Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Luận Bảy

THIỀN ĐƯỜNG VÀ THANH QUY


I. CẦN LAO VÀ TINH THẦN BÁCH TRUỢNG

Để có một ý niệm về tinh thần thực tiễn và giới luận Thiền, ta cần nghiên cứu cơ sở gọi là Thiền Đường. Đó là một hệ thống giáo dục riêng biệt hẳn cho Thiền Tông. Hầu hết chùa Thiền thuộc phái này đều có Thiền Đường, và hơn đâu hết, sinh hoạt của chư sư Thiền tại đây có gì mường tượng như tập đoàn Tăng Già Ấn Độ. Tổ chức ấy do một Thiền sư Trung Hoa là Bách Trượng (72-814) dựng lên trên ngàn năm nay. Trước đó, các nhà tu Thiền sinh hoạt trong chùa của phái Luật Tông, và vâng theo những giới luật lệch lạc hẳn với tinh thần đạo Thiền. Nhưng rồi vì lẽ Thiền ngày càng hưng thịnh, và số người tu Thiền ngày càng lên cao, về nhân số cũng như về ảnh hưởng, nên cần dựng lên một cơ sở riêng thích hợp hơn để có thể hướng thẳng đến mục đích. Theo Bách Trượng, Thiền viện không thuộc Tiểu Thừa giới cũng không thuộc Đại Thừa giới, mà phải kết hợp cả hai hệ thống giới luật theo một tinh thần tân kỳ độc đáo thuận tiện nhất để thành tựu những lý tưởng Thiền đúng như sự tâm chứng của chư tổ ngày trước.

Nguyên tác bộ tăng luật hoặc thanh quy do Bách Trượng soạn ra nhằm điều hành các Thiền viện nay đã thất lạc. Bộ luật thông dụng hiện nay mới được soạn lại ở triều đại nhà Nguyên nhằm theo sinh hoạt của các Thiền viện đương thời, nhưng vẫn được coi như thừa tiếp đúng truyền thống cũ với ít nhiều canh cải cố nhiên phải có vì nhu cầu lịch sử. Sách được soạn lại dưới sự bảo trợ của vị hoàng đế đương thời là Sùng Ninh (?) và có tên là Sắc tu Bách Trượng Thanh Quy, nghĩa là bộ giới luật Bách Trượng tu chỉnh lại theo sắc chỉ nhà vua để dùng ở các tòng lâm tự viện. Ở Nhật Bổn, cơ sở các Thiền viện không quá quy mô như ở Trung Hoa nên một phân giới luật quy định trong bộ luật không dùng đến. Dầu vậy, tinh thần vẫn được theo đúng, cũng như những nghi thức nào có thể áp dụng được vào sinh hoạt và phong thổ Nhật Bổn. Nói tóm lại, bất cứ đâu, người tu Thiền vẫn không xao lãng những lý tưởng của sinh hoạt Thiền vậy. Vậy, trước khi đi xa hơn, tôi xin giới thiệu qua một lý tưởng trong số ấy luôn luôn được đặt trước mắt người tu Thiền vì đó là điểm quan trọng nhất, đáng lưu ý nhất trong sinh hoạt tại các Thiền viện.

Thật vậy, đó là chỗ phân biệt Thiền với các tông phái Phật giáo khác hiện ở Trung Hoa; đó là yếu tố đặc trưng nhất của Thiền, mà cũng là nguồn sinh lực của dòng Thiền sử vô tận. Tôi muốn nói đến chủ trương chấp tác hoặc cần lao. Bách Trượng lưu lại một danh ngôn, mà cũng là tiêu chuẩn hướng dẫn trọn đời Ngài, mà chính đó cũng là tinh thần quán triệt của Thiền Đường. Đó là câu:

Một ngày không làm, một ngày không ăn

一日 不 作 一 日 不 食

Có lúc hàng đệ tử thấy ngài quá già nua không tiện để ngài giẫy cỏ tưới vườn, là công việc thường ngày của ngài, ngoài phần việc nói pháp dạy Thiền, chúng dấu hết cuốc xẻng, vì biết tánh ngài không bao giờ chịu nghe lời khuyên can của chúng. Ngài bèn nhịn ăn, nói: “Một ngày không làm, một ngày không ăn.”

Vậy, ở tất cả các Thiền Đường, cần lao là yếu tố huyết mạch trong sinh hoạt của giới Thiền môn tăng chúng. Luôn luôn đó là một việc làm rất thiết thực, nhất là làm bằng tay chân như quét dọn, lau chùi, làm bếp, hái củi, cày ruộng hoặc đi khất thực ở thôn xóm gần xa. Không một việc làm nào được coi là hạ phẩm giá tinh thần hòa hợp và dân chủ thật đã quán xuyến trọn vẹn sinh hoạt của tăng đoàn. Dầu công việc có khó nhọc hoặc hèn mạt đến mấy đối với thường tình, họ vẫn không trốn tránh, họ tin tưởng ở tác dụng thanh lọc của sự làm việc bằng tay chân; họ rộn rịp suốt ngày, bằng mọi cách; họ không thuộc hạng ăn không ngồi rồi như hàng khất sĩ Ấn Độ chẳng hạn, ít ra trên mặt hình thức.

Chủ trương đạo pháp hóa sự cần lao phản ảnh tinh thần thực tế của người Trung Hoa Trước, tôi có nói rằng Thiền là đạo giác ngộ thể hiện qua kiến giải Trung Hoa, quan niệm chấp tác của Thiền chưa đi vào kết luận của tôi, về tinh thần hoặc lý thuyết. Nhưng thực tế thì cần lao được gắn liền mật thiết vào sinh hoạt Thiền, không thể quan niệm cái nầy biệt lập với cái kia được. Ở Ấn Độ, chư sư đều là khất sĩ, đến hồi tĩnh tọa, họ lui về những chốn thanh tịnh hoang vu, xa cảnh phồn hoa; và bởi mọi nhu cầu đều được hàng thiện tín dâng cúng nên các ngài không thấy cần phải lao lực, khác với chư sư ở Trung Hoa và Nhật Bổn. Nhưng chính nhờ nâng lực cần lao lên hàng pháp hạnh nên Thiền tông khỏi sa đoạ trong môn thể thao tinh thần ấy gọi tắt là mặc tưởng, mà không ít thì nhiều các trường phái khác đều mắc phải. Ngoài giá trị tâm lý ấy, sự cần lao còn là phương tiện hữu hiệu giữ sức khỏe và khí lực cho Thiền Tông qua mọi giai đoạn xiển dương theo dòng lịch sử.

Dầu tính cách lịch sử của cần lao quan trọng như thế nào, Bách Trượng vẫn là một là một người rất am tường nhân tâm thế sự khi ngài đặt sự làm việc bằng tay chân làm tinh thần chủ động cho sinh hoạt tăng đoàn. Tiêu chuẩn “không làm không ăn” không thế tất được nêu lên vì nhu cầu kinh tế hoặc giá trị đạo đức. Lý do ấy cũng không phải chỉ ở chỗ “phải đổ mồ hôi ra đổi lấy miếng ăn”, dầu rằng cũng đáng gọi là một đức hạnh không ngồi mát nhận bát cơm. Vả, từ thời sơ khởi của Đạo Phật, đã có nhiều Phật tử cảm thấy xấu hổ sống nhờ vào của cúng của bổn đạo; nhưng chủ tâm của Bách Trượng, dầu rằng có thể ngài không ngờ đến, nặng về tâm lý hơn, dầu ngài công khai tuyên bố: “không làm không ăn”. Đó là ngài muốn tránh cho đồ chúng cái tệ ăn không ngồi rồi khiến tinh thần ngầy ngật, hoặc sự phát triển thiếu quân bình của tâm trí thường vì thói quen tu thiền tập định mà mắc phải.

Thật vậy, khi các bắp thịt không được luyện tập để chấp hành những chân lý của tâm và thân không được đem ra thử thách với thực tế, sự ly khai thường đưa đến những hậu quả tai hại. Vì lẽ triết lý Thiền cốt vượt qua mâu thuẫn giữa thân và tâm, hồn và xác, nên nói theo ngôn ngữ nhị nguyên luận, áp dụng Thiền vào thực tế tức khiến các giây thần kinh và bắp thịt luôn luôn sẵn sàng và tuyệt đối phục vụ cho hồn, chớ không thể, như thường tình, đổ thừa tại xác ươn hèn níu xuống nên hồn, dầu rất sẵn sàng, vẫn không vươn lên được. Dầu chân lý đạo của câu nói sau là thế nào thì trên mặt tâm lý đó vẫn do giữa tinh thần và các bắp thịt thiếu dòng mạch giao thông. Hễ đôi tay không được luyện quen để làm công việc của khối óc thì máu không lưu thông được khắp châu thân, bị ứ trệ ở đôi chỗ, nhất là ở bộ óc. Kết quả tự nhiên là không những cơ thể bị nhiễm bịnh mà tinh thần cũng bải hoải hôn trầm, khiến tư tưởng hiện đến nhưng cụm mây vất vưởng. Người ta mở mắt thật đấy nhưng tâm trí ám đầy mộng mị và hình ảnh man rợ nhất không mảy may liên hệ đến thực tế. Những mộng tưởng điên đảo ấy rất tai hại cho Thiền, và hành Thiền bằng hình thức mặc tưởng như vậy ắt rước những kẻ thù quỷ quyệt ấy vào mình. Bách Trượng chủ tâm đề cao sự làm việc bằng tay chân nhằm tránh cho Thiền khỏi rơi vào những tệ đoan bại hoại, cũng như những ảo giác của tâm thức.

Ngoài những xét đoán tâm lý ấy, ta không thể không chú ý đến lý do luân lý để có thể đánh giá đúng mức cao kiến của Bách Trượng đặt sự cần lao làm yếu tố chủ động của sinh hoạt Thiền. Vì giá trị của tư tưởng phải chịu qua một sự thử thách rốt ráo khi đem ứng dụng vào thực tế. Nếu thất bại, nghĩa là nếu tư tưởng không ứng dụng được vào cuộc sống hàng ngày đem đến hòa hợp và thỏa mãn và lợi lạc cho mọi người trong cuộc - cho chính mình cũng như cho người khác - thì không một tư tưởng nào đáng gọi là có giá trị và thực tiễn. Đành rằng thế lực vật chất không phải là thước đo giá trị của tư tưởng, tuy nhiên, dầu chặt chẽ, dầu hợp lý đến mấy, hễ không gắn liền được vào cuộc sống thì tư tưởng nào cũng là hư tưởng. Riêng trong Thiền, những tư tưởng trừu tượng không khiến ai tin quyết được trong sinh hoạt thực tế đều là hư tưởng. Muốn tin quyết phải thân chứng, không thể hư luận đàm được, thế nghĩa là sự tin quyết không có cơ bản vững chắc, xác thực, nếu tác động vào cuộc sống, nó không chứng tỏ hiệu năng. Cũng vậy, trong phạm vi đạo đức, đề quyết hay dẫn chứng cũng phải vượt lên và thoát ngoài tầm phê phán của lý trí, nghĩa là chân lý phải là kết quả sống của thể nghiệm cá nhân. “Mộng tưởng hoang đường không phải lẽ sự việc của chúng tôi”, đó là lời quyết đoán mạnh của các bậc hiền đức. Cố nhiên là các ngài vẫn ngồi tịnh, vẫn tọa thiền, cốt nghiệm lại những bài học được trong khi làm việc; nhưng vì không chịu nhai lại suốt ngày, họ đặt vào hành động mọi tư tưởng đến với họ trong khi trầm tư mặc tưởng; họ thử lại giá trị của tư tưởng trong miếng đất sống của thực tế vậy. Tôi tin quyết rằng nếu Thiền không đặt trọn tin tưởng vào sự trụi luyện tư tưởng trong hành động, tổ chức ấy hẳn đã chìm lỉm từ lâu trong các tư trào ngây ngất hôn mê, và tất cả kho tàng tư tưởng do chư sư ở Trung Hoa và Nhật Bổn dày công xây dựng hẳn đã bị mất bừa bãi như những đống rác hôi thúi.

Hẳn là vì những lý do trên hàng tu Thiền đánh giá cần lao ngang hàng với một lý tưởng đạo. Chắc rằng quan niệm ấy lớn mạnh được do tinh thần chuộng thực khéo léo của người Trung Hoa, tự đó đạo Thiền được tinh luyện và khai triển. Điều chắc chắn là nếu có một điểm nào đó các Thiền sư tha thiết đề cao nhất, coi như biểu hiện cụ thể nhất tâm đạo của các ngài, điểm ấy là phụng sự người đời, là giúp ích người khác, cố nhiên là giúp ích mà không cầu cạnh khoe khoang, chỉ âm thầm kín đáo không để cho ai biết. Eckhart nói: “Những gì ta có được trong khi im lặng trầm tư phát rải ra lượng tình thương”. Thiền có thể nhai lại “rải ra trong cần lao”, cần lao, ở đây, có nghĩa là cụ thể và tích cực thực hiện tình thương. Tauler nâng việc dệt vải quay tơ, đóng giày, và những việc làm bằng tay chân trong nhà như những ân trên của Thánh Linh; thầy Lawrence cho việc bếp núc là thánh lễ; George Herbert viết:

Who sweeps a room as to thy laws

Makes that and the action fine.

Quét nhà là vâng thánh ý

Làm cho công việc đẹp lên

Những câu nói trên toàn diễn đạt tinh thần của đạo Thiền ở sắc thái thiết thực. Vậy, các nhà huyền học đều là người thực tế, hoàn toàn khác xa với nhưng người sống bằng ảo giác, tâm hồn luôn trôi giạt ngoài thế gian, hoặc chìm đắm trong thế giới khác mà sao lãng hẳn với sinh hoạt hằng ngày. Quan niệm thông thường coi các nhà huyền học là người mơ mộng, vơ vẩn theo trăng sao, cần xét lại vậy, vì thiếu căn bản thiết thực. Hơn nữa, còn có sự kiện tâm lý này, là có một sự liên quan rất mật thiết, rất sâu đậm, giữa một tâm thái thực tiễn và một mẫu mực huyền học nào đó, không phải chỉ liên quan riêng ở mặt khái niệm hoặc siêu hình thôi. Nêu huyền học là xác thực thi những gì nó nhận là thực phải là cái thực tiễn, phải được nhận thức lại trong mỗi hành động của ta trong đời; nhất định không thể chỉ thực ở lý luận, chỉ đúng trong biện chứng. Ta đọc sau đây lời thơ của nhà Thiền Bàng Uẩn[1]:

Nhật dụng không gì khác

日 用 事 無 別

Mình ta ta hòa chung

唯 吾 自 偶 諧

Việc việc không nắm bỏ

頭 頭 非 取 捨

Nơi nơi chẳng trệ ngưng

處 處 勿 張 乘

Đỏ tía tai còn bảo

未 紫 誰 為 號

Đồi núi bặt bụi hồng

五 山 絕 點 埃

XÁCH NƯỚC LÀ DIỆU DỤNG

神 通 并 妙 用

BỬA CỦI ẤY THẦN THÔNG

運 水 及 般 柴

Xem mục lục