Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Tôi gặp Giáo sư Suzuki vào khoảng năm 1952. Lúc ấy tôi được biết ông có buổi nói chuyện chuyên đề ở Viện Đại học Columbia mà ai cũng có thể đến dự. Vì tìm thấy trong các tác phẩm của ông có điều gì làm tôi nóng lòng muốn tìm hiểu rõ hơn, tôi đã nhân thời cơ này đến New York để tham dự khóa chuyên đề của ông. Thính giả ngồi quanh mép ngoài một căn phòng lớn và ông nói chuyện với một nhóm sinh viên quây tròn phía trong. Hôm đó, ông nói về nếp sống ở Thiền viện ("Một ngày không làm là một ngày không ăn") và cả tiến trình làm đồ gốm như một người thợ gốm Thiền vẫn làm. Ông mô tả chi tiết cách người thợ gốm cẩn thận chọn và trộn đất thó, lấy một ít ở chỗ này và một ít ở chỗ kia, nhận biết một cách tinh tế sự khác nhau của chất liệu ở những vùng khác nhau. Tôi có cảm giác vài người đã mất kiên nhẫn vì sự mô tả dài dòng như tính thủng thẳng mà người thợ gốm phải có khi quan sát các chi tiết. Nhưng rồi điều gây ngạc nhiên cũng đến khi ông bảo tất cả sự cẩn trọng, tài năng, và kinh nghiệm đó cũng chưa đủ để làm ra sản phẩm thật sự. Phải có yếu tố bất chợt, một ngẫu nhiên may mắn nào đó xảy ra. Có thể tôi chưa thật hiểu rõ, nhưng tôi nhớ lúc ấy đã xem ý tưởng này như sự tương đồng của Thiền tông với ân sủng của Thiên chúa. Và tôi tự nhủ người thợ gốm sẽ làm ra sản phẩm thật sự khi y và chất liệu và vũ trụ quanh y là một.

Không rõ đề tài đã chuyển đổi thế nào mà bỗng nhiên Bác sĩ Suzuki nói về chuyện săn bắn. Rõ ràng ông ghét cái ý tưởng rình bắn những con chim và ông nói một cách giận dữ là ông không thể nghĩ ra điều gì xấu hơn việc một con người rình rập để bắn một con chim nhỏ bé. Tôi nghĩ ông muốn nói người ta ít ra hãy đương đầu với cái xứng với tầm vóc của mình hơn, như một con sư tử chẳng hạn!

Sau đó vài năm tôi trở thành học trò của nhà tâm lý học người Pháp, Bác sĩ Hubert Benoit, và đã viết một tiểu luận trình bày tư tưởng của Benoit. Tôi gởi tập tiểu luận này cho Bác sĩ Suzuki và xin gặp ông để thảo luận thêm về đề tài này, ông đã vui vẻ nhận lời.

Tôi đến thăm ông tại gian phòng của ông ở New York. Trợ lý của ông, cô Okamura xinh đẹp, đưa tôi vào nhà. Tôi đoán chắc gia đình cô cũng sống trong tòa nhà này. Theo những điều tôi đã đọc về Thiền và Nhật bản, tôi đinh ninh sẽ nhìn thấy một gian phòng trống trải với một món đồ mỹ thuật duy nhất. Chưa bao giờ, thế mới biết, tôi lại nhìn thấy nơi nào bừa bộn một cách tuyệt hảo như vậy! Bác sĩ Suzuki đang ngồi thanh thản và mỉm cười, lọt thỏm giữa bao nhiêu bàn ghế chất chồng đầy sách, bản thảo, tạp chí trong cái đẹp ngỗn ngang. Còn có mấy chú chim trong chiếc lồng đôi đang hót líu lo liếng thoắng. Cô Okamura pha trà, loại trà cánh dày, xanh đậm được gởi từ Nhật sang; và Bác sĩ Suzuki hài lòng khi thấy tôi thích thú nếm. Thính giác của ông rất yếu, nhưng nếu ta ngồi đối diện ông và nói rõ ràng thì không có vấn đề gì.

Ông gật đầu tỏ ý tán thành bản thảo của tôi. Bác sĩ Benoit, ông xác nhận, đã hiểu trung thực về Thiền. Cô Okamura nói thêm: "Chẳng phải Thầy đã nói từ khi đọc bài tiểu luận của Bác sĩ Rioch Thầy mới thật sự hiểu những gì Bác sĩ Benoit muốn giải bày?" Ông bật cười đồng ý. Khi ngồi đối diện với ông bên chiếc bàn này, tôi thấy hầu như ông thường xuyên cười.

Tôi muốn biết làm sao để bắt đầu tham Thiền nên đã hỏi ý kiến của ông. Dường như câu hỏi này làm ông vui nên ông cười một cách chân tình. Tôi hỏi lại lần nữa và kết quả cũng như cũ. Bấy giờ tôi bối rối. Tôi đã hỏi một câu ngớ ngẩn và có nên thôi đi chăng? Hay đây là trường hợp tương tự của một môn sinh văn minh, hiện đại đứng dưới tuyết suốt mùa đông để chứng tỏ lòng chân thành cầu đạo? Tôi quyết định phải kiên trì nên đã hỏi lại lần nữa. Cuối cùng, ông khuyên tôi nên gặp Bác sĩ Hisamatsu khi ông này đến Harvard vào mùa thu tới. Ông nói Hisamatsu là một tay lão luyện về "ngồi" mà tôi nên tham vấn.

Mùa thu năm đó tôi đã có dịp gặp Bác sĩ Hisamatsu ở Cambridge, Massachusetts, trong một buổi chiều ở nhà của Bác sĩ và phu nhân Robert Lifton, cùng với ông DeMartino làm phiên dịch và Bác sĩ Suzuki ngồi ở cuối ghế sofa thiu thiu ngủ. Cô Okamura cũng có mặt. Cái khó của chủ đề cũng như trở ngại về ngôn ngữ đã hạn chế nhiều tác dụng của buổi mạn đàm. Bác sĩ Suzuki dường như để mặc chúng tôi xoay sở trong lúc ông ngủ gà gật. Nhưng thỉnh thoảng cần thì ông thức, tỉnh táo hoàn toàn. Và chỉ với vài lời ngắn gọn ông giúp chúng tôi hiểu rõ những gì Bác sĩ Hisamatsu đã nói, rồi lại liu thiu ngủ tiếp. Tất nhiên sự lãng tai của ông là một trở ngại, nhưng ông không bao giờ tỏ ra khó chịu vì nó. Một khi đã tham dự là ông thật sự "nhập cuộc". Khi ông không tham dự, chẳng vì thế mà chúng tôi cảm thấy ái ngại cho ông hay có ý nghĩ ông là người tàn tật hoặc "lơ là".

Trong năm đó ông đến Washington và cùng với Bác sĩ Hisamatsu dành ra một buổi chiều ở nhà chúng tôi để gặp gỡ nhóm các nhà tâm lý và phân tâm học yêu thích Thiền. Chuyện cũng diễn ra như trước. Ôõng là một người ốm yếu đáng kính thường tự làm tươi tỉnh bằng những cái chợp mắt ngủ ngắn nhưng vụt tỉnh dậy với tất cả khí lực mạnh mẽ. Nhờ có cô Okamura phụ giúp, ông nói, ông tự cho phép mình được nuông chiều một chút.

Có biết bao câu hỏi đặt ra cho ông. "Nhà khoa học có thể thành người giác ngộ không?" "Có thể", ông đáp. "Làm sao bắc được nhịp cầu nối hai bờ chủ thể-tôi và khách thể-nó, như tách trà kia? Ông có phải cố gắng đồng cảm với khách thể?" Ông lắc đầu, cầm lên chén trà đặt trước mặt ông và nói chắc nịch: "Không, không, không giống như vậy. Tôi không tự hòa mình vào chén trà. Tôi không tìm cách cảm nhận như chén trà. Tôi là chén trà."

Xem mục lục