Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

11. DUNG THÔNG KHÁC BIỆT

Vô Danh đáp :

Ở nơi đây là đây, lúc mê Niết Bàn tức là sanh tử; ở nơi kia là kia, lúc ngộ sanh tử tức là Niết Bàn. Cho nên kẻ đồng nơi đắc thì sự chứng đắc ba thừa cũng đồng đắc; kẻ đồng nơi thất thì sự mê hoặc lục đạo cũng đồng mê. Người vào nơi vô vi, người tức là vô vi, vô vi dù là một, đâu có trái với sự khác biệt.

Thí dụ như ba loài chim ra khỏi lưới, cùng vào nơi chẳng có tai họa; sự chẳng có tai họa dù là đồng mà chim thì mỗi loại khác nhau, chẳng thể vì chim mỗi loại khác nhau mà nói chỗ chẳng tai họa cũng khác; lại chẳng vì chỗ chẳng tai họa là một mà lại cho nhiều loại chim cũng là một.

Thế thì chim tức là chẳng tai họa, chẳng tai họa tức là chim; sự chẳng tai họa đâu có khác, chỉ do mỗi loại chim tự thành ra khác mà thôi.

Như thế chúng sanh Tam Thừa đều ra khỏi lồng vọng tưởng, đồng vào chỗ vô vi; vô vi dù là đồng mà mỗi thừa khác nhau, chẳng thể vì mỗi thừa khác nhau lại nói vô vi cũng khác, cũng chẳng thể vì vô vi là một mà nói Tam Thừa cũng là một. Thế thì người tức là vô vi, vô vi tức là người, vô vi đâu có khác, ấy là do người có ba loại, tự thành khác biệt mà thôi.

Cho nên chỗ chẳng tai họa dù là đồng mà vì con chim có lớn nhỏ thì sự bay có xa gần; vô vi tuy là một mà âm thầm chiếu soi có sâu cạn. Vậy vô vi tức là thừa, Thừa tức là vô vi, chẳng phải Thừa có khác với vô vi, vì chưa đến chỗ cùng tột của vô vi, nên mới có sự Tam Thừa khác nhau vậy.

12. CẬT VẤN NGHĨA TIỆM

Hữu danh vấn :

Tất cả đau khổ sanh ra đều do nơi vọng tưởng, vọng tưởng đã trừ thì tất cả đau khổ đều dứt. Nhị thừa chứng đắc tận trí, Bồ Tát chứng đắc vô sanh trí, lúc ấy vọng tưởng đều sạch, sự bó buộc vĩnh viễn tiêu trừ; bó buộc đã tiêu trừ thì chân tâm vô vi, tâm đã vô vi thì chánh lý chẳng mảy may chướng ngại.

Kinh nói : "Trí huệ của các Bậc thánh chẳng trái ngược với nhau, bất xuất bất sanh" (1). Cũng nói : "Đại đạo vô vi bình đẳng bất nhị". Đã nói bất nhị thì chẳng cho tâm có khác biệt; chẳng chứng thì thôi, nếu chứng thì phải cùng tột, mà lại nói "Sự chứng chưa được cùng tột". Ấy là chỗ tôi chưa hiểu được.

GHI CHÚ :

(1) Về bên nhân chẳng sanh khởi gọi là bất xuất, về bên duyên chẳng sanh khởi gọi là bất sanh, kỳ thật cả hai đều không. 

13. SÁNG TỎ NGHĨA TIỆM

Vô Danh đáp :

Vô vi bất nhị thì đã đành rồi, nhưng tập khí phiền não, nhiều lớp mê hoặc từ lâu nay, mà muốn ngay đó liền dứt sạch, lời ông nói tôi cũng chưa hiểu.

Kinh nói : "Ba mũi tên trúng hồng tâm, ba con thú qua sông, nước sông chẳng khác". Con thỏ thì nhảy trên mặt nước mà qua sông; con ngựa thì hoặc là chạm đáy sông, hoặc là không chạm đáy sông; con hương tượng thì lúc nào cũng chạm đáy sông; mà có sự khác nhau của sâu và cạn ấy là do sức lực chẳng đồng vậy.

Vạn vật tuy nhiều, nhưng mỗi loại đều có sự hạn chế về số lượng. Giả sử trí huệ như Xá Lợi Phất, biện tài như Di Lặc, dùng hết tài năng trí huệ biện tài cũng chẳng soi thấu những số lượng ấy, huống là cõi nhiệm mầu trống rỗng chẳng có số lượng!

Cái đạo thể Niết Bàn chẳng có bờ bến mà muốn cho người Tam Thừa liền đến cùng cực ư? Tỉ như biển lớn không bờ mà thuyền chèo có số dặm, hư không trống rỗng mà bay liệng có xa gần. Người Tam Thừa đối với đạo thể của Niết Bàn thì cũng như thế.

Lão Tử nói :"Sự học thì ngày càng thêm, đường đạo thì ngày càng bớt". Kẻ đi đường đạo là vào cõi vô vi, vào cõi vô vi mà nói ngày càng bớt, sự ấy đâu phải cho là thình lình đắc được? Cần phải bớt rồi lại bớt nữa, cho đến chẳng còn có gì để bớt nữa mới thôi.

Trong kinh có thí dụ về đom đóm và mặt trời; trí huệ của Nhị Thừa giống như đom đóm, chẳng dám khởi niệm chiếu khắp Nam Thiệm Bộ Châu; trí huệ của Bồ Tát giống như mặt trời, chiếu khắp Nam Thiệm Bộ Châu, thế thì được biết trí huệ dụng ra có sai biệt rồi.

Xem mục lục