Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Câu hỏi: Sự ao ước được bày tỏ trong cầu nguyện không là một con đường dẫn đến Thượng đế hay sao? 

Krishnamurti: Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu những vấn đề được chứa đựng trong câu hỏi này. Trong nó có hàm ý lời cầu nguyện, tập trung là thiền định. Bây giờ bạn có ý gì qua từ ngữ cầu nguyện? Trước hết trong cầu nguyện có sự thỉnh cầu, sự khẩn khoản đến điều gì bạn gọi là Thượng đế, sự thật. Bạn, như một cá thể, đang đòi hỏi, đang thỉnh cầu, đang nài nỉ, đang tìm kiếm sự hướng dẫn từ cái gì đó mà bạn gọi là Thượng đế; bởi vì tiếp cận của bạn là một tiếp cận của tìm kiếm một phần thưởng, tìm kiếm một thỏa mãn. Bạn đang gặp phiền muộn, thuộc quốc gia hay cá thể, và bạn cầu nguyện để có được sự hướng dẫn; hay bạn bị hoang mang và bạn nài nỉ sự rõ ràng, bạn tìm kiếm trợ giúp đến điều gì bạn gọi là Thượng đế. Trong việc này được hàm ý rằng Thượng đế, dù Thượng đế có lẽ là gì chăng nữa – chúng ta không bàn luận điều đó trong lúc này – sắp sửa khai quang sự hoang mang mà bạn và tôi đã tạo tác. Rốt cuộc, chính là chúng ta đã tạo ra sự hoang mang, sự đau khổ, sự hỗn loạn, sự chuyên chế kinh hoàng, không có tình yêu, và chúng ta muốn cái gì chúng ta gọi là Thượng đế khai quang nó. Nói cách khác, chúng ta muốn sự hoang mang của chúng ta, sự đau khổ của chúng ta, sự phiền muộn của chúng ta, sự xung đột của chúng ta, được khai quang bởi một ai đó, chúng ta thỉnh cầu một người khác mang đến ánh sáng và hạnh phúc cho chính chúng ta. 

Bây giờ khi bạn cầu nguyện, khi bạn nài nỉ, thỉnh cầu cái gì đó, thông thường nó hiện diện. Khi bạn xin, bạn nhận; nhưng điều gì bạn nhận được không tạo ra trật tự, bởi vì điều gì bạn nhận được không mang lại sự rõ ràng, hiểu rõ. Nó chỉ gây hài lòng, trao tặng sự thỏa mãn nhưng không tạo ra hiểu rõ, bởi vì, khi bạn đòi hỏi, bạn nhận được điều mà bạn tự-chiếu rọi. Làm thế nào, sự thật, Thượng đế, có thể đáp lại đòi hỏi riêng biệt của bạn? Làm thế nào cái vô hạn, cái không lời, có thể liên quan đến những lo âu, những đau khổ, những hoang mang nhỏ nhoi tầm thường của chúng ta, mà chính chúng ta đã tạo ra? Vì vậy cái gì trả lời? Chắc chắn, cái vô hạn không thể trả lời cái có hạn, cái nhỏ nhoi, cái tầm thường. Nhưng cái gì trả lời? Tại khoảnh khắc khi chúng ta cầu nguyện chúng ta tương đối yên lặng, trong một trạng thái của thâu nhận; lúc đó tầng ý thức bên trong riêng của chúng ta mang lại một rõ ràng tích tắc. Bạn muốn cái gì đó, bạn đang mong ước nó, và trong khoảnh khắc của mong ước, của nài nỉ khẩn thiết, bạn hơi hơi thâu nhận, cái trí tầng ý thức bên ngoài náo động của bạn tương đối yên lặng, vì vậy cái trí tầng ý thức bên trong tự-chiếu rọi chính nó vào cái đó và bạn có một câu trả lời. Chắc chắn nó không là câu trả lời từ sự thật, từ cái không đo lường được – nó là phản ứng của ý thức bên trong riêng của bạn. Vì vậy chúng ta hãy đừng bị lẫn lộn và nghĩ rằng khi lời cầu nguyện của bạn được đáp lại bạn đang trong liên hệ cùng sự thật. Sự thật phải đến với bạn; bạn không thể đến với nó.

Trong vấn đề cầu nguyện này có một nhân tố khác được bao hàm: phản ứng của cái đó mà chúng ta gọi là tiếng nói bên trong. Như tôi đã nói, khi cái trí đang van xin, đang khẩn khoản, nó tương đối yên lặng; khi bạn nghe tiếng nói bên trong, nó là tiếng nói riêng của bạn đang tự-chiếu rọi chính nó vào cái trí tương đối yên lặng đó. Lại nữa, làm thế nào nó có thể là tiếng nói của sự thật? Một cái trí bị hoang mang, dốt nát, khao khát, đòi hỏi, van xin, làm thế nào nó có thể hiểu rõ sự thật? Cái trí có thể thâu nhận sự thật chỉ khi nào nó tuyệt đối yên lặng, không đang đòi hỏi, không đang khao khát, không đang ao ước, không đang xin xỏ, dù cho chính bạn, cho quốc gia hay cho một người nào khác. Khi cái trí tuyệt đối yên lặng, khi ham muốn không còn, chỉ đến lúc đó sự thật hiện diện. Một người đang đòi hỏi, đang thỉnh cầu, đang xin xỏ, đang ao ước tìm kiếm phương hướng sẽ tìm được điều gì anh ấy tìm kiếm nhưng nó sẽ không là sự thật. Điều gì anh ấy nhận được sẽ là sự phản ứng của những tầng ý thức bên trong của cái trí riêng của anh ấy mà tự-chiếu rọi chính chúng ra tầng ý thức bên ngoài; tiếng nói nhỏ nhoi, yên lặng mà hướng dẫn anh ấy đó không là sự thật nhưng chỉ là sự phản ứng của tầng ý thức bên trong.

Trong vấn đề cầu nguyện này cũng có vấn đề của tập trung. Với hầu hết chúng ta, tập trung là một qui trình của loại trừ. Tập trung được tạo ra qua nỗ lực, ép buộc, hướng dẫn, bắt chước, và vì vậy tập trung là một qui trình của loại trừ. Tôi quan tâm đến điều tạm gọi là thiền định nhưng tư tưởng của tôi bị xao nhãng, thế là tôi cố định cái trí của tôi vào một bức tranh, một hình ảnh, hay một ý tưởng và loại trừ tất cả những suy nghĩ khác. Qui trình tập trung này, mà là loại trừ, được coi như một phương tiện của thiền định. Đó là điều gì bạn thực hiện, phải không? Khi bạn ngồi xuống để tham thiền, bạn cố định cái trí của bạn vào một từ ngữ, vào một hình ảnh, hay vào một bức tranh nhưng cái trí lại lang thang khắp mọi nơi. Có sự ngắt ngang liên tục của những ý tưởng khác, những suy nghĩ khác, những cảm giác khác và bạn cố gắng đẩy chúng ra xa; bạn lãng phí thời gian của bạn đấu tranh với những suy nghĩ của bạn. Qui trình này bạn gọi là thiền định. Đó là bạn đang cố gắng tập trung vào cái gì đó mà bạn không hứng thú và những suy nghĩ của bạn cứ đang dồn dập, đang gia tăng, đang phá ngang, vì vậy bạn lãng phí năng lượng của bạn trong loại trừ, trong chặn đứng, đẩy ra xa; nếu bạn có thể tập trung vào tư tưởng đã được chọn lựa của bạn, vào một mục tiêu đặc biệt, cuối cùng bạn nghĩ bạn đã thành công trong thiền định. Chắc chắn đó không là thiền định, đúng chứ? Thiền định không là một qui trình loại trừ – loại trừ trong ý nghĩa chặn đứng, dựng lên sự kháng cự chống lại những ý tưởng đang len lỏi vào. Cầu nguyện không là thiền định, và tập trung như loại trừ không là thiền định. 

Thiền định là gì? Tập trung không là thiền định, bởi vì nơi nào có hứng thú, muốn tập trung vào cái gì đó là việc tương đối dễ dàng. Một vị tướng đang lên kế hoạch cho chiến tranh, tàn sát, rất tập trung. Một người kinh doanh đang kiếm tiền rất tập trung – thậm chí anh ấy có lẽ còn tàn nhẫn, gạt đi mọi cảm giác khác và tập trung hoàn toàn vào điều gì anh ấy muốn. Một con người hứng thú bất kỳ điều gì có sự tập trung, một cách tự nhiên, tự nguyện. Sự tập trung như thế không là thiền định, nó chỉ là sự loại trừ.

Vì vậy thiền định là gì? Chắc chắn thiền định là hiểu rõ – thiền định cốt lõi là hiểu rõ. Làm thế nào có thể có được hiểu rõ nếu có sự loại trừ? Làm thế nào có thể có hiểu rõ khi có nài nỉ, van xin? Trong hiểu rõ có an lành, có tự do; điều mà bạn hiểu rõ, từ điều đó bạn được giải thoát. Chỉ tập trung hay cầu nguyên không mang lại hiểu rõ. Hiểu rõ là chính nền tảng, sự tiến hành cơ bản của thiền định. Bạn không phải chấp nhận từ ngữ của tôi vì nó, nhưng nếu bạn tìm hiểu sự cầu nguyện của bạn và sự tập trung một cách rất tỉ mỉ, sâu sắc, bạn sẽ phát hiện rằng hai điều này không dẫn đến hiểu rõ. Chúng chỉ dẫn đến cố chấp, đến một cố định, đến ảo tưởng. Trái lại thiền định, trong đó có hiểu rõ, mang lại tự do, rõ ràng và sự hoà hợp.

Vậy thì, chúng ta có ý gì qua từ ngữ hiểu rõ? Hiểu rõ có ý rằng cho một ý nghĩa đúng đắn, giá trị đúng đắn, đến tất cả mọi sự việc. Dốt nát là cho những giá trị sai lầm; chính bản chất của sự dốt nát là không-hiểu rõ được những giá trị đúng đắn. Hiểu rõ hiện diện khi có những giá trị đúng đắn, khi những giá trị đúng đắn được thiết lập. Và làm thế nào người ta thiết lập được những giá trị đúng đắn – giá trị đúng đắn về tài sản, giá trị đúng đắn về liên hệ, giá trị đúng đắn về những ý tưởng. Muốn những giá trị đúng đắn hiện diện, bạn phải hiểu rõ người suy nghĩ, đúng chứ? Nếu tôi không hiểu rõ người suy nghĩ, mà là chính tôi, điều gì tôi chọn lựa không có ý nghĩa; đó là nếu tôi không biết chính tôi, vậy thì hành động của tôi, tư tưởng của tôi, không có nền tảng gì cả. Vì vậy hiểu rõ về chính mình là sự khởi đầu của thiền định – không phải hiểu biết mà bạn nhặt nhạnh từ những quyển sách của tôi, từ những uy quyền, từ những vị đạo sư, nhưng hiểu rõ mà hiện diện qua tự-thâm nhập, mà là tự-tỉnh thức. Thiền định là sự khởi đầu của hiểu rõ về chính mình, và nếu không có hiểu rõ về chính mình không có thiền định. Nếu tôi không hiểu rõ những phương cách của những tư tưởng của tôi, của những cảm thấy của tôi, nếu tôi không hiểu rõ những động cơ của tôi, những ham muốn của tôi, những đòi hỏi của tôi, sự theo đuổi những khuôn mẫu của hành động của tôi, mà là những ý tưởng – nếu không hiểu rõ về chính tôi, không có nền tảng cho suy nghĩ; người suy nghĩ mà chỉ xin xỏ, cầu khẩn, hay loại trừ, mà không hiểu rõ về chính anh ấy, chắc chắn phải chấm dứt trong hoang mang, trong ảo tưởng. 

Sự khởi đầu của thiền định là hiểu rõ về chính mình, mà có nghĩa rằng tỉnh thức được mỗi chuyển động của tư tưởng và cảm thấy, biết tất cả những tầng ý thức của tôi, không chỉ những tầng trên bề mặt mà còn những tầng giấu giếm, những hoạt động sâu thẳm bị che kín. Muốn biết được những hoạt động sâu thẳm bị che kín, những động cơ giấu giếm, những phản ứng, những tư tưởng và những cảm thấy, phải có sự yên lặng trong cái trí tầng ý thức bên ngoài; đó là tầng ý thức bên ngoài phải yên lặng để thâu nhận sự chiếu rọi của tầng ý thức bên trong. Tầng ý thức bên ngoài, bề mặt bị bận rộn bởi những hoạt động hàng ngày của nó, bởi việc kiếm sống, lừa gạt những người khác, trục lợi những người khác, chạy trốn khỏi những vấn đề – tất cả những hoạt động hàng ngày của sự tồn tại của chúng ta. Cái trí bề mặt đó phải hiểu rõ được ý nghĩa đúng đắn của những hoạt động riêng của nó và vì vậy mang lại sự yên lặng cho chính nó. Nó không thể mang lại sự yên lặng, sự yên ổn bằng sự tổ chức, bằng sự ép buộc, bằng sự kỷ luật. Nó có thể mang lại yên lặng, an lành, yên ổn, chỉ bằng cách hiểu rõ được những hoạt động của riêng nó, bằng cách quan sát chúng, bằng cách tỉnh thức được chúng, bằng cách thấy được sự hung bạo riêng của nó, nó nói như thế nào với người giúp việc, với người vợ, với người con gái, với người mẹ và vân vân. Khi cái trí hời hợt phía bên ngoài tỉnh thức được trọn vẹn tất cả những hoạt động của nó, qua hiểu rõ đó trở thành yên lặng một cách tự phát, không bị gây mê bởi sự cưỡng bách hay bị thống trị bởi ham muốn; vậy thì nó ở trong một vị trí để thâu nhận những hàm ý, những ám chỉ của tầng ý thức bên trong, của nhiều, nhiều tầng giấu giếm của cái trí – những bản năng chủng tộc, những kỷ niệm bị chôn giấu, những theo đuổi được che đậy, những vết thương sâu thẳm mà vẫn chưa chữa trị được. Chỉ khi nào tất cả điều này đã được tự-chiếu rọi và được hiểu rõ, khi toàn ý thức không bị chất đầy, không bị trói buộc bởi bất kỳ tổn thương nào, bởi bất kỳ kỷ niệm nào, vậy là nó ở trong một vị trí để thâu nhận cái vĩnh cửu.

Thiền định là hiểu rõ về chính mình, và nếu không hiểu rõ về chính mình không có thiền định. Nếu bạn luôn luôn không tỉnh thức được tất cả những phản ứng của bạn, nếu bạn không ý thức trọn vẹn, nhận biết được những hoạt động hàng ngày của bạn, chỉ giam chính mình trong một căn phòng và ngồi trước một bức ảnh của vị đạo sư của bạn, vị thầy của bạn, để tham thiền, là một tẩu thoát, bởi vì nếu không có hiểu rõ về chính mình không có suy nghĩ đúng đắn và, nếu không có suy nghĩ đúng đắn, điều gì bạn làm không có ý nghĩa, dù những dự tính của bạn có cao quí chừng nào. Vẫn vậy, cầu nguyện không có ý nghĩa nếu không có hiểu rõ về chính mình, nhưng khi có hiểu rõ về chính mình có suy nghĩ đúng đắn và thế là hành động đúng đắn. Khi có hành động đúng đắn không có hoang mang, và vì vậy không có van xin một ai đó dẫn bạn thoát khỏi nó. Một con người tỉnh thức trọn vẹn là thiền định; anh ấy không cầu nguyện bởi vì anh ấy không muốn thứ gì cả. Qua cầu nguyện, qua quy định, qua lặp lại, và tất cả mọi chuyện như thế, bạn có thể tạo ra một yên lặng nào đó, nhưng đó chỉ là sự đờ đẫn, làm yếu ớt cái trí và tâm hồn đến một trạng thái dật dờ. Nó đang gây mê cái trí; và sự loại trừ, mà bạn gọi là tập trung, không dẫn đến sự thật – không loại trừ nào có thể thực hiện được việc đó. Điều gì mang lại hiểu rõ là hiểu rõ về chính mình. Và nếu có ý định đúng đắn, sự tỉnh thức sẽ không khó khăn lắm. Nếu bạn hứng thú muốn khám phá toàn qui trình về chính bạn – không chỉ phần bề mặt nhưng toàn qui trình thuộc toàn thân tâm của bạn – vậy thì nó tương đối dễ dàng. Nếu bạn thực sự muốn biết về chính bạn, bạn sẽ lật tung khắp tâm hồn của bạn và cái trí của bạn để biết được toàn nội dung của nó và khi có ý định để biết, bạn sẽ biết. Vậy thì bạn có thể theo sát, không chỉ trích hay biện hộ, mọi chuyển động của suy nghĩ và cảm thấy; bằng cách theo sát mọi suy nghĩ và mọi cảm thấy khi nó nảy sinh, bạn sáng tạo sự yên lặng mà không bị cưỡng bách, không bị quy định, nhưng là kết quả của không có vấn đề, không có mâu thuẫn. Nó giống như cái ao mà trở nên an lành, lặng lẽ, vào bất kỳ chiều tối nào không có gió; khi cái trí đứng yên, lúc đó cái không thể đo lường hiện diện.

Xem mục lục