Câu hỏi: Ông nói rằng, ký ức, là trải nghiệm không trọn vẹn. Tôi có một ký ức và một ấn tượng rõ ràng về những buổi nói chuyện trước đây của ông. Trong ý nghĩa gì nó là một hành động không trọn vẹn? Làm ơn giải thích tường tận ý tưởng này.
Krishnamurti: Chúng ta có ý gì qua từ ngữ ký ức? Bạn đi học và đầy những sự kiện, hiểu biết thuộc kỹ thuật. Nếu bạn là một kỹ sư, bạn sử dụng ký ức của hiểu biết kỹ thuật để xây dựng một cây cầu. Đó là ký ức thực tế. Cũng có ký ức thuộc tâm lý. Bạn đã nói điều gì đó cho tôi, dễ chịu hay khó chịu, và tôi lưu giữ nó; lần tới khi tôi gặp bạn, tôi gặp bạn bằng ký ức đó, ký ức về điều gì bạn đã nói hay đã không nói. Có hai khía cạnh đối với ký ức, khía cạnh tâm lý và khía cạnh thực tế. Chúng luôn luôn có liên hệ với nhau, vì vậy không rõ rệt. Chúng ta biết ký ức thực tế là cần thiết như một phương tiện để kiếm sống, nhưng ký ức tâm lý có cần thiết hay không? Nhân tố giữ lại ký ức tâm lý là gì? Thuộc tâm lý điều gì làm cho người ta nhớ lại sự sỉ nhục lẫn ngợi khen? Tại sao người ta giữ lại những ký ức nào đó và loại bỏ những ký ức khác? Rõ ràng người ta giữ lại những ký ức gây vui thú và lẩn tránh những ký ức gây bực bội. Nếu bạn quan sát, bạn sẽ thấy rằng những ký ức đau khổ bị gạt đi mau lẹ hơn những ký ức vui thú. Cái trí là ký ức, ở bất kỳ mức độ nào, ở bất kỳ cái tên nào bạn gọi nó; cái trí là sản phẩm của quá khứ, nó được thành lập dựa vào quá khứ, mà là ký ức, một trạng thái bị quy định. Bây giờ bằng ký ức đó chúng ta gặp gỡ sống, chúng ta gặp gỡ một thách thức mới. Thách thức luôn luôn mới mẻ và phản ứng của chúng ta luôn luôn cũ kỹ, bởi vì nó là kết quả của quá khứ. Vì vậy trải nghiệm không-ký ức là một trạng thái và trải nghiệm có-ký ức là một trạng thái khác. Đó là có một thách thức mà luôn luôn mới mẻ. Tôi gặp gỡ nó bằng một phản ứng, bằng tình trạng bị quy định của cái cũ kỹ. Vì vậy điều gì xảy ra? Tôi thẩm thấu cái mới mẻ, tôi không hiểu rõ nó; và trải nghiệm cái mới mẻ bị quy định bởi quá khứ. Vì vậy có một hiểu rõ từng phần về cái mới mẻ, không bao giờ có hiểu rõ trọn vẹn. Chỉ khi nào có hiểu rõ trọn vẹn về bất kỳ sự việc gì, nó mới không để lại dấu vết nào của ký ức.
Khi có một thách thức, mà luôn luôn mới mẻ, bạn gặp gỡ nó bằng phản ứng của cái cũ kỹ. Phản ứng cũ kỹ quy định cái mới mẻ và vì vậy biến dạng nó, cho nó một thành kiến vì vậy không có hiểu rõ trọn vẹn về cái mới mẻ, đến độ cái mới mẻ bị thẩm thấu vào cái cũ kỹ và tùy theo đó củng cố cái cũ kỹ. Điều này dường như trừu tượng nhưng nó không khó khăn nếu bạn tìm hiểu nó kỹ lưỡng và cẩn thận. Vào lúc này tình huống trong thế giới cần đến một tiếp cận mới mẻ, một cách giải quyết mới mẻ vấn đề thế giới, mà luôn luôn mới mẻ. Chúng ta không thể tiếp cận nó mới mẻ lại bởi vì chúng ta tiếp cận nó bằng những cái trí bị quy định của chúng ta, bởi những thành kiến thuộc quốc gia, địa phương, gia đình và tôn giáo. Những trải nghiệm có trước của chúng ta đang hành động như một cản trở đến hiểu rõ về thách thức mới mẻ, vì vậy chúng ta tiếp tục vun quén và củng cố ký ức và vì vậy chúng ta không bao giờ hiểu rõ cái mới mẻ, chúng ta không bao giờ gặp gỡ thách thức một cách nguyện vẹn, trọn vẹn. Chỉ khi nào người ta có thể gặp gỡ thách thức mới mẻ lại, trong sáng lại, mà không có quá khứ, chỉ khi đó nó mới sinh ra hoa trái của nó, sự phong phú của nó.
Người hỏi nói rằng, ‘Tôi có một ký ức và một ấn tượng rõ ràng về những nói chuyện trước đây của ông. Trong ý nghĩ nào nó là một trải nghiệm không-trọn vẹn?’ Chắc chắn, nó là một trải nghiệm không-trọn vẹn nếu nó chỉ là một ấn tượng, một ký ức. Nếu bạn hiểu rõ điều gì đã được nói, thấy được sự thật của nó, sự thật đó không là một ký ức. Sự thật không là một ký ức, bởi vì sự thật luôn luôn mới mẻ, luôn luôn đang tự-thay đổi chính nó. Bạn có một ký ức về nói chuyện lần trước. Tại sao? Bởi vì bạn đang sử dụng nói chuyện lần trước như một hướng dẫn, bạn không hiểu rõ nó trọn vẹn. Bạn muốn thâm nhập vào nó, và có-ý thức hay không-ý thức nó đang được duy trì. Nếu bạn hiểu rõ trọn vẹn cái gì đó, đó là thấy sự thật của cái gì đó một cách ‘tổng thể’, bạn sẽ phát giác không có ký ức nào cả. Giáo dục của chúng ta là sự vun quén của ký ức, sự củng cố của ký ức. Những thực hành và nghi lễ tôn giáo của bạn, đọc sách và hiểu biết của bạn, tất cả đều là sự củng cố của ký ức. Chúng ta có ý gì qua việc đó? Tại sao chúng ta bám vào ký ức? Tôi không biết liệu bạn đã nhận thấy điều đó, khi người ta lớn lên, người ta quay trở lại với quá khứ, vào những hân hoan của nó, vào những đau khổ của nó, vào những vui thú của nó; nếu người ta còn trẻ người ta hướng về tương lai. Tại sao chúng ta đang làm điều này? Tại sao ký ức đã trở thành quá quan trọng? Vì lý do rõ ràng và đơn giản rằng chúng ta không biết làm thế nào để sống trọn vẹn, tổng thể trong hiện tại. Chúng ta đang sử dụng hiện tại như một phương tiện dẫn đến tương lai và vì vậy hiện tại không còn ý nghĩa. Chúng ta không thể sống trong hiện tại bởi vì chúng ta đang sử dụng hiện tại như một con đường dẫn đến tương lai. Bởi vì tôi sẽ trở thành cái gì đó, không bao giờ có một hiểu rõ trọn vẹn về chính tôi, và hiểu rõ về chính tôi, điều gì tôi chính xác là ngay lúc này, không cần đến sự vun quén của ký ức. Trái lại, ký ức là một cản trở cho hiểu rõ về cái gì là. Tôi không biết bạn đã nhận ra rằng một tư tưởng mới mẻ, một cảm thấy mới mẻ, chỉ hiện diện khi cái trí không bị trói buộc trong mạng lưới của ký ức. Khi có một khoảng ngừng giữa hai suy nghĩ, giữa hai ký ức, khi khoảng ngừng đó có thể được duy trì, vậy thì từ khoảng ngừng đó một trạng thái mới mẻ hiện diện mà không còn là ký ức nữa. Chúng ta có những ký ức và chúng ta vun quén ký ức như những phương tiện của sự tiếp tục. ‘Cái tôi’ và ‘cái của tôi’ trở nên rất quan trọng chừng nào sự vun quén của ký ức còn tồn tại, và bởi vì hầu hết chúng ta được tạo thành của ‘cái tôi’ và của ‘cái của tôi’, ký ức đóng một vai trò rất quan trọng trong sống của chúng ta. Nếu bạn không có ký ức, tài sản của bạn, gia đình của bạn, những ý tưởng của bạn, sẽ không còn quan trọng như thế nữa; vì vậy để củng cố sức mạnh cho ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’, bạn vun quén ký ức. Nếu bạn quan sát, bạn sẽ thấy rằng có một khoảng ngừng giữa hai suy nghĩ, giữa hai cảm giác. Trong khoảng ngừng đó, mà không là sản phẩm của ký ức, có một tự do lạ thường khỏi ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’ và khoảng ngừng đó là không-thời gian.
Chúng ta hãy nhìn vấn đề một cách khác. Chắc chắn, ký ức là thời gian, đúng chứ? Ký ức tạo ra ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai. Ký ức của ngày hôm qua quy định ngày hôm nay và vì vậy định hình ngày mai. Đó là quá khứ qua hiện tại tạo ra tương lai. Có một qui trình thời gian đang xảy ra, mà là ý muốn để trở thành. Ký ức là thời gian, và qua thời gian chúng ta muốn đạt được một kết quả. Hôm nay tôi là người thư ký và, nếu cho tôi thời gian và cơ hội, tôi sẽ trở thành người giám đốc hay ông chủ. Vì vậy tôi phải có thời gian, và với tinh thần như vậy chúng ta nói rằng, ‘Tôi sẽ đạt được sự thật, tôi sẽ tiếp cận được Thượng đế’. Vì vậy tôi phải có thời gian để nhận ra, mà có nghĩa tôi phải vun quén ký ức, củng cố ký ức qua luyện tập, qua sự kỷ luật để là cái gì đó, để thành tựu, để kiếm được, mà có nghĩa tiếp tục trong thời gian. Qua thời gian chúng ta hy vọng thành tựu cái không-thời gian, qua thời gian chúng ta hy vọng kiếm được cái vĩnh hằng. Bạn có thể làm được việc đó hay sao? Bạn có thể nắm bắt được cái vĩnh hằng trong mạng lưới thời gian, qua ký ức, mà thuộc thời gian hay sao? Cái không-thời gian chỉ có thể hiện diện khi ký ức, mà là ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’, kết thúc. Nếu bạn thấy sự thật của điều đó – rằng qua thời gian cái không-thời gian không thể được hiểu rõ hay được thâu nhận – vậy thì chúng ta có thể tìm hiểu vấn đề của ký ức. Ký ức của những sự kiện kỹ thuật là cần thiết; nhưng ký ức thuộc tâm lý mà duy trì cái ngã, ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’, mà cho sự nhận dạng và tự-tiếp tục, hoàn toàn gây hủy hoại cho sống và cho sự thật. Khi người ta thấy sự thật của điều đó, điều giả dối rơi rụng ngay; vì vậy không còn lưu trữ lại thuộc tâm lý của trải nghiệm ngày hôm qua.
Bạn thấy cảnh hoàng hôn diễm ảo, một cái cây dễ thương trong cánh đồng khi lần đầu tiên bạn bắt gặp nó, bạn tận hưởng nó trọn vẹn, tổng thể; nhưng bạn quay lại nó với ham muốn tận hưởng nó lần nữa. Điều gì xảy ra khi bạn quay lại nó với ham muốn tận hưởng nó? Không còn tận hưởng, bởi vì chính là ký ức của cảnh hoàng hôn ngày hôm qua mà bây giờ bạn đang hồi tưởng, ký ức đang xô đẩy, đang thúc giục bạn để tận hưởng. Ngày hôm qua không có ký ức, chỉ có một tận hưởng tự phát, một đáp trả trực tiếp; ngày hôm nay bạn ham muốn nắm bắt lại trải nghiệm của ngày hôm qua. Đó là, ký ức đang ngăn cản giữa, bạn và hoàng hôn, vì vậy không có tận hưởng, không có sự phong phú, sự trọn vẹn của vẻ đẹp. Lại nữa, bạn có một người bạn, mà nói điều gì đó với bạn ngày hôm qua, một lời sỉ nhục hay ngợi khen và bạn lưu trữ ký ức đó; cùng ký ức đó ngày hôm nay bạn gặp lại người bạn của bạn. Bạn thực sự không gặp gỡ người bạn của bạn – bạn mang cùng với bạn ký ức của ngày hôm qua, mà ngăn cản. Vì vậy chúng ta tiếp tục, vây quanh chính chúng ta và những hành động của chúng ta bằng ký ức, và vì vậy không có trạng thái mới mẻ, không có trạng thái trong sáng. Đó là lý do tại sao ký ức làm cho sống đờ đẫn, chán ngán và trống rỗng. Chúng ta sống trong thù địch lẫn nhau bởi vì ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’ được củng cố qua ký ức. Ký ức đi vào sống qua hành động trong hiện tại; chúng ta cho sống đi vào ký ức qua hiện tại nhưng khi chúng ta không cho sống đi vào ký ức, nó tan biến đi. Ký ức về những sự kiện, về những sự việc thuộc kỹ thuật, là một cần thiết rõ ràng, nhưng ký ức như một lưu trữ thuộc tâm lý gây hư hại cho hiểu rõ về sống, sự hiệp thông lẫn nhau.