Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

 

 



61. Nước thôi phèn

"Nước giếng của gia đình tôi luôn luôn trong nhưng lại bị thôi phèn, nấu cơm bị vàng... Liệu có cách nào làm hết được?".

Nguồn nước giếng nhà bác có nhiều sắt, và điều này không giải quyết được từ gốc. Nước mới đầu trong vì chất sắt được hòa tan (sắt 2), khiến bác không nhìn thấy. Khi gặp ôxy trong không khí, chất sắt kết tủa (sắt 3), có màu vàng lơ lửng trong nước. Cách khắc phục như sau:

- Nước múc từ giếng lên được chứa vào thùng và khuấy đảo nhiều lần trong vài ba ngày để chất sắt hòa tan bị kết tủa (nước từ chỗ trong vắt chuyển sang vàng khè, để cho vàng tối đa).

- Đem nước này đổ vào bể lọc thông thường (gồm cát, sỏi là chủ yếu), càng nhiều lớp càng hay. Nước lần này trong vì đã để lại cặn sắt kết tủa trong cát. Định kỳ súc bể, rửa sạch cát sỏi để tiếp tục lọc được tốt.

Xin bác lưu ý là nếu đem lọc nước vừa múc từ giếng lên thì sẽ không kết quả, bởi vì chất sắt hòa tan không bị cát giữ lại, nước "lọc" rồi vẫn giữ nguyên chất sắt và vẫn trở thành vàng như thường.

62. Nước có chất vôi

"Tôi ở gần núi đá, giếng nước bình thường nhìn trong nhưng dùng nấu nước chè xanh thì uống nhạt và nước có màng, luộc rau muống thì nước xanh như nước rêu, đun sôi để nguội thì bên dưới có một lớp phấn như vôi. Xin hỏi ăn vào có việc gì không?".

Nước ở vùng đó có nhiều chất canxi hòa tan; khi đun sôi để nguội, nó lắng xuống đáy chai. Mỗi khi uống, phải gạn cho khéo để tránh đưa vào cơ thể mình quá nhiều canxi. Ngoài ra, bạn cần chú ý dùng muối iốt đều đặn và cùng bà con cô bác trong vùng luôn cảnh giác với bệnh bướu cổ.

63. Phải uống từ từ

"Đang khát cháy cổ mà uống thật nhiều nước một lúc thì có hại gì không?".

Khi ta nhịn uống, lúc đầu, lượng nước bị thiếu chưa nhiều, các tế bào của cơ thể tự điều chỉnh được bằng nước hiện hữu trong máu. Do máu thiếu nước nên niêm mạc (trong đó có niêm mạc miệng) bị se, khiến ta có cảm giác khát, gọi là khát niêm mạc. Chỉ cần một lượng nước nhỏ bổ sung cho máu là sẽ hết khát.

Nếu cứ tiếp tục nhịn uống, nhất là khi đang ra nhiều mồ hôi, chất nước trong máu sẽ cạn, các tế bào lâm vào tình trạng thiếu nước (càng lúc càng nghiêm trọng), gọi là khát tế bào. Lúc này, dù uống ngay một lúc bao nhiêu nước cũng vẫn thấy khát, bởi lẽ nước chưa kịp tới các tế bào.

Như vậy, bạn thấy ngay rằng, dù khát cháy cổ, bạn vẫn nên uống có chừng mực, chia thành nhiều lần, từ tốn, đều đặn cho tới khi hết hẳn cảm giác khát. Tốt nhất là uống qua ống hút để dễ chủ động.

Việc uống ngay một lượng nước lớn là điều rất nguy hiểm vì có thể gây hiện tượng phù não, hôn mê, dễ dẫn tới tử vong. Vì vậy mà người nuôi ngựa có bao giờ cho ngựa vừa đua xong mặc sức uống nước đâu!

Trong sinh hoạt hằng ngày, nên duy trì thói quen uống nước một cách đều đặn, cho dù lúc bấy giờ không có cảm giác khát thực sự. Bởi vì khi để cho mình thấy khát là đã khá muộn. Lúc đó, lượng nước mất đi ít nhất bằng 1% thể trọng; nghĩa là một người nặng 50 kg đã mất tối thiểu 0,5 lít nước khi anh ta bắt đầu thấy khát. Ngay cả khi nằm nghỉ ngơi thoải mái, mỗi ngày đêm, cơ thể cũng thải ra khoảng 2,5 lít nước (bao gồm nước tiểu, mồ hôi và hơi nước qua phổi). Còn khi đi bộ bình thường, mỗi giờ cơ thể thải ra ít nhất 0,5 lít mồ hôi. Những con số này sẽ tăng lên khi thời tiết nóng nực.

64. Tại sao vẫn không đã khát

"Chúng em thuộc đội bóng đá của nhà trường. Sau mỗi trận đấu, cả bọn thường rủ nhau đi uống nước ngọt; nhưng uống hết cả tiền mà vẫn không đã khát. Xin cho biết tại sao?".

Theo các tài liệu nghiên cứu mới nhất, sau một trận bóng đá quốc tế, mỗi cầu thủ thường thải ra 3-4 lít mồ hôi. Các em là cầu thủ "nhí", tạm cho là chỉ mất 1/3 lượng đó. Kể nước tiểu và hơi nước bốc ra theo đường hô hấp, cứ tạm ước tính khiêm tốn là 2 lít. Có thể các em đã uống vào hơn 2 lít nước ngọt, tưởng đủ rồi, nhưng vẫn khát chứ gì?

Nguyên nhân đầu tiên là các em uống nhanh quá. Điều này kích thích mồ hôi tiết nhiều hơn, làm cho các em tiếp tục mất nước thêm một lúc nữa. Nhưng vấn đề này không lớn.

Nguyên nhân quan trọng hơn là các em chỉ uống nước ngọt, có độ đường khá cao, gây trở ngại cho việc hấp thu nước của cơ thể (bản thân nước ngọt là một dung dịch ưu trương, không dễ gì "chia bớt nước" cho cơ thể).

Cách khắc phục không khó: Không uống nước ngọt nguyên chất mà pha loãng ở mức 60 g đường trong 1 lít. Dùng nước trái cây, rau má, nước râu ngô (bắp), hay nước chè xanh, nước rau luộc của gia đình cũng rất tốt (lượng đường pha vào không được quá mức trên). Phải uống từ tốn từng ngụm nhỏ một, tốt nhất là qua ống hút để đảm bảo uống thật chậm.

Điều quan trọng là tập thói quen uống khi chưa thấy khát. Trong quá trình thi đấu, các em phải tranh thủ mọi thời cơ bổ sung nước thường xuyên. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu cơ thể vận động viên mất một lượng nước bằng 1% thể trọng, thành tích thi đấu của anh ta sẽ giảm 20%, anh ta lại dễ bị chuột rút.

65. Có nên uống nhiều nước?

"Uống nhiều nước thì phải đi tiểu nhiều, như vậy có làm mệt cho thận không?".

Ngược lại. Ta uống đủ nước thì thận lọc nhẹ nhàng, đỡ vất vả; các chất cặn bã hòa tan trong máu được pha loãng nên dễ đi qua màng lọc. Nếu ta ăn mặn, thận phải làm việc căng hơn để thải chất muối (chỉ giữ lại một tỷ lệ không đổi là 0,9%). Ta thường ăn mặn do thói quen chứ không phải do cần thiết; người thường xuyên ăn quá mặn dễ bị tăng huyết áp.

Một công trình nghiên cứu của Anh tiến hành trong 10 năm trên 48.000 người cho thấy, nếu trung bình mỗi ngày ta uống 1,5 lít nước, tỷ lệ ung thư bàng quang sẽ giảm 50%. Việc đi tiểu nhiều lần sẽ làm cho các chất gây ung thư không nằm lâu trong bàng quang để gây hại.

66. Chị em có nên dùng rượu bổ?

"Em là con gái nhưng trong bữa ăn, cứ thấy ông nội nhâm nhi ly rượu bổ thơm phức là em phát thèm. Xin thì nội không cho và bảo thứ này chỉ có nam mới dùng được. Xin cho biết có loại rượu bổ nào dành cho nữ không?".

Ông nội em nói đúng đấy. Nam thuộc dương, nữ thuộc âm nên theo y học phương Đông, việc sử dụng thuốc cũng như kiêng cữ trong thời gian mắc bệnh ở 2 giới có những chỗ khác biệt. Về thuốc bổ cũng vậy, không phải bất cứ thuốc gì bổ cho nam cũng sẽ bổ cho nữ.

Riêng với em, do thấy em hình như hơi có "máu" thích rượu giống ông nội nên tôi muốn cung cấp kết quả một nghiên cứu của Mỹ: Ở những phụ nữ uống đều đặn mỗi ngày 1 ly rượu, nguy cơ ung thư vú tăng 11%, uống 2 ly: tăng 24%; trên 2 ly: tăng 40%.

Người ta đã thông báo như vậy, không biết chị em nhà ta có nên dùng rượu bổ hay không?

67. Có nên dùng nhiều cam thảo?

"Em là con trai, đang học lớp 12 ở một trường khá xa nhà. Ông nội em là lương y nên từ bé em đã thích nhai cam thảo. Liệu có nên cho nước sắc cam thảo vào nước để giải khát sau khi đi học về?".

Cam thảo là một vị thuốc dùng phối hợp trong Đông y để chữa một số bệnh. Nhược điểm quan trọng của cam thảo là giữ nước lại trong cơ thể nên nếu được dùng trong thời gian dài, nó sẽ dễ gây phù nề (mà mới đầu ta tưởng là tăng cân nhanh nên rất phấn khởi!). Do đó, từ lâu, các thầy thuốc ở phương Tây đã đi đến chỗ kết luận rằng cam thảo không tốt đối với huyết áp.

Một nhóm nghiên cứu Italy còn phát hiện thêm nhược điểm của cam thảo là giảm sức khỏe giới tính của nam giới. Họ cho 7 thanh niên (22-24 tuổi) uống một chất thuốc trong đó chủ yếu là cam thảo suốt một tuần liền. Kết quả là tỷ lệ hoóc môn nam của cả 7 người đều giảm sút. Rõ ràng là cam thảo đã can thiệp vào và ức chế dây chuyền tổng hợp hoóc môn nam, từ đó dẫn đến những rối loạn sinh dục làm giảm hứng thú lứa đôi.

Như vậy, đôi lúc nhâm nhi chút xíu cam thảo "cho zui" thì được, còn tuyệt đối không nên dùng nó thường xuyên, nhất là con trai.

68. Nõn lá bàng chữa bệnh đường ruột

"Em bị sôi bụng liên tục và hay đi tiêu phân lỏng nên người rất gầy...; Mẹ cháu bị bệnh đường ruột đã lâu, uống rất nhiều loại thuốc Tây, thuốc Bắc nhưng không khỏi, sức khỏe suy sụp...; Em bị viêm đại tràng và dạ dày - tá tràng, đã uống nhiều thuốc không đỡ...; Tôi đã được bác sĩ kết luận là viêm đại tràng mạn và trĩ, hay bị táo bón xen kẽ đi tiêu phân nhầy, đau và sôi bụng thường xuyên..."

Có một vị thuốc không độc, dễ kiếm và không mất tiền mua, được bà con ở một số vùng quê miền Trung dùng chữa bệnh mạn tính ở đường tiêu hóa. Thuốc này cho kết quả khả quan về lâm sàng, kể cả loét hành tá tràng. Đó là nõn lá (đọt non) của cây bàng.

Cách dùng như sau: Hái những nõn lá bàng lành lặn (mùa không còn nõn thì dùng những lá non nhất bên trên cũng được), nhẹ tay rửa sạch, thái nhỏ, rang vàng (không để cháy) rồi sắc với nước, uống thay nước chè (có thể thêm đường).

Theo tiến sĩ dược học Đỗ Tất Lợi thì vỏ, lá và nhân hạt của cây bàng đều có tác dụng chữa bệnh và không độc. Tuy vậy, lần đầu, nên dùng một nắm nhỏ rồi tăng dần lên cho tới liều hữu hiệu. Khi mới uống được 1-2 ngày, bệnh nhân có thể đi lỏng rất nhiều nhưng đừng sợ, cứ tiếp tục sẽ có kết quả.

69. Tâm sen

"Mỗi lần uống trà, tôi thường bị mất ngủ nên phải dùng tâm sen chế nước uống hằng ngày, thấy ngủ được. Nhưng có người bảo tâm sen gây ung thư vì nó là phần vứt đi. Xin cho biết tác dụng của tâm sen. Có nên dùng nó để uống thay trà?"

Tâm sen (chồi mầm nằm trong hạt sen) gọi là liên tâm hay liên tử tâm, đem phơi khô hay sấy khô có tác dụng chữa hồi hộp, mất ngủ, di mộng tinh; mỗi ngày uống 4-10 g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha (hãm).

Bạn thuộc dạng thần kinh nhạy cảm với các chất kích thích, không nên uống trà (hoặc chè xanh) vào buổi chiều. Nếu muốn có giấc ngủ trưa, không nên dùng trà muộn trong buổi sáng và dĩ nhiên là không nên uống cà phê. Đối với tâm sen, khi thấy đã ngủ tốt, nên giảm dần liều lượng xuống một mức thích đáng, tiến tới thôi hẳn và dùng nước chín.

Ngoài tâm sen, cây sen còn cho ta nhiều vị thuốc như:

- Ngó sen, gọi là liên ngẫu, dùng làm thuốc cầm máu.

- Hạt sen cả vỏ (nói "quả sen" mới đúng) được gọi là thạch liên tử, dùng chữa lỵ cấm khẩu. Hạt sen bỏ vỏ được gọi là liên nhục hay liên tử, dùng làm thuốc bổ, chữa di tinh, mất ngủ, suy nhược thần kinh...

- Gương sen già bỏ hết hạt, phơi khô (liên phòng) và lá sen (hà diệp) đều được dùng làm thuốc cầm máu.

- Tua nhị sen bỏ "hạt gạo", phơi khô, gọi là liên tu, dùng chữa xuất huyết, di mộng tinh.

70. Hà thủ ô

"Cháu là con gái, gần đây trên đầu thấy nhiều sợi tóc bạc, một số bạn cháu cũng vậy. Nghe nói hà thủ ô có thể làm đen tóc?".

Hà thủ ô được nhân dân dùng làm thuốc bổ, trị thần kinh suy nhược, khỏe gân cốt, sống lâu, làm đen tóc... Đã có một số phương thuốc kết hợp hà thủ ô với các vị thuốc khác để chữa bệnh.

Riêng về tác dụng của hà thủ ô đối với chứng tóc bạc sớm, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nghiêm túc nào khẳng định hay phủ định. Tuy nhiên, theo một quan niệm thông thường, người ta cho rằng những chất có màu đen (vừng đen, đậu đen, gà đen...) có thể giúp làm trẻ người, đen tóc...

Trong dân gian lâu nay vẫn lưu hành cách đồ hà thủ ô với đỗ đen, đem phơi khô, xong lại đồ tiếp như trên đúng 7 lần (để dùng cho nam) hoặc 9 lần (để dùng cho nữ); ăn liên tục thường xuyên cho tới khi đạt kết quả.

Nếu có điều kiện, cháu thử vận dụng xem.

Xem mục lục