Nền tảng của Phật giáo Việt Nam là Thiền. Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đắc Pháp với Tam Tổ Tăng Xán, là người đầu tiên truyền Thiền vào Việt Nam và lập nên phái Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Và Thông điệp Thiền đã do Tổ Bồ Đề Đạt Ma đem vào Trung Hoa, truyền qua Huệ Khả, qua Tăng Xán…, để rồi đâm hoa kết trái nhanh chóng trên khắp miền Đông Nam Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Do đó việc dịch cuốn Ngữ Lục Bồ Đề Đạt Ma ra Việt ngữ không phải là việc dư thừa. Duy có một điều : đây là một việc làm quá táo bạo, ví như có người muốn về trên Yên Tử mang xuống nhân gian một mảnh mây trời.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng dịch thuật các tác phẩm Phật giáo là một trong những đóng góp vào tương lai Phật giáo cũng như đất nước. Chúng ta đã có một gia tài vô giá, đó là Phật giáo Việt Nam với truyền thống Thiền. Ngày xưa, cha ông chúng ta đã xây dựng một đất nước vinh quang trong ánh sáng Thiền…
Khởi sự và cứu cánh của Phật giáo là nhìn thấy thực tại. Thiền là phương pháp để nhìn thấy thực tại. Nhìn thấy thực tại để thấy rằng sóng không ngoài nước, để tự tại hơn giữa cuộc đời, để yêu thương chân thật hơn, và có xắn áo ra chơi giữa chợ đời thì cũng với một lòng vị tha vô ngã.
Vì vậy, chúng tôi không mong tác phẩm này sẽ cung cấp thêm một số kiến thức về Thiền, về Phật giáo cho người đọc.
Quyển sách này gồm bốn luận của Bồ Đề Đạt Ma là : Đại Thừa Nhập Đạo Tứ Hạnh Quán, Huyết Mạch Luận, Ngộ Tánh Luận và Phá Tướng Luận. Nhiều học giả đồng ý rằng Đại Thừa Nhập Đạo Tứ Hạnh Quán là do chính Bồ Đề Đạt Ma truyền dạy, còn ba luận kia là người đời sau viết ra. Sau khi những động Đôn Hoàng được khai quật, người ta biết chắc rằng dù những luận trên nếu không do Bồ Đề Đạt Ma trực tiếp dạy thì cũng do những đồ đệ rất gần của Ngài viết ra vào thế kỷ thứ bảy và thứ tám. Dù sao, những luận này cũng không ra ngoài dòng huyết mạch của Bồ Đề Đạt Ma : đó là dòng Tổ Sư Thiền. Pháp yếu của Tổ Sư Thiền do Tổ Sư Đạt Ma truyền bao hàm trong bài kệ sau đây :
Tổ Sư Đạt Ma,
Từ Tây qua đây,
Chẳng vướng danh ngôn,
Không dựa tu chứng.
Chỉ thẳng vào tâm,
Thấy tánh thành Phật.
(Đạt Ma Tổ Sư
Tây lai thử độ,
Bất thiệp danh ngôn,
Bất lập tu chứng.
Duy trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.)
Thành Như Cổ Sơn Vãn Lục
Pháp môn Tổ Sư Thiền này khác với pháp môn Thiền chỉ y theo kinh giáo, tu tĩnh tâm, khán tịnh. Bồ Đề Đạt Ma dạy vượt qua ngôn ngữ kinh giáo, tâm thẳng vút như vách núi, lấy trí huệ tánh Không chặt đứt mọi phân biệt đối đãi, mọi vọng niệm, mọi vướng mắc ràng buộc.
Theo truyền thống Tổ Sư Thiền, pháp môn này không phải do Bồ Đề Đạt Ma khởi xướng, mà được chính đức Phật truyền dạy. Trong Pháp Hội Linh Sơn, một hôm đức Phật dạy : "Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thật Tướng Vô Tướng, Vi Diệu Pháp Môn (Vấn Phật Quyết Nghi Kinh), nay giao lại cho Ma Ha Ca Diếp." Và pháp môn này truyền đến Bồ Đề Đạt Ma.
Trong giòng sông lớn này, bao nhiêu vị nhục thân Bồ tát đã xuất hiện, vô số chúng sanh độ thoát, vô số con người ra khỏi khổ đau và nhiều xã hội, thời đại được thái bình hạnh phúc.
Bản dịch này chắc chắn còn nhiều sai sót. Do đó, chúng tôi có in thêm bản Hán văn và phần âm Hán để quý vị độc giả đối chiếu. Xin quý vị độc giả lượng thứ và mong trong tương lai, có nhiều bản dịch hoàn hảo hơn.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.