(4). CỦ GỪNG
Sinh Khương
Càn Khương
CHỦ TRỊ:
- Cảm mạo - Ho hen - Tiêu đờm rãi - Khí nghịch đưa lên cổ làm nghẹt thở - Thông kinh huyệt - Giúp tiêu hóa - Trị ói mửa, nôn oẹ - Thổ tả - Bụng lạnh - Trúng phong, bán thân bất toại - Chân tay lạnh - Phong hàn - Mồ hôi trộm - Băng bó vết thương - Cầm máu khi nhổ răng - Trị Sán Khí - Viêm xoang có mủ.
1/ TRỊ CẢM MẠO:
Cảm nóng, cảm lạnh, cảm gió hoặc sốt:
1) Lấy 7 lát gừng sống - 7 củ hành hương, đổ 1 bát nước nấu sôi kỹ, uống nóng, đắp mền cho ra mồ hôi.
2) Dùng nước gừng sống, pha một chút đồng tiện uống rất hay.
3) Có người chỉ dùng một nắm gừng tươi giã giập, nấu sôi kỹ rồi uống nóng đắp mền cho ra mồ hôi.
4) Cảm và ho nhiều đàm, khò khè khó thở: Lấy 7 lát gừng, 1 muỗng cà phê trà tàu, nấu sôi kỹ, gạn nước, pha với nước chanh tươi 1 quả, 1 muỗng rượu mạnh, 1 muỗng ăn mật ong, quấy đều, uống nóng đắp mền cho ra mồ hôi.
5) Bị sốt rét nóng lạnh luôn, ho có đờm: Dùng củ gừng tươi, đốt hoặc nướng thật kỹ, gọt sạch, cắt ra từng miếng mà ngậm, nuốt nước dần dần, bã nhổ đi.
2/ NHỔ RĂNG MÁU RA NHIỀU KHÔNG CÓ THUỐC CẦM ĐƯỢC
Một số người khi nhổ răng bị chảy máu, nha sĩ cho thuốc cầm máu cũng không cầm được, cũng có người tự nhiên chân răng chảy máu, không cầm được. Tôi bảo giã gừng rồi nhét vào chỗ chảy máu, được một lúc thì chị gọi lại báo tin là máu đã cầm rồi và xin tạ ơn.
3/ KHÍ NGHỊCH ĐƯA LÊN CỔ RẤT DỮ LÀM KHÓ THỞ:
Gừng sống xắt miếng, ngậm rồi nuốt từ từ xuống là khỏi. Bài này đã có kinh nghiệm rất hay.
Hoặc khi thấy có đàm vướng cổ, bắt phải tằng hắng khạc cho ra đàm, nhưng đàm dính sát vào cổ, hoặc thấy bụng lạnh, miệng lạt... cũng ngậm như trên sẽ thấy dễ chịu ngay.
4/ HO LÂU NGÀY KHÔNG DỨT:
Dùng 200g gừng tươi nấu với 300g kẹo mạch nha, cho chín dừ, ăn hết chỗ ấy là khỏi.
5/ HO CÓ ĐÀM:
Gừng giã giập chưng với mật ong ngậm.
6/ NGƯỜI BỊ CHỨNG ĐỜM NÓNG
Lấy nước gừng hòa với nước trà uống.
7/ CON NÍT HO LÂU NGÀY KHÔNG KHỎI
Lấy chừng 200g gừng sống, nấu trong nồi lớn thật kỹ, rồi đem tắm cho nó là khỏi.
8/ TRỊ ỤA THỔ RA NƯỚC HOÀI KHÔNG CẦM
Lấy gừng tươi 100g, đổ 2 bát giấm ăn vào nồi đất, nấu còn non 1 bát (nồi điện hầm thịt: Low cooker), ăn cả nước lẫn cái. Rất hay.
9/ ĐAU BỤNG HOẮC LOẠN
Gừng tươi non 200g, nấu với 1 bát nước đồng tiện và 4 bát nước lã, còn lại 2 bát. Chia uống 3-4 lần là khỏi.
10/ ĐAU BỤNG HOẮC LOẠN VÌ BỊ LẠNH QUÁ
Gừng sống 100g, giã nát đổ 1 bát rượu ngon nấu sôi 2, 3 sắp, cho uống nóng. Bên ngoài giã gừng chườm vào chỗ bụng đau.
11/ ĐAU BỤNG HOẮC LOẠN, BỤNG TRƯỚNG LÊN, đi cầu không được
Gừng sống 40g nấu với 7 bát nước, còn lại 2 bát. Chia uống 2-3 lần.
12/ BỆNH SÁN KHÍ (Do nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, làm cho ngoại thận đau dữ dội)
Lấy nước cốt gừng, lọc bỏ bã, chừng 1 bát. Vô phòng tắm thật kín gió, tắm làm cho ra mồ hôi khắp mình, rồi ngâm thận nang vào trong bát nước đó, sẽ thấy ở âm nang cắn nhức như kim châm. Tức thì nó sẽ co rút lại. Để lâu chừng 10 phút nó sẽ sưng như quả bầu. Sau đó sẽ co lại bình thường, rồi mồ hôi vàng sẽ theo lỗ chân lông mà ra hết.
Bài thuốc chữa bệnh sán khí trên đây, chính Cụ Nguyên Văn Minh tác giả bộ Dược Tính Chỉ Nam, cụ bị chứng sán khí gần chết, nhưng may được người bạn thân chỉ cách chữa như trên mà sống sót.
Một số cách trị bệnh bằng gừng trên đây được trích trong bộ Dược Tính Chỉ Nam của cụ Nguyễn Văn Minh.
13/ MỒ HÔI TRỘM, CHÂN TAY
30g gừng tươi sao vàng, 5g cam thảo. Đổ 1 lít nước nấu kỹ. Uống 3-4 lần trong ngày. (Trích trong 100 Cây Thuốc Vạn Linh của Lm. Vũ Đình Trác).
14/ TRỊ VẾT THƯƠNG SƯNG BẦM
Hãy lấy mấy cây hành ăn, cả rễ lá, 1 củ gừng bằng ngón chân cái, ½ muỗng cà phê muối. Giã tất cả cho nát, bọc vào miếng vải băng rồi bó vào vết thương, lấy băng vải cuốn chặt, mỗi ngày thay một lần, chỉ vài ngày là máu bầm tan biến hết. Khi bó thuốc này làm cho bệnh nhân cảm thấy rất nóng chỗ vết thương, nhưng nhờ vậy mới làm tan máu bầm.
15/ VIÊM XOANG CÓ MỦ
Lương Y Hoàng Duy Tân đã chữa cho 1 cô, thường xuyên bị nhức đầu ở vùng trán và sau gáy. Đi bệnh viện chụp X. quang, được cho biết cô bị viêm xoang trán, có mủ. Sau khi lấy mủ và tiêm trụ sinh được 1 tuần, cô thấy bớt nhiều, nhưng sau đó lại đau trở lại. Lần này bệnh viện đòi phải mổ, cô sợ mổ và tìm đến nhờ Lương y chữa giúp.
Ông lấy ngó sen 30g, gừng sống 6g. Cả 2 thứ giã nát và đắp vào trán từ chân mày lên trán, ra tới 2 bên giữa nửa trán.
Khi mới đắp, cô thấy rất mát; độ 5 phút sau thấy bớt sốt, trán không còn nóng nữa. Khoảng 20 phút, cô xin mượn cái chậu, cô gục đầu vào để ói và ói toàn mủ, độ 1 chén ăn. Cô cảm thấy nhẹ hẳn và ra về. Đến tối cô lại đắp 1 lần nữa như trên, mủ cũng ra chừng nửa bát. Cô tiếp tục đắp nhiều lần nữa, nhưng không còn ra mủ. Sau đó ông cho cô uống thêm 2 thứ sau đây, để trừ căn: Ké đầu ngựa 40g, Tân di 20g. Cả 2 cùng sao thật giòn, tán nhuyễn. Mỗi lần uống 2 muỗng cà phê với nước ấm, ngày 2 lần.
16/ ĐỀ PHÒNG KHÍ, GIÓ ĐỘC KHI RA NGOÀI
SỚM
Có nhiều người phải đi làm từ sáng sớm, đôi khi bị gió độc ngất xỉu. Để đề phòng bị trúng gió độc, trước khi đi nên uống một hớp rượu tốt hoặc rượu ngâm thuốc, hoặc nhai một miếng gừng nuốt dần, sẽ chống lại được khí độc.
CẤM KỊ DÙNG GỪNG:
Người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, hoặc người nào thường ra nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi thì không nên dùng. Người ăn nhiều gừng, lại dùng thời gian lâu có thể sinh ra choét mắt, chảy nước mắt sống...