Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Luận viết :

Nếu có người hết tâm cầu Phật đạo, nên tu pháp gì là tỉnh yếu hơn cả.

Đáp : Chỉ một pháp quán tâm bao trùm hết các pháp, rất là tỉnh yếu.

Hỏi : Làm sao một pháp có thể bao trùm các pháp ?

Đáp : Tâm là gốc rễ của vạn pháp. Hết thảy các pháp chỉ từ tâm mà sinh. Nếu hiểu được tâm, thì vạn pháp đều sẵn đủ nơi đó. Ví như cây lớn, cành lá hoa quả đều do rễ mà có. Dù có chặt cây mà còn để rễ thì còn sinh sản. Nếu chặt rễ thì cây chết. Nếu hiểu tâm tu đạo thì dùng sức ít mà thành tựu. Không hiểu tâm mà tu đạo, phí công mà vô ích. Cho nên biết rằng hết thảy thiện ác đều do tự tâm. Tìm kiếm ngoài tâm rốt không thể được.

Hỏi : Tại sao quán tâm gọi là hiểu ?

Đáp : Bồ Tát Ma Ha Tát khi thực hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật Đa, hiểu rõ bốn đại, năm uẩn vốn không, không có ngã, thấy rõ sự khởi dụng của tâm có hai loại sai biệt. Là hai loại nào ? Là tâm tịnh và tâm nhiễm. Hai loại tâm đó xưa nay tự nhiên đều sẵn có, chỉ từ giả duyên(1) mà thành, theo nhân mà đến. Tâm tịnh thường thích nhân lành, tâm nhiễm thường nghĩ nghiệp xấu. Nếu không thọ sự nhiễm, thì gọi là Thánh, có thể rời xa các khổ, chứng sự vui Niết bàn.(2)  Nếu rơi vào tâm nhiễm, tạo nghiệp nhận chịu sự trói buộc gọi là phàm, chìm đắm trong ba cõi, chịu hết các thứ khổ. Vì sao vậy ? Vì do nhiễm tâm kia ngăn che thể Chân Như(3) vậy.

Kinh Thập Địa dạy : “Trong thân chúng sanh có Kim Cang Phật Tánh (tánh Phật rắn chắc), giống như mặt trời thể sáng tròn đầy, rộng lớn không ngằn, chỉ vì bị đám mây năm thứ mờ tối che khuất, như ánh đèn để trong bình không thể hiện ra.” Kinh Niết Bàn dạy : “Hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật, vì bị vô minh che khuất cho nên không được giải thoát.” Tánh Phật tức là tánh giác : giác cho mình, giác cho người. Biết rõ ràng trí giác tức là giải thoát. Cho nên biết rằng tất cả các việc lành lấy sự giác làm nguồn cội. Từ cội rễ của sự giác mà mọc lớn cây công đức. Quả Niết bàn cũng từ đó mà thành. Quán tâm như vậy có thể gọi là rõ (liễu).

Hỏi : Trên có nói rằng hết thảy công đức của Chân Như Phật Tánh đều lấy Biết (Giác) làm gốc. Vậy thì gốc của tâm vô minh là gì ?

Đáp : Tâm vô minh tuy có tám vạn bốn ngàn phiền não, tình dục, và hằng hà sa các điều ác, nhưng đều do ba độc là nguồn cội. Ba độc này là tham, sân và si. Tâm ba độc này chứa đầy hết thảy các ác, giống như cây lớn, rễ tuy chỉ có một mà sinh ra vô số cành lá. Rễ tam độc kia, mỗi mỗi rễ sinh sản trăm ngàn vạn ức lần nhiều lần gấp hơn, không thể ví dụ.

Tâm ba độc đó từ trong bản thể ứng hiện ra sáu căn,(1) gọi là sáu giặc (lục tặc), tức là sáu thức.(2) Do sáu thức này ra vào các căn, tham trước các cảnh tượng mà tạo thành nghiệp ác che khuất thể Chân Như, nên gọi là sáu thức. Hết thảy chúng sanh do ba độc, sáu thức này làm mê loạn thân tâm, chìm đắm trong sanh tử, luân hồi trong sáu nẻo, chịu các khổ não. Giống như do những suối nguồn nhỏ chảy về không ngớt tạo nên những con sông lớn vạn dặm sóng cả. Nếu như có người dứt được suối nguồn, các con nước sẽ ngưng. Người cầu đạo giải thoát nên chuyển ba độc thành ba Tụ Tịnh Giới (ba nhóm giới thanh tịnh),(1) chuyển sáu thức thành sáu Ba La Mật, tự nhiên vĩnh viễn rời khỏi hết thảy các khổ.

Hỏi : Sáu đường,(2) ba cõi(3) rộng lớn không ngằn mé, nếu chỉ quán tâm làm sao khỏi được sự khổ không cùng kia ?

Đáp : Nghiệp báo trong ba cõi chỉ do tâm mà sinh ra. Nếu như vô tâm thì ở ngay trong ba cõi mà thoát ngoài ba cõi. Ba cõi tức là ba độc. Tham là cõi dục, sân là cõi sắc, si là cõi vô sắc, nên gọi là ba cõi. Do ba độc này tạo các nghiệp nặng nhẹ, thọ quả báo cũng không đồng nhau, chia làm sáu xứ, nên gọi là sáu đường (lục thú).

Hỏi : Tùy theo nặng nhẹ chia làm sáu như thế nào ?

Đáp : Chúng sanh không biết nhân chân chánh, lấy tâm mê tu thiện, không tránh khỏi ba cõi, sinh vào ba đường nhẹ. Ba đường nhẹ là gì ? Vì mê tu mười thiện, vọng cầu sự vui, không ra khỏi đường tham, sinh vào loài trời. Người mê giữ năm giới, vọng khởi lòng ham muốn, không thoát khỏi đường sân, sinh vào loài người. Mê bám vào hữu vi, tin tà cầu phước, không thoát khỏi đường si, sinh vào loài A Tu La. Ba loại đó gọi là ba đường nhẹ (khinh thú). Ba đường nặng là gì ? Theo tâm ba độc, chỉ tạo ra nghiệp ác, đọa vào ba đường nặng. Nếu tạo nghiệp tham nặng, đọa vào loài quỷ đói, nghiệp sân nặng, đọa vào loài địa ngục, nghiệp si nặng, đọa vào loài súc sanh. Như vậy ba đường nặng cộng với ba đường nhẹ là sáu đường. Cho nên hãy biết rằng hết thảy các nghiệp khổ là do từ tâm mà sinh. Chỉ có giữ tâm rời bỏ các việc tà ác thì sự khổ luân chuyển trong ba cõi sáu đường tự nhiên tiêu diệt. Rời khổ tức là giải thoát.

Hỏi : Phật có nói : Ta từ ba a tăng kỳ kiếp, qua vô lượng sự cố gắng khổ nhọc mới thành tựu Phật đạo. Sao ngài lại nói chỉ quán tâm, chế ba độc tức là giải thoát ?

Đáp : Lời Phật nói không hư dối. A tăng kỳ kiếp tức là ba tâm độc. Người Hồ nói “a tăng kỳ kiếp”, người Hán nói là “không thể đếm”. Trong ba tâm độc này, ác niệm nhiều như cát sông Hằng, mỗi niệm tức là kiếp, tức là hằng sa số kiếp không thể đếm được, cho nên nói là ba đại a tăng kỳ.

Tánh Chân Như bị ba độc che khuất. Nếu không vượt ra ba loại tâm độc ác nhiều như số cát sông Hằng kia thì làm sao gọi được là giải thoát. Nếu chuyển ba tâm độc tham sân si thành ba giải thoát thì gọi là vượt qua ba đại a tăng kỳ kiếp. Chúng sanh trong thời mạt thế, căn cơ ngu đần chậm chạp, không hiểu nghĩa bí mật chữ ba đại a tăng kỳ của Như Lai, nói rằng qua vô tận số kiếp cũng chưa thành Phật được, không phải làm cho người tu nghi lầm thối đạo Bồ Đề đó sao ?

Hỏi : Bồ Tát Ma Ha Tát do giữ ba nhóm giới thanh tịnh (ba Tụ Tịnh Giới), thực hành sáu Ba La Mật, thành được Phật đạo. Ngày nay dạy người học đạo duy chỉ quán tâm, không tu các giới hạnh, làm sao thành Phật được ?

Đáp : Ba nhóm tịnh giới tức là chế trừ ba tâm độc. Chế trừ ba độc thành vô lượng thiện tụ. Tụ tức là hội. Vô lượng pháp lành đều hội nơi tâm, gọi là ba Tụ Tịnh Giới. Sáu Ba La Mật tức thanh tịnh sáu căn. Người Hồ gọi là đáo bỉ ngạn (đến bờ bên kia). Sáu căn thanh tịnh không nhiễm sáu trần, tức qua sông phiền não, nên gọi là sáu Ba La Mật.

Hỏi : Kinh có dạy : “Ba tụ tịnh giới là nguyện dứt hết thảy điều ác, nguyện tu hết thảy các điều lành, nguyện độ hết thảy chúng sanh.” Nay chỉ nói chế trừ ba tâm độc, như vậy có trái ngược hay không ?

Đáp : Điều Phật dạy đều là lời chân thật. Bồ Tát Ma Ha Tát, trong nhân tu hành quá khứ, để đối với ba độc, phát ba thệ nguyện : Giữ hết các tịnh giới để đối với tham độc, nguyện dứt hết các ác. Thường tu định để đối với sân độc, nguyện tu hết các thiện. Thường tu huệ để đối với si độc, nguyện độ hết thảy chúng sanh. Do giữ ba loại pháp trong sạch giới định huệ, thoát khỏi ba độc mà thành Phật đạo. Chế trừ ba độc thì các ác tiêu diệt gọi là dứt. Giữ ba nhóm tịnh giới thì các thiện đầy đủ gọi là tu. Hay dứt ác tu thiện thì vạn hạnh thành tựu, mình và người đều được lợi, rộng giúp quần sanh, gọi là giải thoát. Nên biết rằng việc tu giới hạnh không rời nơi tâm. Nếu tự tâm thanh tịnh thì hết thảy cõi Phật đều được thanh tịnh. Do đó Kinh dạy : “Tâm cấu thì chúng sanh cấu, tâm tịnh thì chúng sanh tịnh.” “Muốn được cõi Phật nên tịnh nơi tâm. Do tâm tịnh mà cõi Phật tịnh.“ Thế nên hay chế trừ các độc thì ba nhóm tịnh giới tự nhiên thành tựu.

Hỏi : Như Kinh dạy : “Sáu Ba La Mật còn gọi là sáu độ, là bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.” Nay bảo rằng sáu căn thanh tịnh gọi là Ba La Mật, là nghĩa thế nào ? Sáu Độ là nghĩa thế nào ?

Đáp : Muốn tu sáu độ, tịnh sáu căn, trước phải chiến thắng sáu giặc (sáu thức). Bỏ giặc mắt, lìa được sắc cảnh gọi là bố thí ; chế ngự được giặc tai, không để thanh trần theo vào gọi là trì giới ; chế phục được gặc mũi, tự tại điều nhu trước mùi hương gọi là nhẫn nhục ; chế ngự giặc miệng, không tham các vị ngon, tán vịnh, giảng thuyết, gọi là tinh tấn ; chế ngự giặc thân, đối với xúc chạm không khởi lòng động, gọi là thiền định ; chế ngự giặc ý, không trôi theo vô minh, thường tu giác huệ, gọi là trí huệ. Sáu Độ là vận chuyển, sáu Ba La Mật dụ như thuyền bè, có thể vận chuyển chúng sanh qua bờ bên kia, nên gọi là sáu Độ.

Hỏi : Kinh dạy : “Đức Thích Ca Như Lai khi còn là Bồ tát uống ba đấu sáu thăng cháo sữa mới thành Phật Đạo.” Trước nhờ uống sữa, sau chứng quả Phật, sao nói rằng chỉ quán tâm là được giải thoát ?

Đáp : Thành Phật như vậy không phải là nói sai, tất nhờ uống sữa sau mới thành Phật. Nói uống sữa có hai thứ sữa. Sữa mà Phật uống không phải là loại sữa bất tịnh của thế gian. Ba đấu là ba nhóm Tịnh Giới, sáu thăng là sáu Ba La Mật. Khi thành Phật đạo, do uống sữa Pháp thanh tịnh đó nên chứng quả Phật. Nếu cho rằng Như Lai uống loại sữa tanh hôi do sự hòa hợp của loài trâu bất tịnh ở thế gian là sự phỉ báng nặng. Chân Như là Pháp thân(1) kim cương không thể hư hoại, vô lậu,(2) vĩnh viễn xa lìa hết thảy các khổ thế gian, sao lại cần loại sữa bất tịnh để hết đói khát. Kinh dạy : “Con trâu này không ở tại cao nguyên, không ở tại nơi thấp ướt, không ăn lúa thóc cỏ rơm, không cùng bầy với trâu cái. Thân con trâu này màu vàng ròng.” Đó là đức Phật Tỳ Lô Giá Na,(3) với lòng từ bi thương xót tất cả chúng sanh, nên từ trong Pháp Thể thanh tịnh phát ra pháp nhũ tịnh diệu của ba nhóm Tịnh Giới và sáu Ba La Mật để nuôi dưỡng tất cả những ai cầu giải thoát. Đó là con trâu chân tịnh, nước sữa thanh tịnh, không chỉ Như Lai uống mà thành Đạo, hết thảy chúng sanh nếu được uống đều đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.(1)

Hỏi : Trong Kinh, Phật dạy chúng sanh làm các công đức như tu tạo già lam, đúc vẽ hình tượng, đốt hương rải hoa, thắp đèn, ngày đêm sáu thời đi quanh tháp hành đạo, trì trai, lễ bái thì sẽ thành Phật. Nếu như nói chỉ quán tâm là bao hàm được hết thảy các hạnh thì những việc làm trên là dư thừa hay sao ?

Đáp : Kinh Phật dạy có vô lượng phương tiện. Vì chúng sanh nhỏ hẹp, căn tánh chậm lụt, không ngộ được nghĩa sâu xa, cho nên giả lấy hữu vi dụ cho vô vi. Nếu không tu hạnh bên trong chỉ cầu bên ngoài, hy vọng thâu được phước là chuyện không thể có.

Già lam là tiếng Ấn Độ, nước này dịch là đất thanh tịnh. Nếu vĩnh trừ ba độc, thường thanh tịnh sáu căn, thân tâm trạm nhiên, trong ngoài đều thanh tịnh, đó gọi là tu sửa già lam.

Đúc vẽ hình tượng là những hạnh giác ngộ mà chúng sanh thực hành để cầu Phật đạo. Chân dung diệu tướng của Như Lai không thể dùng vàng đồng để tạo được. Do đó người cầu giải thoát lấy thân làm lò, lấy Pháp làm lửa, lấy trí huệ làm thợ khéo, ba nhóm tịnh giới, sáu ba la mật làm mô dạng. Nấu luyện Chân Như Phật Tánh trong thân cho vào chiếc khuôn giới luật. Theo đúng giáo lý thực hành không một chút lơ là, tự nhiên thành tựu hình tượng chân thật. Cho nên pháp thân vi diệu thường trụ cứu cánh, không phải là pháp hữu vi có thể hư hoại. Nếu có người cầu đạo không biết đúc vẽ hình tượng chân thật đó, nương vào chỗ nào mà nói công đức.

Đốt hương không phải loại hương có hình tướng của thế gian, nhưng là hương của chánh pháp vô vi, làm cho các nghiệp dơ xấu vô minh đều tiêu diệt hết. Hương chánh pháp đó có năm loại. Thứ nhất là hương giới là cắt đứt các ác, thực hành các thiện. Thứ hai là hương định, là tin sâu Đại thừa tâm không lui sụt. Thứ ba là hương huệ là thường quán sát thân tâm. Thứ tư là hương giải thoát là cắt đứt sự trói buộc của vô minh. Thứ năm là hương tri kiến giải thoát là quán chiếu thường rõ ràng, thông đạt không vướng ngại. Năm loại hương này là loại hương tối thượng, thế gian không có gì để so sánh. Khi Phật còn tại thế, dạy đệ tử dùng lửa trí huệ đốt loại hương quý vô giá đó để cúng dường chư Phật mười phương, chúng sanh ngày nay không hiểu nghĩa chân thật của Như Lai, chỉ lấy lửa bên ngoài mà đốt loại hương vật chất thế gian làm bằng đàn hương, trầm hương để cầu phước báo, làm sao có được ?

Nghĩa rải hoa cũng giống như vậy. Đó là thường thuyết Chánh Pháp. Các hoa công đức, lợi ích chúng sanh làm cho hết thảy đều được thấm nhuần, khắp làm trang nghiêm Tánh Chân Như. Hoa công đức được Phật tán thán này, mãi mãi thường còn, không có héo rụng. Người rải loại hoa này được phước vô lượng. Nếu cho rằng Như Lai dạy chúng sanh cắt hoa mầu, chặt thảo mộc để rải hoa thì không có điều đó. Vì sao ? Người giữ tịnh giới đối với sum la vạn tượng trong trời đất không làm cho bị xúc phạm. Người lỡ phạm còn bị tội lớn, huống là cố tình phá giới, làm hại vạn vật để cầu phước báo. Muốn được ích lợi mà làm tổn hại, có thể nào chăng ?

Ngọn đèn sáng mãi tức là tâm chánh giác. Khi được giác ngộ ví như ngọn đèn sáng. Do đó, người cầu giải thoát lấy thân làm đèn, tâm làm tim đèn, tăng tiến giới hạnh là dầu đèn, trí huệ sáng suốt dụ như lửa đèn. Đốt ngọn đèn giác ngộ chân chánh đó chiếu phá tất cả vô minh mờ tối. Rồi luân chuyển truyền bày tức một ngọn đèn thắp sáng ngàn ngọn đèn, đèn đèn tiếp nhau được thắp sáng nên đèn được thắp sáng vô tận, do đó được gọi là sáng mãi.

Trong thời quá khứ có đức Phật tên là Nhật Nhiên Đăng ý nghĩa cũng như vậy. Những chúng sanh ngu tối không hiểu lời dạy phương tiện của Như Lai, thực hành theo hư dối, chấp trước vào hữu vi, đốt đèn dầu tô của thế gian thắp sáng phòng ốc nói là thân theo Giáo Pháp, không là càn rỡ lắm sao ? Bởi vì ánh sáng từ hào tướng giữa chân mày của đức Phật phóng ra có thể chiếu soi vạn tám ngàn thế giới thì ngọn đèn dầu tô như vậy có ích lợi gì ! Xét rõ lẽ đó còn không rõ sao ?

Sáu thời hành đạo là với sáu căn trong mọi lúc đều thực hành Phật đạo, tu các hạnh giác ngộ. Lúc nào cũng điều phục sáu căn không lơi bỏ gọi là sáu thời.

Nhiễu tháp hành đạo, tháp là thân tâm. Làm cho giác huệ vòng khắp thân tâm, niệm niệm không dừng gọi là nhiễu tháp. Các bậc Thánh trong quá khứ đều thực hành đạo lý này mà đắc Niết bàn. Người ngày nay không hiểu lý này, không tu sửa bên trong mà chỉ cầu theo bên ngoài, lấy thân vật chất nhiễu tháp thế gian, ngày đêm qua không hay biết, tự mình lao nhọc mà chẳng lợi gì cho chân tánh.

Trì trai ý cũng không khác. Không hiểu được lý này thì không ích gì. Trai là chỉnh tề, có nghĩa là giữ thân tâm tề chỉnh không để cho bị tán loạn. Trì có nghĩa là giữ, là theo đúng Pháp Phật mà hộ trì giới hạnh. Bên ngoài ngăn cản sáu tình,(1) bên trong cắt đứt ba độc, siêng quán xét, tịnh thân tâm. Hiểu rõ nghĩa này gọi là trì trai. Trì trai có năm loại thực phẩm. Thứ nhất là Pháp Hỷ thực, là nương theo Chánh Pháp, vui vẻ phụng hành. Thứ hai là Thiền Duyệt thực, là trong ngoài trong suốt vắng lặng, thân tâm vui đẹp. Thứ ba là Niệm thực, là thường niệm chư Phật, tâm và niệm tương ứng. Năm là Giải Thoát thực, là tâm thường thanh tịnh, không nhiễm trần tục. Năm món ăn này gọi là trai thực. Không thể có người không ăn năm món thực phẩm thanh tịnh này mà nói rằng trì trai. Chỉ không ăn món ăn vô minh, ăn vào gọi là phá trai. Khi phá trai làm sao thâu hái phước đức. Ở thế gian nhiều người mê mờ không rõ lý này, để thân tâm phóng dật với các điều ác, tham muốn theo tình cảm phóng túng, không sinh hổ thẹn, chỉ không còn ăn thức ăn bên ngoài tự cho là trì trai, không có việc như vậy.

Lễ bái cũng như vậy. Hiểu lý thể sáng suốt ở bên trong, sự việc tùy theo đó mà quyền biến. Lý có lúc hiển lộ, có khi ẩn kín. Hiểu rõ nghĩa này tức là theo đúng Phật Pháp. Lễ là kính, bái là khép mình. Cung kính chân tánh và khuất phục vô minh gọi là lễ bái. Nếu ác tánh dứt mất, niệm thiện hằng còn, tuy không hiện ra tướng cũng được gọi là lễ bái. Tướng đó tức là Pháp tướng. Đức Thế Tôn muốn cho người thế tục thể hiện sự khiêm nhường, giảm bớt tâm cống cao, đó cũng là lễ bái. Cho nên khuất phục ngoại thân là biểu hiện sự cung kính bên trong. Lấy bên ngoài mà làm sáng bên trong, tánh và tướng tương ưng. Nếu không thực hành Phật pháp từ trong tâm, chỉ cầu bên ngoài, bên trong thả lỏng sân si, tạo các ác nghiệp, bên ngoài mệt thân một cách vô ích. Giả dối hiện ra uy nghi, không thẹn với các Thánh, lừa dối người phàm, không thể không thoát khỏi luân hồi, còn thành công đức được sao ?

Hỏi : Kinh Ôn Thất dạy : “Tắm rửa chúng tăng gặt phước vô lượng.” Đó là nương vào sự để được công đức. Với quán tâm thì có gì tương ưng không ?

Đáp : Tắm rửa chúng tăng không phải là tẩy sạch cái gì thuộc về thế gian hữu vi. Đức Thế Tôn khi dạy Kinh Ôn Thất cho đệ tử là muốn cho họ tuân giữ pháp tắm rửa, lấy sự việc ở thế gian tỷ dụ nguồn gốc chân thật, ngầm chỉ bảy việc cúng dường. Bảy việc đó là gì ? Thứ nhất là tịnh thủy, thứ hai là lửa, thứ ba là táo đậu (một loại như xà phòng dùng tắm rửa), thứ tư là cành dương, thứ năm là tịnh hôi (tro sạch), thứ sáu là tô cao (một loại cao), thứ bảy là áo lót. Bảy pháp này dụ cho bảy sự. Hết thảy chúng sanh đều do bảy món này tắm gội trang nghiêm, trừ bỏ sự nhơ xấu của tâm độc ác và vô minh. Bảy pháp này, thứ nhất là tịnh giới, tẩy sạch lỗi lầm, như nước trong rửa sạch bụi dơ. Thứ hai là trí huệ quán sát trong ngoài, như đốt lửa làm ấm nước trong. Thứ ba là phân biệt, bỏ bớt các việc ác ví như táo đậu có thể làm sạch những nhơ bẩn. Thứ tư là chân thật, cắt đứt các vọng tưởng, như nhai cành dương làm cho hơi miệng thơm sạch. Thứ năm là chánh tín, quyết định không nghi ngại, như tro sạch xoa thân, trừ được gió độc. Thứ sáu là nhu hòa nhẫn nhục, ví như tô cao làm thông nhuận da dẻ. Thứ bảy là hổ thẹn, hối lỗi những nghiệp ác, như áo lót che cái xấu của thân thể. Bảy việc nói trên là nghĩa chân thật của Kinh. Như Lai vì những người có căn tánh Đại thừa mà giảng nói, không phải là nói cho những người phàm phu trí nhỏ. Do đó người thời nay không thể hiểu thấu.

Ôn Thất tức là thân, là thắp ngọn lửa trí huệ làm ấm nước tịnh giới để tắm gội Chân Như Phật Tánh trong thân. Nhận giữ bảy pháp(1) để tự trang nghiêm. Các bậc Tỳ kheo lúc đó là những bậc thượng trí đều hiểu ý của Phật, theo lời dạy tu hành nên công đức thành tựu, chứng được quả Thánh. Chúng sanh thời nay không đo lường việc đó dùng nước thế gian rửa thân vật chất tự cho là theo Kinh, không lầm lẫn lắm sao ? Chân Như Phật Tánh không có hình thể phàm tục, bụi nhơ phiền não xưa nay không có tướng trạng, sao có thể dùng loại nước vật chất rửa thân vô vi ? Chẳng có sự lý gì, làm sao ngộ đạo được ? Nếu muốn cho thân được trong sạch nên quán thân này vốn do sự ham ăn uống không thanh tịnh mà sinh ra, đầy dẫy sự hôi thúi dơ bẩn từ trong ra ngoài. Nếu tẩy thân này cho sạch cũng như làm cho nó không còn trước khi nó được làm sạch. Nghiệm lý đó thì rõ sự tắm gội bên ngoài không phải là lời Phật dạy.

Hỏi : Kinh dạy rằng chí tâm niệm Phật thì sẽ được vãng sinh Tây phương tịnh độ. Đó là một cánh cửa dẫn đến thành Phật, sao lại quán tâm đề cầu giải thoát ?

Đáp : Phàm niệm Phật tức là thực hành chánh niệm. Hiểu nghĩa là chánh, không hiểu nghĩa là tà. Chánh niệm thì được vãng sinh, tà niệm làm sao đến được bên đó ? Phật tức là giác, là biết rõ thân tâm, không để cho việc ác khởi dậy. Niệm tức là nhớ, là nhớ giữ giới hạnh không hư dối, tinh tấn siêng năng. Đó gọi là niệm. Nên biết niệm tại tâm, không niệm nơi lời. Dùng nơm bắt cá, được cá quên nơm, dùng lời cầu ý, được ý quên lời.

Đã gọi là niệm danh hiệu Phật thì phải hiểu đạo lý niệm Phật. Nếu tâm không thật thì miệng chỉ là tụng danh hiệu rỗng, ba độc vẫn đến từ bên trong, nhân ngã đầy trong trí nhớ, theo tâm vô minh không thấy được Phật, chỉ là phí công. Vả tụng và niệm nghĩa lý riêng biệt, tại lời thì là tụng, tại tâm là niệm. Niệm từ tâm mà khởi là cửa vào giác ngộ, tụng là ở nơi miệng tức là tướng âm thanh. Bám vào tướng mà cầu lý rốt chẳng được gì. Cho nên biết rằng các vị Thánh trong thời quá khứ tu hành đều không nói bên ngoài mà chỉ tìm tâm. Tâm là nguồn của mọi thiện, tâm là chủ của vạn đức. Niết bàn thường vui là do sự dừng nghỉ của tâm mà sinh, ba cõi luân hồi theo tâm mà khởi. Tâm là cửa ngõ của hết thảy, tâm là bến bờ của giải thoát. Biết cửa ngõ đâu còn lo khó thành tựu, biết bến bờ đâu có sợ không đến chốn.

Riêng người ngày nay hiểu biết nông cạn, chỉ biết sự tướng là công đức, phung phí tài bảo, làm hại dưới nước trên cạn, vọng tạo tượng tháp, sơn xanh vẽ lục. Dốc hết tâm sức, hại mình mê người, không biết xấu hổ, làm sao giác ngộ được ? Thấy biết việc hữu vi rồi ưa thích và vướng vào đó, nghe nói đến vô tướng(1) thì ngây ngây như mê, ham lòng từ nhỏ trong hiện thế, không biết cái khổ lớn trong tương lai. Tu học theo cách đó chỉ tự làm khổ, chuyển chánh theo tà, nói dối là tạo phúc.

Chỉ thâu tâm soi rọi vào bên trong, soi xét bên ngoài sáng tỏ, trừ ba độc làm cho vĩnh viễn tiêu vong, đóng sáu thức không để cho quấy rối, tự nhiên các loại công đức vi diệu thường còn đều được trang nghiêm, vô số pháp môn thảy đều thành tựu, vượt phàm chứng Thánh, tự có không xa (không cần nhọc sức), ngộ trong chốc lát, đâu cần nhọc cạo đầu. Cánh cửa chân lý ẩn kín khó thể tỏ bày được hết, lược thuật về phần pháp môn quán tâm để tỏ rõ sự vi diệu.
----------------

(1) Giả duyên : Duyên có nghĩa là nương nhờ. Giả duyên là nương nhờ nhau một cách giả tạo. Mọi sự vật tồn tại không thực mà chỉ là sự hòa hợp giả tạo.

(2) Niết Bàn (Nirvana) : Trạng thái tịch diệt, giải thoát.

(3) Chân Như : Thể tánh chân thật không đổi. Tánh chân thật của các pháp là bất biến thường như gọi là Chân Như. Cũng là Tự Tánh, Pháp Thân, Thực Tướng, Pháp Giới. -----------------------

(1) Sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

(2) Sáu thức : Sáu nhận thức phân biệt tương ứng với sáu căn : Nhãn thức (sự biết của mắt), Nhĩ thức (sự biết của tai), Tỷ thức (sự biết của mũi), Thiệt thức (sự biết của lưỡi), Thân thức (sự biết của thân), Ý thức (sự biết thuộc phạm vi tinh thần). --------------

(1) Tam tụ giới : Nguyện dứt tất cả ác, Nguyện làm tất cả việc lành, Nguyện độ tất cả chúng sanh.

(2) Sáu đường (Lục đạo, lục thú) : Chúng sanh khi chưa ra khỏi luân hồi, phải luân lưu trong sáu đường (đạo là đường, thú là chỗ hướng tới). Trời, người, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

(3) Ba cõi (ba giới) : Dục giới : chúng sanh cõi này sống trong tham dục ; Sắc giới : chúng sanh cõi này có sắc thân nhưng không có lòng tham dục ; Vô sắc giới : cõi chúng sanh chỉ sống bằng tinh thần. --------------------

(1) Pháp thân : Bản thể thường còn tuyệt đối của mọi pháp, đồng nghĩa với Chân Như, Pháp Tánh, Thực Tướng… là một trong ba thân của Phật (Pháp thân, Báo thân, Hóa thân).

(2) Vô Lậu (Không còn rỉ chảy) : Mọi phiền não đều dứt sạch, hoàn toàn giải thoát.

(3) Tỳ Lô Giá Na Phật (Đại Nhật Như Lai) : Pháp thân Phật. ---------------------

(1) A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề : Trí huệ tối thượng, Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

(1) Sáu tình (Lục tình) : sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

(1) Bảy pháp : Không ham lợi dưỡng ; không ham tiếng tăm, trọng vọng ; không ham được ca tụng, đề cao ; biết hổ thẹn ; sợ tội lỗi ; ít tham muốn ; chánh biến tri.

(1) Vô tướng : vượt ngoài mọi hình tướng. Một tính chất của Niết bàn.

Xem mục lục