh, về nhà chúng ta cạnh tranh ganh tỵ... toàn là nguyện giả mà thôi! Chắc chắn vì chúng ta không muốn vãng sanh! Không muốn vãng sanh thì oan gia trái chủ cũng biết rằng mình vẫn còn cái tâm ác trong đó, nếu anh còn ở đây, thì một ngày nào đó anh cũng sẽ giết chúng sanh để ăn thịt. Chắc chắn họ sẽ chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để đòi lại cho được cái nợ gọi là nợ xương máu đối với họ. Nhất định!...
Chính vì vậy, chư Tổ thường khuyên chúng ta phải cố gắng Lập Hạnh để mà đi. Chúng ta Lập Hạnh đi, thì 25 vị Bồ-Tát sẽ ở sát bên ta giúp đỡ cho ta, chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, một đời thành đạo.
Xin chư vị cố gắng đi thành đạo, đừng đi xuống địa ngục. Xuống địa ngục thì không có ai cứu ta được nữa đâu!
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
KHẾ LÝ - KHẾ CƠ
(Tọa Đàm 15)
Nam Mô A-Di-Đà Phật
“Tu là tu thật, chứ không phải là tu thử”. Có nhiều người hay nói tu thử! Tu thử thì có tu hành nhiều tới đâu cũng vô ích!...
Chúng ta ở đây kết nhóm với nhau niệm Phật là chúng ta tu thật. Xin chư vị đừng nên tới đây tu thử. Tại vì tu thử tức là trong tâm của ta không có định hướng, thấy người ta tu vui vui, mình tới tìm vui chứ không phải là tu. Ngài Tĩnh-Am dặn chúng sanh tu phải có phát tâm. Chúng ta ở đây phát tâm niệm Phật là hướng đi đã được xác định. Phát tâm rồi nhưng mà không lập hạnh thì phát tâm này cũng là phát tâm thử! Chính vì phát tâm thử, nên rất nhiều người tu hành sau cùng không có thành tựu.
Chúng ta biết rằng, khi mình chết đi nhất định không phải là hết. Nếu mà hiểu đạo thì rõ rệt, nói thẳng thắn ra, là cái thân xác này chúng ta bỏ, chứ còn “Chính Ta” không bỏ đi đâu hết. Ở trước cửa kia có chiếc xe của anh Phước, cái xe bị hư anh Phước bỏ chiếc xe, chứ anh Phước vẫn còn, chị Nhung vẫn còn. Ta tu là để khi ta liệng cái xác này, ta được giải thoát. Nếu không xác định được rõ rệt như vậy, thì chúng ta tu cũng chỉ là tu thử! Thật sự, có thể nói rằng hơn 90% người tu hành trong thời này thường là tu thử!...
Nhiều người khi nghe có lễ lộc thì đi tới chùa thử coi. Khi tới thì nhìn vô thử coi! Nhìn vô thử coi xong rồi... À! Như vậy là ta tu rồi đó! Tu rồi thì ra phía sau nhập vào bàn cờ tướng, nhập vào tờ báo, nhập vào nhóm ca nhạc... Tất cả những thứ đó nhất định sẽ lôi kéo chúng ta lại. Có nghĩa là, trong cuộc đời này dù cho có tới chùa nhiều như thế nào đi nữa, dù cho hình thức tu hành hay như thế nào đi nữa, đọa lạc vẫn bị đọa lạc như thường!...
Chính vì vậy, Niệm Phật Đường này lập ra là để dành cho những người tu thật. Xin thành tâm kêu gọi tất cả mọi người, chúng ta hãy thực tâm tu hành, vì cái huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp mà đến đây niệm Phật. Từ đây cho đến tương lai, nhất định đạo tràng này không làm lễ, không tụ hội, không cờ xí, không quảng cáo... Chỉ âm thầm lặng lẽ niệm Phật. Nhất định tu thật.
Trong kinh Đại-Tập, Phật nói: “Đời mạt pháp vạn ức người tu, khó tìm ra một người chứng đắc. Chỉ có những người nào phát tâm niệm Phật mới vượt thoát ra khỏi cảnh luân hồi”.
Nghe theo lời Phật, nên chúng ta đóng cửa tu hành. Đóng cửa tu hành trong thời mạt pháp này có nghĩa là cố gắng xa lìa những nơi đông đảo, hội náo. Đó là lời Phật dạy trong kinh Bửu-Tích. Thời mạt pháp này, nếu không biết lặng lẽ tìm nơi an tịnh để niệm Phật, thì nhất định chúng ta sẽ thất bại!
Ngày hôm qua chúng ta đưa ra hình ảnh một vị pháp sư trốn tất cả thế gian, đi thẳng vào trong rừng sâu, lặng lẽ tu một mình mười năm trường. Những ngày đầu tiên Ngài gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhất quyết không lui. Khi lương thực hết, thì tự nhiên có những loài khỉ, những loài chim chúng lại đem thức ăn tới cho Ngài. Khi bị bắt ra rồi, Ngài mới có 40 tuổi. Ngài đứng lên nói lại những chuyện đó.
Chúng ta không dám làm chuyện đó đâu, vì thật sự đây là những người đặc biệt mới làm nổi. Chúng ta chỉ kêu gọi tất cả mọi người cố gắng, quyết lòng, đã tu thì nhất định tìm một cách tu nào vững vàng để thành tựu cho được. Còn không, thì xin thưa, nạn sanh tử luân hồi vẫn còn nguyên vẹn, không cách nào thoát ly! Ở đây chúng ta đang hô hào tăng thêm thời gian tinh tấn niệm Phật, đây là một sự tập sự để đến khi mãn báo thân này, nhất định khi nằm xuống, trước những giờ phút lâm chung ta niệm được câu A-Di-Đà Phật.
Chúng ta nên nhớ, nghiệp chướng của chúng ta quá nặng! Đừng nghĩ rằng một người nào đó đưa vào bệnh viện bị mê man bất tỉnh, còn mình thì không đến nỗi như vậy. Không phải! Nó chưa đến đó thôi. Khi đến rồi, nhiều khi chính mình còn bị nặng hơn nữa! Muốn giải quyết chuyện này thì phải làm sao? Trong kinh Phật có dạy rằng, vãng sanh có “Ý Niệm Vãng Sanh”. Ý Niệm Vãng Sanh là như thế nào? Là người đó khi lâm chung bị nghiệp chướng đánh họ, bị chướng nạn làm cho họ mê man bất tỉnh, nhưng mà trong tâm của họ âm thầm niệm Phật trong đó mà mình không hay. Nếu làm được chuyện này thì người đó được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, theo cái diện “Ý Niệm Vãng Sanh”.
Ta niệm Phật như thế này?... Chưa chắc! Xin thưa thật với chư vị, chưa chắc gì ta sẽ giải hết tất cả những ách nạn. Mà ta có thể bị mê man bất tỉnh! Muốn trong khi mê man bất tỉnh đó mà ta niệm câu A-Di-Đà Phật, thì không có gì khác hơn là ngay từ bây giờ phải mau mau tỉnh ngộ đường tu, quyết lòng trì giữ câu A-Di-Đà Phật.
- Những chuyện thị phi, ganh tỵ, câu chấp... của thế gian nhất định phải buông ra.
- Những cái lo lắng, sầu bi, khổ sở... nhất định phải buông ra.
- Những cái này phải buông ra, buông ra, buông ra... Mỗi ngày mỗi buông, mỗi ngày mỗi buông. Tập buông... Phải buông liền để cho những cái đó không dính vào tâm của mình, thì khi nằm xuống mới niệm Phật được.
Trong tất cả những ngày trước khi lâm chung, mình huân tập câu A-Di-Đà Phật, huân tập cho đến nhập vào tâm luôn. Nếu không nhập vào tâm được, thì ít ra cũng phải thành một thói quen, gặp bất cứ chuyện gì cũng trả lời bằng câu A-Di-Đà Phật. Thì khi ta gặp đại nạn đến, ta gặp oan gia trái chủ đến, ta gặp những chướng nạn của cận tử nghiệp... tâm ta vẫn giữ được câu A-Di-Đà Phật. Cố gắng niệm Phật, thành tâm niệm Phật. Cứ câu A-Di-Đà Phật mà niệm, chư Thiên-Long Hộ-Pháp, chư Bồ-Tát gia trì cho chúng ta trong lúc đó.
- Nhân Quả của chúng ta... thân chúng ta trả. Đường về Tây Phương… tâm chúng ta đi.
Cho nên nhân quả cứ trả trên cái thân này, còn cái tâm này vẫn giữ câu A-Di-Đà Phật để niệm.
Ngài Tĩnh-Am khuyên chúng sanh phải “Lập Hạnh”. “Lập Hạnh” là như thế nào? Ví dụ, chúng ta đưa ra chương trình “Công Cứ Niệm Phật”. Lập công cứ niệm Phật chính là “Lập Hạnh”. Tại vì, nếu chúng ta không niệm Phật, thì đừng nghĩ rằng có mười người, hai mươi người ở Niệm Phật Đường A-Di-Đà này đến chung quanh cái xác của ta, họ hộ niệm cho ta thì ta được vãng sanh. Hoàn toàn không phải! Nếu quý vị đã nghe qua những lời Diệu Âm nói trước đây, hoàn toàn không phải như vậy! Mà bắt buộc người nằm đó, người bệnh đó phải niệm câu A-Di-Đà Phật, phải nguyện vãng sanh, phải quyết lòng đi về Tây Phương dù với bất cứ hoàn cảnh nào, nếu được người hộ niệm tới hỗ trợ tích cực nữa, thì ta mới dễ được vãng sanh. Nếu lúc đó ta chìm đắm trong một cảnh giới nào đó, dẫu cho một ngàn người đến hộ niệm đi nữa, nhất định cũng không thể vãng sanh!
Quý vị nên nhớ rằng, ngài Lương Võ Đế là một đại Hoàng Đế, Ngài triệu tập được cả hàng ngàn vị Tăng, đại Tăng, tới hộ niệm cầu siêu cho người vợ thứ của Ngài, thì kết quả nhiều lắm cũng chỉ lên một cảnh trời trong Dục-Giới là cùng, trong khi phước đức của Ngài bỏ ra hộ pháp cho Phật pháp có thể nói là bao trùm cả thế giới. Cái phước đức lớn như vậy, cộng thêm một ngàn vị đại Tăng như vậy, mà cứu chỉ được lên một cảnh Trời mà thôi. Trong khi đó, nếu chỉ cần năm người, mười người đồng tu đứng chung quanh chúng ta niệm Phật, hộ niệm, nếu mình niệm Phật được thì mình về tới Tây Phương Cực Lạc để thành đạo Vô-Thượng. Cái giá trị này lớn đến cỡ nào?...
Xin thưa với chư vị, tu phải biết đường rõ rệt, tu phải hiểu đạo rõ rệt. Phải nắm vững những nguyên tắc này: Muốn được A-Di-Đà Phật đến cứu độ mình, nhất định “Tự Lực” mình phải lo trước. Tự lực là gì? Đối với pháp môn niệm Phật, xin thưa là: Tín-Hạnh-Nguyện, không có gì khác. Nếu Diệu Âm nói rằng: “Quý vị lập công cứ niệm Phật một tuần thì phải “Nhất tâm bất loạn”, nói như vậy, quý vị có thể đánh giá rằng Diệu Âm đã sai lầm! Sai lầm vì không ứng hợp căn cơ. “Nhất tâm bất loạn” là hợp Lý, bắt người ta phải “Nhất tâm bất loạn” là không hợp Cơ! Vì chính Diệu Âm này cũng không có khả năng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, thì làm sao dám nói với chư vị niệm Phật nhất tâm bất loạn?!...
Nhưng mà Diệu Âm nói rằng, chư vị ơi! Ráng niệm Phật lập công phu. Trong công cứ chỉ khuyến tấn rằng, khởi đầu một ngày hãy niệm năm ngàn câu A-Di-Đà Phật. Số lượng năm ngàn câu A-Di-Đà Phật thật sự quá ít! Ta chỉ cần bỏ ra một tiếng đồng hồ là có thể niệm được. Thế mà chúng ta không chịu niệm! Không chịu niệm thì ban hộ niệm cũng đành bó tay! Tại sao chúng ta không niệm năm ngàn câu được? Tại vì không chịu Lập-Hạnh!
Cách đây mấy ngày, có một người tới đây xin chúng tôi hộ niệm. Tôi nói, Cụ về sáng ra nguyện: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc”, rồi niệm Phật ghi vào bảng công cứ, cố gắng một ngày Cụ niệm năm ngàn câu A-Di-Đà Phật. Cụ đó nói: “Niệm nhiều quá như vậy, tôi niệm không được!”. Tôi trả lời thẳng thắn rằng: “Cụ niệm không được, thì chúng tôi cũng không thể hộ niệm cho Cụ vãng sanh về Tây phương Cực Lạc” được.
A-Di-Đà Phật muốn cứu tất cả chúng sanh, không bỏ một người nào hết. Nhưng tự mình không chịu đi, đường đi không vững, lập hạnh không vững, niệm Phật chơi chơi!... Ở đây thì niệm Phật, về nhà xin chư vị tự xét mình thử coi, trong lúc rảnh rỗi mình có niệm Phật hay không? Hay là trong lúc rảnh rỗi mình coi Ti-Vi, mình coi phim chưởng, mình kình cãi, mình nói chuyện này chuyện nọ?... Nếu vậy, thì rõ ràng, tâm của mình là tâm luân hồi lục đạo, thì A-Di-Đà Phật cũng đành buông tay không có cách nào có thể cứu mình được.
Chỉ cần phát tâm niệm Phật, quyết lòng niệm Phật, quyết đi về tới Tây Phương Cực Lạc. Xin thưa thực, có ban hộ niệm ở tại Việt Nam người ta trợ duyên được một trăm mấy chục người vãng sanh chỉ trong vòng mấy năm trường. Tại sao được vậy? Tiêu chuẩn của họ đưa ra cho những người trong ban hộ niệm là các thành viên phải niệm mười ngàn câu A-Di-Đà Phật, phải niệm mười lăm câu A-Di-Đà Phật, hai chục ngàn câu A-Di-Đà Phật một ngày. Có nhiều người niệm trong một tháng, hai tháng thì người ta đã đạt được tiêu chuẩn đó rồi. Khuôn mặt của họ tự nhiên càng ngày càng sáng sủa ra. “Pháp hỷ sung mãn” rõ rệt.
Thật sự người niệm Phật có chư Thiên-Long bảo vệ, có các vị Bồ-Tát gia trì, A-Di-Đà Phật phóng quang gia trì cho những người niệm Phật. Thế mà chúng ta lại bỏ sự gia trì đó để đi theo con đường lục đạo, làm sao mà được thoát nạn?!...
Nam Mô A-Di-Đà Phật