II THANH ĐẠM VÀ THANH BẦN
Thiền đường, theo kiểu thông dụng ở Nhật, là một cơ sở hình chữ nhật kích thước thay đổi tùy tăng số tham dự.
Chẳng hạn như ở Chùa Viên Giác[2],tại Khiêm Thương, Thiền đường dài độ 65 bộ Anh và ngang 36. Hai dãy sàn, ngang độ 8 bộ, và cơi cao lên 3 bộ, chạy dài suốt hai bên, còn ở giữa theo thì để trống trơn. Đó là khoảng trống dành cho khóa lễ gọi là kinh hành. Giới han dành cho mỗi tăng sĩ trên sàn nhà không quá diện tích của một chiếc chiếu 3 bộ trên 6, trong khoảng ấy họ nằm ngồi, tham thiền, và ngủ luôn ban đêm. Đồ nằm của một vị tăng chỉ vỏn vẹn là một chăn bông lớn nhồi gòn, đông cũng như hè, ít khi họ có gối, đêm muốn gối đầu phải tạm dùng những vật sở hữu tùy thân. Vật sở hữu của người xuất gia thật ra gần như không có gì hết: một áo cà sa, một áo tràng (tăng già lê), vài cuốn sách, một lưỡi dao cạo và vài cái chén, tất cả xếp gọn trong một cái dãy cao chừng 13 tấc Anh, dài 10 và rộng 3,5 .. đi đâu cũng mang theo mình, buộc vào một sợi dây đai choàng qua cổ. “Vật chẳng lìa thân” vậy. “Một y một bát, dưới cội cây, trên tảng đá”, đại khái đó là sinh hoạt của hàng xuất gia Ấn Độ. So theo đó thì Thiền tăng ngày nay có thể nói là được cấp dưỡng sung túc hơn. Dầu vậy, nhu cầu của họ vẫn được tiết giảm đến mức tối thiểu; khuôn theo mức sống ấy của các Thiền tăng, thiết tưởng không ai có thể sống đạm bạc hơn được, nếu không nói thế là đạm bạc nhất.
Phật giáo coi sự ham muốn của cải là một đam mê tai hại nhất luôn luôn quấy nhiễu người đời. Thật vậy, nguyên nhân gây ra bao khổ ải trong thế gian này chẳng qua chỉ là mãnh lực ham chiếm hữu. Vì thèm muốn thế lực nên người mạnh luôn luôn áp chế người yếu. Vì khao khát của cải nên người giàu người nghèo luôn luôn căm hờn tuốt kiếm sát phạt nhau.
Chiến tranh thế giới còn bạo diễn, xã hội còn bị quấy động liên miên một khi khát vọng muốn có riêng, muốn giữ riêng, chưa được xả trừ tận gốc. Xã hội không thể tổ chức lại trên một căn bản hoàn toàn khác hơn căn bản quen thuộc với ta tự thuở sơ khai của lịch sử sao? Ta không mong gì chận đứng được nếp sống tích trữ tài sản, và sử dụng quyền thế, nung đốt lên bởi tham vọng phóng đại cá nhân ta, hoặc quốc gia ta sao?
Không mong gì được ở sự đời vô nghĩa lý, các Thiền tăng đi đến chỗ cực đoan khác, chặt đứt cả đến những thú vui hợp lý và hết sức vô tội. Dầu sao, lý tưởng Thiền thu gọn tất cả giang sơn trong một tay nải cỏn con diện tích chỉ hơn một bộ vuông, và cao ba tấc Anh, vẫn là một lời phản kháng câm lặng, và mãi mãi vô hiệu, đối với trật tự hiện đại của xã hội.
Trong khái niệm ấy, ta nên đọc lời cảnh tỉnh sau đây của quốc sư Đại Đăng[3]để lại cho muôn đồ. Quốc sư là tổ khai sơn chùa Đại Đức ở Kyoto trong năm 1326. Tương truyền Sư bỏ một phần ba cuộc đời, tương đối khá ngắn, sống chung với hạ tầng xã hội dưới gầm cầu Gojo, đi ăn xin, làm mọi công việc hèn, và được những người gọi là thượng lưu chiếu cố bằng một cái nhìn miệt thị. Sư không bao giờ quan tâm đến cảnh sống lộng lẫy, đầy phú quý và vinh hoa, của phần lớn chư sư đương thời hưởng thụ trong các chùa chiền; mà Sư cũng lơ là nốt với những đạo hạnh và công quả rình rang của họ chỉ làm bật nổi thêm cái giả dối của hạnh xuất gia. Với Sư, phải một nếp sống đạm bạc nhất, phải một tâm niệm thanh cao nhất. Lời cảnh tỉnh của quốc sư như sau:
“Này tăng chúng, các ông vân tập đến chùa núi này nên nhớ là để cầu pháp, chẳng phải cầu cơm ăn, áo mặc. Đành rằng có thân phải mặc, có miệng phải ăn. Nhưng các ông cần luôn luôn ghi nhớ, suốt ngày mười hai giờ, là phải chuyên tâm đạt tới cái pháp không thể nghĩ bàn. Thời giờ qua như tên bắn; đừng bao giờ động tâm trìu mến việc thế gian. Phải luôn luôn, luôn luôn cảnh giác. Sau khi tôi hóa rồi, có thể lắm trong hàng tăng chúng quý ông hôm nay có vị sẽ có chùa cao viện lớn, phấn chấn khác thường, với những tháp cao, phòng rộng, kinh sách sơn son thiếp vàng, và vô số bổn đạo chen chúc vang rân; cũng có những vị khác suốt ngày tụng kinh, trì chú, trường kỳ ngồi tịnh mãi không ngủ; có vị ngày chỉ một bữa ăn, giữ đúng vai giới, ngày đêm sáu giờ chuyên làm công quả.
“Dầu kiên trì như vậy, nhưng nếu tâm niệm không trụ ở diệu pháp của chư Phật chư Tổ mầu nhiệm, không thể dạy truyền, thì vẫn chưa thấu rõ lý nhân duyên, và sẽ đưa đến họa sụp đổ toàn thể chánh pháp. Đó toàn là quyến thuộc của nhà ma; dầu tôi có lìa thế gian này bao lâu, họ vẫn không thể gọi là con cháu trong đạo của tôi được. Trái lại, dầu chỉ một người thôi, dầu sống hẻo lánh ở rừng núi, kết cỏ làm am, ăn rễ cây luộc trong nồi đất sứt mẻ, nếu người ấy nhất tâm quán tưởng đến chỗ cốt yếu của chính mình thì đó là người duy nhất hằng ngày thân thiết đối diện với tôi, và biết đáp đền ân nặng. Ai dám coi thường người ấy? Này tăng chúng, hãy tinh tiến, hãy tinh tiến”[4].
Ở Ấn Độ, không bao giờ chư sư ăn quá ngọ; mỗi ngày các ngài chỉ ăn một bữa, vì bữa điểm tâm sáng không thể kể là một bửa ăn theo lối điểm tâm của người Anh người Mỹ. Cũng vậy, các Thiền tăng kể như không dùng buổi chiều. Tuy nhiên, vì sự đòi hỏi tự nhiên của phong thổ Trung Hoa và Nhật Bổn, nên buổi chiều họ ăn qua loa gọi là lót dạ, nhưng để trấn an lương tâm, họ gọi đó là món ăn thuốc: dược thực. Còn bữa điểm tâm thì họ dùng rất sớm, khi trời còn tối mò, và chỉ gồm có chao và dưa cà muối mặn.
Bữa ăn chánh, ăn trước ngọ, vào lối 10 giờ, gồm có cơm (hoặc cơm trộn lúa mạch) canh rau và cà dưa muối tương. Buổi chiều, vào khoảng bốn giờ, họ dùng nhưng gì còn lại của bửa cơm trưa, vì không nấu nướng riêng. Trừ khi chư tăng được mời đi thọ trai ở ngoài, hoặc được hàng thiện tín phát tâm cúng dường rộng rãi hơn, thường ngày các bữa ăn chư sư tăng chỉ có vậy, như tôi vừa tả. Nghèo và đạm bạc là phương châm của họ vậy.
Dầu vậy, khổ hạnh vẫn không phải là lý tưởng Thiền. Xét đến chỗ tâm yếu thì Thiền chẳng phải là khổ hạnh, mà cũng không phải là nề nếp đạo đức nào hết. Nếu Thiền dường như cao xướng phép xả trừ hoặc buông bỏ, đó chỉ là hình thức; vì là một tôn phái Phật giáo Thiền vẫn nhiễm ít nhiều cảm giác ghê tởm của Phật giáo đối với giới luật Ấn Độ. Thật ra, tư tưởng trung tâm của sinh hoạt xuất gia là không hoang phí bất cứ gì, trái lại phải vận dụng bằng đuờng lối tốt đẹp nhất tất cả những gì nhận lãnh của bá tánh, và đó cũng là tinh thần của Phật giáo nói chung. Cũng vậy, tri thức, trí tưởng tượng và những quan năng tinh thần khác, cũng như mọi thứ vật chất quanh ta, kể luôn thể xác ta,..v..v tất cả những gì ta hướng được là để phát triển và khai phóng những nguồn tinh lực tối cao nằm ở trong ta như những thực thể tâm linh, chớ không phải để thỏa mãn những khát vọng và tánh ngông cuồng cá nhân khiến ta khó tránh xung đột và tổn thương đến quyền lợi của người khác. Đại khái cái nghèo và cái đạm bạc của nếp sống tăng đoàn tại các tòng lâm tự viện là vậy.