Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

BÀI LUẬN THỨ TƯ
NIẾT BÀN VÔ DANH

17. DUNG THÔNG KIM CỒ

Vô Danh đáp :

Bậc chí nhân trống rỗng vô hình mà vạn vật đều do tâm tạo. Ngộ được vạn vật đều qui về tự kỷ, ấy chỉ có Bậc Thánh mới chứng được.

Tại sao? Chánh lý của vạn pháp là nhất chân, nếu trí huệ chẳng soi thấu lý ấy thì chẳng thành Bậc Thánh. Chẳng phải trí huệ Bậc Thánh thì chẳng soi thấu lý ấy. Vậy chánh lý tức là Bậc Thánh, Bậc Thánh chẳng khác với chánh lý vậy.

Nên trong kinh Đại Phẩm

Bát Nhã, Đế Thích nói : "Bát Nhã do đâu tìm cầu"? Tu Bồ Đề đáp :

"Bát Nhã chẳng thể ở nơi sắc tìm cầu, cũng chẳng thể lìa nơi sắc tìm cầu". Còn nói : "Thấy duyên khởi tánh không tức là thấy pháp, thấy pháp tức là thấy Phật". Ấy là cái lý cảnh và tâm chẳng khác vậy, thế thì đâu còn có sự trước sau và thỉ chung nữa?

Cho nên bậc chí nhân dùng thật trí chiếu soi chánh lý, ngưng nghỉ trước khi tịch nhiên chẳng động, tiềm ẩn trong chỗ động để giáo hóa chúng sanh; vũ trụ trọn hiện nơi gương tâm; khứ lai cùng thành một bản thể, thông cổ kim, đồng thỉ chung, cùng tột ngọn nguồn, chẳng thể thành hai, mênh mông trống rỗng mới gọi là Niết Bàn. Há có thể nào phân biệt trước sau và thỉ chung nữa ư ?

Kinh nói : "Chẳng lìa các pháp mà chứng được Niết Bàn". Còn nói :

"Vạn pháp vô biên nên bồ đề cũng vô biên". Do đó, được biết đạo của Niết Bàn ở nơi diệu ngộ, sự diệu ngộ do nơi tâm và cảnh âm thầm hợp làm một. Thế thì cảnh chẳng khác tâm, tâm chẳng khác cảnh, tâm cảnh âm thầm dung thông, qui về vô cực, tức là thể tánh tịch diệt của Niết Bàn.

Như thế tiến chẳng ở trước, lui chẳng ở sau, tức là Tam Thừa đã chứng chẳng phải trước, lục đạo còn mê chẳng phải sau, vô cổ vô kim, trước sau đều dứt, đâu có thể để cho sự thỉ chung lẫn lộn trong đó!

Trong kinh duy Ma Cật, Thiên Nữ nói : "Xá Lợi Phất chứng được giải thoát, đâu có tùy thuộc thời gian lâu hay mau"?.

I8. XÉT VỀ SỰ ĐẮC

Hữu danh vấn :

Kinh nói : "Tánh của chúng sanh chỉ hạn chế trong ngũ ấm". Lại còn nói : "Chứng được Niết Bàn, ngũ ấm đều sạch ví như đèn tắt". Thế thì tánh của chúng sanh bỗng dứt trong ngũ ấm, đạo của Niết Bàn kiến lập bên ngoài tam giới, rõ ràng là Niết Bàn và ngũ ấm là hai cõi khác nhau thì không còn chúng sanh chứng được Niết Bàn vậy.

Nếu quả thật có sự chứng được thì tánh của chúng sanh chẳng bị hạn chế trong ngũ ấm, nếu bị hạn chế trong ngũ ấm thì ngũ ấm chẳng phải "đều sạch", nếu ngũ ấm đều sạch thì còn ai để chứng Niết Bàn nữa?

19. SỰ ĐẮC NHIỆM MẦU

Vô Danh đáp :

Sự "chân" là do lìa tình cảm và tư tưởng mà hiển bày; sự "ngụy" là do chấp trước danh tướng, đắc thất mà sanh khởi. Chấp trước nên có đắc, lìa chấp nên vô danh. Cho nên pháp chân thì đồng với chân, pháp ngụy thì đồng với ngụy. Ông cho có đắc là đắc, nên chỉ cầu nơi có đắc mà thôi. Tôi cho vô đắc là đắc, nên đắc ở nơi vô đắc vậy.

Theo sự lập Luận, trước tiên cần phải xác định căn bản, nay Luận Niết Bàn thì chẳng thể lìa Niết Bàn mà nói Niết Bàn; nếu ngay nơi Niết Bàn để bàn luận thì đâu còn ai chẳng phải Niết Bàn mà ông muốn đắc nó ư?

Tại sao? Cái đạo của Niết Bàn tuyệt cả danh tướng, dung hòa trời đất, tẩy sạch vạn hữu, chẳng còn số lượng; trời và người không khác, một và nhiều vẫn đồng. Vì không phải sắc nên bên trong không tự thấy, vì không phải thanh nên "phản văn" chẳng tự nghe, trống rỗng tịch diệt nên chưa từng có đắc, bình đẳng bất nhị nên chưa từng vô đắc.

Kinh nói : "Niết Bàn chẳng phải chúng sanh, cũng chẳng khác với chúng sanh". Duy Ma Cật nói : "Nếu Di Lặc đã được diệt độ thì tất cả chúng sanh cũng đã được diệt độ". Tại sao vậy? Tất cả chúng sanh bản tánh thường diệt, chẳng cần diệt nữa. Nay gọi diệt độ là ở nơi chẳng diệt vậy.

Như thế, đâu có thể "ngũ ấm đều sạch" mà cầu được Niết Bàn, cũng đâu có thể còn ngũ ấm mà cầu được Niết Bàn!

Thế thì, chúng sanh chẳng phải chúng sanh, lấy ai làm kẻ đắc được ? Niết Bàn chẳng phải Niết Bàn, lấy gì làm pháp để đắc?

Kinh Phóng Quang nói :

"Bồ Đề do nơi hữu mà đắc được ư "?

Đáp rằng :

Chẳng phải.

Do nơi vô mà đắc được ư?

Đáp rằng :

Chẳng phải.

Do nơi hữu và vô mà đắc được ư?

Đáp rằng :

Chẳng phải.

Lìa nơi hữu và vô mà đắc được ư?

Đáp rằng :

Chẳng phải.

Thế thì tất cả đều vô đắc ư?

Đáp rằng :

Chẳng phải.

Nghĩa nầy như thế nào?

Đáp rằng :

"Vô sở đắc nên gọi là đắc vậy".

Cho nên, đắc "vô sở đắc", "Vô sở đắc" gọi là đắc, vậy thì ai chẳng phải như thế? Do đó huyền đạo ở nơi tuyệt xứ (vô sở trụ) nên chẳng đắc mà đắc, diệu trí tồn bên ngoài vật nên chẳng tri mà tri; đại tượng (là nhất chân pháp giới) ẩn nơi vô hình nên chẳng thấy mà thấy, đại âm (là âm thanh tịch diệt trùm khắp) giấu nơi hy thanh (âm thanh siêu việt sự nghe) nên chẳng nghe mà nghe. Cho nên thể tánh của Niết Bàn quảng bác mênh mông, bao gồm cổ kim, dẫn dắt chúng sanh đến tuyệt đối, giáo hóa chúng sanh khắp mọi nơi, tuy xa mà không thiếu sót, đâu có gì chẳng do đây mà kiến lập!

Nên Phạn Chí nói : "Ta nghe Phật đạo ý nghĩa rộng lớn thâm sâu, mênh mông chẳng có bờ bến, chẳng không thành tựu vạn pháp, chẳng không hóa độ chúng sanh". Nhờ đó mà đường lối của Tam Thừa được khai thác, đường lối chân ngụy được phân biệt, đạo của Hiền Thánh thường còn, ý chỉ của Vô Danh được hiển bày rõ ràng rồi vậy.

HẾT

Xem mục lục