Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

II.B.3.e- Tương vong (Tâm quên nhau với cảnh)

Tâm cảnh đều quên, chớ ghi chớ nhớ (136)

 Tâm tức là nhân; Cảnh tức là pháp. Chớ ghi chớ nhớ tức là nhân pháp đều quên (137) nốt.

 Đức Tứ Tổ nói “Tất cả chẳng lưu lại, không thể ghi và nhớ, rỗng sáng tự soi, chẳng nhọc sức lòng”.

 Ngài Bàn Sơn nói “Tâm nguyệt riêng tròn, sáng nuốt muôn tượng. Sáng phi chiếu cảnh, cảnh cũng phi tồn. Quang cảnh đều quên, lại là vật chi?”

 “Thí như luyện cây gươm huơ trên hư không, bất luận đến đâu hay chẳng đến. Đấy là chốn không chẳng để dấu, lưỡi kiếm cũng không khờn mẻ”

 “Nếu người mà có thể được như thỏ, mỗi tâm niệm (tư tưởng) đều chẳng trụ nơi cái biết, thì toàn tâm tức Phật, toàn Phật tức nhân, nhân Phật không lạ nhau (139), mới là đạo vậy”.

 Ký: Tâm là năng, Cảnh là sở, nếu biết năng sở đều chẳng có thực thể. Đốn ngộ được nhân không pháp không, chợt rõ vật và ta không nương nhau, mới tin được cảnh vắng tâm không.

 Vô tri (140): Chẳng trụ nơi cái biết, Kinh nói “Tâm của Thánh không chỗ biết, mà không chỗ nào chẳng biết, tức là cái bổn giác tâm thể.

 Bổn giác chân tâm: Là tâm tánh nó vẫn tịch diệt, vì vốn không trụ trước nơi cái tri giác, nên mới năng tri năng kiến; tỷ như mặt gương nó không lưu những bóng tượng, nên mới có thể soi vật tượng được. Dẫu rằng hay chiếu giám, nhưng chiếu giám mà không trụ nơi cái chiếu giám.

 Cái chân tâm khôn thiêng sáng biết mà vẫn vốn vắng lặng, nên trọn ngày dù biết mà chưa hề trụ nơi cái biết. Nếu có trụ nơi cái biết thì, tức là vô minh rồi, nếu có trụ nơi cái thấy thì, tức là vọng tưởng rồi. Vì cái trí thể nó không có cái vô minh và vọng tưởng. Do vì vô tri, nên nói “Trí là dù có cái sáng soi cùng tột đến u vi, mà không chấp lấy cái biết”

II.B.3.h- Tịch chiếu (Vắng soi).

Sáu căn hòa vui, đi ở vắng lặng.

 Tâm cảnh đều quên, giải thoát hai chướng. Chiếu cái thể nó độc lập, dứt hẳn điều biết điều hiểu, quên cái năng cái sở. Đặng nơi trong, ứng nơi ngoài, thế nên được sáu căn tự nhiên hòa thuận, siêu thoát chỗ tiển tiển (141), há chả hòa vui!

 Đi, đứng, ngồi, nằm, khi hành động, khi chỉ tịnh, đều là như như, nên nói là vắng lặng (tịch mặc).

 Tổ Vĩnh Gia nói “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói, nín, động, tịnh thể vẫn yên” thực thế.

 Ký: Mắt đối ngàn non, lòng nhàn một cảnh, bởi thế sáu căn tự thuận, tiêu diêu tam giới, giải thoát tứ sanh, không bị trò thanh sắc, cảnh trần lao làm lụy, tâm thần rảnh rỗi ngoài sự vật, nên nói là duy nhiên (hòa vui).

 Tổ Vĩnh Gia nói: Với diệu ngộ (142) và huyền tông (143), lòng rỗng ám họp, động, tịnh, ngữ mặc vẫn thường quy củ (144 (pháp tắc)). Điềm đạm (145) (lợt lạt) yên nghỉ trong tánh tình, thênh thang lộ bày ngoài thân thể”.

 Hoa Nghiêm Luận nói “Chỉ vắng lặng, nín thinh, tâm tạo ra cái bộ dạng của đức Như Lai chẳng chấp trước quyến luyến, là cái lề lối vào đạo hợp pháp” thực thế.

 Rằng Tịch chiếu. Tịch là thể; Chiếu là dụng. Chỗ tích cực của đạo, là cùng cực ở đấy vậy.

II.B.3.k- Song dẫn 
 (Đôi mất, tức đôi bên đều mất hẳn)

Một tâm chẳng sanh, muôn pháp đều nghỉ.

 Chẳng cùng làm bạn với vạn pháp, người mà đã tiến đến địa vị ấy thì, với cả biên tế trước sau, trong ngoài và trên dưới đều dứt sạch, nên nói là câu tức (đều nghỉ, là vô sự đạo nhân).

 Ký: Với vạn pháp ấy, là chỉ con số tổng quát mà, thực ra thì đã bao trùm tất cả.

 Nay đây, nói lên trước sau là đã bao quát cả thập phương, tam thế, tất cả sự lý, nội ngoại các pháp, đều gom nằm gọn trong hai tiếng trước sau. Vì vạn pháp dù đông nhiều, nhưng không ngoài tâm cảnh mà, tâm đã không, cảnh đã tịch riêng bày sờ sờ. Chẳng vướng mảy tơ, nên nói là “Bất dữ vạn pháp vi lữ”.

 Nhứt tâm: Là chân tâm (146) bổn giác (147) diệu minh (148). Luận Khởi Tín nói “Chỉ là nhứt tâm, nên gọi chân như, tâm thể nó lìa niệm (tư tưởng), nên nói bất sanh”.

 Kinh Lăng Già nói “Hễ tâm sanh thì mỗi mỗi pháp đều sanh, tâm diệt thì mỗi mỗi pháp đều diệt”.

 Chỗ gọi rằng “Tâm lạ thì ngàn điều sai khác đều đua dấy lên, tâm dứt thì muôn pháp đều phẳng bặt; tâm nhiễm thì có lục đạo, tứ sanh, tâm không thì nhứt đạo thanh tịnh”.

 Tông Cảnh nói: Sao gọi là nhứt tâm? - Là cái pháp tánh không hai, đối với tất cả các pháp, không còn có phân biệt tương đối như chân vọng (thực dối), nhiễm tịnh (dơ sạch) … nên gọi là nhứt. Cái pháp tánh không hai chỗ đây, nó thực chẳng đồng với cái không, vì tánh nó tự nhiên rất thần tình sáng hiểu, nên gọi là tâm.

 Cái thể của nhứt tâm, dù lại dù đi, vẫn đều vắng dứt, nên chẳng thể lấy những hữu vô, xứ sở, để xét tột được cái dấu vết thiêng u của nó, chẳng khá lấy những biết, khôn, nói, lường để bàn luận đến cái thể mầu của nó.

 Chỉ có người nào đã chứng nhập đến nó thì, chỉ tại ở tâm mình tự biết lấy thôi. Người mà chỉn có thể với nội tâm mình tự quan sát nhứt niệm bất sanh thì, cả tam giới dường hoa đốm giữa hư không như bị gió cuốn khói đi mất, sáu trần dường cái bóng huyễn hóa, như nước sôi tưới lên băng tuyết tiêu tan.

 Chẳng còn tam giới lục trần thì, rỗng rang không bờ mé, chỉ một chân tâm mà thôi; tâm ấy vốn tự viên minh, nguyên là thanh tịnh thể, không khởi không sanh, thể nó bất động, chẳng bị cái sanh tử của lục phàm làm nhiễm nhơ, không phải cái Niết -bàn của tứ quả (Thanh văn) làm tịnh sạch. Đây, Tâm Kinh nói “Bất cấu bất tịnh…”.

 Hỏi: Tâm đã duy nhứt, vọng từ đâu sanh?

 Đáp: Số là, bởi ban đầu lửng quên nhứt pháp giới (chân tâm) chẳng ngờ vọng động nổi lên mà có ra cái niệm (vọng tưởng). Tỷ như con người quá lao lự mà thấy giữa hư không có hoa đốm hiện ra, lại như ngủ quá mê mà sanh ra chiêm bao thấy có cảnh này vật nọ. Tức cái mà “Thấy hoa đốm – Thấy chiêm bao” đó, gọi là vọng tâm.

 Cái vọng tâm ấy, nguyên không có cái tự thể, chỉ nhân cái cảnh tiền trần, tùy theo cảnh mà vọng tâm hoặc có hoặc không. Vì khi mà có cảnh để đối trước, tức nhiên vọng tâm sanh ra, khi mà cảnh ấy đi rồi không còn đối trước thì vọng tâm tức diệt mất. Mà tâm ấy cảnh ấy, đều chả có tự tánh, nó chỉ theo nhân duyên dối hợp để sanh ra.

 Tỷ vọng tâm ấy như bóng tượng trong gương, bóng trăng dưới nước, kẻ ngu phu nhận lầm cái bóng ấy cho là thực.

 Với cái tâm ấy, đức Nhị Tổ chẳng an, mà cầu cái pháp an tâm đối với dưới một lời nói của Sơ Tổ, liền hiểu rõ cái “tâm bất sanh” ấy, nên Nhị Tổ thốt lời trình rằng “Mích tâm liễu bất khả đắc”. Liền tự biết cái chân tâm: Rỗng trống, khôn thiêng, sáng suốt, nhiệm mầu, phổ biến tất cả chỗ nơi, bao hàm cả mười phương giới.

 Đã là tâm nhân cảnh khởi, nếu cái vọng tâm ấy bất sanh thì, trước cảnh liền diệt mất, nên nói là câu tức (đều nghỉ).

 Trước kia nói “tịch chiếu: vắng soi” thì cũng còn là cảnh trí đều lập; chừ đây cả trí cảnh suốt lẫn mà đều mất, nên nói “song dẫn: đôi mất”.

 Cả trí lẫn cảnh đều bặt mất, chỉ còn một cái bổn giác chân tâm vắng diệt không hình tướng, thể nó đồng với chư Phật, Tổ Vĩnh Gia nói “Cảnh trí ám họp làm một, muôn đều lụy điều mất, chỉ còn cái tông chỉ huyền diệu”.

 Hỏi: Trí mà dẫn (bặt mất) thì lấy gì để ứng cơ tiếp vật, cảnh mà vong (chả tồn tại) thì làm sao để cảm kia đến ứng?

 Đáp: Trí Bát -nhã là không biết (vì thể nó là chân không vô tướng); Luận nói “Trí càng mờ mà soi càng sáng, thần càng lặng mà ứng càng động, cảnh càng vắng mà ứng càng cảm”.

 Biệt Hành Sao nói “Do lý ám họp với trí, nên đắc tất cả vạn pháp đâu chẳng là Pháp thân (mà thể của pháp thân là phổ biến cả sơn hà và đại địa), thế thì, hễ chúng sanh ở cả mười phương, có phát Bồ -đề tâm, với tâm thức thanh tịnh ấy, đâu chẳng vì ứng hiện để mà thuyết pháp ư!”

 Thế nên, cái thể tánh chân như đây, dường như viên ngọc ma -ni (như ý) tùy màu nào hiện sắc nấy. Sao bảo là vô cảm ứng ru!

Xem mục lục