Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Luận Sáu

II. NÓI NGHỊCH

Chúng ta đều biết các nhà huyền học thích dùng lối nói nghịch để phô diễn cái thấy riêng. Chẳng hạn như nhà huyền học Công giáo có thể nói như thế này: “Chúa là thật, nhưng Chúa không là gì hết, Chúa là hư không vô biên; Chúa có mà không có. Nước của Chúa khách quan hiện hữu ở ngoài và đồng thời cũng ở trong tôi. Tôi là địa ngục là cũng là thiên đàng”. Một thí dụ khác: Eckhart nói đến “cái hắc ám thánh kinh” hoặc “cái động ngưng đứng”. Tôi tin rằng lược qua phần văn học bí giáo, ta có thể lượm lặt đủ câu đàm huyền luận diệu thành một pho hợp tuyển phi lý nghịch đề.

Thiền vẫn nằm trong công lệ ấy, có khác là ở cách diễn đạt chân lý, Thiền có cái gì kỳ đặc của Thiền. Cái gì ấy là sắc thái cụ thể và sinh động trong lối nói. Thiền không chịu nổi cái trừu tượng. Xin đưa vài thí dụ.

Phó đại sĩ[4]nói :

Tay không: nắm cán mai

空 手 把 鋤 頭 

Đi bộ: lưng trâu ngồi

步 行 騎 水 牛 

Theo cầu qua bến nước

人 從 橋 上 過 

Cầu trôi nước chẳng trôi

橋 流 水 不 流 

Thật là phi lý không gì hơn, nhưng cái phi lý ấy lại tràn ngập trong Thiền. “Hoa không đỏ, liễu không xanh”, đó là một câu nói đầu miệng trong đạo Thiền, thuộc thể phủ định, và được coi như tương đương với thể khẳng định này :

Hoa thì đỏ, liễu thì xanh. Đặt theo hình thức luận lý học, câu ấy sẽ là thế này: “A vừa là A vừa chẳng phải là A” Nếu vậy, tôi là tôi, mà ông cũng là tôi. Triết học Ấn Độ gọi thế là tat tvam asi, “ông là cái kia”. Nếu vậy thì thiên đường tức địa ngục, và Thiên Chúa tức Sa Tăn.

Với người Công giáo mộ đạo, thật không gì chói tai hơn là Thiền? Ai đời Cam uống rượu mà Quít say! Ấy thế mà ông Duy Ma, con người im lặng như sấm sét ấy[5], lại tâm sự rằng ông bịnh vì chúng sanh bệnh. Quả thật tất cả những tâm hồn chí thánh chí thiện đều thân thiết mang trong người cái Đại Nghịch Lý của vũ trụ vậy. Nhưng tôi đi xa đề quá rồi. Điều tôi muốn nói là, trong lối nói nghịch, Thiền dám cụ thể một cách táo bạo hơn những đạo giáo huyền học khác. Thật vậy, những câu nói của các phái này thường chỉ lẩn quẩn quanh nhân sinh, hoặc Chúa, hoặc vũ trụ, còn Thiền mang luôn cái điên đảo thị phi vào cả trong tình tiết sinh sống thường tục hằng ngày. Thiền không ngại thờ ơ chối bỏ tất cả những gì thân thiết nhất trong kinh nghiệm của chúng ta. “Tôi đang viết đây mà chưa hề viết một chữ; có lẽ ông đang đọc đấy, nhưng trong đời không có ai đọc hết. Tôi điếc tôi mù, nhưng tôi thấy đủ thứ sắc màu, phân biệt đủ tiếng động”. Cứ thế, các Thiền sư tiếp tục mãi, không cùng.

Ba Tiêu, một Thiền sư Cao Ly vào thế kỷ thứ chín, có lần nói một bài pháp nổi tiếng như vầy:

Ông có một cây gậy, tôi cho ông một cây gậy.

 爾 有 挂 枝 孑 我 與 爾 挂 枝 孑 

Ông không có cây gậy nào, tôi đoạt mất của ông cây gậy

 爾 無 挂 枝 孑 我 奪 爾 挂 枝 孑 

Có người hỏi Triệu Châu lão nhân, vị cao tăng ta được biết qua nhiều lần, ví có người nghèo đến xin, Sư lấy gì cho. Châu đáp :

“Ông ta thiếu gì đâu?”

不 缺 少? 

Lần khác, cũng về câu hỏi nghèo, một Thiền sư đáp :

“Giữ chặt lấy nó!”

Sau đây là lời đáp có vẻ an ủi hơn của Nam Viện Huệ Ngung ( -952)  cho một ông tăng cùng khốn:

“Chú nắm trong tay thiếu gì châu báu”. 

Nghèo là một vấn đề vô cùng quan trọng trong việc hành đạo - không phải chỉ nghèo về vật chất mà cả theo nghĩa tâm linh. Sự nghiêm trì giới luật phải đặt trên một căn bản thâm diệu hơn là điều chế dục vọng, dứt tham cầu, phải là một cái gì vừa thiết thực, vừa “cao đạo”. Câu nói: “nghèo ở tâm hồn” của Eckhart, dầu bên Công giáo muốn hiểu thế nào, vẫn là một câu nói đầy ý nghĩa cho hàng Phật tử, nhất là cho giới tu Thiền.

Thầy Thanh Thoát đến bạch với Tào Sơn Bổn Tịch (840- 901), một đại sư thuộc ngành Thiền Tào Động ở Trung Hoa:

“Thanh Thoát con nghèo khó côi cút, xin hòa thượng chẩn tế”.

Sư gọi: - Thanh Thoát !

- Dạ !

Sư nói: “Ở quán rượu Bạch Gia Thanh Nguyên[6], thầy nốc hết ba chung sao còn nói rượu chưa dính môi?”. 

Một khía cạnh khác của cái nghèo được sư Hương Nghiêm phô diễn trong bài kệ như sau:

Khứ niên bần vị thị bần

Kim niên bần thỉ thị bần

Khứ niên vô trác chùy chi địa

Kim niên chùy giã vô[7] 

Lần khác, một ông tăng hỏi Triệu Châu lão nhân ví có người đến với sư trần trụi, không gì dính thân hết, Sư sẽ bảo họ thế nào, Sư đáp :

“Vứt hết đi!”.

 放 下 來! 

Nhưng thử hỏi người trần trụi, không gì dính thân hết, thì lấy gì mà vứt ? Còn với người nghèo khó, há có thể nói tự nơi anh ta anh chẳng thiếu gì hết sao? Anh ta há chẳng đang cần gì đến đây sao? Dầu những lời đáp trên có cao kiến thế nào, những nghịch lý ấy vẫn khiến ta sửng sốt, làm xáo trộn hết những nếp tư tưởng hợp lý quen thuộc của ta. Câu nói: 

“Nếu là người thấu đạt nên bắt lấy bò của dân cày, đoạt lấy cơm của kẻ đói” (Viên Ngộ) 

若 是 本 分 人 須 是 有 驅 耕 夫 之 牛 奪 飢 人 之 食 底 手       腳 

là một khẩu đầu ngữ quen thuộc của các Thiền sư, các ngài nghĩ rằng có như vậy ta mới có thể cày sâu hơn, cuốc bẫm hơn miếng ruộng tâm của ta, và lấp đầy linh hồn ta đói khát chân lý.

Người ta kể rằng có người đặt cho ông Okubo Shibun, một họa sĩ xuất thần vẽ trúc: làm một tấm bình phong rừng trúc. Họa sĩ nhận lời, và đem hết ngón tuyệt kỹ tạo thành một bức tranh trong đó trúc toàn một màu đỏ hoe. Khách hàng nhận được tranh trầm trồ mãi tài khéo phi thường của họa sĩ, tìm đến nhà họa sĩ để cảm ơn, nhưng thắc mắc ướm hỏi: “Xin lỗi tiên sinh, sao trúc đỏ như vậy?” Họa sĩ hỏi :

- Ấy ông muốn nó màu gì?

- Cố nhiên là màu đen.

Họa sĩ hỏi bâng quơ : “Có ai thấy lá trúc đen bao giờ không nhỉ ?”.

Khi ta trót quen nhìn sự vật một cách nào đó, rất khó cho ta đổi ý, và bắt đầu lại theo một đường lối khác. Màu trúc có lẽ chẳng phải đỏ, chẳng phải đen, chẳng phải màu vàng tím gì gì hết như ta tưởng. Có lẽ nó đỏ thật đấy, có lẽ nó đen cũng nên. Ai biết? Và biết đâu những điều ta tưởng là nghịch ấy rốt cùng chẳng gì là nghịch hết ?


III. NÓI VUỢT QUA

Ở đây hình thức phô diễn của Thiền là phủ nhận và vượt qua tất cả thế đối lập, tương đương phần nào với cái via negativa của các nhà huyền học. Điều quan hệ, theo lời chư sư, là đừng kẹt vào bất cứ mệnh đề nào trong bốn mệnh đề sau đây gọi là tứ cú[8].Tứ cú là :

1. A là A.

2. A không là A.

3. A vừa là A vừa không là A

4. A không là A mà cũng chẳng không là A.

Hễ có phủ nhận hoặc chấp nhận là chắc chắn ta rơi vào một trong nhưng công thức luận lý ấy của phép biện chứng Ấn Độ; hễ trí óc còn theo con đường mòn nhị nguyên ấy thì hậu quả đó đành là không tránh được. Vì bổn thể của lý luận là vậy nên, dĩ nhiên ta không thể phát biểu gì khác hơn thế được. Nhưng Thiền cho rằng chỉ khi nào ta không khẳng định cũng chẳng phủ định mới đạt lý. Hẳn nhiên đó là thế kẹt hai đầu, nhưng đó lại là chỗ các Thiền sư luôn luôn thúc giục ta phải vượt qua. Thử coi các ngài thoát ra bằng cách nào.

Theo Vân Môn (? - 949):

Tông môn tôi (Thiền) ngang dọc tự do, nắm bỏ tùy lúc.

Một ông tăng hỏi :

- Thế nào là bỏ?

- Đông đi Xuân lại.

Khi Đông đi Xuân lại thì như thế nào?

Sư đáp: “Gậy vát ngang vai, Đông Tây Nam Bắc, mặc tình đập vào gốc mục[9]”

Đó là con đường đạt tới tự do của một đại sư Trung Hoa. Và đây, một con đường khác. Thường các sư cầm một cây thước ngắn gọi là trúc bề, nhất là ở thời cổ bên Trung Hoa. Tuy nhiên, bất tất phải có cây trúc bề, miễn có gì cầm tay là nên chuyện.

Vậy, hoà thượng Thủ Sơn (926 - 992) một cao tăng ở thế kỷ thứ mười, ngày kia giơ cao cây trúc bề bảo đồ chúng :

Này quý ông, nếu bảo cái này là cây gậy tức khẳng định, nếu bảo chẳng phải là cây gậy tức phủ định; ngoài khẳng định và phủ định, nói đi, nói đi: gọi là cái gì ? 汝 等 諸 人, 菩 喚 作 竹 篦, 則 觸 不 喚 作 竹 篦 則 肯;  汝 等 諸 人, 且 道 喚 作 其 麼? 

Đó là Thủ Sơn cốt giữ đầu óc chúng ta thoát ngoài nhưng ràng buộc nhị nguyên và triết lý hư tưởng. Lúc ấy có một ông tăng bước đến, nắm cây gậy trúc bề ở tay hòa thượng và ném xuống đất. Đó là câu trả lời chăng? Đó là thủ đoạn đáp lại lời thúc giục “nói đi” của Sư chăng ? Đó là con đường thoát ngoài bốn mệnh đề của “tứ cứ”, siêu lên nếp tư tưởng luận lý chăng? Tóm lại, con đường tự do giải thoát là vậy chăng? Trong Thiền không có gì là khuôn là nếp hết, mỗi người tùy tiện giải quyết nỗi khó khăn riêng mỗi cách khác nhau. Đó là chỗ độc đáo của Thiền, đầy sinh khí sáng tạo.

Cùng ý niệm ấy, Thiền Sư Vân Môn (? - 949) có lần giơ gậy lên nói :

“Cái gì đây?” Nếu nói là cây gậy, ông đoạ ngay địa ngục; nếu chẳng phái là cây gậy thì là gì?”

Thủ đoạn của Thiền sư Pi Mo (?) có khác hơn. Ông mang một cây chĩa, hễ ai đến hỏi han gì là Sư kẹp chĩa ngay ót, và hét to :

“Con ma nào xúi ông làm thầy chùa không nhà? Con  ma nào xui ông đi ăn xin? Dầu nói được hay không nói được phen này nhất định ông phải chết dưới cây chĩa của bổn hòa thượng. Nói đi, mau lên!”.

Thiền sư Đức Sơn (779-865) cũng thường sử dụng cây trụ trượng nhằm mục đích ấy. Sư thường bảo đồ chúng :

Nói được, ba chục hèo

道 得 也 三 十 棒 

Nói không được, ba chục hèo

道 不 得 也 三 十 棒

Hai nhóm tăng trong chùa tranh nhau con mèo con, hòa thượng Nam Tuyền (749-835) ra thấy, nắm lấy con mèo giơ lên cao, bảo: nói được thì mèo sống, nói không được ta giết chết con mèo”.

Nói được (đạo đắc) có nghĩa là nói một câu vượt qua cả phủ nhận và khẳng nhận, nói một câu cùng tuyệt (tối sơ nhất cú) như ta đã thấy trong câu chuyện có người hỏi “Triệu Châu nhất cú là gì?” Không ai đáp, và Nam Tuyền giết chết con vật khốn nạn. Nam Tuyền dường như quá nhẫn tâm, nhưng quan điểm của Sư có thể là vầy: Nói “có” là kẹt ở cái thế hai đầu. Nói “không” cũng kẹt như nhau. Muốn đạt chân  lý cần nhất phải tránh thái độ nhị nguyên đối đãi ấy. Làm sao tránh? Nếu ống không thoát khỏi ngõ cụt ấy thì không những con mèo mất mạng, mà cả chính mạng ông, và cả linh hồn nữa, cũng mất nốt. Do đó có thủ đoạn cực đoan của Nam Tuyền.

Chiều đó, Triệu Châu về chùa, sư phụ kể lại câu chuyện ban ngày. Châu bèn cởi ra một chiếc giầy cỏ, đội lên đầu, rồi ung dung đi ra. Nam Tuyền nói: “Tiếc thay hồi sáng không có thầy ở chùa để cứu mạng con mèo con”. Hành động quái dị ấy, với Triệu Châu, là thượng sách xác lập chân lý siêu việt lên cá cái “có” (sat) và cái “không”(asat).

Ngưỡng Sơn (804-899) và sư phụ là Quy Sơn (771- 853) đều thuộc hàng cao tăng ở đời nhà Đường. Thuở ấy Ngưỡng Sơn đang trụ trì ở núi Đông Bình, quận Thiên Châu, Quy Sơn gởi đến cho học trò một tấm gương kèm theo một phong thư. Ngưỡng Sơn đưa gương lên trước đồ cúng bảo:

“Quy Sơn gởi tôi tấm gương. Nói thử coi, gương của Quy Sơn hay gương của Ngưỡng Sơn? Nếu của Quy Sơn sao nằm trong tay Ngưỡng Sơn? Nếu của Ngưỡng Sơn, sao do Quy Sơn gởi đến? Hễ nói được thì gương còn, không nói được ta sẽ đập nát”.

Ngưỡng Sơn lặp lại ba lần, nhưng không ai nói năng gì và tấm gương bị đập nát.

Trường hợp Ngưỡng Sơn đập gương này hệt như trường hợp Nam Tuyền giết mèo trên. Trong hai trường hợp, đồ chúng không cứu nổi mạng sống con mèo, không bảo vệ được tấm gương quý, chỉ vì tâm chưa cởi bỏ được nếp trí thức nên không mở được một lối thoát giữa mê đồ do hai sư phụ Nam Tuyền và Ngưỡng Sơn chủ tâm gài vào. Phương pháp tu tập các Thiền sư luyện cho môn đồ dường như hoàn toàn vô lý vậy, mà còn tàn nhẫn vô lối nữa. Nhưng nhãn quang các ngài luôn luôn đặt ở thực tại, tuy tuyệt đối mà vẫn có thể đạt tới được ở thế giới tương đối dị biệt này. Nếu chứng được chân lý ấy thì sá gì một bảo vật hay một con thú phải hy sinh? Phục hồi lại linh hồn há chẳng quan trọng gấp bội hơn cả cái khổ mất nước sao?

Hương Nghiêm, đệ tử của Quy Sơn ta vừa biết trên, có lần nói trong một bài pháp :

Ví như có người lơ lửng trên miệng vực sâu muôn trượng, răng cắn vào một cành cây, chân thõng giữa hư không, hai tay không níu vào đâu được. Vì lúc ấy có người qua đấy hỏi vọng lên: “Tổ Đạt Ma qua Tàu có ý nghĩa gì?”. Nếu người trên cây mở miệng trả lời thì rơi mất mạng trong vực sâu. Nếu không trả lời thì phụ lòng người hỏi. Trong phút giây nguy kịch khó xử ấy, người ấy phải làm sao?

Đó là tác giả đặt vấn đề phủ nhận tất cả đối thể một cách bức bách không sao né tránh được. Người bị treo trên miệng vực là người kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa cái chết và cái sống, không còn biện luận gì được để thối thác. Con mèo có thể bị hy sinh trên bàn thờ Thiền, tấm gương có thể bị đập nát, nhưng còn mạng sống của chính mình, phải tính sao đây?

Tương truyền ở một tiền kiếp Phật nhảy vào miệng quỷ la sát, đổi mạng sống để được nghe trọn bài kệ chánh pháp[10]

Thiền, cốt thực tế, muốn ta phát tâm đại hùng đại lực và cao rộng như vậy, dám thí mạng sống nhị nguyên đổi lấy giác ngộ và yên vui vĩnh viễn. Vì Thiền nói cánh cửa chỉ mở ra khi hùng tâm ấy phát hiện.

Cái có (asti) và cái không (nasti) của lý luận nhị nguyên thường được các Thiền sư diễn bằng những chữ đối đãi thông thường như sát (giết chết) và hoạt (cho sống), đoạt (cướp lấy) và dữ (ban cho), xúc (khẳng định) và bối (phủ định) v.v...

Thiền sư Vân Môn (? - 949) ngày kia thượng đường giơ cao cây gậy, nói :

Toàn thể núi sông thế giới đều nằm trong cây trụ trượng này cho sống hoặc giết chết.

Một ông tăng bước ra hỏi :

- Thế nào là giết ?

- Nó đang chết.

- Thế nào là cho sống ?

- Ông nên làm chủ.

- Khi không giết chết, không cho sống, thì thế nào?

Vân Môn đứng dậy, đọc:

“Ma ha bát nhã ba la mật đa”

“Tối sơ nhất cú” là vậy.

Đó là tổng đề của Vân Môn, cụ thể hòa đồng cả chính đề và phản đề. Đó là lối thoát ngoài “tứ cú” không dùng vào đâu được nữa.

Xem mục lục