Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

 

1. Lớn nhanh nhất ở tuổi nào?

"Xin cho chúng em biết, từ nhỏ đến khi thành người lớn, cơ thể phát triển nhanh nhất về chiều cao vào lúc nào?".

Chưa có thống kê lớn nào ở nước ta về vấn đề mà các em quan tâm. Gần đây, một nghiên cứu của Nhật Bản tiến hành trên hơn 200 sinh viên (cả nam lẫn nữ) cho thấy: Ở con gái 8 tuổi và con trai 11 tuổi có bước ngoặt về phát triển chiều cao. Đến 15 tuổi (gái) hoặc 17 tuổi (trai), tốc độ giảm xuống, mỗi năm cơ thể chỉ cao thêm chưa đầy 1 cm.

Số liệu trên là của nước ngoài, nhưng các em có thể tham khảo vận dụng cho bản thân và gia đình nhằm có một chế độ ăn uống, rèn luyện thể lực thích hợp trong bước ngoặt quan trọng đó.

2. Có nên đi nghỉ mát hằng năm?

"Hai đứa con tôi ngoan và học giỏi. Hè nào các cháu cũng đòi đi nghỉ mát, nhưng vợ chồng tôi quá bận rộn nên không đi được. Vừa rồi bà chị ông xã ở Mỹ về chơi, tụi tôi bị bả mắng cho một trận về chuyện đó...".

Hai bạn không bị mắng oan đâu. Các bạn đã bỏ mất những dịp tốt cho các cháu được tiếp xúc với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Vợ chồng bạn cũng đã bỏ mất những dịp tốt để củng cố thêm tình nghĩa giữa hai vợ chồng, giữa con cái với bố mẹ, bỏ mất những dịp tốt để gần gũi mọi người, từ đó củng cố thêm lòng nhân ái cho mình và cho các con .

Ngoài một số điều trên, đi nghỉ mát rất có lợi cho sức khỏe. Một nghiên cứu kéo dài 9 năm tại Mỹ, tiến hành trên gần 13.000 người có nhiều nguy cơ bị bệnh tim, đã phát hiện ra rằng: ở những người đi nghỉ mát đều đặn hằng năm, nguy cơ tử vong giảm 17% so với những người chỉ nghỉ ngơi tại nhà. Qua đó, các nhà khoa học nhận định, đi nghỉ mát là dịp thoát ra khỏi stress, dành được nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè trong một môi trường mới đầy hấp dẫn.

3. Sống lâu có di truyền không?

"Đặc điểm sống lâu có di truyền không? Ông nội tôi, ba tôi đều thọ ngoài 80 tuổi. Liệu anh em tôi có thừa hưởng được điều đó?".

Nhiều thống kê khoa học cho thấy trong một số dòng họ, có những thế hệ sống lâu liên tiếp. Những thế hệ này gần như cùng có các đặc điểm là: điều độ về mọi mặt, ăn nhiều rau quả, không hút thuốc, không nghiện rượu, ưa hoạt động, sống nơi thoáng đãng...

Các nhà khoa học Canada đã tìm ra một gene của người mang tên gene SOSI mà họ cho là có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại hiện tượng ôxy hóa. Họ đưa gene này vào tế bào thần kinh của một loài ruồi nhỏ và thấy chúng sống lâu gần gấp rưỡi bình thường.

Thí nghiệm trên đang được tiếp tục, được cải tiến để một ngày nào đó có thể ứng dụng cho con người nhằm kéo dài tuổi thọ.

Vậy là các thành viên trong gia đình bạn có cơ sở để hy vọng sống lâu, với điều kiện là biết giữ gìn và đảm bảo cuộc sống an toàn.

4. Đi bộ đều đặn giúp sống lâu

"Ở khu phố chúng tôi có một cặp vợ chồng viên chức về hưu tuy đã trên 75 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh. Họ cho biết 10 năm về trước đã bán xe đạp để đi bộ đến cơ quan nhằm rèn luyện thể lực, và hiện họ vẫn nghiện đi bộ. Xin cho biết đi bộ nhiều có lợi ích gì?".

Cách đây chừng hai chục năm, ở Hà Nội và một số thành phố khác có "phong trào" đi bộ trong viên chức, nhất là lứa tuổi 45-50. Họ tính toán chính xác, đi bộ thong dong, đến cơ quan rất đúng giờ, tan tầm cũng đi bộ về nhà. Có lẽ họ chỉ thấy đi bộ làm con người khỏe ra, hoạt bát, yêu đời, thế thôi. Vì khoa học ngày đó chưa thấy được gì hơn.

Phải đến đầu năm 1998 mới có kết quả nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về vấn đề này. Trong suốt 19 năm, các nhà khoa học thuộc Đại học Helsinki (Phần Lan) đã theo dỗi 16.000 anh chị em song sinh và nhận thấy đi bộ có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Ở những người đi bộ mỗi tháng 6 lần, mỗi lần nửa giờ (bước đều chân), tỷ lệ tử vong chỉ bằng non một nửa so với người không đi bộ. Hiện tượng này không phụ thuộc vào yếu tố di truyền.

Một nghiên cứu thực hiện trên gần 26.000 phụ nữ được các nhà khoa học Nauy công bố năm 1999 cho thấy, ở những chị em vận động thể lực tối thiểu 4 giờ/tuần (dù chỉ là đi bộ), tỷ lệ ung thư vú giảm 37%. Theo một nghiên cứu của Viện ung thư quốc gia Mỹ, tỷ lệ này giảm 60% ở những chị em có vận động thể lực.

5.Thêm một lợi ích của đi bộ

"Bác sĩ khuyên những người béo như chúng em phải ăn ít đi và vận động nhiều. Em không biết chơi thể thao thì tính sao đây? Còn tập thể dục thì em thấy không giảm cân được mấy. Xin cho chúng em một lời khuyên".

Các em cần nhớ là nếu đã rút bớt khẩu phần ăn thì đừng có vì đói bụng mà tăng cường ăn vặt, nếu không thì chỉ hoài công. Cần chú ý điều chỉnh để không cho xuống cân quá nhanh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và kết quả học tập. Mỗi tháng cứ cho xuống đều 1 kg là tốt rồi, không vội được đâu.

Tốt nhất là em nên đi bộ thường xuyên với cách thức như sau: Mỗi ngày đi bộ đúng 45 phút với vận tốc đúng 6 km/giờ, không được chậm hơn (vì không tác dụng) và không được nhanh hơn (vì gây mệt nhọc vô ích). Nếu không tiến hành được một lúc thì có thể chia ra làm ba lần trong ngày, mỗi lần 15 phút, cũng với vận tốc trên. Phương pháp này được rút ra từ một nghiên cứu mới đây của Mỹ, tiến hành trên 2.000 người béo phì, kết quả là giúp ít nhất 13 kg sau 1 năm.

6. Tuổi thọ trung bình trong thế kỷ 21

"Với những thành tựu kỳ diệu của khoa học, có đúng là con người sẽ có nhiều khả năng sống trăm tuổi hơn trong thế kỷ 21?".

Khi có thành tích, con người thường hay bốc đồng. Sự thực không phải dễ dàng như vậy.

Đầu năm 2001, nhà khoa học Mỹ Holshansky đã căn cứ vào số liệu thực tế trong 10 năm (1985 - 1995) mà kết luận rằng: Nhân loại nếu muốn có tuổi thọ trung bình là 100 thì phải giảm được 85% số ca tử vong thuộc mọi lứa tuổi ngay cả ở những nước vốn có tỷ lệ tử vong thấp. Theo ông, nếu không có một cuộc cách mạng sinh y học thực sự, tuổi thọ trung bình của nhân loại giỏi lắm chỉ đạt 85 tuổi (88 tuổi ở nữ và 82 tuổi ở nam) trong thế kỷ 21. Mức tuổi trên sẽ đạt được ở Pháp vào năm 2033, ở Nhật năm 2035, còn ở Mỹ thì phải sang năm 2182.

Holshansky quá bi quan chăng? Năm 1990, khi ông công bố trên tạp chí Science những điều tương tự, người ta đã chê trách ông. Nhưng 11 năm sau, họ đã thấy ông có lý khi nhận thấy tốc độ giảm tử vong quá chậm chạp.

7. Hít thở khói thuốc lá có việc gì không?

"Khói thuốc lá có hại cho người xung quanh đến mức nào mà cấm không được hút thuốc nơi công cộng, chỗ làm việc...?".

Từ thập niên 1970, các bác sĩ nhi khoa khi nghiên cứu ảnh hưởng độc hại của môi trường nhiễm khói thuốc lá đối với trẻ em đã nhận thấy, những trẻ sống chung với người nghiện (bị xông khói thuốc triền miên) thường mắc các bệnh đường hô hấp (viêm họng, viêm phế quản, hen...) phải nằm viện, chức năng hô hấp suy yếu và chậm phát triển.

Năm 1981, lần đầu tiên các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, nguy cơ ung thư phổi tăng ở những trẻ em phải thường xuyên hít thở không khí nhiễm khói thuốc lá.

Năm 1977, tại Mỹ có một vụ kiện độc đáo. Một công chức làm việc tại cơ quan bảo hiểm xã hội Baltimore thường bị chảy nước mắt, nôn mửa, có lần bị xung huyết phổi. Anh ta cho rằng mình nhiễm phải khói thuốc lá do các đồng nghiệp thường xuyên phả ra nơi công sở, bèn làm đơn khiếu nại tới cơ quan pháp luật. Ủy ban hòa giải liên bang Mỹ xác nhận người này có lý và phán quyết là anh được bồi thường mỗi tháng 1.400 USD.

Năm 1986, hai bản tường trình tại Mỹ (một của Bộ Y tế, một của Viện Hàn lâm khoa học) dựa trên kết quả 12 công trình nghiên cứu đã kết luận rằng, việc thường xuyên hít thở không khí nhiễm khói thuốc lá của người khác có thể dẫn đến ung thư phổi ở những người không hút. Tuy nhiên, kết luận trên chưa thực sự có sức thuyết phục vì chỉ mới được thực hiện trên gần 1.000 bệnh nhân.

Từ đó, đã có hơn 16 công trình nghiên cứu tiến hành trên gần 3.000 bệnh nhân nữa được công bố. Qua đó, người ta thấy rằng nhận định năm 1986 của các nhà khoa học là đúng.

Chính quyền Mỹ hiện đã chính thức xác định rằng, không khí nhiễm khói thuốc lá tại nơi làm việc là nguyên nhân gây ung thư phổi cho những người không hút thuốc phải hoạt động trong môi trường đó. Về sau, tại phương Tây đã diễn ra một số vụ kiện lớn về thuốc lá:

- Năm 1991, một số hãng thuốc lá lớn của Mỹ bị 60.000 tiếp viên hàng không kiện tập thể, đòi bồi thường 5 tỷ USD, vì tuy họ không hút nhưng phải thường xuyên hít thở khói thuốc lá của các hãng này trong khi làm nhiệm vụ nên bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến năm 1997, các hãng bị kiện phải bồi thường 300 triệu USD.

- Trong năm 1997, một vụ kiện tập thể khác do 500.000 người nghiện tiến hành, đòi các nhà sản xuất thuốc lá bồi thường 200 tỷ USD. Tòa án thành phố Miami, bang Florida, vẫn đang xem xét.

Một cuộc điều tra tiến hành trong 5 năm trên 5.000 người hơn 48 tuổi (công bố năm 1998) cho thấy, không chỉ những người nghiện mà cả ở những người phải thường xuyên hít thở không khí chứa khói thuốc lá, nguy cơ giảm thính lực (tai bị nghễnh ngãng) tăng 70%.

Đầu năm 1999, một hãng thuốc lá nổi tiếng ở phương Tây!đã phải bồi thường 80 triệu USD cho gia đình một bệnh nhân chết vì ung thư phổi sau khi hút thuốc lá của hãng này trong 40 năm liền.

Trong thư các bạn không thấy nói đến không khí nhiễm khói thuốc lá trong các gia đình do một vài thành viên nghiện hút phả ra cho người thân hít thở đều đều! Phải chăng vì đây là gia đình, nơi không cần chấp hành lệnh "cấm hút thuốc lá nơi công cộng"? Có lẽ vì các bạn chưa biết rằng:

- Trong số 16 công trình nghiên cứu bổ sung nói trên, đã có 10 công trình chuyên theo dõi những trường hợp phụ nữ không hút nhưng chồng họ lại nghiện thuốc lá. Kết quả là nguy cơ ung thư ở người vợ bằng 1/3 người chồng.

- Một nghiên cứu của Australia công bố tháng 5/1999 cho thấy, những người không nghiện nhưng thường xuyên phải hít thở khói thuốc lá của người khác (nơi làm việc, trong gia đình, nhất là giữa vợ chồng) có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi người bình thường.

8. Thuốc lá đối với thanh thiếu niên

"Anh Hai em là học sinh xuất sắc lớp 11, các thầy cô tin rằng ảnh sau này sẽ thành đạt. Nhưng em rất lo vì ảnh xài mỗi ngày tới hơn một gói thuốc lá. Em phải làm gì bây giờ?".

Trước tiên, em hãy bảo anh là hút thuốc lá dễ dẫn đến ung thư (phổi, thực quản, tụy, bàng quang, thận, cổ tử cung...) và bệnh tim mạch, viêm động mạch, viêm phế quản mạn tính.

Nếu anh xì một cái và nói: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Ung thư hay bệnh tim cũng phải vài chục năm nữa, còn hút bây giờ vẫn khỏe vô tư", thì em hãy cho anh ấy biết thông tin sốt dẻo sau đây vừa được đăng trên tạp chí của Hiệp hội y học Mỹ:

Sau khi tiến hành nghiên cứu trên 700 thiếu niên mới bước sang tuổi thanh niên, các nhà khoa học nhận thấy, những em nghiện thuốc lá nặng từ nhỏ đều hay bị chứng âu lo, tinh thần bất ổn, sợ hãi vô cớ và ngại tiếp xúc với đám đông, thậm chí bị chứng trầm cảm. Nguyên nhân là chất nicotin tác động tiêu cực lên hệ thần kinh trung ương.

Nghe vậy, chắc anh ấy sẽ suy nghĩ, bởi vì nếu bị chứng trầm cảm thì làm sao học hành tốt được. Hằng ngày nếu cứ lo âu, sợ hãi thì còn gì là thoải mái; nếu ngại tiếp xúc thì còn đâu những lần đi pícnic thú vị...

Nếu anh vẫn không nghe, em hãy tuyên bố không mua giùm thuốc lá nữa.

Nếu anh tự đi mua, em hãy mách ba mẹ. Mất lòng trước, được lòng sau, anh có thể giận em nhưng rồi sẽ biết ơn em. Còn nếu em cứ "đồng lõa" như hiện giờ là làm hại sự nghiệp của mình.

9. Thai phụ hút thuốc lá gây hại gì cho con?

"Chị dâu cháu còn trẻ nhưng nghiện thuốc lá nặng từ lâu. Phụ nữ nghiện thuốc lá sinh con có bị gì không?".

Con cái người phụ nữ đó sẽ phải hít thở thứ không khí pha khói thuốc lá trong gia đình từ lúc lọt lòng. Sau đó nó sẽ bắt chước mẹ, cũng phì phèo thuốc lá, để rồi cùng với mẹ chờ đón nguy cơ bị ung thư phổi và bệnh tim mạch. Một vấn đề nghiêm trọng hơn vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục làm sáng tỏ là: Liệu người mẹ nghiện thuốc lá có đẻ ra được những đứa con bình thường như mọi người?

Một nghiên cứu năm 1992 trên gần 6.000 nam giới tại Phần Lan cho thấy, trong số những người hay vi phạm pháp luật, manh động và thiếu khả năng tập trung tư tưởng, nhiều người có mẹ hút thuốc lá trong những tháng cuối của thai kỳ.

Các nhà nghiên cứu Đan Mạch cũng đã tiến hành khảo sát trên 4.200 nam giới sinh từ năm 1959 đến năm 1961, từng "có vấn đề" với cảnh sát. Họ nhận thấy, ở những người có mẹ hút 20 điếu thuốc/ngày trong 3 tháng trước khi sinh ra họ, tỷ lệ bị bắt vì những tội nhẹ cao gấp 1,6 lần, vì tội bạo hành gấp 2 lần so với những người mà mẹ không hút thuốc. 

Trong hai nghiên cứu lớn tiến hành độc lập tại hai quốc gia khác nhau trên đây, người ta không thấy tác động của các yếu tố giàu nghèo, tuổi đời, sức khỏe người cha...

Nếu chị dâu của cháu chưa nghe ra, thì có lẽ vài số liệu sau đây có thể giúp chị sớm tỉnh ngộ:

- Cuối năm 1998, Mỹ đã công bố kết quả của một công trình nghiên cứu trên 50 trẻ sơ sinh: Nếu thai phụ hút thuốc lá trong thời gian mang thai, tỷ lệ chất nicotin trong nước tiểu đầu tiên của đứa con cũng y hệt như của mẹ.

- Tháng 5/1999, một thống kê ở Pháp cho thấy, phụ nữ nghiện thuốc lá thường gặp rắc rối khi thai nghén, dễ bị ung thư cổ tử cung và bệnh tim mạch.

- Cuối năm 2000, một thống kê thực hiện trên 4 triệu hồ sơ ở Mỹ cho thấy: Thai phụ hút thuốc lá thường sinh con bị hở hàm ếch (sứt môi) dù hằng ngày chỉ hút từ 1 đến 10 điếu.

- Tháng 5/2001, một nghiên cứu ở Anh phát hiện ra rằng, ở người nghiện thuốc lá, gene NMP-1 (phụ trách việc tổng hợp ra loại men chuyên phá hủy collagen - chất tạo tính chun giãn cho da) bị kích hoạt mạnh mẽ, kể cả khi không phơi nắng. Do NMP-1 bị kích hoạt, da người nghiện thuốc lá sớm nhăn nheo vì biểu bì và chân bì bị lão hóa trước tuổi.

10. Trong thuốc lá có những chất gì?

"Cháu đang học lớp 12, nghiện thuốc lá từ nhỏ nhưng đã thôi hẳn được hơn 3 năm nay. Gần đây, cháu nghe người ta bàn tán chuyện các hãng sản xuất thuốc lá Mỹ bị tố cáo là lâu nay đã bí mật cho vào thuốc lá tới 600 chất độc hại. Cháu lạnh toát cả người".

Gần đây, các nhà sản xuất thuốc lá Mỹ lại bị tố cáo một lần nữa. ICRF, tổ chức chống ung thư có uy tín của Mỹ, Hiệp hội chống thuốc lá Anh và chính quyền bang Massachusetts đã soạn thảo và công bố một bản báo cáo cho thấy: Trong vòng 30 năm nay, từ khi có quy định bắt buộc phải lắp bộ lọc vào đầu điếu thuốc lá (để giảm lượng nicotin được người hút hấp thu), các nhà sản xuất thuốc lá lo sợ rằng lượng nicotin thấp sẽ không đủ để làm cho người nghiện lệ thuộc vào chất độc này như trước. Lợi dụng quy định cho phép thêm vào thuốc lá một số chất để làm "dịu vị", họ đã dùng một số chất làm cho nicotin khuếch tán nhanh vào não và tác động ngay lên các tế bào thần kinh.

Họ thêm các muối ammonium, lấy cớ là để điếu thuốc lá có vị dịu hơn. Nhưng trên thực tế, tác dụng chính của muối ammonium là biến nicotin thành nicotin kiềm, một dạng dễ bay hơi hơn, có thể lên tới não chỉ sau vài giây.

Việc thêm đường vào thuốc lá cũng được chấp nhận, coi như để bù vào chỗ thiếu hụt chất thơm do lọc bớt hắc ín. Nhưng trên thực tế, chất acetaldehyde (dẫn xuất phát sinh từ việc đốt cháy chất đường) làm cho người nghiện trở thành lệ thuộc hơn vào nicotin.

Cacao được thêm vào với lý do làm dịu vị chát của khói thuốc lá; nhưng thực ra chất này làm giãn phế quản, giúp cho nicotin đi vào phổi dễ hơn.

Xem mục lục