Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

1.      HỌC VIÊN A (đàn bà, 60 tuổi)

 

          Học viên: Tôi cảm thấy tôi là tù nhân của cái ta của tôi và tôi muốn chạy trốn. Tôi có thể làm được việc ấy qua tọa thiền không?

Lão sư: Chúng ta hãy nói về tâm trước. Có thể ví tâm bà như một tấm gương,(12) nó phản chiếu mọi vật xuất hiện trước nó. Từ lúc bà bắt đầu suy nghĩ, cảm biết và vận dụng ý chí, hình bóng ném lên tâm bà làm méo mó ảnh phản chiếu. Tình trạng ấy chúng tôi gọi là mê hoặc, là cái bệnh căn bản của con người. Hậu quả nghiêm trọng nhất là của căn bệnh này là nó tạo ra một cảm thức nhị nguyên, do đó bà qui định “tôi” và “không phải tôi.” Sự thực, mọi sự vật là Một, và dĩ nhiên đây không phải là một của số đếm. Thấy nhầm mình đương đầu với một thế giới hiện tượng hiện hữu tách rời, đây chính là cái tạo nên sự đối kháng, lòng tham và đương nhiên không thể tránh được đau khổ. Mục đích của tọa thiền là quét sạch những cái tối tăm hay nhiễm ô ấy để chúng ta có thể kinh nghiệm một cách thân thiết mối liên kết của mình với toàn bộ cuộc sống. Bấy giờ tình thương và lòng từ ái tự nhiên và tức khắc tràn tới.

*      *      *

---------------------------------------------

(12) Lão sư, giống như Lục Tổ Huệ Năng trong một bài kệ nổi tiếng, so sánh tâm không phải với hình thể tấm gương, vì tâm không hình thể, mà với sức phản chiếu của nó. Bài kệ của Tổ Huệ Năng đọc:

“Bồ đề bổn vô thọ                       “Bồ đề vốn không phải cây,

Minh cảnh diệc phi đài.             Gương sáng chẳng phải đài.

Bổn lai vô nhất vật,                    Xưa nay không một vật,

Hà xứ nhạ trần ai?”                   Chỗ nào bám bụi trần.”

 

            Học viên: Tôi đang ngồi chỉ quán đả tọa như thầy đã chỉ dạy. Tôi thấy đau ở chân, nhưng có thể chịu đựng được. Tôi không bị tư niệm quấy nhiễu và tập trung tương đối tốt. Nhưng tôi thực không biết ngồi như thế có mục đích gì.  

            Lão sư: Mục đích đầu tiên của việc ngồi là để hợp nhất tâm. Vì con người bình thường, tâm bị lôi kéo theo nhiều hướng, duy trì sự tập trung thực không thể được. Qua thực hành tọa thiền, tâm trở nên qui nhất và nhờ thế ta có thể kiểm soát được nó. Quá trình này có thể ví với việc sử dụng tia sáng mặt trời qua một kính lúp. Khi các tia sáng mặt trời qui tụ ở tiêu điểm, dĩ nhiên chúng trở nên mãnh liệt hơn. Tâm con người cũng vận hành một cách có hiệu quả khi nó được tập trung và hợp nhất. Dù bà có muốn thấy Tự tánh của mình hay không, bà cũng có thể biết rõ giá trị hiệu quả trạng thái sung mãn của sự hợp nhất tâm trọn vẹn.

            Học viên: Vâng, dĩ nhiên. Lúc ấy tôi đang ngồi yên lặng thực hành tọa thiền và rồi tôi cảm thấy bị đau rất nhiều. Tôi không biết tôi nên cố gắng chịu đựng cái đau hay bỏ cuộc khi nó quá kịch liệt. Nói cách khác vấn đề đích thực của tôi như vầy: Tôi nên dùng ý chí chịu đựng hay chỉ ngồi một cách thụ động, không cưỡng bức mình?

            Lão sư: Đây là vấn đề quan trọng. Đương nhiên là bà muốn đạt đến độ có thể ngồi một cách dễ chịu, không gắng sức cũng không đau đớn. Nhưng do thói quen sử dụng sai thân và tâm của chúng ta từ lâu, ngay từ đầu chúng ta phải vận dụng ý chí trước khi có thể ngồi với sự dễ dàng và quân bình. Và đương nhiên điều này gây ra đau đớn.

            Khi trọng tâm của thân được đặt ngay ở vùng dưới rốn, thì toàn thân sẽ vận hành với độ ổn định nhiều hơn. Trọng tâm nơi người bình thường ở hai vai. Hơn nữa, thay vì ngồi hay đi với cái lưng thẳng đứng, đa số người ta trầm xuống, đặt sự căng thẳng vô chừng ở khắp các phần của thân.

            Ngoài ra, chúng ta còn dùng nhầm tâm của mình nữa, chơi đùa hay chứa chấp tất cả mọi loại tư niệm vô ích. Đây là lý do tại sao chúng ta nỗ lực quyết tâm sử dụng thân tâm chúng ta một cách đúng đắn. Thoạt đầu, không thể tránh được đau đớn, nhưng nếu bà kiên trì, đau đớn sẽ dần dần nhường chỗ cho cảm giác thoải mái. Bà sẽ trở nên mạnh hơn về mặt thể xác và linh mẫn hơn về mặt tinh thần. Đây là kinh nghiệm của tất cả những người tọa thiền đều đặn và thành khẩn. 

*      *    *  

            Lão sư: Bà có điều gì muốn hỏi?

            Học viên: Vâng, tôi có một số câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là: Tại sao thầy bảo đặt nơi tôi ngồi bảng hiệu bảo không nên đánh tôi bằng kích trượng? Có phải thầy cảm thấy tôi vô hy vọng không?

            Lão sư: Tôi cảm thấy rằng bà, giống như đa số người phương Tây, không thích bị đánh. Người trưởng tràng đã đánh mọi người rất mạnh và tôi nghĩ nếu bà bị đánh, có thể làm trở ngại việc tọa thiền của bà. Bà không để ý việc bà bị đánh chứ?

            Học viên [mỉm cười]: À, hầu hết tôi không để ý nếu không bị đánh quá mạnh.

            Lão sư: Hôm qua người đàn bà trẻ ngồi đối diện với bà, mà tình cờ lại là người Nhật, bị đánh mạnh quá, dĩ nhiên là để thúc giục bà ấy. Đó là lần đầu tiên bà ấy bị đánh và bà ấy kinh ngạc, sững sờ đến nỗi sau buổi nhiếp tâm đã bỏ đi ngay. Cũng may hôm nay bà ấy trở lại và nói với tôi về việc đã xảy ra, vì thế tôi đã cho đặt bảng hiệu trên chỗ bà ấy ngồi bảo không đánh nữa.

            Học viên: Dù sao tôi cũng vui vì biết rằng thầy không nghĩ tôi là trường hợp vô hy vọng.

            Điểm kế tiếp của tôi là: Sáng nay cảm thấy mình đầy năng lực, tôi bắt đầu nghĩ: “Mình phải quét sạch những tư niệm vô ích để trí tuệ có thể hiện ra được.” Rồi nhận ra đây là việc làm của cái ta, tôi lại trở nên thất vọng. Tôi cảm thấy mình giống như con lừa chỉ có thể khiến nó di động bằng cách treo tòn teng trước mắt nó một củ cà rốt.  

            Lão sư: Bà có muốn giác ngộ không? 

            Học viên: Tôi không biết giác ngộ là gì. Hôm qua tôi đã nói với thầy là tôi muốn triệt hạ cái ta để có thể trở thành một người khôn ngoan hơn. Thiết nghĩ tôi muốn gạt bỏ cái ta hơn là muốn đạt giác ngộ. 

            Lão sư: Cái ta tự nó vốn không có – nó là cái gì đó do chính mình tạo ra. Song cũng chính cái ta do mình tạo ra này đưa chúng ta đến tọa thiền, vì thế không nên khinh nó. Tọa thiền, như bà đã có thể nhận biết, làm cho cái ta hao mòn. Bà cũng có thể loại bỏ cái ta bằng cách tuân theo các nội qui nhiếp tâm thay vì theo các xu hướng riêng của mình. Ví dụ, nếu bà không muốn đứng dậy khi chuông rung để mọi người đứng lên đi kinh hành là bà đang nuôi dưỡng cái ta của mình và đang làm nó gia tăng. Ăn cũng vậy, bà đầu hàng cái ta mỗi lần quyết định đi ăn trước cộng đồng và chỉ đi ăn một mình. Bây giờ, vì cái ta cắm rễ tận tiềm thức, cách duy nhất để nhổ rễ nó là giác ngộ hoàn toàn.

*      *    * 

            Học viên: Tôi rất mệt mỏi và chân đau khủng khiếp. Tôi không thể tọa thiền tốt được nữa.

Lão sư: Tọa thiền đòi hỏi sức mạnh đáng kể. Nếu thân không khỏe mạnh, khó tọa thiền kịch liệt. Cho đến khi nào sức mạnh hồi phục bà mới ngồi thoải mái, không chút gắng sức. Khi nào bà cảm thấy khỏe lại, bà có thể dùng tận lực. Sau đó là vấn đề quyết tâm, đem ý chí ra chịu đựng. Năng lực và quyết tâm không lay chuyển, cả hai đều cần thiết.

*      *    * 

            Học viên: Tôi đã tự tham công án “Bộ mặt trước khi cha sinh mẹ đẻ là gì?” Tôi tin tôi đã có câu trả lời nhưng muốn thầy xác nhận cho. Ví dụ, tôi cứ mãi nghĩ tôi giống như cái mà trước khi tôi sinh ra và cha mẹ tôi cũng giống cái ấy. Thực ra, theo sự tưởng tượng, tôi đã vùi chôn nắm tro tàn của mình ở một chỗ đáng ưa thích nhất. Tôi đã tham công án này đúng không?

            Lão sư: Không, không đúng. Những gì bà vừa nói chỉ là một bức tranh giả tưởng về công án này. Tham đúng nó bà có thể trả lời đúng những câu hỏi như: “Nếu thế giới này bị hủy diệt thì bộ mặt xưa nay ấy cũng bị hủy diệt theo phải không? Nếu thế, bằng cách nào?” 

            Học viên: Tôi không thể trả lời được những câu hỏi như thế.

            Lão sư: Công án này không có gì khác hơn công án Mu. Trong nhất thời, một cách đơn giản bà hãy tiếp tục ngồi chỉ quán đả tọa cho đến khi nào bà đạt đến độ muốn kiến tánh một cách mãnh liết. Bấy giờ, một công án như “Bộ mặt trước khi cha sinh mẹ đẻ là cái gì?” sẽ thích hợp hơn.

*      *    * 

Học viên: Khi nói về ma cảnh, thầy có nói rằng ngay cả các nội kiến tâm lý học về chính mình cũng là ma cảnh. Điều này không những làm tôi bối rối mà còn làm tôi thất vọng nữa. Tôi đã có một số nội kiến trong khóa nhiếp tâm này và cảm thấy phấn khởi vô cùng. Nhưng bây giờ tôi bối rối và không biết nghĩ gì.

Lão sư: Khi sự thực hành của bà tiến bộ, nhiều ma cảnh sẽ xuất hiện. Tự chúng không có gì nguy hại mà có thể có ích ở một mức độ nào đó. Nhưng nếu bà trở nên bị chúng ràng buộc hay quyến rũ, chúng có thể làm trở ngại bà. Theo nghĩa sâu nhất, có thể nói rằng ngay cả Bồ-tát Quan Âm cũng bị ràng buộc với lòng thương xót, chỉ thành Phật mới thoát khỏi mọi ràng buộc. Một người bị ý nghĩ giúp đỡ người khác ám ảnh sẽ bị trói buộc vào sự trợ giúp những người khác mà tốt hơn không nên có sự trợ giúp như thế. Hãy lấy ví dụ một người có ít tiền sống một cách đơn giản. Cho người ấy những tiện nghi không cần thiết đối với cách sống đơn giản sẽ hủy diệt mất cuộc sống ấy. Đấy không phải là lòng tốt chi cả. Một vị Phật thì từ bi nhưng Ngài không bị dục vọng cứu vớt ám ảnh.   

Dĩ nhiên các nội kiến về mình có giá trị nhưng mục đích của bà là vượt qua chúng. Nếu bà dừng lại để mừng mình vì các nội kiến ấy, thì việc tiến tới để nhận ra Phật tánh sẽ chậm lại. Theo nghĩa rộng nhất, mọi cái ngắn ngủi của chân ngộ đều là ma cảnh. Đừng trở nên quan tâm ma cảnh hay vui mừng vì chúng. Đừng để lòng mình bị những gì là kinh nghiệm nhất thời xoay hướng. Chỉ cần tiếp tục thực hành thành khẩn.

*      *    * 

Học viên: Khoảng một giờ qua, trong lúc tọa thiền, sự đau đớn ở chân tôi bỗng nhiên biến mất trước khi tôi biết được điều ấy, nước mắt bắt đầu trào ra và tôi cảm thấy chính mình tan ra bên trong. Đồng thời một cảm giác yêu thương to lớn bao trùm lấy tôi. Điều ấy có nghĩa gì?

            Lão sư: Tọa thiền được thực hành với lòng sùng mộ và sức mạnh sẽ đánh tan cảm giác xa lạ của chúng ta đối với con người và sự vật. Sự suy nghĩ của con người thường có tính chất nhị nguyên, người ta suy nghĩ về mình và những gì đối nghịch với họ. Đây là những gì gây ra cảnh khốn đốn bởi vì nó khơi dậy sự đối kháng và bám giữ, và đến lượt, những cái này đưa đến đau khổ. Lúc ấy, lòng thương xót của bà tự nhiên trở nên sâu hơn, vì tình cảm và suy nghĩ của bà không tập trung vào một cái “tôi” không hiện hữu nữa. Đây là những gì đã xảy ra với bà. Dĩ nhiên nó làm thỏa mãn cao độ, nhưng bà phải đi nữa. Hãy tiếp tục toàn tâm tập trung.

*      *    * 

            Học viên: Tôi thực hành chỉ quán đả tọa.

            Lão sư: Bà có điều gì muốn hỏi.

            Học viên: Vâng, hôm qua khi tôi đang gắng sức ngồi, như thầy đã thúc giục, tôi cảm thấy rằng nỗ lực của tôi có tính cách máy móc, bởi vì tôi phải rán tiến tới, nghĩa là phải đạt trạng thái ấy. Song tôi đã ngồi như thầy đã bảo, và khi tôi bị đánh nhiều lần bằng kích trượng, người sử dụng kích trượng bảo rằng tôi ngồi như thế rất tốt. Song tôi cảm thấy rằng lúc đó tôi ngồi một cách máy móc. Sáng nay, thay vì tiến tới, tôi cảm thấy bỗng nhiên mình bị đẩy tới, dường như vậy. Sức khỏe của tôi tự nhiên xuất hiện và tôi cảm thấy rằng chất lượng của tôi lúc ấy khá hơn chất lượng cái ngồi lúc tôi phải rán tiến tới. Song, sáng nay khi bị người trưởng tràng đánh, tôi được bảo rằng: “Bà đang buông lơi nỗ lực. Hãy rán lên!” Tôi thật bối rối.

            Lão sư: Trước hết, đừng giữ lại trong tâm bà những lời nói của người cố gắng khuyến khích bà. Hãy nghe những gì người ấy nói và rồi quên nó đi. Dĩ nhiên cái ngồi mà cường lực tự nhiên tràn ra, không phải “rán tiến tới” vẫn tốt hơn. Không may không phải lúc nào cũng có thể duy trì được một cường lực như thế. Đó là lý do tại sao phải tự cưỡng bách mình ngồi một cách kiên định khi sức mạnh không đến một cách tự phát. Hãy nhớ rằng, có sự quan hệ nhân quả giữa cái ngồi máy móc, như bà gọi nó, và cái ngồi tự nhiên, dễ dàng mà bà đã kinh nghiệm sau đó. Dù sao, người ngồi không phải lúc nào cũng là vị quan tòa tốt nhất về chất lượng cái ngồi của mình. Điều quan trọng là bà không buông lơi nỗ lực, không nhường bước cho trầm trệ và mệt mỏi.

*      *    * 

            Học viên: Tôi cảm thấy có một cái gì đó nằm nơi trán tôi giữa hai mắt. Nó mạnh đến nỗi sự chú ý của tôi tự động trở nên bám chặt vào đó. Nhưng thầy đã chỉ, tôi tập trung tâm vào cái hốc ở bụng dưới, tôi đưa tâm tôi trở lại chỗ đó. Tôi nên tiếp tục cách ấy không?

            Lão sư: Nếu tâm bà tự nhiên và tự phát đi đến điểm giữa hai mắt, thì nên hướng sự tập trung của bà đến chỗ đó. Đó cũng là một cách tập trung khác. 

*      *    * 

            Lão sư: Có gì đặc biệt xảy ra với bà không?

                        Học viên: Tôi có cảm giác phần sau đầu tôi bị hơi thở đẩy lên và hơi thở đi xuống đến vùng thắt lưng. Đây có phải là ma cảnh không? Nếu thế, tôi phải làm gì?

            Lão sư: Phải, đây cũng là ma cảnh, những cái ấy không có nghĩa gì đặc biệt. Chúng không có lợi cũng không có hại. Đừng ôm giữ chúng, bà chỉ cần hăng hái tiếp tục thực hành. Chúng xuất hiện, như tôi đã nêu rõ, khi người ta đang tập trung kịch liệt.  

            Học viên: Nhưng tại sao chúng lại xuất hiện?

Lão sư: Vô số tư niệm, giống như những làn sóng trên biển, liên tục hiện lên bề mặt tâm chúng ta như là kết quả sự vận hành của sáu thức.(13) Bấy giờ, trong tiềm thức của chúng ta có thể thấy được các ấn tượng tồn lưu những kinh nghiệm của chúng ta của những kiếp sống khác nhau, trở lại với thời gian không thể nhớ được. Khi tọa thiền thâm nhập sâu đến độ mặt trên và các tầng lớp trung gian khác của thức đều tĩnh lặng, các yếu tố tồn lưu này nổi lên vùng ý thức. Những cái ấy gọi là ma cảnh.

            Bây giờ, đừng luyến ái khi chúng dễ yêu, cũng đừng sợ hãi khi chúng kỳ quái. Nếu bà bám vào đó – ngưỡng mộ hay sợ hãi – chúng có thể trở thành chướng ngại.  

*      *    * 

Học viên: Chân tôi đau lắm. Tôi có thể làm gì?

            Lão sư: Nếu đau quá, bà khó tập trung đấy. Khi sự tập trung trở nên mãnh liệt, thay vì cản trở, cái đau sẽ thúc giục bà tiến tới nếu bà can đảm lợi dụng nó.  

            Học viên: Tôi có một câu hỏi khác. Tôi có thể làm gì khi tôi buồn ngủ?

            Lão sư: Cái ấy tùy thuộc vào bản chất sự buồn ngủ của bà. Nếu chỉ là mơ màng, bà có thể làm như vầy: đưa nhẹ thân mình từ bên này sang bên kia nhiều lần, hay dụi mắt cũng được. Nếu là buồn ngủ nặng hơn vì đêm trước không ngủ, bà có thể thử hụp mặt vào nước lạnh hay xoa nó thật mạnh. Để đánh thức tinh thần ủ rũ, cách sau đây rất hững ích: Hãy nghĩ rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào hoặc vì tai nạn bất ngờ hoặc vì chứng bệnh trầm trọng, và hãy cương quyết đạt giác ngộ không trì hoãn. 

*      *    *

----------------------------------------------

(13) Thức thứ sáu, theo Phật giáo, là khả năng phân biệt. 

            Học viên: Tôi e rằng tôi đã làm việc một cách tệ hại trong khóa nhiếp tâm đầu tiên này của tôi. Tôi đã không thể tập trung được gì. Tâm tôi đã bị phân tán và quấy rầy vì sự la hét của các vị trưởng tràng cầm kích trượng, vì tiếng xe đò, xe tải, vì tiếng trẻ nít khóc ở nhà kế bên, vì tiếng chó sủa. Dù sao, tôi cũng đã tưởng mình đến một nơi yên tĩnh giữa những vùng chung quanh mộc mạc, nhưng hóa ra hoàn khác hẳn. Và tôi cũng thất vọng, xấu hổ vì tôi đã không thể làm việc tốt hơn được.

Lão sư: Bà không cần phải cảm nghĩ như vậy. Khởi đầu mọi người đều thấy khó tập trung, vì tâm rất dễ bị phân tán. Dĩ nhiên, một cách lý tưởng, tốt nhất là đến một nơi yên tĩnh khi khởi sự tọa thiền. Đó là lý do tại sao nhiều Thiền tăng đã đi và vẫn đi ẩn cư trong vùng núi non cô tịch. Nhưng ở lâu trong bầu không khí như thế không phải là tốt. Khi năng lực tập trung của một người đã phát triển và lớn mạnh, y có thể tọa thiền trong bất cứ hoàn cảnh nào – càng ồn ào càng tốt, thực vậy. Với sự tu dưỡng năng lực tập trung mạnh mẽ, người ta có thể xuống vùng ồn ào nhất của khu phố Ginza(14) để tọa thiền.  

*      *    * 

            Học viên: Tôi có một vấn đề dài dòng, muốn hỏi phải mất thì giờ. Tôi biết có nhiều người đang chờ gặp thầy nhưng vấn đề này đối với tôi rất quan trọng, tôi hy vọng thầy cho phép tôi hỏi.

Lão sư: Cứ hỏi đi.

            Học viên: Vì buổi nhiếp tâm vừa rồi tôi đã bị một số ý nghĩ và cảm giác không thích thú – và chúng không phải là ma cảnh – về chính tôi, về những gì tôi có thể gọi

----------------------------------------------

(14) Khu phố rộn rịp nhất của Tokyo, thủ đô Nhật bản.  

là bản tánh không thực của mình tấn công trong lúc trầm mặc. Trong bài giảng sáng nay, thầy nói rằng khi tâm chúng ta trống rỗng không một tư niệm, chân trí tuệ sẽ nhập vào. Thầy cũng nói về việc chỉ thấy khi nhìn, chỉ nghe khi lắng nghe. Tôi không thể làm được việc ấy vì cái ta của tôi luôn luôn chen vào. Bây giờ tôi không biết kiến tánh là gì, nhưng nếu nó là nhìn thấy bản tánh chân thực của mình, thì đối với tôi dường như những gì tôi đang làm đều trái ngược, nghĩa là nhìn thấy bản tánh không thực của mình.

            Lão sư: Trước khi tọa thiền chúng ta nghĩ mình là bậc thượng nhân, nhưng khi chúng ta thấy mình rõ hơn, chúng ta sẽ khiêm tốn hơn vì biết được những ý nghĩ và hành vi xấu xa của mình. Nhưng sự hiểu biết như thế chính là phản ảnh của chân tánh. Giả sử, nếu chúng ta đi trong bóng tối và đến bên một cây thông, chúng ta không thấy gì về nó. Bấy giờ một mảnh trăng xuất hiện và chúng ta quan sát thấy những lá thông trên mặt đất. Khi trăng trở nên lớn hơn, chúng ta thấy được thân cây, rồi khi trăng đầy đủ chúng ta thấy cả cây. Nhận thức của chúng ta trong tất cả quá trình ấy là phản ảnh của Chân ngã.

Học viên: Tôi có thể hỏi một câu nữa được không? Tôi đã gặp và nói chuyện với những người tôi nghĩ đã có loại kinh nghiệm ngộ nào đó. Song họ dường như bị cái mà tôi gọi là bản tánh không thực làm phiền. Sao lại có thể thế được?

            Lão sư: Thực ra có những người có kinh nghiệm kiến tánh, song họ dường như, nói về mặt tâm lý, còn kém hơn những người không có khinh nghiệm ấy. Bà hỏi tại sao như vậy? Những người giác ngộ ấy nhận thức sự thực rằng toàn bộ cuộc sống, trong bản chất của nó, thì không thể phân chia được, nhưng vì họ chưa tự làm sạch hết các tình cảm và xu hướng mê hoặc mà gốc rễ của chúng cắm sâu trong vô thức, họ không thể hành động hòa hợp với cái thấy bên trong của họ. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục tọa thiền, dần dần cá tính của họ sẽ được cải thiện khi họ trở nên sạch hết các ô nhiễm này, và theo thời gian họ sẽ trở thành những cá nhân xuất sắc.

Mặt khác, có những người không bao giờ có kinh nghiệm kiến tánh, dường như có một sự che dấu nhũn nhặn và không vị kỷ, nghĩa là tâm trạng đích thực của họ. Bề mặt, những người này có vẻ đạo đức và vững vàng, nhưng vì họ không bao giờ nhìn thấy chân lý và vì thế họ vẫn thấy vũ trụ và họ cách biệt, xa rời, dưới áp lực lớn, cá tính có vẻ tốt của họ, bước đi và cách đối xử của họ để lại nhiều ước muốn cho kẻ khác.

*      *    * 

            Học viên [khóc]: Chỉ khoảng năm phút qua tôi đã có một kinh nghiệm đáng sợ. Bỗng dưng tôi cảm thấy cả vũ trụ tan biến vào dạ dày tôi và tôi bật khóc. Đến bây giờ tôi vẫn không thể ngừng khóc được.

            Lão sư: Nhiều kinh nghiệm kỳ lạ sẽ xảy ra khi bà tọa thiền, một vài kinh nghiệm giống như của bà hiện tại, đáng sợ. Nhưng chúng không có ý nghĩa nào đặc biệt cả. Nếu bà thấy phấn khởi vì sự việc xảy ra thích thú và bà sợ hãi khi nó đáng sợ, những kinh nghiệm như thế có thể làm trở ngại bà. Nhưng nếu bà không bám vào đó, tự  nhiên chúng qua đi.

*      *    * 

            Học viên: Hôm qua tôi đã kể lại cả vũ trụ đâm đầu vào dạ dày tôi và những cơn kích động kêu khóc hãi hùng của tôi. Sau khi nghĩ lại, tôi cảm thấy rằng nó như thế là vì tôi đã tự bức hách mình thế nào ấy. Tôi nghĩ nếu tôi không bức bách mình thì chuyện ấy sẽ không xảy ra.

Lão sư: Nếu bà muốn tọa thiền một cách dễ dàng, thoải mái cũng được thôi. Chúng ta có thể làm một cuộc so sánh như thế này. Ba người muốn lên một đỉnh núi, nơi ấy có quan cảnh rộng lớn phi thường. Người thứ nhất không muốn tận dụng sức mình, và muốn bước đi thong thả. Vì thế dĩ nhiên y phải mất một thời gian mới đến đỉnh núi. Người thứ hai vội vàng hơn, bước những bước dài, vừa leo vừa vung tay. Người thư ba vừa phóng vừa nhảy, người ấy lên đến đỉnh một cách nhanh chóng và kêu lên: “Ôi, quang cảnh hùng tráng làm sao!”    

Học viên: Cách nào tốt nhất? 

            Lão sư: Tất cả tùy thuộc vào tâm thái của bà. Nếu bà có nhiều thì giờ, cách thứ nhất sẽ làm bà hài lòng. Nhưng nếu bà hăng hái muốn lên nhanh tới đỉnh, tự nhiên một trong hai cách kia sẽ tốt hơn. Không cần nói ai cũng biết, đi nhanh tốn nhiều năng lực hơn. Hơn nữa, khi tận dụng sức lực với kịch liệt say mê bà có thể mong cho sự việc xảy ra – dù đáng thích hay đáng sợ - nói cách khác, ấy là những gì bà đã kinh nghiệm.

Học viên: Tôi cảm ơn thầy rất nhiều. Tôi cũng muốn nói rằng vì tôi sẽ trở về Hoa kỳ vào tuần tới, đây là buổi nhiếp tâm cuối cùng của tôi. Dù các buổi nhiếp tâm có đau đớn thế nào cũng đã vén mở cho tôi rất nhiều. Không có buổi nhiếp tâm cuối cùng này, đặc biệt tôi không hiểu mình như tôi đã hiểu và sẽ không biết làm sao tiến xa hơn. Tôi rất cảm ơn thầy về sự trợ giúp phi thường mà thầy đã cho tôi.

 

2.      HỌC VIÊN B (đàn ông, 45 tuổi)

 

Học viên: Tôi tham công án Mu.

            Lão sư: Muốn nhận ra tinh thần của công án Mu, ông phải du hành theo một con đường sắt trải dài đến vô tận mà không phải lạc đường. Một chút ngập ngừng cũng sẽ làm hỏng ngộ. Sự ly cách với Mu dù chỉ là tơ tóc cũng là ly cách hàng dặm. Thế nên ông hãy cẩn thận, hãy cảnh giác! Đừng để ly cách Mu dù chỉ trong giây lát trong khi ngồi, đứng, đi, hay làm việc.

*      *    * 

Học viên:  Dường như tôi không thể bám víu được Mu ở bất cứ chỗ nào. Tôi không biết tôi có hiểu gì hay không.

Lão sư: Nếu thực sự ông có thể nói: “Tôi không hiểu” sau khi suy nghĩ sâu xa, điều ấy đúng vì sự thực không có gì để hiểu. Theo nghĩa sâu xa nhất, chúng ta không hiểu gì cả. Những gì các nhà triết học và khoa học có thể hiểu được qua lý luận chỉ là một phần nhỏ của vũ trụ. Nếu chúng ta tưởng tượng cây bút máy mà tôi đang cầm đây là toàn thể vũ trụ, những gì có thể hiểu được bằng lý trí chỉ là cái đầu bé tí của ngòi bút. Bất cứ một nhà triết học hay khoa học nào thực có thể nói được tại sao hoa nở hay tại sao mùa xuân theo sau mùa đông. Khi chúng ta không suy tưởng, cái phần sâu kín nhất của chúng ta vận hành.  

Học viên [cắt ngang]: Vâng, tôi thấy điều đó rất rõ nhưng…

Lão sư [tiếp]: Vì thế nếu ông có thể thành thực nói: “Tôi không hiểu” là ông đã hiểu rất nhiều. Bây giờ hãy về tham công án này kịch liệt hơn nữa.

*      *    *

            Học viên [kích động]: Tôi biết Mu là gì rồi! Trong một tình thế, đây là Mu [nhặt cây hốt của lão sư lên]. Trong một tình thế khác, đây là Mu [nâng một vật khác lên]. Khác hơn nữa, tôi không biết. 

            Lão sư: Như thế không tệ đâu. Nếu ông thực biết những gì ông nói qua câu: “Tôi không biết,” câu trả lời của ông còn tốt hơn nữa. Hiển nhiên là ông còn nghĩ về mình như là một thực thể tách rời với những thực thể khác. 

            Tôi biết bản tóm lượt bằng tiếng Anh bài nói buổi sáng của tôi đã được phân phát cho tất cả những người nước ngoài. Ông có mặt ở đó không?

Học viên: Dạ có.

            Lão sư: Thế thì ông cần phải buông bỏ ý niệm về một cái ta đứng đối lập những cái người như thế nào. Đây là một hư vọng do cái thấy sai lầm về sự vật sản sinh ra. Để đi đến Tự chứng ngộ ông phải trực nghiệm chính mình với vũ trụ như là một. Dĩ nhiên ông hiểu điều này một cách lý thuyết, nhưng hiểu lý thuyết thì giống như một bức tranh, nó không phải chính sự vật mà chỉ là một phát biểu về sự vật đích thực.

            Học viên: Tôi có thể làm được điều ấy – vâng, tôi có thể làm được.

            Lão sư: Tốt lắm, hãy nói ngay kích thước cái “Ông” thực sự là gì nào?

            Học viên [ngập ngừng]: À…nó tùy thuộc vào hoàn cảnh. Trong tình thế này, tôi có thể là vật này, trong tình thế kia, tôi là một vật khác. 

            Lão sư: Nếu thấy rõ Chân lý ông đã có thể cho tức khắc một câu trả lời cụ thể.

            Khi tôi dang hai tay ra thế này [chứng minh], chúng sẽ xa đến đâu? Trả lời ngay!

            Học viên [ngập ngừng]: Tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là đôi khi tôi cảm thấy tôi là cây gậy này và đôi khi tôi cảm thấy tôi là một cái gì khác – tôi không chắc là cái gì.

            Lão sư: Ông hầu như đến rồi đó. Bây giờ đừng có buông lơi. Hãy làm việc hết sức mình.

 

3.      HỌC VIÊN C (đàn ông, 43 tuổi)

 

          [Mỗi học viên theo lệ phải nói loại bài thực hành của mình ngay khi họ đến trước mặt vị lão sư để độc tham. Bài thực hành của học viên này là công án Mu, “nhưng câu nói, Tôi tham công án Mu,” đã được lược bỏ để tránh sự lặp đi lặp lại nhàm chán].

 

          Học viên: Tôi cảm thấy Mu là mọi vật và không phải vật nào hết. Tôi cảm thấy nó như ánh trăng phản chiếu trên cái hồ, không trăng không hồ, chỉ phản chiếu thôi.

            Lão sư: Ông có sự lãnh hội lý thuyết sắc bén về Mu, một bức tranh rõ ràng về nó trong tâm ông, bây giờ ông cần nắm ngay lấy nó. Có một câu do một Thiền sư nổi tiếng đã viết vào lúc ngộ: “Khi nghe chuông chùa rung, bỗng không chuông, không tôi, chỉ âm thanh thôi.” Nói cách khác, ông ấy không còn ý thức phân biệt giữa chính mình, chuông, âm thanh, và vũ trụ. Đây là trạng thái ông phải đạt đến. Đừng buông lơi, hãy cố gắng lên. 

*      *    *        

            Học viên: Tôi có điều phàn nàn. Tối qua, trong lúc đang chờ vào độc tham, tôi bị xô đẩy, la hét một cách thô bạo. Tôi biết sự xô đẩy này là có ý thúc giục tôi tiến tới, nhưng tôi cũng cảm thấy tức giận.  

Lão sư: Ấy là ông nghĩ về ông như là một cái tôi nên ông bực tức kiểu đối xử này. Nếu thân và tâm ông có được một phần trăm hợp nhất với Mu thì ai làm ông tức giận được? Ở mức độ đó, ông giống như một gã khờ hay một cái bao đấm: dù bị xô đẩy bằng bất cứ cách nào ông cũng đi, vì cái tôi của ông, ý chí của ông đã bị loại bỏ. Đó là lúc ông trực nhận ra Mu. Khi ông đã đạt đến giai đoạn này, ông hoàn toàn thoát khỏi mọi tức giận.  

*      *    * 

            Học viên: Hôm qua tôi đã đạt đến cao điểm của nỗ lực, nhiệt tâm của tôi, theo thầy nói, đã lên đến chín mươi phần trăm. Nhưng hôm nay, niềm khát vọng bừng cháy bỗng dưng bỏ tôi. Tôi cảm thấy hoàn toàn thất vọng. Không biết tại sao.  

            Lão sư: Đừng trở nên thất vọng, đó là cách thông thường của mọi người. Nếu ông là một cỗ máy, ông có thể vận hành đều đặn ở tốc độ cao, nhưng một con người thì không thể được. Hãy quan sát một người đang cưỡi ngựa. Nếu là tay cưỡi ngựa giỏi, y sẽ không phi nước đại một lúc, rồi giảm xuống đi bộ vào lúc kế. Nhưng bằng cách đi nước kiệu đều đặn, y sẽ ở một vị thế tốt hơn để gia tăng tốc độ khi mình muốn.

            Nếu ông buông lỏng hoàn toàn và tiếp tục đi bộ một cách vô định, hoặc tệ hơn nữa, thỉnh thoảng dừng lại, ông sẽ mất rất nhiều thì giờ để đến nơi ông cần đến. Điều phiền là một cách có ý thức hay không ý thức, ông nghĩ: “Nếu ta không ngộ kỳ nhiếp tâm này thì ta sẽ ngộ vào kỳ tới.” Nhưng nếu đây là kỳ nhiếp tâm cuối cùng của ông ở Nhật, ông sẽ tuyệt vọng và tuyệt vọng sẽ quét ông thẳng vào giác ngộ.   

            Hãy lấy những người đang theo dự tuần nhiếp tâm này đặc biệt này làm thí dụ. Một năm họ chỉ có một cơ hội nhiếp tâm duy nhất, và họ cảm thấy rằng nếu họ không đạt kiến tánh ở tuần nhiếp tâm này, họ sẽ phải chờ đến một năm nữa vào tuần nhiếp tâm kế. Vì thế họ tọa thiền với sức mạnh và lòng thành khẩn cực độ. Ba người ngồi trong nhóm đã đạt kiến tánh.  

            Đừng buông lơi nỗ lực, nếu không ông sẽ mất nhiều thời gian mới đạt được điều ông đeo đuổi.  

*      *    * 

            Học viên: Bây giờ, tâm tôi tự do hơn đối với tư niệm so với phần lớn thời gian trong kỳ nhiếp tâm này, nhưng tôi vẫn còn một số tư niệm bất chợt làm phiền. Tôi cho như thế là vì tôi đã đọc và suy nghĩ rất nhiều về Thiền trong quá khứ.

            Lão sư: Phải, ông sẽ chỉ nhận ra Chân tánh mình sau khi tâm ông trở nên trống rỗng mọi tư niệm, như một tờ giấy trắng tinh, không một vết bẩn. Một cách đơn giản, ấy chỉ là vấn đề ông tự dốc lực vào Mu trọn vẹn đến nỗi không còn chỗ cho tư niệm bất cứ loại nào, kể cả Mu.  

*      *    * 

            Lão sư: Đừng xao lãng dù chỉ trong phút chốc. Nếu ông chú tâm trong ngồi tọa thiền mà vẫn cứ để cho mắt và tâm lang thang thì khi tỉnh lại, ông sẽ phá vỡ tâm tập trung của ông. Ông có theo dõi những gì tôi đang nói không?

            Học viên: Dạ có, tôi có theo dõi, nhưng tất cả những điều ấy không liên quan gì đến tôi. Tôi luôn luôn chú tâm.

            Lão sư: Tốt, không chú tâm không thể nhận ra nó đâu. Vả lại có ba mức độ chú tâm. Nếu ở trên xe lửa đông người, ông phải cảnh giác để túi xách khỏi bị mất cắp, đây là một loại chú tâm. Nhưng nếu ông đang ở trong một tình thế có thể bị giết chết bất cứ lúc nào – trong thời chiến chẳng hạn – mức độ chú tâm của ông lớn hơn nhiều.  

            Trở nên lơ là dù chỉ trong một giây là tự tách rời mình với Mu. Ngay cả lúc đi ngủ ông cũng tiếp tục tự thấm nhập Mu, và khi ông thức dậy, hãy thức dậy với tâm tập trung vào Mu. Bất cứ lúc nào ông cũng phải tập trung toàn bộ chú tâm thâm nhập Mu – nhiều đến độ ông trở thành chiếm hữu – giống như một người đang yêu, chỉ bấy giờ ông mới có thể đạt ngộ được. 

*      *    * 

            Lão sư: Ông đã biết cách tọa thiền đúng, ông cũng đã có một bức tranh lý thuyết tuyệt hảo về Mu. Nhưng muốn kinh nghiệm thực tế Mu, ông phải xóa bỏ bức tranh này trong tâm phân biệt của ông. Gốc rễ của những ý niệm tạo nên cái ta nằm sâu trong tiềm thức, mà ý thức không thể với tới được, vì thế khó loại bỏ chúng. Muốn loại bỏ chúng ông phải tuyệt đối trở thành một với Mu khi đi, ăn, làm việc, ngủ, bài tiết. Ông không những phải tập trung tâm mình mà còn phải kiểm soát đôi mắt nữa, vì khi mắt không chăm chú nhìn xuống thì tư niệm xuất hiện, tâm lay động, và trước khi biết điều ấy, ông đã ly cách Mu rồi.

            Như tôi đã nói, ông biết cách tập trung đúng nhưng sự tập trung của ông còn yếu. Nhiều lúc ông còn thơ thẩn phí thì giờ hay bận bịu với những vấn đề bên ngoài. Điều này tự nó không phải là xấu, nhưng đối với một người nguyện nhận ra Chân tánh mình, khi tâm liên tục bị phân tán, ấy là vấn đề sanh tử. Ông chỉ ngộ được sau khi dốc toàn lực con người ông hợp nhất với Mu. 

*      *    * 

            Học viên: Tôi đã dốc toànn lực phấn đấu để trở thành một với Mu, nhưng vì cái không phải Mu cũng mạnh như thế, Mu không chiếm ưu thế. Thực ra thì Mu càng trở nên mạnh hơn thì sức mạnh đối lập với nó lại càng mạnh hơn nữa, vì thế tôi cảm thấy rằng tôi “ở giữa hai thế giới, một chết và một không có năng lực sinh sản.” Nói trắng ra, tôi mất tri giác, tôi không biết phải làm gì. Tôi cần có một sức mạnh to lớn hơn sức mạnh tôi đang có, tôi tin như thế.

            Lão sư: Những gì ông đang cố gắng làm có thể so sánh với cái này [dùng hai bàn tay đẩy nhau]. Một khi nhận ra Mu, ông sẽ nhận ra rằng không có gì đối lập nhau cả, vì mọi sự vật đều là Mu. 

            Bây giờ ông có thể bắt đầu hiểu được tại sao dùng kích trượng - để giúp ông nỗ lực vượt qua bên kia khả năng thông thường. Nhưng vì ông không thích kích trượng, tôi có thể yêu cầu người trưởng tràng vỗ mạnh sau lưng ông. Như thế có thể vận dụng sức mạnh và năng lực nhiều hơn hiện tại. 

*      *    * 

            Lão sư: Nếu đây là một tự viện lớn nào đó và ông đến độc tham trước vị Lão sư như ông đang làm bây giờ, vị lão ấy sẽ yêu cầu ông một cách gắt gao: “Hãy chỉ Mu tôi xem!” Nếu ông không thể chỉ ra được, ông ấy sẽ cảnh cáo ông, đừng trở lại độc tham cho đến khi nào ông có thể chỉ được. Hoảng hốt, ông sẽ xin khỏi độc tham, sợ bị khiển trách vì chưa có câu trả lời đúng cho Mu. Mặt khác, nếu ông không tự nguyện đi, ông sẽ bị vị trưởng tăng lôi ông ra khỏi chỗ ngồi và bị đẩy hoặc vào độc tham. Không biết xoay xở cách nào, vì tuyệt vọng hoàn toàn, ông có thể sản xuất ra câu trả lời cho Mu.

            Vì nhiều lý do, ở đây chúng tôi không dùng các phương thức như thế. Nhưng ông hãy tận lực thúc ép mình. Hãy đến trước tôi với cảm giác rằng dù thế nào cũng cứ đến, ông sẽ chứng minh được chân lý Mu. Bây giờ ông hãy trở về chỗ và làm việc hết sức mình. 

*      *    * 

            Lão sư: Tôi thấy ông chưa thấm nhập Mu…Sao vậy? Ông bắt đầu bằng cách tập trung kịch liệt và rồi lại buông lơi. Ông chỉ bám giữ Mu một lúc như tôi nắm cây hốt (kotsu) này [hai tay nắm chặt cây hốt]. Rồi ông buông rơi như thế này [buông cây hốt]. Như thế không được. Khi ông bước đi chỉ là Mu bước đi, khi ông ăn chỉ là Mu ăn, khi ông làm việc chỉ là Mu làm việc, và khi ông đến trước tôi chỉ là Mu xuất hiện. Khi ông lạy, ấy là Mu lạy. Khi nói, ấy là Mu nói. Khi nằm xuống ngủ, ấy là Mu ngủ và Mu thức. Khi đạt đến điểm ấy, cái thấy của ông, cái nghe của ông, cái sờ của ông, cái ngửi của ông, cái nếm của ông, và cái suy nghĩ của ông không là gì cả mà chỉ là Mu thôi, bỗng nhiên ông trực nhận ra Mu.

*      *    * 

            Lão sư: Muốn nhận ra Mu, ông phải bước vào trạng thái của một người đang yêu mà tâm chỉ dành cho người mình yêu. Con người bình thường chỉ quan tâm đến một số các chi tiết vụn vặt: thời gian trong ngày, quần áo hằng ngày, những ý nghĩ bất chợt len vào tâm. Nhưng một người đang yêu, với tâm hoàn toàn tập trung vào người mình yêu, thì ở trong một trạng thái gần như xuất thần. Anh ta khá giống một tên ngố vì tâm chỉ tập trung về một hướng duy nhất. Chắc chắn ông sẽ ngộ một khi ông đạt đến trạng thái nhất tâm với Mu như thế. 

*      *    * 

         Học viên: Nhiều lần thầy bảo tôi rằng mỗi sự vật riêng rẽ đều là Mu, tôi là Mu, và vân vân…Tôi phải làm gì với những ám chỉ ấy? 

Nghĩ về chúng trong lúc tọa thiền, nếu thế, bằng cách nào?   

Lão sư: Không, đừng nghĩ đến chúng trong lúc tọa thiền. Những ám chỉ đó chỉ là nhất thời. Nếu chúng mở được tâm ông trực thức được Mu thì tốt lắm. Nếu không, hãy quên chúng đi và quay trở lại hỏi “Mu là gì?”

            Học viên: Xin trở lại một chút, khi tôi cố gắng tập trung vào Mu, các năng lực tập trung của tôi khá mạnh. Tôi có thể qui tụ tâm vào Mu dễ dàng, không bị tư niệm xen vào. Nhưng từ khi thầy bảo rằng tôi phải suy nghĩ về ý nghĩa của Mu, tôi phải luôn luôn tự hỏi: “ Mu là gì?” thì tâm tôi đã mở cho con đê tư niệm làm cản trở sự tập trung.   

            Lão sư: Ông có thể giản lược “Mu là gì?” thành Mu thôi, vì toàn bộ câu hỏi bây giờ đã thấm vào tiềm thức của ông, và chữ Mu giản lược này sẽ đặt toàn bộ câu nói ấy vang vọng trong tâm ông. Mục đích của ông trong tọa thiền là để kinh nghiệm kiến tánh (kensho). Kiến tánh và định lực (joriki), là từ tiếng Nhật chỉ năng lực phát sinh từ tọa thiền, trong khi chúng quan hệ với nhau, song chúng là những cái khác nhau. Có những người tọa thiền nhiều năm, với định lực rất mạnh, nhưng không bao giờ thức tỉnh. Tại sao vậy? Vì tận trong vô thức sâu kín nhất, họ không thể tự thức tỉnh ý nghĩ rằng thế giới thì ở bên ngoài họ, và họ là một cá thể ngự trị đối lập với các cá thể khác. Từ bỏ những ý niệm như thế là đứng trong bóng tối(15). Bây giờ, ngộ đến từ cái “bóng tối” này, không phải từ “ánh sáng” của lý trí và tri thức thế gian. Trong khi kịch liệt hỏi, “Mu là gì?” là ông đưa tâm lý luận đến ngõ cụt không lối thoát, hoàn toàn không có tư niệm, ông còn có thể phá hủy được dần dần gốc rễ bền chắc của cái tôi và cái không phải tôi trong tâm vô thức. Loại tự hỏi năng động này là con đường đưa đến Tự chứng ngộ nhanh nhất.   

            Dĩ nhiên, định lực là chủ yếu, nhưng nếu mục đích của ông không có gì khác hơn thế, ông có thể tọa thiền nhiều năm mà không thể đến gần mục tiêu giác ngộ. Mặt khác, có người có định lực yếu song vẫn đạt ngộ.

            Học viên: Vậy tại sao tôi phải phiền phát triển định lực?

            Lão sư: Chỉ vì ông không thể thực hiện được bài luyện tập tinh thần trừ phi tư tưởng và tình cảm của ông được hạn chế một cách tự nhiên. Một khi có được sự kiểm soát tự nhiên qua định lực, ông không còn bị xúi giục thúc bách nữa. Ông tự do kinh nghiệm những cảnh đẹp hay âm thanh hấp dẫn chẳng hạn, hoặc không còn biết đến các thứ ấy mà không hối tiếc về sau. Song cho đến khi ngộ, cái nhìn về thế giới và mối quan hệ của ông với nó vẫn lờ mờ - nói cách khác, vẫn còn bị ý niệm “ta” và “người” ngự trị - và ông sẽ bị lạc đường vì cái thấy phiến diện của mình.

            Như tôi đã nói, tự ngộ có thể đến dù chỉ với một chút tọa thiền và một chút định lực tương ứng. Nhưng không có định lực thì khó xoay hướng các hành động theo thói quen vì chúng phù hợp với thực tế mà người ta kinh 

----------------------------------------------

(15) Trong Thiền người ta nói rằng: “Gương tuệ tròn lớn đen ngòm như vực thẳm.” 

nghiệm. Chỉ sau khi ngộ, nghĩa là khi một người không còn thấy thế giới và mình là hai, thì các tiềm năng mở ra trọn vẹn nhất, miễn là luôn luôn tiếp tục tọa thiền và phát triển định lực.   

            Học viên: Tôi có thể hiểu trọn vẹn điều đó, song vấn đề của tôi vẫn là: Làm sao tôi phải chấp nhận câu hỏi “Mu là gì?” khi tôi thấy nó hoàn toàn vô nghĩa? Tôi không thể phát biểu ngay cả một cách hình thức vấn đề cho mình mà hầu như không giải quyết được? Nếu tôi nói với thầy “baba”(16) là gì? thì câu ấy không có ý nghĩa gì đối với thầy. Tôi thấy Mu cũng vô nghĩa như vậy.

            Lão sư: Thế thì rõ ràng tại sao Mu là một công án tuyệt diệu như thế! Muốn nhận ra Tự tánh mình, ông phải phá vỡ cái ngõ cụt lý luận và phân tách ấy đi. Câu hỏi thông thường đòi hỏi một câu đáp hợp lý, nhưng cố gắng trả lời “Mu là gì?” một cách hợp lý cũng giống như cố đấm nắm tay qua vách sắt. Câu hỏi này bức bách ông vào một lãnh vực bên kia lý luận. Nhưng nỗ lực của ông nhằm giải đáp nó không phải là không có ý nghĩa. Cái mà ông đang cố gắng tìm cho ra là “Cái ta thực của tôi là gì?” Bằng con đường tôi đã chỉ rõ, ông có thể khám phá ra nó. Nếu thích, ông có thể hỏi “Cái ta thực của tôi là gì?”   

Học viên: Hoặc tôi là cái gì? Hoặc tôi là ai? 

Lão sư: Phải, đúng thế. 

*      *    * 

            Học viên [xông vào thở hổn hển]: Tôi phải kể cho thầy nghe những gì xảy ra trong chốc lát vừa qua. Tôi thực 

---------------------------------------------

(16) Một cách không cố ý, học viên này chọn một từ có nhiều nghĩa trong tiếng Nhật. 

đã hóa đen mất. 
            Lão sư: Ông muốn nói mọi vật hóa đen và ông không thể nhìn thấy gì hết?  
 

            Học viên: Không hẳn thế. Mọi vật trở nên u tối nhưng có một lỗ sáng nhỏ trong cái tối đen đó. Điều này xảy ra nhiều lần, nó có nghĩa gì thế?

            Lão sư: Đấy là ma cảnh, chứng tỏ ông đã đến điểm sanh tử, điểm nửa đường. Ma cảnh không xuất hiện khi ông lơ là, nó cũng không xuất hiện khi sự thực hành chín muồi. Những gì xảy ra như thế chứng tỏ ông thực hành kịch liệt. Điều cực kỳ quan trọng là ông không tách rời công án dù chỉ bằng đường tơ kẽ tóc. Đừng lơ là dù chỉ một giây. Đừng để bất cứ điều gì phá vỡ sự tập trung của ông. Bây giờ ông phải trực nhận ra Mu. Chỉ “một bước nữa thôi.”

            Học viên: Tôi đã tập trung trọn vẹn. Tôi đã ở sâu trong chánh định. Tôi đã hỏi “Mu” là gì với tất cả tâm hồn mình.

            Lão sư: Tuyệt diệu!

            Học viên: Nhưng tôi có cái khó này. Bỗng nhiên tim tôi đập rất nhanh. Những lúc khác hơi thở biến mất ở mũi, và tôi cảm thấy nó ở trong dạ dày. Tôi không biết có gì phải lo hay không. Cũng như khi tôi nghe vị trưởng tràng đánh mọi người bằng kích trượng, hét họ phải tập trung với chút sức lực cuối cùng. Tôi nghe họ thở phì phào, khịt mũi, tôi không biết nên tiếp tục theo cách riêng của mình, im lặng thiền định hay cố gắng sấn tới như những người khác quanh tôi.

            Lão sư: Tôi chỉ có thể lặp lại rằng: Ông đã đến điểm sanh tử. Khi tôi thực hành ở chù Phát Tâm (Hosshin-ji) nhiều năm trước đây, tôi cũng đã đến giai đoạn tim tôi bắt đầu đập dữ dội và tôi không biết phải làm gì. Như ông biết, ở tự viện đó người ta sử dụng kích trượng không khoan nhượng và mọi người được thúc giục liên tục đến mức tối đa. Khi tôi đặt vấn đề này với Lão sư Đại Vân, ông ấy không nói – không nói gì cả. Điều đó có nghĩa là tôi phải tự cảm biết con đường đi của mình, không ai có thể bảo cho tôi biết phải làm gì. Nếu tiếp tục, tôi cảm thấy mình có thể bị xỉu. Mặt khác, nếu buông lơi nỗ lực, tôi biết tôi sẽ bật ngã. Tôi phải nói với ông như thế này: Nếu cứ ngồi im lặng và chú ý đến thời giờ, ông sẽ không bao giờ nhận ra Tự tánh mình được. Vì ngộ, ông phải tận lực bình sanh thâm nhập Mu, sự thâm nhập phải trọn vẹn và không lay động. Dưới sâu trong tiềm thức chúng ta, ý niệm “ta” và “người” rất mạnh. Chúng ta nghĩ: “Ta ở đây, cái gì không phải ta thì ở ngoài kia.” Đây là hư vọng. Vốn không có sự chia hai như vậy. Dĩ nhiên, về mặt lý thuyết ông biết tất cả điều ấy, nhưng cái “ta” này cắm rễ quá kiên cố đến nỗi lý luận không thể nhổ rễ nó được. Trong sự tập trung nhất tâm vào Mu, ông không ý thức “ta” đang đối lập với những gì “không phải ta.” Nếu sự thấm nhập Mu tiếp tục không gián đoạn, cái “ta” ấy sẽ chết trong tiềm thức. Bỗng nhiên, “Bốp” – Không còn gì chia đôi nữa! Trực nghiệm như vậy là kiến tánh.

            Bây giờ đừng do dự nữa. Ông đang ở giai đoạn sanh tử. Hãy ngồi thành khẩn!

*      *    * 

            Lão sư: Ông vẫn chưa thấy Mu, phải không? 

            Học viên: Tôi cảm thấy rằng cái chuông bên cạnh thầy, cái cây ngoài kia và tôi phải là một, nhưng làm sao tôi không thể nhận ra cái một này. Tôi cảm thấy dường như tôi đang bị buộc bằng một sợi xích trong một nhà tù mà tôi không thể chạy trốn được. Tôi thực không thể phá vỡ nổi sự chia đôi này.

            Lão sư: Chính những ý niệm như thế đang phá hoại sự nhận ra Mu của ông. Hãy loại bỏ chúng đi! Chỉ qua sự thấm nhập không suy nghĩ vào Mu, ông mới có thể đạt được sự hợp nhất.

            Hãy để tôi hỏi ông một câu: “Khi ông chết mọi vật quanh ông cũng chết theo ông phải không?” 

            Học viên: Tôi không biết. Tôi chưa có kinh nghiệm đó. 

            Lão sư: Khi ông chết mọi vật chết theo ông, vì ông không biết gì về chúng nữa, chúng hiện hữu quan hệ với ông phải không?

            Học viên: Vâng, tôi tưởng thế.

            Lão sư: Thế thì khi ông biến mất, vũ trụ cũng biến mất, và khi vũ trụ biến mất, ông cũng biến mất theo. 

            Hãy nhớ rằng bất cứ sự kích thích nào cũng có thể sản sinh ra nhận thức đột nhiên về Mu, miễn là tâm ông trống rỗng, và ông không tự ý thức về mình. Còn năm tiếng đồng hồ nữa là kết thúc nhiếp tâm. Nếu ông tập trung với tất cả tâm mình, chắc chắn ông sẽ đạt ngộ. 

*      *    * 

            Lão sư: Ông có vẻ dường như đã nắm được Mu. Hãy nhìn cái quạt cái quạt điện bên cạnh tôi đây. Tôi bật nó [chứng minh]. Các cánh quạt quay tròn. Sự quay từ đâu đến? Bây giờ tôi tắt quạt. Cái gì xảy ra cho sự quay? Không phải là Mu đấy ư? Khi tôi yêu cầu các học viên chỉ Mu cho tôi xem. Một vài người nắm lấy cây hốt, vài người khác giơ một ngón tay, vài người khác nữa ôm lấy tôi giống như vầy [ôm lấy học viên].

            Học viên: Tôi biết tất cả chuyện ấy, nhưng nếu tôi làm thế là có mưu tính trước, không phải tự phát.

            Lão sư: Dĩ nhiên, đúng vậy. Khi ông thực có kinh nghiệm Mu, ông có thể đáp tức khắc. Nhưng ông phải chấm dứt lý luận và chỉ chú tâm vào Mu thôi.

            Học viên: Tôi cũng hiểu điều ấy và tôi đang cố gắng làm thế.

Tôi đã nếm được mùi vị Mu ngày hôm kia khi tôi hét ông trưởng tràng đánh tôi khi đã có bảng hiệu “Đừng đánh” treo bên trên tôi.

            Lão sư: Cảm giác Mu ấy có kỳ diệu không? Ngay lúc ông hét ông ta, không có sự chia đôi, không có ý thức về chính ông hay ông ta – chỉ có hét thôi. Nhưng vì cái trực quan ấy chỉ là một phần nên nó đã biến mất. Nếu là toàn bộ, nó sẽ sống mãi.

            Đừng để sẩy mất Mu dù bất cứ việc gì xảy ra. Hãy rán nữa lên.

*      *    * 

            Học viên: Tôi không có vấn đề đặc biệt gì để hỏi. Tất cả những gì tôi muốn nói là hôm nay tôi trầm trệ. Tâm tôi lờ đờ và tôi không tập trung được gì cả.

            Lão sư: Con người là như thế. Đôi khi tâm chúng ta sắc bén và rõ ràng, những lúc khác thì trì trệ và không thích thú gì hết. Điều quan trọng là không để nó làm ông lo ngại và bối rối. Chỉ tiếp tục quyết tâm tọa thiền. 

*      *    * 

            Lão sư: Ông vẫn chưa đạt được ngộ. Tôi lấy làm lạ tại sao… Tôi lặp lại là ông phải loại bỏ lý luận, ngừng phân tích, từ giả các tri thức. Hãy giải phóng toàn bộ tâm ông ra khỏi tất cả quan niệm, niềm tin, giả thuyết. Tôi đánh ông bằng cây hốt này [đánh học viên], ông kêu: “Ui cha!” “Úi cha!” đó là toàn thể vũ trụ. Còn gì nữa không? Mu có khác với cái ấy không? Nếu đây là lửa và ông sờ nó, ông cũng kêu la và rụt tay lại, phải không? Đa số người ta nghĩ về lửa như là một nguồn cung cấp nhiệt hay như một quá trình kết quả từ sự cháy, và vân vân … Nhưng lửa chỉ là lửa, và khi ông tự đốt mình bằng lửa và kêu: “Ui cha!”, chỉ có “Ui cha!” thôi.

            Học viên: Tôi đang thiếu cái gì nào? Thầy thì giác ngộ còn tôi thì không. Thầy sờ vào lửa và tôi sờ vào lửa, có gì khác nhau?
            Lão sư: Không có gì khác nhau cả, tuyệt đối không! Một bài kệ trong Vô Môn Quan viết:
                                

         Trời nắng, đất sáng. 

          Trời mưa, đất ướt.” 

            Ở đây không có đẹp cũng không có xấu, không có thiện cũng không có ác, không cái gì tuyệt đối, không cái gì giới hạn. 

            Học viên: Tôi muốn thấy nó cách đó, nhưng tôi không thể… 

            Lão sư: Không có gì để chấp nhận. Tất cả những gì ông cần là chỉ thấy khi nhìn, chỉ nghe khi lắng nghe. Nhưng con người bình thường không thể làm được điều ấy. Họ liên tục thêu dệt tư tưởng và trang sức các quan niệm cho những gì họ kinh nghiệm. Nhưng khi ông chạm phải cái lò nóng đỏ và kêu, “Úi cha!” Sự kiện đơn giản và hiển nhiên đó là “Ui cha.” Có ý nghĩa nào ở bên kia cái ấy không? 

            Học viên: Tôi hiểu tất cả điều ấy về mặt lý trí nhưng không ích gì.

            Lão sư: Hãy xem cái hiểu của ông chỉ là cái hiểu thôi. Ông phải loại bỏ tất cả mọi tư niệm.

            Học viên [cắt ngang]: Tôi không có tư niệm nào cả cho đến khi tôi đến đây. Tôi chỉ tập trung vào Mu với tất cả sức mình và không nghĩ đến bất cứ điều gì khác. 

            Lão sư: Tốt lắm, khi trở về chỗ ngồi, ông hãy ngừng cố gắng đạt hợp nhất với Mu và tự hỏi một cách sâu xa, “Tại sao tôi không nhận ra rằng khi tôi nghe không có gì khác hơn là nghe? Tại sao tôi không nhận ra rằng khi tôi nhìn không có gì khác hơn là thấy?”

            Học viên: Tôi biết tôi phải làm gì nhưng tôi không thể làm được.

            Lão sư: Không có điều gì ông tưởng phải làm, không có điều gì ông tưởng phải hiểu cả. Ông chỉ cần nắm được sự kiện khi mặt trời chiếu thì thế giới trở nên sáng, khi trời mưa thì đất ướt. Hãy xem hiểu là hiểu, không có gì khác nữa hết. Nếu ông nghĩ, “Tôi không phải hiểu” hay tôi “phải hiểu” là ông đang thêm một cái đầu khác vào cái đầu đã sẵn có của ông.(17) Tại sao ông không chấp nhận sự vật như chúng đang là và không phóng định những giá trị và phán quyết của ông lên chúng? 

            Học viên: Tôi tưởng đây là nỗi phiền não của tôi, trong tiềm thức, tôi đang nghĩ: “Tôi là một cá nhân, thầy là một cá nhân khác.”   

            Lão sư: Nhưng nếu ông tự thức tỉnh cái sai lầm nền tảng này, trong chớp mắt ngộ sẽ đến và ông sẽ kêu lên: “Ô, tôi được nó rồi!” Đây là ngộ.   

*      *    * 

            Lão sư: Cái gì đây? [đập nhẹ cây hốt lên vai học viên].   

-----------------------------------------------

(17) Đó gấp bội tư tưởng, không cần thiết. 

[Không trả lời].

            Đó là Mu – chỉ là Mu! Khi tôi vỗ tay [vỗ tay], nó chỉ là Mu. Không có gì ông phải “hình dung ra” hay “suy diễn ra” cả. Nếu ông cố gắng làm một phép diễn dịch, dù là nhỏ bé nhất hay một sự phân tích trần trụi nhất, ông sẽ không bao giờ nhận ra Mu được.

            Học viên: Tôi cảm thấy rằng lúc nào tôi cũng tiến công tôi.

            Lão sư: Hãy cắt đứt sự suy diễn về nó đi. Hãy ngừng sử dụng cái đầu của ông đi. Chỉ hoàn toàn trở thành một với Mu thôi, và ông sẽ tự động đi đến Tự ngộ. 

            Sự thật không có cái “tôi” nào để tiến công cả. Mu là mọi sự vật, Mu không là cái gì cả . Bao lâu ông còn tin một cách có ý thức hay vô ý thức rằng ông là ông và mọi vật khác là khác ông, chừng ấy ông vẫn chưa thấm nhập được Mu. Ông đã gần kiến tánh. Chỉ một bước nữa thôi. Hãy cảnh giác. Đừng tách rời mình với Mu, dù chỉ với khoảng cách mỏng manh của một tờ giấy cũng là quá nhiều.  

*      *    * 

            Học viên: Như kết quả của sự phân tích của thầy hôm qua, tôi không còn liên kết “tôi” với thân xác tôi hay với các hành động nữa. Nhưng khi tôi tự hỏi: “Ấy là ai mà biết tất cả như thế?” Tôi kết luận rằng tôi là cái năng biết. Có phải tôi trở lại chỗ tôi đã bắt đầu không?  

            Lão sư: Điều sau đây rất quan trọng đối với ông, hãy lắng nghe cho kỹ. 

            Tâm ông, giống như gương, phản chiếu mọi vật: cái bàn này, tấm nệm này – bất cứ cái gì ông nhìn thấy. Nếu ông không nhận thức vật nào cả, gương tự phản chiếu. Bây giờ, tâm mọi người thì khác. Làm sao tâm tôi phản chiếu sự vật khác với cách tâm ông phản chiếu? Bất cứ vật gì ở trong tâm ông đều là phản ảnh của tâm ông, vì thế nó là ông. Như thế khi tâm ông nhận thức cái bàn này, tấm nệm này là ông nhận thức chính ông. Lại nữa, khi tâm ông trống rỗng mọi niệm tưởng – tức là các quan niệm, tư tưởng, quan điểm, giá trị, ý niệm, giả thuyết – là tâm ông tự phản chiếu chính nó. Đây là trạng thái của vô phân biệt, của Mu.

            Bây giờ, tất cả điều ấy chỉ là một bức tranh. Những gì ông phải làm là trực nhận ra chân lý cho chính mình để ông có thể nói, “A, dĩ nhiên!” Đây là tỉnh ngộ.  

*      *    * 

            Lão sư: Ông vẫn chưa nắm được Mu? Thế thì tệ lắm.

            Học viên: Tôi chưa nắm được. Tôi buồn phải nói thế. 

            Lão sư: Mu là cái gì ông có thể cảm hay nếm hay sờ hay ngửi được. Và nếu nó có hình dáng hay hình thức thì không phải là Mu. Những gì ông có trong tâm chỉ là một bức tranh về Mu. Ông phải xóa nó đi. 

            Học viên [ngắt ngang]: Tôi có thể bảo đảm với thầy rằng trong tâm tôi không có bức tranh nào cả.

            Lão sư: Mu ở bên kia có nghĩa và không có nghĩa, không thể biết nó bằng giác quan hoặc bằng tâm phân biệt. Hãy loại bỏ các ý niệm hư vọng của ông đi và ngộ sẽ đến với ông tức khắc. Nhưng ông phải vận động mình nhiệt tình hơn nữa, như con chó đói bám lấy cục xương.  Hãy tập trung vào Mu, Mu, Mu bằng trọn vẹn trái tim ông.  

*      *    * 

            Lão sư: Qua cách ông đi vào đây, tôi có thể nói ông vẫn chưa là một với Mu. Ông đang dao động – tâm ông phân tán. Nếu ông là một với Mu, ông sẽ bước đến trước tôi với dáng điệu không vội vã  mà vững vàng, hoàn toàn thấm nhập, tựa như ông đang mang theo một kho tàng quí giá nhất trên thế gian này.

            Học viên: Dù sao tôi cũng không còn ở trong trạng thái phân đôi như tôi thường vậy. Khi tôi cười, tôi không nghĩ “Tôi đang cười” mà “chỉ cười” thôi. Cũng vậy, tôi cảm thấy đau, và với mọi sự vật khác cũng thế.  

            Lão sư: Thế thì được rồi, nhưng nếu muốn nhận ra Chân tánh, ông không nên dừng lại, chìm đắm trong sự tự mừng mình. Nếu làm như vậy, ông sẽ tự tách rời mình với Mu, và tự mình rơi vào sự chia hai mà ông đang cố gắng chạy trốn. Để ngộ, tất cả những gì ông cần làm là đạt sự hợp nhất hoàn toàn với Mu, không có gì khác hơn. Ông phải làm tâm ông trống rỗng tất cả vọng niệm và trở thành giống như một người mộng du mang một kho tàng mong manh có thể vỡ tan ngay nếu bước nhầm một bước. Không được chao đảo dù chỉ một tí thôi.

            Học viên: Tôi cảm thấy mình không xa ngộ, nhưng sao tôi không thể thực hiện được cái sấn tới cuối cùng?

            Lão sư: Sự nhận ra Tự tánh mình có thể so sánh với cái này [đặt lòng bàn tay này lên lòng bàn tay kia]. Bàn tay trên giống như hòn đá lớn, nó biểu thị tâm người thường, cái tâm bị vọng niệm chế ngự. Bàn tay dưới biểu thị giác ngộ. Thực ra, đây chỉ là hai khía cạnh của cái Một. Bây giờ, muốn hất bàn tay trên, ông phải dùng sức mạnh phi thường, vì tâm này trĩu nặng mê hoặc. “Sức mạnh” có nghĩa là tập trung không ngừng. Nếu ông chỉ nâng nhẹ cái tâm này bên trên và rồi để nó “rơi” trở lại, ông sẽ không bao giờ kinh nghiệm được Chân tánh. Ông phải thình lình lật nhào nó một cái một, như thế này [chứng minh bằng một cử động nhanh mạnh]! Và ô kìa! Đó là tâm giác ngộ, sống động, không tỳ vết.  

               Đừng buông lơi. Hãy làm hết sức mình. 

*      *    * 

               Lão sư: Ông có điều muốn nói, phải không? 

               Học viên: Vâng.

Lão sư: Nói đi. 

              Học viên: Thầy bảo tôi tự hỏi: “Tại sao tôi không thể chỉ thấy khi nhìn? Tại sao tôi không thể chỉ nghe khi lắng nghe? Tại sao không thể hiểu khi bị thầy đánh một gậy và kêu “Ui cha!” và “Ui cha!” đó là toàn thể vũ trụ? Câu trả lời của tôi là: tôi là thấy cây cốt- tử này, chẳng hạn, là cây hốt trong khía cạnh giới hạn của nó và không có gì khác hơn. Tôi thấy tấm nệm là tấm nệm. Tôi nghe âm thanh là âm thanh và không là gì khác.

            Lão sư: Ông đang nhìn các sự vật này một cách phiến diện. Giả sử tôi lấy áo của tôi phủ lên đầu tôi và giơ hai tay lên không. Nếu ông chỉ thấy hai bàn tay tôi, ông có thể nghĩ chỉ có hai vật. Nếu tôi giở áo ra, ông thấy tôi cũng là một người, không phải chỉ có hai bàn tay. Cũng vậy, nhìn sự vật như là những thực thể tách rời, chỉ là một nửa chân lý.

            Bây giờ chúng ta tiến thêm một bước nữa. Hãy quan sát cái quạt điện bên cạnh tôi đây. Nó liên hệ với cái đế, cái đế liên hệ với cái bàn, cái bàn liên hệ với sàn nhà, sàn nhà với căn phòng, căn phòng với ngôi nhà, ngôi nhà với mặt đất, mặt đất với bầu trời, bầu trời với vũ trụ. Như thế, cái quạt này không chỉ hiện hữu một mình nó, nó liên hệ với toàn thể vũ trụ, và khi nó chuyển động, vũ trụ chuyển động theo. Dĩ nhiên, những gì tôi vừa nói với ông không phải là biểu hiện của thực tại mà chỉ là một giải thích về nó.

            Lại nữa, hãy lấy một đường tròn và một tâm điểm làm thí dụ. Không có tâm điểm không có đường tròn, không có đường tròn không có tâm điểm. Ông là tâm điểm, đường tròn là vũ trụ. Nếu ông hiện hữu, vũ trụ hiện hữu, và nếu ông biến mất, vũ trụ biến mất theo.(18) Mọi vật liên hệ và tùy thuộc vào nhau. Cái hộp trên bàn này không hiện hữu một mình. Nó hiện hữu với đôi mắt tôi, và mắt tôi thấy nó khác với mắt ông và lại khác với mắt người kế tiếp. Nhưng nếu tôi mù, cái hộp sẽ thôi hiện hữu đối với tôi.

            Chúng ta hãy lấy một ví dụ khác. Ví dụ, ông ăn đường trong lúc ông bệnh. Nó có vị đắng, vì thế, ông bảo đường đắng, nhưng người khác nói: “Nó là đường, nó ngọt chứ!” Song đối với ông, đương nhiên đường phải đắng. Cái đắng của đường lúc bấy giờ liên hệ với vị giác của ông, phẩm chất của nó tùy thuộc vào ông. Tất cả cuộc tồn sinh là tương đối, song mỗi người trong chúng ta tạo ra thế giới riêng của mình; mỗi người trong chúng ta nhận thức theo tâm trạng của mình.

            Học viên: Tôi hiểu tất cả điều ấy về mặt lý thuyết. Tôi có thể hiểu rõ rằng nếu mặt trời biến mất, tôi biến mất, nhưng tôi không thể tưởng tượng rằng tôi là mặt trời hay là toàn thể vũ trụ.

            Lão sư: Nhưng ông là thế. Khi ông chết, vũ trụ chết theo ông, ông và vũ trụ không riêng biệt và tách rời. Giác ngộ không có gì khác hơn là nhận ra rằng thế giới của phân biệt và thế giới của không phân biệt không phải là hai. Khi ông trực nghiệm và minh bạch điều này là ông giác ngộ.

               Học viên: Thế thì Mu là gì? Có phải là sự nhận ra cái không phân biệt chăng?  

---------------------------------------------

(18) Hãy so sánh: “Vì tôi có nên trời lững lờ và đất trì ngự. Vì tôi có nên mặt trăng quay tròn. Bốn mùa đến kế tiếp nhau, vạn vật sinh sản bởi vì tôi có, nghĩa là bởi vì tâm có.” Thiền sư Vinh Tây (Eisai Zenji) trong “Hưng Thiền Hộ Quốc Luận” (Gozen Gokoku Ron).   

            Lão sư: Nhận ra cái vô phân biệt là bước đầu cần thiết. Nhưng sự nhận ra ấy sẽ không trọn vẹn nếu không tiếp tục thêm nữa. Sau khi ông thấy Chân tánh mình – tức trở nên giác ngộ, ông sẽ thấy mọi vật như là những hiện tượng nhất thời đang chịu sự biến dịch không ngừng, nhưng ông nhìn thấy chúng trong và qua khía cạnh như nhau. Rồi ông hiểu rằng không có cái vô phân biệt thì không thể có những hiện hữu cá thể.

            Tôi có thể minh họa những gì tôi đang nói với cây quạt giấy này. Một bên có nhiều sọc, như ông thấy, và bên kia thì trắng tinh. Có thể gọi bên trắng là vô phân biệt, bên sọc là phân biệt. Cái gì khiến sọc trở thành sọc là bên trắng hay vô phân biệt của cây quạt. Trái lại, những gì khiến cho bên trắng có ý nghĩa là những cái sọc. Chúng là hai khía cạnh của cái “Một.”  Nhưng trong lúc khía cạnh phân biệt tùy thuộc vào sự biến đổi không ngừng thì cái vô phân biệt lại không biến đổi.

            Vì ông là một người có đầu óc triết học hơn là người cố gắng trở thành một với Mu, tôi nghĩ rằng đối với ông, đến đây, tốt hơn là ông nên chú tâm vào những điều tôi vừa nói cho đến khi nào ông nhận ra Tự tánh của mình. Thế có rõ ràng không? Kể từ bây giờ, đó sẽ là bài luyện tập tinh thần của ông.

 

4.      HỌC VIÊN D (đàn bà, 40 tuổi)  

            Học viên: Tôi đang thực hành chỉ quán đả tọa.

            Lão sư: Hôm qua tôi thấy bà ngồi với tay siết chặt trên đùi và gắng sức lắm. Trong chỉ quán đả tọa không cần thiết phải gắng sức.

            Học viên: Mọi người quanh tôi đều gắng sức tiến tới, vì thế tôi nghĩ tôi cũng phải vậy.

            Lão sư: Đa số họ là những người mới tu bắt đầu tham công án đầu tiên. Nếu họ không gắng sức, bất cứ định lực nào họ mới phát triển được cũng sẽ tiêu tan nhanh chóng. Vì thế họ phải đấu tranh liên tục để duy trì nó. Cũng giống như học viết chữ Hán, ban đầu bà phải dùng sức nhiều khi bà khó nhọc hình thành các chữ, nhưng về sau khi đã biết rành cách viết, dĩ nhiên bà có thể viết không chút gắng sức. Bà đã có kinh nghiệm tọa thiền, vì thế không cần phải gắng sức.

            Học viên: Tôi phải công nhận rằng có nhiều lúc khi sự tập trung đã mạnh thì không có sự gượng ép. Nhưng vì ngộ, không cần phải tọa thiền gượng ép ư?

            Lão sư: Chỉ quán đả tọa được thực hành trong niềm tin rằng tọa thiền như thế là thể hiện Phật tánh thanh tịnh của mình, như thế không cần thiết phải gắng sức vì ngộ một cách tự ý thức.(19)  Bà phải ngồi với tâm linh mẫn, đồng thời bình tĩnh và không vội vã. Tâm này phải giống như dây đàn dương cầm lên đúng giọng, thẳng nhưng không căng. Cũng nên nhớ rằng trong nhiếp tâm bà được mọi người khác trợ giúp qua sự ngồi chung, vì thế bà không cần phải tự gắng sức.

            Tối hôm qua, tôi quan sát thấy bà vừa cười vừa khóc. Bà kinh nghiệm điều gì bất thường chăng?

            Học viên: Tôi tuyệt đối không muốn. Tôi cảm thấy dường như mình nghiền nát mọi vật, không còn gì cả, và tôi hân hoan. 

--------------------------------------------

(19) Hãy so sánh “Ngộ và tu là một” – Đạo Nguyên. 

            Lão sư: Nói tôi nghe, bà đã từng lo nghĩ gì về cái chết.

            Học viên: Không, tôi không có.

            Lão sư: Những người lo phiền vì nghĩ đến cái chết thường có những kinh nghiệm như kinh nghiệm của bà làm cho vơi bớt.

            Cách nhìn sự vật của bà có gì thay đổi không?

            Học viên: Không, sau khi nó qua đi, tôi không cảm thấy có gì khác cả, tôi tiếc tôi phải nói thế [mỉm cười héo hắt].

            Lão sư: Cảm giác về sự đối nghịch, về chính bà đối lập với thế giới bên ngoài bất chợt tiêu tan, phải không? 

            Học viên: À, cảm giác của tôi chỉ là một sự phấn khởi lạ thường vì tôi cảm thấy rằng mọi vật tan biến tành hư không.

            Lão sư: Sau đó tâm thái của bà trước kia có quay lại không?

          Học viên: Có ạ.

          Lão sư: Được rồi, bà chỉ nên ngồi cần mẫn, không cần phải gắng sức. 

 

5. HỌC VIÊN E (đàn ông, 44 tuổi)

 

Học viên: Tôi đang thực hành chỉ quán đả tọa.

Lão sư: Ông có gì muốn nói hay muốn hỏi?

               Học viên: Dạ có. Khi tôi bị một trong các vị trưởng tràng đánh tôi có phản ứng không thích chút nào. Tôi cảm thấy rằng bằng cách bạo hành ấy ông ta thực sự vui sướng khi đánh tôi. Vì thế, tôi không thể giơ tay lên cảm ơn ông ta như cảm ơn các vị trưởng tràng khác. Do đó, tôi yêu cầu đừng để ông ta đánh tôi nữa trong khóa nhiếp tâm này. Tôi không để tâm khi bị các vị trưởng tràng khác đánh, vì họ đánh là để khuyến khích tôi, nhưng khi ông ấy đánh tôi thì hiệu quả hoàn toàn trái ngược.

            Lão sư: Khi bị đánh ông không nên nghĩ, “Tên đó đánh ta như thế ấy,” hoặc cố đánh giá phản ứng của mình. Chỉ nên hai tay lại giơ lên cảm ơn. Có nhiều người cảm thấy khó chịu khi bị đánh và họ không thể tọa thiền tốt nếu bị đánh. Khi họ yêu cầu đừng đánh, sẽ có bảng hiệu không đánh đặt bên trên chỗ họ ngồi. Trường hợp của ông, nếu muốn, có thể làm như vậy.

            Học viên: Tôi không để tâm khi bị người khác đánh. Để trắc nghiệm mình, tôi đã ra dấu cho một vị trưởng tràng khác đánh tôi. Khi người này đánh, tôi không có phản ứng trái ngược như khi tôi bị con người đặc biệt ấy đánh. Sự thực, tôi thấy chắp tay giơ lên rất dễ dàng. Nhưng với ông ấy, thì khác hẳn.

            Lão sư: Dĩ nhiên, các vị trưởng tràng sẽ thận trọng chỉ đánh lên phần vai mềm nhất, không có xương. Đây đang là mùa hè, họ sẽ không đánh quá mạnh, vì mọi người đều mặc áo mỏng. Thực tế, hôm qua tôi đã cho người làm gậy mới bằng gỗ mềm với mục đích không làm đau. Nhưng dĩ nhiên, cũng có thể đau khi bị đánh quá mạnh. 

            Học viên: Tôi chỉ biết rằng phản ứng của tôi không phải là ma cảnh. Tự nhiên là tôi sẽ làm bất cứ điều gì thầy đề nghị, nhưng tôi nghĩ tôi nên nói với thầy điều ấy.

Lão sư: Điều quan trọng là không biến việc ấy   thành vấn  đề. 

*      *    * 

            Học viên: Tôi đang thực hành như thầy đã chỉ. Tôi không có câu hỏi nào hết. Tôi đến là vì đây là buổi độc tham cuối cùng của tôi, tôi muốn cảm ơn thầy vì lòng tốt của thầy.

            Lão sư: Không có vấn đề gì để hỏi mà vẫn đến độc tham là tốt, vì lý do này: ông có xu hướng trở nên buông lơi việc ngồi. Việc đến trước tôi làm cho sự thực hành của ông trở nên khẩn trương, như thế ông có thể bắt đầu trở lại với năng lực và quyết tâm nhiều hơn.

Xem mục lục