Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

41. Làm gì để tránh ngộ độc thức ăn?

"Thấy nhiều người bị ngộ độc thức ăn, bị tiêu chảy phải đi cấp cứu, chúng em hoảng quá, hè này chẳng dám đi chơi xa".

Các em hãy xem kỹ lại mấy khâu sau đây, nếu đánh giá là đạt yêu cầu rồi thì sẽ không phải lo lắng gì hết.

- Có thường xuyên rửa tay không, nhất là trước khi ăn bất cứ thứ gì? Đã bỏ hẳn được thói quen xấu là nhấm nước bọt vào ngón tay khi đọc sách?

- Trước bữa ăn, có giúp mẹ, giúp chị nhúng tất cả bát đũa vào nước sôi không (hay vẫn chỉ dùng giẻ lau như trước)?.

- Có giúp gia đình kiểm tra lại thức ăn để vứt bỏ các thứ đã bắt đầu ôi thiu không, kể cả những thứ để trong tủ lạnh? Nhớ rằng nếu không được tổng vệ sinh thường xuyên, tủ lạnh sẽ là nơi dung dưỡng và phát tán vi khuẩn đáng gờm.

- Trước khi mua bất cứ thức ăn thức uống gì, có xem nó đảm bảo vệ sinh hay không (có bị ruồi, gián, thạnh sùng "sờ" vào, có tay bẩn của những ai mó vào, nước đá thứ thiệt hay làm từ nước giếng, thậm chí nước sông) và tìm cách khắc phục trước khi ăn (đặt lại ổ bánh mì trên chảo nóng chẳng hạn...)?

Nếu bệnh tả xảy ra thì thật kinh khủng, vì những cái bàn cầu (hố xí) di động của ngành đường sắt vung vãi trên đường sẽ là trợ thủ đắc lực cho mầm bệnh dịch tả trong các chuyến chu du nam bắc.

Tuy nhiên, trong tình huống không may đó, nếu các em đạt "điểm 10" về mấy vấn đề trên thì vẫn đi du lịch được trong dịp hè, vẫn tắm biển an toàn nếu cư dân các vùng này không có thói xấu phóng uế lung tung.

42. Ăn quá mặn rất nguy hiểm

"Ông bác ruột của cháu làm thợ mộc, có thói quen ăn mặn vô tư. Cháu đọc báo thấy nói ăn mặn là không tốt, nhưng ông nói ăn mặn mới khỏe người. Xin cho biết thực hư".

Ăn mặn là một thói quen không tốt mà con người mắc phải trong quá trình tiến hóa, vì sự thực cơ thể không cần một lượng muối lớn như hằng ngày chúng ta ăn vào. Tuy nhiên, trước đây, người ta chưa biết đến hậu quả tai hại của việc sử dụng quá mức muối ăn (NaCl) đối với sức khỏe con người.

Cách đây khoảng 20 năm, ở phương Tây bắt đầu có những cảnh báo đầu tiên của giới khoa học về chuyện này, nhưng lập tức bị các ông chủ chuyên chế biến thực phẩm tìm cách chống lại và chối bỏ. Vì sao vậy? Rất đơn giản là vì vấn đề lợi nhuận. NaCl là chất giữ ẩm trong sản phẩm; càng nhiều muối, trọng lượng của sản phẩm cũng tăng theo, mà trọng lượng của sản phẩm thực phẩm tương đương với vàng ròng! Muối còn được coi như một chất "gây nghiện" làm cho người sử dụng gắn bó với thực phẩm. Đó là chưa kể đến lợi lộc của các ông chủ chuyên sản nước đóng chai (ăn mặn khát phải uống nước thêm). Chỉ cần giảm 30% lượng muối trong thực phẩm là mỗi năm, các ông chủ "ăn theo" này sẽ thất thu tới 40 tỷ frăng Pháp.

Nhưng chân lý là chân lý. Các nhà khoa học có bằng chứng cho thấy việc sử dụng nhiều muối làm tăng huyết áp, buồng tim trái to ra (thất trái phì đại), các chứng bệnh về tim mạch phát triển, làm tăng nguy cơ loãng xương và ung thư dạ dày.

Năm 1990, chính phủ Phần Lan đã buộc các nhà sản xuất thực phẩm giảm một nửa lượng muối đưa vào cơ thể mỗi ngày (từ 12 g/người xuống còn 6 g), làm cho tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch sau đó giảm một nửa. Điều này khiến Phần Lan quyết định phấn đấu hạ xuống còn 4 g cho đến năm 2002.

Chính phủ Anh hưởng ứng ngay, quyết định giảm mức tiêu thụ muối mỗi ngày xuống còn 5 g/người; và năm 2002, tai biến về tim mạch ở Anh giảm xuống còn 22%. Từ năm 2000, ngày 30/1 ở Anh được gọi là "ngày không dùng muối". Riêng ngày này năm 2001 đã loại trừ 1.000 tấn muối đáng lẽ được dùng cho thực phẩm.

Pháp vẫn chưa nhúc nhích gì vì cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, trong khi người dân nước này sử dụng muối gấp 10 lần nhu cầu của cơ thể. Ở Pháp đã có tới 25.000 trường hợp tử vong vì các chứng bệnh có liên quan đến muối.

Như vậy, cháu có thể tranh thủ lúc người bác thoải mái, đọc giải đáp này cho bác nghe, may ra ông sẽ bớt ghiền muối, vì ai trên đời này chẳng muốn sống thêm được dài dài mà vẫn mạnh khỏe.

Ngoài ra, nếu gặp bất cứ bà mẹ nào đang nuôi con nhỏ, cháu nên cho họ biết thêm một số liệu sau đây. Một nghiên cứu tiến hành trên 476 trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan cho thấy: huyết áp ở những trẻ dùng sữa bò chứa 0,1 g muối/ngày thấp hơn ở nhóm dùng sữa bò chứa 0,15 g muối/ngày.

43. Không ăn tối có hại gì không

"Bạn cháu đứa nào cũng mập nên chỉ ăn sáng và trưa, còn tối thì nhịn. Xin cho biết như vậy có hại gì không?".

Tại một số vùng ở miền Bắc nước ta, người dân quê nhịn bữa tối và đi ngủ bình thường, năm này qua năm khác mà không thấy gì nguy hại. Có lẽ do lao động mệt nhọc nên tối đến họ lên giường sớm, tuy bụng rỗng không mà vẫn ngủ say.

Trường hợp các cháu, nếu còn đi học thì ban đêm phải làm bài, nếu để bụng quá đói e không lợi. Các cháu nên tính toán xem lượng và chất ăn vào hằng ngày bao nhiêu là vừa (không cho tăng cân nhiều), rồi chia đều ra làm ba bữa. Nếu thấy bụng "lỏng lẻo" quá thì độn thêm rau xanh, rau củ, hoa quả (trừ chuối vì chuối cũng có thể gây béo) cho chặt dạ dày, nhằm "đánh lừa và an ủi nó" trong khi mình cần thức để học.

Phải kiểm tra thể trọng hằng tuần để tránh một chế độ ăn thiếu calo và chất dinh dưỡng, có hại cho sức khỏe.

44. Phải ăn sáng thật tốt mới được

"Hai chúng em là nữ sinh lớp 11, đều thuộc loại chẳng thon thả gì, lại không được cao ráo nên định nhịn ăn sáng để bớt mập. Xin cho biết có nên không?".

Nhịn ăn sáng chẳng những không làm bớt mập mà còn khiến em ăn hăng hơn vào các bữa ăn khác, lại hay ăn thêm nhiều mỡ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu muốn giảm hoặc không tăng cân, tốt nhất là ăn sáng và ăn trưa đầy đủ, còn bữa tối ăn nhẹ.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, với số calo như nhau, một bữa ăn phong phú dùng ban sáng giúp giảm thể trọng hơn dùng ban tối.

Ngoài ra, việc ăn sáng tốt giúp đạt kết quả học tập cao hơn: Trong những năm đầu của thập niên 1980, tại Mỹ đã có những nghiên cứu cho thấy, ở những học sinh ăn đều đặn hoa quả hoặc nước ép hoa quả trong bữa sáng, số điểm học tập tăng 16%.

Đầu năm 1999, một nghiên cứu tại Boston (Mỹ) cũng cho thấy, những học sinh được ăn sáng tử tế sẽ có kết quả học tập cao hơn (nhất là về môn toán), lại bớt lo lắng, bớt nghịch ngợm và vui tính hơn so với những em không ăn sáng.

45. Tác dụng của cà rốt

"Đọc báo, cháu thấy nói một chất trong cà chua chín có tác dụng làm giảm sự phát triển của một số dạng ung thư đường ruột, tuyến tiền liệt... Cà rốt cũng có màu đỏ như cà chua, vậy nó có chất chống bệnh ung thư không?".

Một công trình nghiên cứu tại Mỹ được thực hiện trên 13.000 phụ nữ cho thấy, ở những người ăn cà rốt ít nhất 2 lần mỗi tuần, nguy cơ ung thư vú giảm 44% so với những người không ăn. Cà rốt chứa một lượng lớn chất carotenoid, có tác dụng ngăn ngừa ung thư (ngay sau khi được nấu chín, hàm lượng chất chống ôxy hóa tăng gần 35%, vì vậy ăn cà rốt nấu chín tiết kiệm hơn ăn sống). Cà rốt lại không gây béo phì.

Ngoài cà rốt, cải bina (épinard) cũng có tác dụng như trên.

46. Nên ăn nhiều cà chua nấu chín

"Ăn cà chua có tốt không, và nên ăn sống hay nấu chín?".

Đầu năm 1999, Mỹ đã công bố kết quả 35 công trình nghiên cứu cho thấy, ở những người ăn nhiều cà chua và chất chế biến từ cà chua, nguy cơ ung thư giảm 40% so với những người ăn ít. Kết quả rõ rệt nhất đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư dạ dày.

Cà chua ăn sống cung cấp nhiều vitamin hơn do không bị nhiệt độ phá hủy trong quá trình xào nấu cổ điển; vả lại, ăn nó cũng khoái khẩu hơn.

Còn về cà chua chín thì gần đây, kết quả một nghiên cứu ở châu Âu trên hàng nghìn người cho thấy, cà chua đã chế biến (xào nấu, nhất là sốt cà chua) cung cấp một lượng lycopene dồi dào. Lycopene có tác dụng làm giảm sự phát triển của một số dạng ung thư đường ruột, ung thư tuyến tiền liệt, chống chứng nhồi máu cơ tim. Nó không cho các gốc tự do phá hủy các tế bào lành mạnh của cơ thể.

Lượng lycopene trong cà chua tăng nhiều nếu được nấu chín (chẳng hạn, sốt cà chua có lượng lycopene cao gấp 5 lần so với cà chua sống). Nhiệt độ cao giúp giải phóng lycopene dễ dàng, và chất béo dùng trong quá trình chế biến tạo thuận lợi cho việc hấp thu nó.

Công trình nghiên cứu nói trên cũng cho thấy, cà chua chín cây có nhiều lycopene hơn cà chua chín sau khi hái. Ngoài cà chua, lycopene còn có trong dưa hấu, bưởi điều, tôm, cua...

47. Lợi ích của mật ong

"Mẹ em bị ốm nặng, đang hồi phục, được bồi dưỡng và uống mật ong, nhưng có người bảo uống mật ong chỉ nuôi thêm bệnh. Em nên nghĩ thế nào?".

Ăn mật ong không hề nuôi thêm bệnh, trái lại, mật ong giúp cho cơ thể thêm sức mạnh chống bệnh và chóng hồi phục. Mật ong chứa 65-70% đường trái cây (glycose và levulose), một số muối khoáng, axit hữu cơ, các men tiêu hóa, các vitamin A, D, E...

Ngoài tính chất bổ dưỡng, mật ong còn có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn có hại, chữa đỡ hoặc khỏi một số bệnh gan mật, thần kinh, loét dạ dày - tá tràng, cao huyết áp, táo bón, nhức đầu, ngủ kém... Cuối năm 1998, một nhóm nghiên cứu Mỹ ở bang Illinois cho biết, trong mật ong, nhất là mật ong màu sẫm, có chất chống ôxy hóa, giúp cơ thể chống tác hại của các gốc tự do.

Ở một số nước, kể cả phương Tây, mật ong còn được dùng phối hợp với bột quế (cinnamon) để chữa mệt mỏi, cảm cúm, viêm khớp, cholesterol máu cao, béo phì, sức nghe giảm, bệnh tim, dạ dày, vô sinh, đau nhức (kể cả răng), rụng tóc, mụn nhọt, eczema, hôi miệng.

48. Cháo dinh dưỡng ăn liền lina

"Gần đây trên thị trường có loại cháo dinh dưỡng Lina ăn liền, được quảng cáo là có tảo Spirulina giàu đạm, khoáng và vitamin. Có thật vậy không?".

Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và phát triển Spirulina platensis, loài tảo dễ nuôi trồng, phát triển nhanh và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Nó có hàm lượng protein (chất đạm) cao gấp 3 lần thịt bò hoặc thịt gà, 18 axit amin, trong đó có 8 thuộc loại không thể thay thế, nhiều vitamin A, B, E, PP... Đặc biệt, hàm lượng vitamin B12 trong tảo Spirulina cao gấp đôi gan bò, lượng beta-caroten cao gấp 10 lần cà rốt.

Với những đức tính quý báu này, tảo Spirulina có triển vọng được sử dụng rộng rãi trong dinh dưỡng và điều trị như một loại thuốc bổ và chữa bệnh, vừa tốt vừa rẻ tiền.

Ở nước ta, việc nghiên cứu tảo Spirlina được tiến hành từ hơn 20 năm nay. Gần đây, từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng trẻ em TP HCM, cơ sở thực phẩm Đồng Tâm đã sản xuất một loại cháo dinh dưỡng mang tên Lina, ăn liền, đóng thành gói 35 g, gồm chủ yếu là tảo Spirlina. Cháo cung cấp 138 calo; 4,5 g chất đạm; 3,5 g chất béo, 22 g chất ngọt, các vitamin và chất khoáng.

49. Có nên ăn rươi?

"Mẹ cháu bị cảm cúm, bà nói là không thể ăn rươi (con rươi thường nổi lên ở cánh đồng ngoài bãi quê cháu vào tháng 9-10). Vậy bị bệnh gì thì không được ăn rươi?".

Về ăn uống, trong Tây y, người ta thường chỉ đề cập đến tính chất của thức ăn (giàu hay nghèo protein, chất mỡ, chất xơ..., nhiều hay ít các vitamin và chất khoáng nào, có hay gây dị ứng không, nên ăn chín, tái hay sống...) để sử dụng phù hợp cho từng đối tượng. Theo đó, mẹ cháu không nhất thiết phải kiêng rươi. Tuy nhiên, do rươi có thể gây dị ứng như tôm, cua (gây đau bụng, tiêu chảy, nổi mề đay...) nên phải cẩn thận, đầu tiên hẵng ăn ít đã.

Rươi chứa nhiều protein, rất bổ dưỡng, không nên bỏ phí, có thể làm thành mắm rươi để ăn dần.

50. Mực khô

"Ăn mực khô lợi hay hại, và có nên ăn nhiều không?".

Mực khô cung cấp một lượng protein (chất đạm) đáng kể. Ngoài ra, nó còn chứa một số chất khoáng mà chỉ các loài sống ở biển mới có, trong đó có chất iốt. Cháu là nữ, nếu trong gia đình thường xuyên dùng muối iốt, nay thỉnh thoảng ăn thêm mực khô nữa thì sẽ không lo bị bướu cổ.

Tuy nhiên, khi nướng mực chớ để cháy, chẳng những ăn không ngon mà còn có hại. Báo chí đã nhiều lần nhắc các bà nội trợ đừng để cháy thịt cá khi rán và hạn chế việc cho chồng con ăn thịt cá nướng, để phòng ngừa nguy cơ ung thư ruột.

Ăn gì quá nhiều cũng đều không tốt, huống chi mực khô là loại hải sản đắt tiền. Còn đang đi học mà đã có thói quen ăn mực khô "xả láng" thì e rằng khi thành cán bộ lương sẽ không đủ xài!

Xem mục lục