NGÃ KHÔNG VÀ PHÁP KHÔNG
Khi giáo Thuyết về tính kham nhẫn này được lồng vào cú pháp triết lý, nó là thuyết vô ngã (Abãtman) mà một khi được khai triển ra nữa, thì trở thành thuyết Tánh Không (sũnyãta). Như tôi đã từng cắt nghĩa, chủ trương không có bản thể tự hữu không phải là hư vô luận như các học giả phi Phật giáo tưởng; vì sự từ chối bản ngã này vẫn luôn luôn là những khẩu quyết của các nhà thần bí Thiên Chúa giáo.
Khi Thánh St. Bernard, dẫn chứng Isaiah X.15: “Cái rìu há lại khoe mình cũng người cầm rìu ư? Cái cưa há lại dấy nghịch cùng kẻ cầm cưa ư? Thế cũng như cái roi vận động kẻ giơ roi, cái gậy nâng đỡ cánh tay cầm gậy!”; ngài kết luận: “Sự thực, điều có thể làm vinh danh Chúa vốn đến từ Chúa” ; chúng ta há không thể rút ra một kết luận khác rằng: “Thượng đế trong tất cả và tất cả, không có bản ngã”? hay “ở nơi ngài mà chúng sinh tồn, vận động và hiện thể, và do đó mọi hiện hữu tương quan đều như là không (sũnya) và vô sinh (anutpanna)”? Nói theo luận lý, khi khai triển đề tài này, các nhà Phật học rất bộc trực, triệt để và quả quyết.
Tác giả Theologia Germanica nói: “Chúng ta phải hiểu nó như Thượng đế nói: “Ai muốn ở ngoài ta hay không theo ý ta, kẻ đó muốn chống lại ta; bởi vì ý của ta là không được có ý khác ta, không có ý nào ngoài ý ta. Cũng vậy, ngoài ta không có bản thể, không có sinh tồn, không có cái này, không có cái kia; cũng không có ý chí nào ở ngoài ta, và không “do ta”.
Diễn dịch đoạn trên ra ngôn ngữ của tâm lý học Phật giáo thì đấy là: “không nơi nào ta là cái gì vì một ai, vì không nơi nào có cái gì của một ai vì ta” Hoặc giả, Thanh tịnh đạo luận (Visuddhi Magga) (Ch.XVI).
Chỉ có sự khổ, không có người thọ khổ;
Không có tác giả, duy chỉ có tác nghiệp
Có Niết bàn, nhưng không có người tìm Niết bàn
Có Thánh Đạo, nhưng không có hành giả.
Chúng ta phải nhớ rằng thuyết Vô ngã của Phật không phải là hậu quả của phân tích tâm lý mà là một phát biểu của trực giác tôn giáo trong đó không có suy lý nào được dùng đến. Bằng tri kiến trực tiếp, kinh nghiệm của đạo Phật khám phá ra rằng khi trái tim của người ta đã rửa sạch những ô nhiễm của những tham dục do ngã ái, ở đây không còn để lại một tàn tích nào đáng gọi là tự ngã. Chính nền triết học của đạo Phật tạo ra lý thuyết này, nhưng chính nghiêm của đạo Phật cung cấp cho nó các sự kiện. Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ chân lý này, rằng tôn giáo trước hết bắt đầu với kinh nghiệm và sau đó mới triết lý và do đó, phê bình triết học phải dựa trên nhưng sự kiện chứ không dựa trên triết lý như đã được quy định. Thuyết Tánh Không (sunyatà) cũng là một phát biểu về trực giác tôn giáo, nó không phải là một công thức trừu tượng về ý tưởng không hư. Nếu là không hư, nó không bao giờ có thể là một khái niệm căn bản của tất cả các tông phái Đại thừa Phật giáo, và có một ảnh hưởng khích lệ lớn lao đối với đạo tâm của các môn đệ của nó. Chủ đề này đã được trình bày khá đầy đủ trong quyển Khảo Cứu kinh Lăng già của tôi và tôi sẽ không lặp lại ở đây, mà chỉ nói rằng Tánh Không, thường được dịch là không hư, mà theo văn nghĩa, không nên giải thích bằng nhưng từ ngữ của tri thức tương đối và phân tích luận lý; nhưng nó là sự diễn tả cái trực kiến nhìn thẳng vào bản chất của hiện hữu. Bất cứ nền triết lý nào quy tụ quanh đây đều là thêm thắt về sau và là tác phẩm của các học giả Phật giáo.