Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Kịp đến, năm tuổi lớn già, lòng dạ trống cao, chẳng chịu gần gũi bạn lành, chỉ biết khinh khi kiêu ngạo.

Hai câu trên, rõ cái ngã tướng, hai câu dưới, rõ cái mạn tướng. Lại, câu đầu sanh niên, tăng lạp cao mà chả có giới đức; câu thứ đó lòng cống cao mà không có đạo lễ nên nói là bụng trống. Chẳng khứng gần gũi là tự thị. Chỉ biết kiêu ngạo là lướt người. Hai cái thói đề cao và xấc xược ấy đều thuộc về cái tướng khinh mạn.

Song, cái mạn tướng nó có sáu thứ:

1- Quá mạn: Đối với trong pháp tương tợ, chấp mình là hơn người.
2- Mạn quá mạn: Nguyên người vốn hơn mình, mà cưỡng nói bướng rằng mình hơn người.
3- Ngã mạn: Ỷ thị mình hơn mà lấn lướt người ta.
4- Tăng thượng mạn: Nguyên mình chưa đắc đạo, mà nói dóc rằng đã đắc đạo.
5- Hạ liệt mạn: Vốn mình chả có tài năng gì mà lại tự khoác khoe khoang.
6- Tà mạn: Chấp trước cái thói tà kiến của mình để khinh lướt, khi dễ người khác.

Chừ đây, với sáu cái mạn kể trên thì, cái lòng cống cao và kiêu ngạo ấy, thuộc về cái mạn quá mạn, ngã mạn và cái hạ liệt mạn.

Ký: Luống tự tuổi già mà đức hạnh chả bằng ai cả, chỉ biết kiêu ngạo mà không có đạo phẩm gì khá tôn.

Niên là tuổi sanh, tức từ lọt lòng mẹ đến già. Lạp là giới lạp tức từ thụ giới Tỳ-kheo về sau. Thân phụ là thân cận. Lương bằng là thiện hữu. Cứ ngạo là chẳng khiêm nhường, tức ngạo khi nơi người.

Chưa làu pháp luật, trọn không hạnh kiểm.

Câu trên, mất giáo học, luật học. Câu dưới, mất thân giới tâm huệ. Vì chẳng khứng thân cận minh sư thiện hữu, thì, làm gì biết được giáo, luật để tu trì? Chưa biết tu trì thì, đâu có thể thu tóm thân tâm cho vén khéo?

Ký: Kinh giáo, là để phòng ngừa tam độc; luật giới, là để cấm thất chi tội. Vị am: Chưa biết. Trấp liễm: thu nhiếp.

Hoặc lớn tiếng nói càn, thốt lời không lễ độ, chẳng kính bực thượng tọa, trung tọa, hạ tọa,(86) chẳng khác nào tục Bà-la-môn hội họp, bữa ăn khua chén bát nổi tiếng, hễ ăn rồi trước là đứng dậy trước.

Hai câu đầu, quấy về khẩu nghiệp; hai câu thứ, quấy về ý nghiệp cũng lỗi mất uy nghi quỷ tắc nữa; hai câu rốt, quấy về thân nghiệp, cũng mất luôn qui củ. Do chẳng biết pháp luật, ba nghiệp không qui phục, nên gây ra cái điều quá thất ấy. Nếu hay thâu tóm lại thì, không sự chi mà chẳng xong.

Bà-la-môn: Tục sĩ, là một trong bốn tánh của nước Tây Vực. Tục lệ của họ là, chỉ trọng tuổi cao, chứ chả quí đức lớn, thành thử, không kính thượng, trung, hạ tọa, vì ai đến trước thì được tôn lên trước, kẻ tới sau thì phải ngồi sau. Khi tụ hội không qui củ trật tự, reo ồn lắm chuyện!

Các nhà sư mà không trấp liễm uy nghi, nên không khác gì với Bà-la-môn kia!

Ký: Tiếng Phạn Bràmana (Bà-la-môn, đọc đủ Bà-la-ha-ma-noa), dịch Tịnh hạnh, cũng dịch Phạm chí.

Tứ tánh: 1-Sát-đế-lợi, là dòng giống vua. 2-Bà-la-môn, dòng sang trọng. 3-Tỳ-xá, dòng buôn bán.

4-Thủ-đà, dòng nông nô.

Vô độ là không có pháp độ. Tụ hội là nhóm họp, như hoặc ngày tế tự mà họp, hoặc ngày tiết hội (87) mà họp, hoặc luận nghị mà họp. Vô thù là không khác.

Người xuất gia, lấy giới lạp làm cao, nên đức lớn; chứ chẳng luận sanh niên làm tôn trưởng.

Tới lui trái phép, toàn không tư cách nhà Tăng.

Câu trên, mất đạo pháp, câu dưới, uy nghi cũng mất luôn. Qua lại chẳng còn mảy mún quy tắc, như ngọc Khuê mất cái hình vuông, nên nói là quay giác (sái cách), lúc hành động, khi yên tịnh, chẳng đủ mọn mạy uy nghi, như dòng Bà-la-môn tụ hội, nên nói là toàn vô.

Ký: Quay: trái bề. Giác: vuông. Phương: pháp, đạo. Lui tới trái phép, là đặt để sái bề vuông. Thể của ngọc Khuê là trên tròn dưới vuông, là tượng trưng cái thể quy củ phương viên của thiên địa. Ngọc Khuê mà mất cái bề vuông, tức là phi ngọc Khuê; cũng như nhà Tăng mà trái phép tức phi nhà Tăng, nên nói là toàn vô.

Đứng ngồi tháy máy, động lòng niệm người.

Câu trên tự mất uy nghi, câu dưới, người mất tịnh niệm. Ba nghiệp chẳng cẩn thận, nên khi ngồi lúc dậy không chừng, lắm điều thô tháo, khua khún, bởi thế, khiến người động tịnh niệm.

Ký: Trung Chư, là ý thức lô xô lởm xởm, tánh tình không yên ổn, cử chỉ không đề đạm.

Ngài Từ Thụ Thâm thiền sư nói “Khiến người động niệm, dễ sanh ma chướng. Tỷ như “đông miệng nát vàng”(88), tâm mình nào vui. Dẫu làm phước nhiều, chẳng bằng tránh tội. Trong lòng người động niệm, mình mê muội chẳng biết. Ngày qua tháng lại, mặt úa thân gầy!”.

Chẳng còn mọn mạy quỉ tắc, chút đỉnh uy nghi, lấy chi làm mô phạm để thúc liểm kẻ hậu côn, lớp tân học Tỳ-kheo không nhân đâu bắt chước.
Hai câu trên, tự mất quy pháp, hai câu dưới, chẳng thể làm gương cho ai. Đã phần mình không còn quy pháp, có gì làm mực mẫu cho kẻ khác, thế nên kẻ lai học không do đâu học đòi phép tắc.

Ký: Tân học là sơ học. Hậu côn là hậu hiền, tức hậu học. Phõng Hiếu nghĩa như Thủ pháp. Sách nói “Chẳng gìn tế hạnh thì rốt lụy đức lớn”. Người Nho còn thế, phương chi kẻ xuất gia ư?

Vừa xét nhắc nhau, thì tự hào rằng tôi là sư ở núi.

Câu trên, người nhắc nên cho, câu dưới, mình tự khinh mạn. Nghĩa là, người hiền chính muốn lấy lời lành giúp thành nhau, mà lại tự tiện sanh ngã mạn, thành thử buông ra lời không biết hổ ngươi ấy!.

Ký: Rằng “Tôi là thầy núi” nghĩa là, ta đây là người ở núi, chỉ cần một câu thoại đầu(89)đủ rồi, chứ quản chi những sự kinh luật uy nghi tế hạnh cho phiền phức!

Ngài Pháp Xương thiền sư nói “Có một hạng người, chỉ ghi nhớ lấy một bụng cát đằng(90) (chữ nghĩa), rồi lên chưn, khua môi múa mõ, lời Hồ tiếng Hán(91) (cũng như tiếng Anh, tiếng Pháp), tự hào, rằng ta biết thiền, hiểu đạo, khinh dể người hiền, làm cái nghiệp của địa ngục vô gián. Một mai, mắt lờ ngươi tối, cái cảnh nghiệp nó hiện tiền, bấy giờ tỷ như con cua con còng sa vào nước sôi, thôi thì mặc sức queo ngoe rụng càng, và tay run run, chơn bủn rủn! Từ trước học đặng cái hoạt kế(92) gì đó, chừ đều vô dụng! Nếu nghe ai có kẻ vạch trúng việc trong bụng của hắn thì lòng giận phừng nổi, nói bướng rằng “sự ấy có dính líu gì với Phật pháp, hễ là đại ngộ thì có câu chấp chi nơi tiểu tiết”. Bọn ấy, in tuồng đem phân trâu sánh với gỗ hương chiên đàn, có nhằm gì đâu!”

Ngài Từ Giác thiền sư nói “Hoặc có người tự thị cái tánh thiên chân(93) của mình, mà bát bỏ hết cho là không nhân không quả, nói bướng là “Việc nầy chỉ từ trong bụng đem ra”, chớ họ không y theo địa vị tu hành. Sở dĩ, ông Thô Giải(94)pháp sư, chẳng thông giáo nhãn(95), ông Hư Đầu(96) thiền khách chẳng quý hạnh môn(97). Đó là phạm cái tội về bịnh thiên khô(98)! Hoặc có kẻ, cả thân thây đày đọa, đầy mặt mũi phong trần, ba ngàn tế hạnh trọn không, tám vạn uy nghi đều thiếu, hoặc thì quản lý việc người, gom thâu bổn đạo, thân thì rông trong thành thị, tâm thì nhiễm thói thôn quê; sở dĩ các ông thường tăng ở núi ở đồng, cho khỏi bị tiều phu nông phu chế giễu, các Thích tử ở thành ở chợ, lại mắc phải nho sĩ tục sĩ khinh khi. Đó đều là phạm cái tội lười biếng!”

Dưới đây, chỉ ra chỗ sở do không tế hạnh và lười biếng.
Chưa nghe Phật dạy tu trì, một bề lòng còn thô tháo.
Câu trên, mất nghe và tu, câu dưới, mất định và huệ.

Chưa nghe, học đến pháp luật thì làm gì biết được việc tu trì? Với giới và định chưa tu, nên đến đỗi tánh tình đồng vượn, ngựa (tâm viên ý mã).

Ký: Văn là văn huệ. Hành trì tức tu huệ. Thế, với cả ba huệ văn, tư, tu mà chỉ nói lên Văn, Tu là để gồm Tư huệ trong đó rồi. Ba ấy, đều nói là Huệ, nghĩa là, do ba pháp ấy đều hay phát sanh cái huệ vô lậu của bực Thánh; nếu không có cái huệ ấy thì, không thể đoạn hoặc vọng, chứng chân như(99) được.

Chỗ thấy biết mà tệ như thế là, bởi lúc đầu đi tu, tâm ưa lười biếng, mài miệt theo thói tham của và tham ăn.

Câu đầu thừa tiếp lời trên phát khởi lời dưới, câu thứ, lúc vào học đạo chẳng cần mẫn, câu rốt, vì tham lợi mà bỏ mất qua ngày.

Thấy biết như thế, là chỗ kiến thức theo tập quán đê hèn trên kia.

Bởi lúc đầu, lòng lười biếng… là do ban đầu vào đạo mà tâm không siêng, nên nói là lười biếng.

Chưa nghe Phật dạy tu trì, thành thử tham lam danh lợi, chẳng khứng gần gủi bạn lành, bởi thế, lần lựa qua ngày, cái lòng tạp nhiễm càng sâu, thói ác tập thêm lớn, nên khiến cái thấy biết như vậy. Chính chỗ bảo “Ban đầu chẳng gặp đấng tác gia(100)” đó vậy.

Ký: Nhung: biếng trễ. Thao: tham tiền tài. Thiết: tham ẩm thực.

Kinh pháp diệt tận ghi lời Phật tiên tri rằng “đến cái thời giáo pháp muốn diệt, các vị ma vương trá hình làm Sa-môn, làm hoại loạn đạo pháp của ta, chúng mặc quần áo theo kiểu, màu của thế tục, ưa sắm cà-sa rất tốt bằng hàng lụa ngũ sắc. Không thực tu theo giới luật, với nửa tháng, nửa tháng dù rằng tụng giới bổn, mà chán mỏi trễ lười, chẳng muốn chăm nghe, không thích đọc tụng kinh luật.

“Dẫu có đọc tụng, chẳng biết trật chữ, phân câu, lại cưỡng cho là phải, chứ không cần hỏi han người biết rành. Chỉ biết, phách lối cầu danh, luông tuồng thả lội, lấy làm vinh quí, để mong người ta cúng dàng.

“Sanh mạng cuối cùng, chết rồi sẽ đọa xuống địa ngục vô gián, rồi ra, đâu chẳng trải qua, lội lại hoặc làm người trong tội ngũ nghịch, hoặc làm ngạ quỉ, hoặc làm súc sanh; mãi vô biên hằng sa kiếp số, chịu hết tội ấy rồi, mới được xuất sanh làm người khỏi tội mà phải ở nơi ranh bìa của cõi nước là chỗ không có ngôi Tam bảo”.

Xem như lời Phật đã sấm ký “Nửa tháng nửa tháng tụng giới, còn chẳng muốn nghe”, thời đại ngày nay, tụng giới đã ít lần, huống nữa đặng lóng nghe! Hởi ôi! Cái hiện trạng của chánh pháp đã sắp diệt!

Đời xưa, thuở nhà Tề, ông Tăng Vân trú trì Bửu Minh tự nơi thủ đô Nghiệp Hạ, lấy cái giảng diễn được nổi tiếng, và được xếp đặt luôn chúng lý.
Với ngày 15 tháng 4 là thời tụng giới bổn, tăng chúng tề tựu; ông Tăng Vân ngồi đầu bàn chủ tọa, đối chúng, báo cáo rằng “Giới luật là vốn để đề phòng điều phi pháp thì mỗi người ai tụng cũng đặng, cần gì mỗi nửa tháng nghe hoài; chừ nên đề cử một Đại đức lên pháp tọa, lập danh đề giảng nghĩa, khiến cho kẻ hậu sanh được mở mang giác ngộ là có ích hơn”.

Cả chúng không dám phản kháng, thành thử bỏ việc tụng giới. Đến mờ sáng, rằm tháng 7, bỗng nhiên, ông Tăng Vân đâu mất! Chúng đạo đều tứ tán ra đi tìm kiếm khắp nơi, mãi lâu mới thấy được ông nơi gò mả xưa cách ngoài chùa chừng ba dặm mà máu me chảy ướt cùng mình!.

Chúng hỏi duyên cớ gì? Ông thuật lại rằng “Thấy một viên mãnh sĩ, tay cầm con dao lớn, xẳng tiếng quở trách rằng “Sư là người bực nào, dám bỏ lễ Bố-tát, lại quấy sung việc thụ nghĩa?”. Liền lấy dao cắt cứa vào thân tôi, quá đau khó chịu!”

Chúng nhân bè đem về chùa; từ đây ông Tăng Vân hết lòng thành sám hối, trải qua mười năm, chí thành tận kính, thuyết giới bố tát, đọc tụng các kinh, giữ làm cái công nghiệp thường tu.

Đến ngày lâm chung, ai cũng đều nghe thấy có mùi thơm lạ đến rước, ông vẫn vui tươi mà tịch. Đương thời ai cũng khen là răn mình, đổi lỗi hiện đời, chẳng sa xuống lớp hèn.

Lại, chùa Đại Giác có ông Tăng Phạm, là bực giới đức thanh cao, thường thường đến ngủ nghỉ nơi chùa khác. Với bữa rằm, chúng tăng đề nghị và chấp thuận đình lễ Bố-tát, đưa lên một ông Sư lập đề diễn nghĩa. Bấy giờ, có một Đại đức lên pháp tọa, trình bày rằng “Lập luận pháp tướng, dễ hiểu sâu được ý nghĩa của Phật, nhọc chi phải bố tát, vì là chúng tăng đã thường nghe rồi”.

Chợt thấy có một vị thần, thân cao hơn trượng, tướng mạo uy mãnh hãi người, tay chỉ vào Sư thụ nghĩa rằng - Nay là ngày gì? - Dạ, ngày Bố-tát.
Vị thần liền dùng tay đè đầu, kéo xuống dưới tọa, thoi tát gần chết! Kế đó, vị thần cũng hỏi một Thượng tọa nữa, đáp cũng như ông trước. Vị thần cũng đè đầu, kéo xuống, đánh thoi như thế, khiển trách luôn đến hai, ba ông sư rồi, vị thần buông tay, đùng đưa bước ra, biến mất. Đương thời, tại tọa kẻ đạo người tục cùng đủ thấy nghe.

Sư Tăng Phạm đã thấy nghe tận mắt, do đó mà càng thêm tự gắng cả đời, nào là Tăng sự, nào là chuyện riêng của mình, cũng không thuyết dục(101). Nhẫn đến khi có bệnh nặng, không thể chỗi dậy, ngồi xe, còn rước một vị tăng về phòng mình, để cung kính thuyết giới.

Thời đại ngày nay, các ngài thiên về sự cao chuộng học kinh, học luận, học thiền mà, khinh dể giới luật đó. Xin xem sự tích trên, rồi tự nghĩ nhớ lấy!.

Lễn mễn nơi nhân gian, thành ra thưa vụng, quê mùa, chẳng ngờ cốm rốm già hủ, chạm đến sự chi, ngơ mặt vào vách.

Hai câu trên, lội theo thế tục nên quê mùa, hai câu dưới, già suông, chứ không học thức gì. Lại, câu đầu là giao thiệp, xông ướp lấy mùi đời, câu kế đó là đã thành tập quán, câu ba là thoạt đã đến suy già, câu bốn là cái vô minh hoặc ngày càng che tối.

Số là, vì không lo học tu theo đạo nghiệp chân chánh, chỉ mải miết luông tuồng buông thả, ngày càng giong ruổi chuyện thế, vín níu cảnh trần, buông lung sáu tình(102), nên đến đỗi lòng nết thành ra đần độn, thói nhiễm ngày càng sâu đậm, mà không có sức quán chiếu thì đâu có biết bốn hiện trạng đổi dời, bỗng chốc cái tướng suy già đã đến mà, nẻo lòng bất thông, trăm việc chả hiểu một nào, chạm đến vật gì đều thành bít lấp như người day mặt vào vách(103).

Những người ấy, đều bởi chẳng khứng rộng hỏi bực Tiên giác, nên khiến đến già, thành ra cốt đổng(104) (xáo lộn,).

Ký: Nhẩm nhiễm, nghĩa như tán mạn (lần lựa) xâm tầm (buông thả, không tự kiểm thảo).

Lủng chủng, là chơn đi mà bước không tới trước được, vì thân thể suy bại. Hủ, tức là suy hủ, chính chỗ gọi “Tuổi đã già hủ mà, không có 3 thứ mùi, luống uổng cái kiếp sanh và tử, bỏ không qua một đời!”.

Không ba thứ mùi, là ví như cây mía ngọt mà đã bị ép hết nước rồi, cái xác bã không còn vị mùi gì nữa. Ôi! cái tuổi trẻ sắc tươi, nay đã bị cái già hủ nó ép không còn ba món vị là 1-Không thể tụng kinh giải nghĩa; 2-Không thể ngồi thiền tu quán; 3-Không thể xiết việc nhọc và làm phước.

Tứ tướng: bốn hiện trạng là: 1-Sanh ra; 2-Ở đời; 3-Dị: hình sắc khác lần, 4-Diệt: chết mất.

Cốt đổng, Mặc Đàm nói “Các ông già ở núi La Phù(105) ưa dùng các vị ăn uống nấu chung lộn làm một, là tên của một món ăn). Ngày nay, người thế tục nhiều nơi mượn dùng cái danh vị đó, như là gọi nấu xá bần, nấu kiểm. Cốt đổng: bún lộn xáo, xáo lộn bún. Chính là nói già lẫn, lộn đầu lộn đuôi.

Hậu học có thưa hỏi điều chi, cũng không lời gì dẫn dắt, dù có bàn nói, chẳng nhằm điển chương nào!

Hai câu trên, người mất nhờ nhuận ích, hai câu dưới, lời mình thốt chẳng quan thiệp với sách.

Đã là chạm việc mặt vách, thì, đem chi để chỉ vẽ cho hậu côn, dù có nói ra một lời nửa câu gì, cũng chả ăn nhập vào điểm mô nào của Phật Tổ.

Thế có khác nào với câu “chẳng thấy con hạc già dưới nước” ru!

Ký: đức Như Lai nhập diệt chưa bao lâu, có một thầy Tỳ-kheo đọc lộn bài kệ trong kinh Pháp Cú như vầy “Người mà sống trăm tuổi, chẳng thấy hạc già nước, chẳng bằng sống một ngày, mà thấy được rồi đó”.

Bấy giờ, ngài A-nan Tôn giả vừa nghe rồi, bùi ngùi than rằng “Chánh pháp của Như Lai diệt sao chóng ru?” Rồi bảo Tỳ-kheo kia mà cải chính rằng:

Như lời Phật thuyết thì, “Nếu người sống trăm tuổi, chẳng thấy pháp sanh diệt, chẳng bằng sống một ngày, mà được thấy rồi đó”.

Tỳ-kheo kia về chùa, đến nói với Thầy nghe lại câu chuyện trên, Thầy y bảo rằng “A-nan già cả, nói hay sai lầm, chẳng nên tin theo, ngươi phải đọc lại như trước”.

Xét, thuở xưa, đương thời chánh pháp mà hãy còn sai ngoa thế đó, huống chi ngày nay cách Phật đã xa, mà nếu chẳng gần gủi thầy hay bạn giỏi mà có thể thốt lời có quan thiệp với điển chương được ư!?

Hoặc bị lời chúng khinh, liền trách hậu sanh sao vô lễ, lòng giận phừng nổi, nói lấn lướt người.

Câu đầu, không đức bị khiển trách, câu hai, chẳng tự xét lỗi mình, hai câu dưới, lòng nổi sân thốt lời độc, tổn thương người (như chưởi, mắng, rủa…!)

Lời nói đã chẳng nhằm kinh điển thì, có lạ gì bị người ta khinh rẻ! Chẳng tự xét lỗi mình, trở lại trách cái quấy của người. Một phen lửa giận phực lên, không chi chẳng cháy ráo (như một niệm sân tâm nổi lên, trăm vạn cửa chướng đều mở!).

Ký: Sân: giận, là cái hơi giận phừng phừng xông trào lên. Phẩn: hờn, là đối với kẻ làm nghịch ý mà căm hờn. Lại, hờn người ta là sân, tự hờn lại mình là khuể. Hận: hờn căm căm chứa kết trong lòng. Khuể: hờn người không theo ý mình.

Ngài Đạo An pháp sư nói “Đối với kinh, đạo, mình đã bất thông, với giới đức lại toàn chẳng có, tất nhiên, bị bằng hữu xì hơi mũi cười giễu, bạn đồng học bỏ rơi, người xuất gia mà như thế là, luống uổng mất tuổi sống dưới vòm trời!”

Xem mục lục