Thật khó cưỡng lại ước muốn bày tỏ lòng tri ân Suzuki Daisetz - người Thầy (sensei, tiên sinh) mà cũng là bạn - dù ta biết rõ sự phù phiếm của ngôn ngữ. Ông đã - và đang - hùng biện vượt khỏi sự lệ thuộc vào ngôn ngữ. Như một vì sao, một đóa hoa, một cánh chim trời - đó là ông! - và tìm cách mô tả ông cũng như ảnh hưởng của ông bằng ngôn từ là vô tình tìm cách giảm thiểu tầm vóc vĩ đại của một nhân cách vĩ đại. Để minh định tính cách của ông, từng câu chữ xuất hiện trong tâm trí tôi đều trở thành vô nghĩa. Tuy thế dù sao, cũng còn một ý nghĩ cứ trở lại: có lẽ chúng ta có thể nói về ông như một con người phục sinh thời hiện đại - trong ý nghĩa phần nào đặc biệt.
Trong tác phẩm Phục sinh của mình, Walter Pater kể một huyền thoại: "Khi lượng đất thánh chở đầy tàu lấy từ Jerusalem được trộn lẫn với đất thó của Compo Santo ở Pisa, nó mọc lên một cành hoa mới, không giống bất cứ loài hoa nào con người từng trông thấy - loài dị thảo mà ai nhìn nó đủ lâu sẽ thấy được những vầng hào quang lấp lánh muôn sắc màu kỳ lạ trải dài trên đồng cỏ Maremma." Cũng có nghĩa, khi nhà nghiên cứu Thiền người Nhật này đắm mình trong văn chương và kinh nghiệm tâm linh của Trung Hoa rồi sau đó của Meister Eckhart và thế giới Tây phương, một đóa hoa thị kiến đã xuất hiện, là niềm hoan hỷ cho nhiều người ở cả Đông và Tây. Cuối đường cuộc hành hương của ông ở đây - khi ông đang tìm hiểu những vùng đất hoàn toàn mới lạ của kinh nghiệm nhân văn - là ông đã mở rộng lòng đón nhận những kinh nghiệm, những kiến thức của mọi thời đại. Ông đã đem kho tàng cổ xưa của Á Đông và Tây phương vào trào lưu mới. Ông là sự hăm hỡ bất tận muốn khám phá thực tại nội tâm sâu thẳm nhất, dù là ở đâu, và thiết tha truyền lại kiến thức đó cho đồng loại mình. Ai đã từng nghe ông nói mà không biết sự mới mẻ và đầy mê hoặc của những thị kiến này? Rất ít kinh nghiệm nào của con người thoát khỏi sự ghi nhận của ông. Từ những ngày xa xưa khi ông là phiên dịch viên cho nhà thấu thị Ấn độ Rabindranath Tagore trong lần viếng thăm Nhật Bản đầu tiên, đến sự hưởng ứng nhiệt tình của cá nhân ông đối với ý nghĩa của cuốn Những Tiêu chí (Markings) của Dag Hammarskjold, ông đã là một tiếng nói - một lời gọi từ thực tại đến thực tại - từ thực tại nội tâm siêu thoát trong tâm hồn ông đến thực tại trong tâm hồn của tha nhân. Như vậy bằng vô vàn cách thức, trong những bản thảo tái diễn, ông đã mưu tìm cách định danh cái vô danh, và đã có nhiều người hiểu được. Ông luôn hấp thụ kiến thức và kinh nghiệm và luôn đặt lại nó dưới sự hiểu biết mới mẽ. Năm tháng trôi qua, quan điểm chín chắn và thành thục luôn song hành với niềm hoan hỷ thanh thoát sẽ được những người từng biết ông kinh qua như một thứ trí tuệ đầy hấp dẫn.
Những bài viết của ông sẽ được nghiên cứu dài lâu bởi các triết gia và những nhà phê bình không cùng chung truyền thống văn hóa. Đương nhiên, những bài viết này về các Thiền sư Trung Hoa hay Nhật Bản, về Eckhart và về những nhân vật Tây phương khác, không thể mong đợi luôn được các học giả tán thưởng. Nếu, hay khi, những diễn đạt của ông vượt qua những giới hạn của lý tính và lôgic nghiêm ngặt, đó là vì không phải ông không biết mình đang làm như vậy, mà đúng hơn đó là tính hiển nhiên của lòng ông mong muốn thực hiện cuộc Thiền thoại thấu đáo. Rõ ràng ông là một đóa hoa "không nói", một loài hoa mới, không nói, nhưng đầy tính hùng biện. Như vậy với những ai có may mắn quen biết ông sẽ coi ông như vừa là Thầy vừa là bạn. Đối với họ, ông vẫn còn nói - hay vẫn còn đó.
Những tư tưởng của ông thường được diễn đạt bằng Anh ngữ hơn bằng ngôn ngữ quê hương ông, tuy vậy cuối cùng ông đang dịch các kinh sách Thiền tông Trung Hoa sang tiếng Nhật và tiếng Anh. Trong nhiều tác phẩm bằng Anh ngữ của ông, người Tây phương sẽ còn tìm hiểu trí tuệ và những thị kiến của ông và sẽ nương theo những ánh sáng ấy theo cách riêng của mình, và người ta hy vọng minh triết này sẽ được diễn đạt đầy đủ hơn bằng Nhật ngữ. Bằng cách đó những đồng hương của ông sẽ có thể chia xẻ tinh thần ông một cách trọn vẹn như chúng tôi ở phương Tây đã từng biết đến và trân trọng.
P. J. B.