Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Trong những năm 1949 - 1951, tôi là giáo sư thỉnh giảng về triết học và văn chương Trung hoa ở viện Đại học Hawaii. Người sinh viên xuất sắc trong lớp tôi lúc ấy là Richard DeMartino, cùng lúc đang học Thiền dưới sự dẫn dắt riêng của Bác sĩ Suzuki, và qua anh mà tôi đã có dịp gặp ông. Ngay từ phút đầu gặp gỡ ông đã cho tôi ấn tượng đây không chỉ là một người dạy triết, ông còn sống thực với triết.

Tác phẩm Sống Thiền của ông cũng ra mắt trong khoảng thời gian này. Tôi hoàn toàn bị thu hút bởi sự trình bày của ông về những kiến giải vi diệu của các đại Thiền sư như Mã Tổ, Triệu Châu, Lâm Tế, và Vân Môn. Cho tới lúc ấy kiến thức của tôi về Thiền tông chủ yếu dựa trên bộ Đàn Kinh của Lục tổ Huệ Năng, quyển sách tôi đã đọc từ nhiều năm trước và coi là một trong ba tác phẩm uyên bác nhất trong lịch sử Trung Hoa; hai quyển kia là cuốn Luận ngữ của Khổng tử và Lão tử Đạo đức Kinh. Đến khi đọc Sống Thiền tôi bắt đầu nhận ra ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Huệ Năng và, còn hơn thế, được tiếp cận phong vị Thiền tông đã phát triển qua lời dạy của những hậu duệ vĩ đại của ngài. Từ đó tôi rất thích văn học Thiền và sức hấp dẫn của nó không ngừng lớn mạnh trong tôi.

Lần thứ hai tôi gặp Bác sĩ Suzuki ở Honolulu. Đó là mùa hè năm 1959, khi viện Đại học Hawaii tổ chức cuộc Hội thảo các triết gia Đông-Tây lần thứ ba. Cả hai chúng tôi đều có tên trong danh sách diễn giả. Một buổi chiều, tôi nghe ông nói như vầy khi đang báo cáo về triết lý sống của Nhật Bản: "Người Nhật sống với Khổng giáo và chết với Phật giáo". Tôi bất ngờ trước lời tuyên bố lạ lùng này. Dĩ nhiên tôi hiểu ý ông muốn nói gì, vì điều này cũng ít nhiều đúng như ở Trung quốc. Nhưng dù sao tôi vẫn cho rằng đó là sự cường điệu cần cho sự cải thiện và làm sáng tỏ vì lợi ích của chúng ta những người Tây phương. Vì vậy, ngay khi ông kết thúc bản báo cáo, tôi đã xin phép vị chủ tọa đặt một câu hỏi với ông, và đã được chấp thuận. "Tôi thật sự bị thu hút trước nhận xét của Bác sĩ Suzuki rằng người Nhật sống với Khổng giáo và chết với Phật giáo. Vậy thì, mấy năm trước đây tôi đã có dịp đọc quyển Sống Thiền của Bác sĩ, Thiền tông có phải là một trường phái Phật giáo đang thịnh hành ở Nhật? Nếu đúng, hẳn phải có nhiều người Nhật đang sống với Phật giáo chứ. Như vậy, theo tôi hiểu, dường như nói người Nhật chết với Phật giáo là nói theo nhu cầu một sự xét lại nào đó". Vị chủ tọa đã cẩn thận chuyển câu hỏi của tôi cho Bác sĩ Suzuki (vì ông hơi bị lãng tai), và cả nhóm thảo luận nóng lòng chờ câu đáp của ông. Nhưng ngay sau khi vị chủ tọa trình bày xong vấn đề, Bác sĩ Suzuki trả lời với sự đột ngột và tự nhiên của một Thiền sư thực sự: "Thì sống cũng là chết!" Câu đáp làm cả hội trường rộn lên. Mọi người cười ồ, như thể cười tôi. Chỉ mình tôi bừng tĩnh. Hiển nhiên đâu phải ông trả lời câu tôi hỏi, mà ông đẩy tôi lên một bình diện cao hơn, bình diện vượt ngoài lý và luận, vượt khỏi sinh và tử. Tôi muốn vỗ vai ông một cái để biểu thị rằng tôi đã thấm lời ông. Nhưng đáo cùng, chẳng phải tôi vẫn phải sống với Khổng giáo đó sao, nhất là trước những vị giáo sư khả kính như thế này?

Qua kinh nghiệm thú vị này tôi càng cảm thấy gần ông hơn. Chúng tôi hiểu nhau từng ánh mắt, dù nhiều bạn hữu người Mỹ vẫn nhắc tôi rằng Bác sĩ Suzuki chưa giải đáp vấn đề tôi nêu, và họ hết sức hoang mang khi tôi bảo điều đó còn hơn là một lời giải đáp. Chỗ nào hai triết gia Đông phương hoàn toàn nhất trí thì hai triết gia Tây phương có thể chẳng thấy gì ngoài sự bất đồng.

Mùa hè năm 1964, chúng tôi lại gặp nhau trong Hội thảo các triết gia Đông-Tây lần thứ tư ở Honolulu. Chúng tôi sung sướng họp lại và cô Okamura, người tự nguyện làm thư ký cho ông, đã chụp cho chúng tôi mấy kiểu hình. Ông hài lòng khi biết tôi đang viết một quyển sách về thời hoàng kim của Thiền tông, nói về các Thiền sư dưới triều đại nhà Đường. Ông đã vui vẻ nhận lời viết giới thiệu sách khi tôi viết xong. Ông đã xem qua một trong các chương của sách, và khích lệ tôi nên tiếp tục.

Mùa đông năm 1965, cuốn sách cơ bản được hoàn tất, và tôi viết gởi ông hai lá thư, bức thứ hai như sau:

43 Cottage Street
South Orange, N.J. 07079
ecember 20, 1965

Bác sĩ Suzuki kính mến,

Tôi rất vui mừng báo thầy biết tôi đã hoàn tất cuốn Thời hoàng kim của Thiền tông, trong đó có 44 trang kèm theo là Lời Bạt của sách. Tôi xin gởi thầy phần này trước vì nó liên quan tới vài điều có tính riêng tư. Vả chăng, đó là việc đọc nhẹ nhàng thích hợp trong kỳ nghỉ lễ. Các chương còn lại như sau:

Phần mở đầu: từ Bồ Đề Đạt Ma đến Hoằng Nhẫn
Lục tổ Huệ Năng: Cuộc đời và các môn đồ xuất chúng của ông.
Những kiến giải căn bản của Huệ Năng (đây là phần đã trình ông xem mùa hè năm ngoái)
Mã Tổ Đạo Nhất
Bách Trượng và Hoàng Bá
Triệu Châu Tùng Thẩm
Những Thiền sư lỗi lạc trong dòng Thần Tú.
Qui Sơn: Tổ sáng lập phái Qui Ngưỡng
Lâm Tế Nghĩa Huyền: Tổ sáng lập phái Lâm Tế
Động Sơn: Tổ sáng lập phái Tào Động
Vân Môn Văn Yễn: Tổ sáng lập phái Vân Môn
Pháp Nhãn Văn Ích: Tổ sáng lập phái Pháp Nhãn

Lời bạt (gởi kèm theo đây)

Tôi còn dự tính bao quát cả những thời kỳ tiếp theo, nhưng nền văn học Thiền phong phú đến độ muốn viết một biên sử thích đáng về Thiền tông Trung hoa tôi cần ít nhất là năm năm nghiên cứu cật lực. Như ở đây, chỉ riêng các Thiền sư triều đại nhà Đường, tôi đã viết đến ba trăm trang sách.

Tất cả các chương trên đều đã được in rô-nê-ô trừ chương đầu còn đang viết. Tôi đang đọc lại hai tác phẩm uy tín của thầy về Kinh Lăng già. Thực ra, những kiến giải sâu sắc của thầy đã hướng dẫn tôi viết sách này. Nhưng để viết chương mở đầu, cần phải thấu đáo những nghiên cứu cặn kẽ của thầy.

Tôi đã theo những kiến giải quan yếu của thầy nhưng không với tinh thần nô lệ, mà bởi vì khi đã nghiên cứu cẩn thận những tư liệu gốc trong Hán văn, tôi không thể không đồng ý với thầy trên nhiều phương diện. Chẳng hạn như những điều thầy nói về sự tương đồng căn bản giữa Đạo của Lão tử và Trang tử và Thiền tông - trong bài giới thiệu bản dịch Trang tử của James Legge - chính xác một cách sâu sắc đến độ không ai có thể bài bác. Sự thật là Thiền tông đã mang nhiều ảnh hưởng của Triệu luận, và theo tôi biết, Tăng Triệu là người thực sự hiểu Trang tử.

Tôi sẽ gởi đến thầy tất cả các chương trên ngay khi thầy bảo. Mong thầy sẽ giúp cho tôi lời giới thiệu sách như thầy đã nói mùa hè năm ngoái.

Có những người bạn ở Đài loan đã đề nghị tôi viết một tiểu sử của Bác sĩ Tôn Dật Tiên bằng tiếng Anh. Tôi phải đi Đài bắc vào mùa xuân tới, nhưng tôi vẫn muốn ghé qua Nhật vài ngày để thăm thầy trước khi đến Đài Loan, có được không? Chúng ta sẽ cùng thưởng ngoạn mùa hoa Anh đào năm nay?

Trong Lời bạt (tr. 11ff) thầy sẽ thấy một phần tường thuật cá nhân về "Phong vị Thiền của Suzuki". Mùa hè năm trước, nhiều thành viên cao niên của Hội thảo vẫn cho rằng dù sao thầy cũng chưa trả lời câu hỏi của tôi! Vì vậy tôi nghĩ đây là dịp để kết thúc sự im lặng của tôi.

Thầy sẽ thấy trong Lời bạt tôi đã lấy tư liệu hầu hết từ những nguồn sau thời Đường. Điều này nêu bật ý kiến của tôi trong chừng mực nào đó. Tôi hy vọng phần viết về Đại Tuệ Tông Cảo không quá khắc khe. Có lẽ tôi có ấn tượng tốt hơn về ông ấy nếu tôi tìm hiểu ông ấy kỹ hơn. Thầy nghĩ sao về trường hợp này?

Cha Thomas Merton, một người bạn thân của tôi, vừa cho xuất bản cuốn Đạo của Trang Tử. Tôi rất mừng thấy ông củng cố thêm ý kiến của thầy về Trang Tử và Thiền. Ở trang 15, ông viết: "Những người kế thừa chân chính tinh thần và tư tưởng của Trang Tử chính là những Thiền giả triều đại nhà Đường".

Mong thầy hằng an vui và một cuộc sống trường thọ ít ra cũng như Cổ Phật Triệu Châu.

Học trò nhỏ của thầy,
John C. H. Wu

Xin thầy vui lòng chuyển giúp lời chúc mừng Giáng sinh và Năm mới đến cô Okamura. Tôi gởi kèm theo đây bản dịch sang chữ Hán bài thơ haiku của Ba Tiêu, không biết thầy có thích không? Tôi có thể dịch nhiều bài khác nữa sang Hoa ngữ.

Ước gì tôi có thể diễn tả niềm vui sướng rộn ràng khi nhận được thư trả lời của ông vào tháng hai năm đó. Nó là một kho tàng vô giá mà tôi muốn chia sẻ với độc giả:

Matsugaoka Bunko
1375 Yamanouchi
Kamakura, Japan

Ngày 30 tháng Giêng, 1966

Bác sĩ Wu thân mến,

Cảm ơn ông đã gởi hai bức thư. Nó đến đúng lúc, nhưng tôi bận đi vắng một thời gian. Hơn nữa gần đây thị lực của tôi yếu kém nên thật khó đọc thư và bản thảo, càng khó hơn với những cuốn sách in chữ nhỏ xíu. Vì thế mà hồi âm trễ, xin vui lòng miễn thứ.

Bản thảo "Lời bạt" của ông rất hay. Bản dịch bài haiku của Ba tiêu về con ếch đã đạt đến tinh yếu của mọi kinh nghiệm xác thực về tôn giáo. Tôi mong được gặp ông khi ông đi Đài Loan. Bằng mọi giá cũng ráng đến Liêm thương để tôi được hàn huyên cùng ông về những đề tài chúng ta quan tâm. Việc viết lách làm mất rất nhiều thời giờ. Cho biết tin khi nào ông dự tính lên đường.

Rất mong được gặp ông và chúc ông mọi sự tốt lành.

Thân ái,

Daisetz T. Suzuki

Tái bút: xin vui lòng tìm giúp một bức ảnh chụp ở Hawaii năm 1959.

Phần Lời bạt nói trên đương nhiên là quá dài để có thể chép ra đây. Tôi chỉ muốn ghi lại phần có liên quan tới bài thơ haiku của Ba Tiêu vì ông rất tâm đắc:

Thời gian và Vĩnh cửu

Một trong những liên thơ quen thuộc nhất trong văn học Thiền Trung hoa là hai câu sau:

Một trời miên viễn:
Một ngày gió trăng.

Nó đưa chúng ta về buổi bình minh của sáng thế. Và không có gì khuấy động tâm trí chúng ta hơn là nhớ lại cái run rẫy đầu tiên của thời gian ở giữa lòng vĩnh cửu. Một Cõi Không vô hạn, tuyệt đối tĩnh lặng. Trong một khoảnh khắc nảy ra sự sống và sự chuyển động, hình và sắc. Ai biết nó diễn ra thế nào! Nó là một ẩn mật huyền bí. Nhưng chỉ cần nhận ra sự huyền bí này cũng đủ cho một người mẫn cảm say sưa trước niềm vui thú kỳ tuyệt.

Đây là bí ẩn của nét đẹp trong bài thơ của Ba Tiêu:

Ao xưa
Con ếch nhảy vào -
Bõm!

Cái ao là hình tượng của "Môt trời miên viễn", con ếch nhảy vào và khua động mặt nước như "Một ngày gió trăng". Còn kinh nghiệm nào đẹp hơn và rung động tâm hồn hơn kinh nghiệm nắm bắt được sự tĩnh lặng ngàn đời lần đầu tiên vỡ tan thành tiếng hát? Hơn bao giờ hết, mỗi ngày là bình minh của sáng tạo, bởi mỗi ngày là duy nhất một ngày đầu tiên và cuối cùng. Thượng đế không là Thượng đế của sự chết, mà của sự sống.

Ngày mồng một tháng năm năm đó (1966) tôi từ New York bay đi Tokyo trong vài ngày để thăm Bác sĩ Suzuki ở Liêm thương. Đó là lần thứ ba tôi gặp ông, cùng với người bà con của tôi, ông C. F. Liu và thư ký của ông, ông Ikeba. Cô Okamura đón chúng tôi, cho biết Bác sĩ Suzuki đã trông đợi tôi từ mấy ngày nay và xem trọng tình bạn này đến mức cho rằng nó làm ông cảm thấy ông không sống vô nghĩa! Và con người vĩ đại ấy đã xuất hiện cùng với những nụ cười, chào đón chúng tôi. Mọi người đều ngạc nhiên thích thú trước dáng vẻ khỏe mạnh của ông. Tôi đưa tặng ông bản thảo cuốn Thời hoàng kim của Thiền tông mà ông sẽ viết lời giới thiệu. Ông đã hào phóng cho tôi nhiều quyển sách, trong đó có những tác phẩm công phu của ông viết về Đàn Kinh, những đoạn sưu tập về Bồ Đề Đạt Ma, và ngữ lục của Triệu Châu. Cô Okamura lại chụp cho chúng tôi thêm vài tấm ảnh.

Rõ ràng ông có thiện cảm với Đại Tuệ Tông Cảo hơn tôi, vì ông đã bình luận một cách ưu ái về những trước tác của ông này, và khuyên tôi nên tìm hiểu thêm. Tôi đã nghe theo và ấn tượng của tôi về Đại Tuệ có cải thiện, tuy nhiên, phải thừa nhận rằng tôi vẫn cảm thấy con người này hơi quá đa đoan lý sự.

Chúng tôi đã dành trọn buổi chiều hôm đó với ông, và chúng tôi nhận thấy ông vẫn rất sôi nổi so với tuổi tác. Làm sao biết được chỉ hai tháng sau là ông hoàn tất cuộc hành trình trên cõi đời này. Tôi chỉ một lần mơ thấy ông, vẫn đang nói về Triệu Châu. Nhưng nếu, như ông đã bảo "sống ấy là chết",thì chết cũng là sống vậy thôi.

Suzuki là một Chân nhân, người thuộc về cả thế giới ở mọi thời đại. Chỉ một đất nước vĩ đại như Nhật Bản mới sinh một con người vĩ đại như Suzuki.Ông đã trở về cõi vĩnh hằng, nhưng đáng yêu làm sao một ngày lộng gió và trăng!

Xem mục lục