Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

LUẬN BA
TRỤ XỨ CỦA BỒ TÁT

10  
 

Hy vọng rằng, trong một giới hạn nào đó, chúng ta phác họa được chất nội tại và sự kết cẩu của Tháp Vairochana, trong lãnh vực kinh nghiệm cũng như từ quan điểm phân loại tri thức. Sau “Cái Gì” là đến “Từ Đâu” và “Về Đâu”. Nếu không có những thứ đó, con đường dẫn vào đời sống của chúng ta chưa phải là một con đường toàn vẹn. Bởi vậy, Thiện Tài, theo thói thường, sau khi thấy tất cả những kỳ diệu của ngôi Tháp, mới hỏi nó từ đâu đến và rồi đi về đâu. Bồ tát Di Lặc trả lời rằng nó đến từ Trí (Jnàna) và năng lực Gia trì (Adhisthana) của Bồ tát. Trí này là gì? Năng lực Gia trì này là gì? 

Jnàna là một từ ngữ khó phiên dịch, vì “Nhận thức” hay “Tri thức” không gói trọn ý nghĩa của nó. Nó là một sự thể khá căn bản. Là sự khẩn thiết thiên bẩm của con người, có để phân biệt; là khuynh hướng định sẵn của con người, nhắm tới óc nhị nguyên, từ đó phân tách thành chủ và khách, cái thấy và cái bị thấy; chính nó mà có thế giới của thiên sai vạn biệt. Bởi vậy khi nói rằng tất cả những phẩm vật trang nghiêm đến từ giữa lòng của Trí (Jnàna), nói thế chỉ có nghĩa rằng, thế giới tự khởi lên từ chính sự kết cấu của tâm ta, rằng nó là nội dung của ý thức chúng ta, rằng nó xuất hiện ở đó cùng lúc với sự móng khởi của tâm phân biệt, rằng nó đến và đi cũng mầu nhiệm như cái đi và đến của ý thức chúng ta. Thế thì, chớ có hỏi thế giới này từ đâu đến, và sẽ đi về đâu. Câu hỏi đó tự nó phát xuất từ chính cội nguồn của tất cả những cái mầu nhiệm và bất khả đắc, và hỏi về nó tức là đánh hỏng mất cứu cánh của nó. Câu trả lời chỉ có thể có khi nào chúng ta đứng ra ngoài những điều kiện hiện thế của mình. Nghĩa là, câu hỏi ấy chỉ được trả lời chừng nào không được hỏi tới. Cũng như lửa mà tự hỏi: “Ta là gì?” “Ta từ đâu đến?” “Ta đi về đâu?” “Tại sao ta cháy?”. Chừng nào lửa là lửa và vẫn cứ cháy, thì những câu hỏi đó không sao trả lời được, bởi vì là cháy, và phải cháy, chứ không phải để tư lự về mình; bởi vì, lúc nó tư lự, nó không còn là lửa; bởi vì biết ra mình là thôi còn là chính mình. Lửa không thể vượt lên những điều kiện riêng nó, và nó mà đặt những câu hỏi về nó là đang vượt qua những điều kiện của nó, như thế là tự phủ quyết. Câu trả lời mà có, chừng nào nó mâu thuẫn với chính nó. Vẫn còn đứng, tất không thể nhảy. Mâu thuẫn đó nằm ngay trong căn đế của tất cả những câu hỏi tri thức đối với nguồn gốc và số phận của cuộc đời. Vì vậy, ngài Di Lặc nói: na kvacidgato, nanugato, na rasibhuto, na samcayabhuto, na kutastho, na bhavastho, na desastho, na prade sasthah[23]. Người ta có thể nghĩ, không phủ định này không đưa đến đâu, và thói thường là thế, bởi vì giải đáp đích thực nằm ở nơi mà câu hỏi chưa hề bị hỏi tới.

Kể đến, chúng ta sẽ đề cập Adisthàna (sức gia trì). Nó có nghĩa là gì? Hán văn thông dịch là thần lực, uy lực hay gia trì lực Nó là “năng lực”, “ý lực”, “tâm lực” ở nơi một nhân cách lớn, người hay trời. Khi còn ở trên bình diện của Trí (jnana) thế giới không có vẻ thực chút nào, bởi vì hiện hữu như huyễn của nó, mà trí (Jnana) soi thấy, quá đậm màu sương khói. Nhưng khi tiến đến khía cạnh Adhisthàna của Bồ tát đạo, chúng ta cảm thấy dường như mình đang nắm chắc cái cứng và vững. Đây là chỗ mà đời sống thực sự bắt đầu có ý nghĩa. Sống không còn là nhận định mù quáng của một thúc bách ban sơ, vì Adhisthàna là một biệt danh của Pranidhàna (nguyện), hay nó chính là sức mạnh tâm linh tuôn ra từ nguyện cùng với trí tạo thành tinh thể của Bồ tát đạo. Sức gia trì không chỉ là sức mạnh muốn tự củng cố để loại ra những cái không phải nó. Đằng sau nó luôn luôn có một vị Phật hay một Bồ tát, có con mắt tâm linh soi thấy bản chất của vạn hữu và đồng thời có chí nguyện hộ trì nó. Chí nguyện hộ trì chính là tình thương yêu và lòng hoài bão cứu vớt thế gian khỏi những mê hoặc và ô nhiễm. Pranidhàna (bản thệ) là chí nguyện đó, là tình yêu đó, và hoài bảo đó, được gọi là vô tận tạng (aksaya).

Trí và Nguyện là những yếu tố thiết định Bồ tát đạo, hay Phật đạo thì cũng vậy. Nhờ Trí, chúng ta như leo đến đỉnh trời Tam thập tam thiên; rồi khi ngồi trầm mặc mà quán sát hạ giới và những hành vi của nó, thấy chúng tựa hồ những đám mây chuyển động dưới chân mình; chúng là những khối quay cuồng của vọng động, nhưng không đụng chạm đến kẻ đang ngồi ở bên trên. Thế giới của Trí thì trong sáng và vĩnh viễn an lành. Nhưng Bồ tát không trụ mãi trong cảnh trầm mặc thiên thu trên cái thế gian vì có những sai biệt nên có những phấn đấu và đau khổ; bởi vì tim của ngài đau đớn khi nhìn cảnh tu­ợng này. Bấy giờ ngài quyết định bước xuống giữa những giông tố của cuộc đời. Bản nguyện (Pranidhàna) đã lập, uy lực (adhisthàna) của ngài được giao cho những ai hướng về ngài, và mọi phương tiện (upàya) được tạo ra để dựng đứng dậy những ai cắm đầu vào trong mông muội và bị đắm chìm trong cảnh khống chế tột cùng. Pranidhàna như một khía cạnh của Adhisthàna như thế là cái thang dẫn xuống hay sợi dây nối liền giữa Bồ tát (bodhisattva) và chúng sinh (sarvasattva). Từ đó sinh ra Hóa thân (Ni mànakàya), một thuật ngữ mà trong nhiều kinh điển Đại thừa cũng gọi là Vikurvita hay Vyùhavikurvita, trang nghiêm thần biến. 
 

11  
 

Bồ tát, khi soi thấy một cách sâu xa và sáng tỏ rằng tự tánh của vạn hữu là không tự tánh phải chịu hòa mình trong những tạp loạn không cùng của thế giới sai biệt; đó là một mầu nhiệm của những mầu nhiệm, nhưng ở đây mở ra cánh cửa bất tư nghị giải thoát cho kẻ hiện thân của Trí (jnàna) và Nguyện (Pranỉdhàna). Và theo cách đó, chúng ta phải hiểu sự mâu thuẫn giữa sự kiện Di Lặc không hề đi đến đâu mà lại thác sinh tại thành Maladi.

Sự mâu thuẫn này chắc chắn kích động người đọc vì hoàn toàn không giải thích được, dù những mâu thuẫn thường mang bản chất này; nhưng trong trường hợp ngài Di Lặc, mâu thuẫn đến quá sớm, và đến một cách sửng sốt. Trong một thoáng chốc, ngài nói, ngài không có trụ xứ, và trước khi chúng ta thực sự đứng bật dậy từ lời tuyên bố sửng sốt đó, chúng ta được biết rằng sinh địa của ngài (jamnabhùmì) là Maladi và sứ mệnh của ngài là giáo hóa Phật đạo cho Gopalaka, con trai của một nhà phú hộ. Đây há không phải là một cuộc đi xuống, khá ngạc nhiên, từ cung trời Đâu suất (Tushita) làm công vụ trần gian? Vâng, sự thường là thế. Nhưng khi chúng ta nhận ra cái kết cấu nên Bồ tát đạo, thì sẽ không nghĩ thế nữa. Bởi vì, ngài thác sinh ở Maladi mà tựa hồ không sinh vào đâu, tựa hồ không đến từ đâu. Ngài có sinh, nhưng nguyên là không sinh; ngài đang ở trước chúng ta, nhưng đã không đến từ chỗ nào cả. Ngài đang cùng Thiện Tài ở trong Tháp Tì lô như Ganda nói cho chúng ta biết, nhưng ngài chưa từng rời khỏi trụ xứ của mình nơi cung trời Đâu suất. Vậy, một thiền sư nói, “Chúng hội Bồ tát đang nghe Phật giảng pháp trên đỉnh Linh thứu chưa từng giải tán; chúng hội vẫn còn đó, Pháp âm vẫn vang vội trên đỉnh Linh sơn đó”. Sự kiện đó - chừng như là một cuộc “đi xuống khá ngạc nhiên” - quả thực là một trật tự an bài sẵn trong đời sống hành đạo của Bồ tát (Bodhisattvacaryà).

Rồi ra đâu là sinh địa đích thực của ngài?[24]

1. Nơi nào có Tâm Bồ đề được phát khởi, nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vì Tâm bồ đề là quyến thuộc của Bồ tát.

2. Nơi nào có thâm tâm, nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vì đó là nơi xuất sinh các thiện tri thức.

3. Nơi nào có chứng nhập các trụ địa (Bhumi), nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vì đó là nơi sinh trưởng hết thảy các Ba la mật

4. Nơi nào có phát đại nguyện, nơi đó là quốc độ của Bồ tát vì đó là nơi thi hành công hạnh.

5. Nơi nào có đại thừa, nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vi đó là nơi phát triển bốn nhiếp pháp.

6. Nơi nào có chánh kiến, nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vì là nơi trí tuệ siêu việt trỗi dậy.

7. Nơi nào Đại thừa quảng bá, nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vì là nơi hết thảy các phương tiện thiện xảo được vận dụng.

8. Nơi nào có giáo hóa chúng sinh, nơi đó là quốc độ của Bồ bất vì là nơi hết thảy chư Phật giáng sinh.

9. Nơi nào có phương tiện trí[25], nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vì là nơi nhận biết ràng hết thảy các pháp đều không sinh.

10. Nơi nào có tu tập hết thảy các Phật giáo, nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vì là nơi mà hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai giáng sinh.

Rồi nữa, ai là cha mẹ và thân quyến của ngài?; Những phận sự của ngài là gì?

“Bát nhã là mẹ, Phương tiện (Upàya) là cha; Thí (Dàna) là người nuôi nấng; Giới (Sì la) là người trông nom; Nhẫn (Ksànti) là đồ trang sức; Tinh tấn (Virya) là người thủ hộ; Thiền định (Dhyàna) là người tắm rửa; thiện hữu, là những nuôi dạy dỗ; Các bồ đề phần, là bạn đồng hành; các Bồ tát, là anh em; Bồ đề tâm (Bodhicltta) là nhà cửa; đi đứng theo chánh đạo, là thói nhà; các trụ địa (bhùmi) là chỗ ở; các pháp Nhẫn, là gia tộc; các nguyện là gia giáo; thực hành công hạnh là gia nghiệp; khiến kẻ khác chấp nhận Đại thừa là gia vụ; được thọ ký trong một đời nữa, số phận ngài như thái tử nối nghiệp trong vương quốc chánh phái; và thành tựu trí tuệ viên mãn của Như Lai là nền tảng của gia quyến thanh tịnh của ngài”[26]

Với thái độ tinh thần vững chắc nào để Bồ tát bước vào đời sống của chúng ta?

“Bồ tát không chán ghét thứ gì trong bất cứ thế giới nào mà ngài bước vào, vì biết rằng hết thảy các pháp như ảnh tượng. Ngài không đắm nhiễm trong bất cứ con đường nào mà ngài b­ước đi, vì biết rằng tất cả là một sự hóa hiện. Ngài không thấy mỏi mệt trong bất cứ nỗ lực nào điều phục chúng sinh, vì biết rằng tất cả là vô ngã. Ngài nhiếp hóa chúng sinh mà không hề mỏi mệt, vì từ bi là tình thể của ngài. Ngài không sợ phải trải qua nhiều kiếp, vì thấy rõ rằng sinh tử và năm uẩn như là ảo tượng. Ngài không hủy diệt bất cứ con đường hiện hữu nào vì biết rằng hết thảy các Giới (dhàtu) và Xứ (Ayatana) đều là Pháp giới (Dharmadhàtu). Ngài không có thiên chấp về các đạo vì biết rằng hết thảy trí tưởng đều như quang nắng. Ngài không bị ô nhiễm dù khi ở trong cõi của hàng chúng sinh xấu ác vì biết rằng hết thảy cực thân đều chỉ là những giả tượng. Ngài không hề bị lôi cuốn bởi những tham dục, vì đã hoàn toàn chế ngự tất cả những gì được khai thị. Ngài đi bất cứ đâu một cách vô cùng tự tại, vì đã hoàn toàn kiểm soát những giả tưởng” [27]  
 

12  
 

Để kết luận thiên luận này, về trụ xứ của Bồ tát, nơi có ngọn suối của đời sống hành trì của ngài, đây thử dẫn thêm một vài trường hợp về các cách nói của Thiền đối vớI thể tài này, và thử xem tâm hồn Trung Hoa khác với tâm hồn Ấn Độ ra sao.  
 

Thiền sư Thừa thiên Huệ Liên[28], pháp tự của Vân cái Trí Bản, khoảng cuối thế kỷ 12, nhân có thầy tăng hỏi:

- Cảnh Thừa thiên ra sao?

Sư đưa cây phất tử lên.

Tăng:

- Người trong cảnh đó là ai?

Sư cầm phất tử gõ vào thiền sàng.

Tăng:

- Người và cảnh thì đã nhờ được sư chỉ thị cho rồi;  còn cái đạo lý cứu cánh của Thiền, xin chỉ lo biết.

Sư để cây phất tử ra sau thiền sàng.   
 

Trị bình Khánh thiền sư[29], nhân có thầy tăng hỏi:

- Cảnh Trị bình ra sao? 

Sư đáp :

石 室 夜 深 霜月白 

Thạch thất dạ thâm sương nguyệt bạch

草 衣 歳 久 敗 蒲 寒 

Thảo y tuế cửu bại bồ hàn

Hang khuya trăng bạc màu sương

Năm chày áo cỏ rách b­ương lạnh người.

Tăng:

Người trong cảnh là ai nhỉ?

Sư đáp:

携 竹 尋 遠 水 

Huề trúc tầm viễn thủy

洗 鉢 趁 朝 齋 

Tẩy bát sấn triêu trai

Xách gậy dọc theo khe vắng

Bát sạch vào xóm mời cơm

Tăng:

Người và cảnh thì đã nhờ được sư chỉ thị; còn cái đạo lý cứu cánh của Thiền, xin dạy cho biết. 

Sư đáp: 

Ngụa gỗ hí gió, trâu bùn qua biển.  
 

Động sơn Thủ Sơ[30] tham kiến Vân Môn.

Môn hỏi :

Từ đâu đến?

- Từ Tra độ.

Hạ ở đâu?

- Báo từ, Hồ Nam.

- Rời chỗ đó bao lâu rồi?

Hôm 25 tháng 8.

- Tha cho ông ba chục hèo.

Nhà sư đáng thương của chúng ta nhất định rất bối rối, sư cứ thẳng mà trả lời nên nghĩ chả có gì đáng bị “ba chục hèo” bởi một cớ nào đó mà thầy rộng lượng tha cho. Hẳn sư đã trải qua một đêm thao thức. Sáng hôm sau trở dậy, lại đến, hỏi thầy:

Hôm qua nhờ hòa thượng tha cho ba chục hèo, nhưng không biết lỗi tại đâu mà phải bị phạt như thế ?

- Đồ túi cơm! Chẳng phải ông đi ngang qua Giang Tây và Hồ Nam sao?

Câu nói có vẻ nhạo báng đó làm cho tâm địa của Thủ Sơ bừng lên, bấy giờ mới bày tỏ kết cục như sau:

- Từ đây về sau, sẽ đứng đầu ngã tư; không chứa một hạt thóc, không trồng một cọng rau, tiếp đãi từng người lui tới từ mười phương, móc giùm họ chiếc nón bụi bặm, cởi hộ họ chiếc áo hôi hám.

Thế là họ sẽ thong dong không bị vướng mắc, khi đi lại, thông suốt khi ngắm nhìn. Chẳng là khoái chí sao?

Vân Môn lại cũng còn chế nhạo nữa; và theo tôi, lần này với một giọng hài hước khác:

Đồ bị gạo! Cái thân chỉ to bằng quả dừa, mà sao cái miệng lại lớn đến thế?

Xem mục lục