Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Đây là sáu điểm phẩm chất Kiểm Soát Tốt đặc biệt phải có, mà Thầy đã chỉ dạy như sau:

  1. Tự Kiểm Soát Thể Trí.
  2. Tự Kiểm Soát trong Hành động.
  3. Đức Khoan dung.
  4. Vui vẻ.
  5. Quyết chí.
  6. Tin cậy.

(Tôi biết có vài đức tính trong số các đức tính trên thường được diễn dịch khác đi; nhưng tôi luôn dùng những tên mà chính Thầy đã dùng khi Ngài giải nghĩa cho tôi nghe).

1. TỰ KIỂM SOÁT THỂ TRÍ

Phẩm chất không ham muốn dạy ta phải kiểm soát Thể Vía; Thể Trí cũng phải được điều khiển như vậy. Điều khiển đây nghĩa là kiềm chế để đừng giận hờn hay nóng nảy; kiểm soát Thể Trí để tư tưởng được luôn luôn an tịnh và điềm tĩnh; và (nhờ Thể Trí) điều khiển những dây thần kinh để chúng có thể ít bị kích thích chừng nào tốt chừng đó. Điểm cuối này khó tập vì khi con tự tập luyện để bước vào Đường Đạo, con không thể nào ngăn không cho xác thân mình nhạy cảm hơn trước; vì vậy mỗi một tiếng động hay một sự đụng chạm cũng dễ làm cho những dây thần kinh của nó bị rối loạn, và dù bất kỳ một áp lực nhỏ nào cũng làm cho chúng cảm thấy nhức nhối; nhưng con phải cố hết sức mình.

Thể Trí yên tĩnh còn gọi là lòng Can Đảm, nhờ đó con có thể đương đầu không nao núng với những thử thách và gian nan trên Đường Đạo; và cũng có nghĩa là sự Bền Lòng, nhờ đó con có thể sáng suốt khi gặp những phiền toái thường xảy đến cho mọi người, tránh được những lo lắng không ngớt và những việc nhỏ mọn làm nhiều người mất hết cả ngày giờ. Thầy dạy rằng mọi người nên xem những việc bên ngoài xảy ra cho mình như sầu não, rắc rối, bệnh tật, mất mát, … như không có chuyện gì cả và đừng để chúng làm rối loạn đến sự yên tĩnh của Thể Trí. Chúng là kết quả của những hành động trong quá khứ, và khi nó đến con hãy vui vẻ đón nhận. Hãy nhớ rằng mọi khổ não đều là tạm thời, bổn phận của con là phải luôn luôn giữ lòng vui vẻ và bình tĩnh. Những khổ não này thuộc về kiếp trước của con chứ không phải kiếp này; con không thể sửa đổi chúng được, vì thế nghĩ về nó vô ích. Tốt hơn con nên nghĩ đến những việc đang làm bây giờ vì chúng sẽ quyết định số phận của con ở kiếp sau, đó là điều con có thể sửa đổi được.

Đừng bao giờ cho phép con buồn bực hay nhụt chí. Nhụt chí là điều sai lầm, vì nó truyền nhiễm cho kẻ khác và làm cho đời sống của họ khó khăn thêm, đó là điều con không có quyền làm. Vì vậy, nếu bao giờ có ý nghĩ nhụt chí đến với con, con hãy xua đuổi nó ngay.

Con còn phải kiểm soát tư tưởng của con bằng một cách khác nữa, con đừng để nó vẩn vơ, dù con đang làm việc gì, hãy tập trung tư tưởng của con vào đó để nó hoàn hảo; đừng để trí con trống không mà phải luôn luôn dành sẵn bên nó những tư tưởng tốt đẹp để khi trí con rảnh rỗi thì sẵn sàng nghĩ ngay đến những tư tưởng tốt đẹp ấy.

Hãy sử dụng quyền năng tư tưởng của con mỗi ngày dành cho những mục đích tốt lành; hãy trở thành một thần lực hướng theo chiều tiến hóa. Mỗi ngày hãy nghĩ đến một người nào mà con biết đang đau buồn khổ sở hoặc đang cần sự giúp đỡ; con hãy ban rải tư tưởng yêu thương đến cho họ.

Giữ trí con đừng kiêu căng, vì sự kiêu căng chỉ do sự dốt nát mà ra. Người không hiểu biết nghĩ rằng ḿnh là cao cả lắm, rằng ḿnh đã làm được việc vĩ đại này kia; người thông hiểu thì biết rằng chỉ có Thượng Đế là cao cả, rằng mọi việc lành đều chỉ do Thượng Đế làm ra.

2. TỰ KIỂM SOÁT HÀNH ĐỘNG

Khi tư tưởng của con đã đúng đắn thì hành động sẽ ít gặp rắc rối. Nhưng con hãy nhớ rằng muốn hữu ích cho nhân loại, con phải biến tư tưởng thành hành động. Không nên lười biếng, mà phải luôn tích cực làm việc lành. Nhưng con phải làm bổn phận của riêng con chứ đừng làm hộ bổn phận của kẻ khác trừ khi họ cho phép giúp. Hãy để mọi người làm việc riêng của họ theo cách riêng của mỗi người; hãy luôn sẵn sàng hiến sự giúp đỡ cho nơi nào cần, nhưng đừng bao giờ xen vào việc người khác. Đối với nhiều người, việc khó khăn nhất trên đời cần phải học là lo việc riêng của chính mình; mà đó đúng là điều con phải học.

Con đừng lãng quên những bổn phận thường nhật của con với lý do con đang cố gắng một công việc cao cả hơn, vì chỉ khi nào những bổn phận này làm xong rồi thì con mới rảnh rang để làm việc khác. Con đừng đảm trách thêm một bổn phận nào mới của thế gian; nhưng với bổn phận đã nhận thì con phải thi hành cho hoàn hảo, tức là những bổn phận hữu lý và rõ ràng mà con đã nhìn nhận, chứ không phải những bổn phận mà kẻ khác cố gán cho con. Nếu con là đệ tử của Thầy, con phải thi hành những công việc thường nhật giỏi hơn những kẻ khác chứ không phải tệ hơn; bởi vì con phải làm việc đó cũng là vì nhân danh Thầy.

3. KHOAN DUNG

Con phải hết lòng khoan dung với tất cả mọi người và phải nhiệt thành quan tâm đến đức tin của những người thuộc tôn giáo khác cũng như là con quan tâm với tôn giáo của chính mình vậy. Vì tôn giáo của họ cũng như tôn giáo của con đều là con đường dẫn đến Thượng Đế. Muốn giúp đỡ tất cả mọi người thì con phải hiểu rõ tất cả họ.

Nhưng muốn có lòng khoan dung toàn vẹn, thì trước hết chính con phải vứt bỏ hết thói dị đoan và mê tín. Con phải hiểu rằng không có lễ bái nào là cần thiết cả; bằng không con sẽ tưởng rằng mình giỏi hơn những người nào không hành lễ. Nhưng con cũng đừng chê trách những người nào còn bấu víu vào lễ bái. Hãy để họ làm theo ý mình miễn là đừng xen vào việc của con – người đã biết chân lý, và họ không được cố buộc con phải làm những gì mà con đã trải nghiệm. Hãy khoan dung và tử tế trong mọi trường hợp.

Bây giờ con đã sáng mắt, nên một vài tín ngưỡng và lễ nghi cũ trước đây dường như trở nên phi lý đối với con; mà quả có lẽ nó phi lý thật. Song dù rằng con không còn tham dự lễ bái nữa, con vẫn phải kính trọng những việc này vì lòng thương những tâm hồn trong trắng nên họ còn cho những việc đó là quan trọng. Những lễ bái này có vị trí của nó và có chỗ dùng của nó; chúng giống như những hàng gạch đôi giúp con viết ngay ngắn và đều đặn khi con còn nhỏ cho đến khi nào con biết tự mình viết thật giỏi mà không cần dùng chúng nữa. Đã có lúc con cần chúng, nhưng bây giờ đã qua rồi. Một vị Thầy Cả có lần viết: “Khi tôi còn nhỏ tôi nói như một đứa trẻ, tôi hiểu như một đứa trẻ, tôi nghĩ như một đứa trẻ; nhưng khi đã lớn tôi bỏ hết các thói trẻ con”. Những người nào đã quên tuổi ấu thơ của mình và mất đi thiện cảm với trẻ thơ thì không phải là người có thể dạy dỗ hoặc giúp đỡ chúng. Vậy hãy tỏ ra tử tế, dịu dàng, khoan dung với tất cả mọi người, dù họ là người Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo hay Hồi Giáo.

4. VUI VẺ

Con phải vui vẻ trả quả của con dù nó thế nào, đón nhận sự đau khổ như một vinh dự, bởi nó chứng tỏ rằng các vị Thần Nhân Quả thấy con đáng giúp đỡ. Dù nhân quả có nặng đến mấy đi nữa, con cũng hãy cám ơn là đã không phải trả nặng hơn. Hãy nhớ rằng ngày nào mà quả xấu của con chưa tiêu tan, và con chưa thoát khỏi nó thì ngày đó con chưa giúp ích được cho Thầy bao nhiêu. Khi hiến thân cho Thầy, con xin được trả quả gấp rút, để làm sao trong một hay hai kiếp trả xong cái quả mà đáng lẽ phải trải qua cả trăm kiếp mới hết. Nhưng muốn trả quả một cách tốt đẹp nhất, con phải đón nhận nó một cách hân hoan và vui vẻ.

Còn một điểm khác nữa, con phải dẹp mọi ý tưởng về quyền sở hữu. Luật Nhân Quả có thể làm cho con mất những vật mà con quí chuộng thậm chí ngay cả những người mà con thương yêu nhất. Kể cả trong những trường hợp này con cũng phải vui vẻ, phải sẵn sàng chia lìa với bất cứ cái gì và với tất cả mọi vật. Thường thì Thầy cần học trò làm trung gian để chuyển di thần lực của Thầy sang những kẻ khác; Thầy sẽ không thể làm được việc đó nếu trò nhụt chí. Vậy phải có phẩm chất vui vẻ.

5. QUYẾT CHÍ

Một điều mà con luôn phải nhớ trước tiên là làm công việc của Thầy. Dù bất kỳ chuyện gì xảy đến cho con trong khi làm, con cũng không được quên điều đó. Mà cũng không có việc gì khác có thể cản trở bước đi của con vì tất cả mọi việc hữu ích và vô tư lợi đều là công việc của Thầy, và con phải làm chúng là vì Thầy. Và con phải hết sức chú ý vào mỗi phần việc của mình để cho nó thật hoàn hảo. Cũng vị Thầy Cả nói trên có viết câu này: “Dù làm việc gì bạn cũng phải làm một cách nhiệt thành như thể làm cho Thượng Đế, chứ không phải làm cho con người”. Hãy nghĩ xem con sẽ làm mỗi phần việc như thế nào nếu con biết rằng Thầy sắp sửa đến để xem nó; rồi con phải làm tất cả công việc của mình đúng như cách đó. Những người hiểu nhất mới hiểu rõ trọn vẹn tất cả những ý nghĩa của câu ấy. Và còn một câu nữa có ý nghĩa giống như vậy và xưa hơn nhiều: “Dù tay bạn làm việc gì cũng vậy, bạn hãy làm nó với hết sức mình”.

Phẩm chất quyết chí còn có nghĩa là không gì có thể làm con rời bỏ Đường Đạo mà con đã dấn thân, dù chỉ trong khoảnh khắc. Không nên để những sự cám dỗ, những thú vui trần tục, những tình cảm của thế gian làm cho con tách rời Đường Đạo. Vì con và Đạo phải là một; nên Đạo phải hòa hợp thật nhiều với bản tính của con đến mức con đi theo nó mà không cần nhớ đến nó, và không thể rời nó được. Là một Chân Thần, con đã quyết định như vậy; lìa bỏ Đạo tức là lìa bỏ chính con.

6. TIN CẬY

Con phải tin Thầy; con phải tin chính mình. Nếu con đã trông thấy Thầy rồi thì con sẽ hết lòng tin Thầy từ kiếp này qua kiếp khác. Nếu con chưa thấy Thầy, con vẫn phải cố hình dung ra Ngài và tin tưởng Ngài, nếu không thì ngay cả Ngài cũng không thể giúp con được. Nếu không hết lòng tin cậy thì từ ái và thần lực không thể truyền qua hết được. con phải tự tin. con nói rằng con tự biết rõ mình? Nếu con cảm thấy như thế, thì con chưa tự biết mình đâu; con chỉ mới biết cái vỏ yếu ớt bên ngoài mà nó thường bị sa lầy. Còn “con người thật sự” của con là một ánh linh quang trong khối lửa của Thượng Đế; và Thượng Đế – Đấng Toàn Năng – thì ở trong con, và do đó nếu con muốn thì không việc gì không thể làm được.

Con hãy tự nhủ: “Người ta có thể làm được những gì mà con người đã có làm rồi. Tôi là con người, mà cũng là Thượng Đế trong con người nữa. Tôi có thể làm việc này, và tôi quyết định làm được”. Vì khi con đặt chân lên Đường Đạo thì ý chí con phải cứng cỏi như thép đã tôi vậy.

Xem mục lục