Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

&   Khi cha tôi đến viếng Wat Dhammasathit, tôi sắp xếp cho ông hành thiền với Ajaan Fuang, trong khi tôi làm người thông dịch.  Trước khi bắt đầu, cha tôi hỏi việc ông là người Thiên chúa giáo có trở ngại gì trong việc hành thiền.  Ajaan Fuang khẳng định rằng không.  Ngài thiền sư nói: “Chúng ta sẽ chú tâm vào hơi thở.  Hơi thở không thuộc về Phật giáo hay Thiên chúa giáo hay bất cứ ai.  Đó là tài sản chung của cả thế gian, nên mọi người đều có quyền sử dụng nó.  Vì thế hãy cố gắng quán sát hơi thở cho đến khi ta có thể thấy và biết chính tâm mình.  Lúc đó câu hỏi ai theo tôn giáo nào không còn thành vấn đề, vì ta có thể nói về tâm thay vì thảo luận về các tôn giáo.  Bằng cách đó, chúng ta có thể hiểu nhau hơn”.

&  “Khi hành thiền, dầu hành giả đang làm gì, hãy hướng đến hơi thở, vì đó là căn bản của toàn thể kỹ năng (mà) ta đang muốn phát triển”.

&   “Nắm bắt tâm giống như bắt con lươn.  Nếu ta chỉ biết nhảy xuống sình để bắt, chúng sẽ bằng mọi cách tuột khỏi tay ta.  Ta phải tìm thứ gì chúng thích –thí dụ như người ta bỏ thây chó vào một lu đất, rồi đem dìm xuống sình.  Ngay lập tức các con lươn sẽ tự bò vào lu để kiếm mồi, lúc đó ta chỉ cần đậy nắp lu lại thì đã bắt được lươn”.

“Với tâm cũng thế.  Ta phải tìm thứ nó thích thú, nên hãy để hơi thở thoải mái, buông thư đến độ toàn thân ta đều cảm thấy dễ chịu.  Tâm thích sự thoải mái, nên nó sẽ tự tìm đến, rồi ta sẽ dễ dàng nắm bắt được tâm”.

&   “Luôn ý thức đến hơi thở, thì hành giả sẽ được tĩnh lặng.  Cõi người, cõi thiên và Niết-bàn, tất cả đều ở trong hơi thở.  Nếu hành giả để sự vật khác lôi kéo, tâm bình an sẽ tuột khỏi tay, vì thế hành giả phải học cách làm thế nào để luôn quán sát hơi thở vào-ra.  Chú tâm đến cách nó tiến triển như thế nào –đừng để mặc nó ra sao thì ra.  Khi hành giả biết cách sống với nó –khi đi, đứng, nằm ngồi, tất cả- thì hành giả có thể đạt được điều mình muốn từ hơi thở.  Thân sẽ nhẹ nhàng, tâm thư thái, hạnh phúc luôn”.

&   “Bạn biết không, hơi thở có thể mang ta đến tận Niết-bàn”.

&   “Bước đầu tiên chỉ là quán sát hơi thở như nó là.  Bạn không phải lo lắng gì cho nó.  Chỉ cần nghĩ bud- với hơi thở-vào, và dho với hơi thở-ra.  Bud- vào, dho ra.  Đừng ép hơi thở, hay ép tâm vào khuôn khổ.  Chỉ cần giữ tâm cẩn thận ngay đó với từng hơi thở”.

&   “Làm cách nào để hành giả có thể dùng năng lực quán sát làm quen với hơi thở?  Hãy tự hỏi: Ta có biết hơi thở không?  Hơi thở có đó không? Nếu ta không thể thấy là hơi thở có thật hay không, thì hãy nhìn sâu hơn cho đến khi nó rõ ràng có mặt ở đó.  Không có gì huyền bí về nó.  Nó luôn thật, luôn ở ngay đó.  Vấn đề quan trọng là ta có thật hay không.  Nếu ta thật, chỉ cần giữ như thế.  Tất cả chỉ có thế.  Chỉ cần thật, chỉ cần chân trong mọi việc mình làm, và sự hành thiền của ta sẽ tiến bộ.  Nó sẽ dần trở nên mạnh hơn, và tâm sẽ trở nên an tịnh.  Chỉ cần rõ ràng về bất cứ việc gì mình đang làm.  Đừng nghi hoặc.  Nếu ta có thể nghi chính cả hơi thở của mình, thì không thể làm gì hơn.  Ta sẽ nghi tất cả mọi thứ.  Không cần biết điều gì xảy ra, ta cũng nghi nó.  Nên hãy thẳng thắn và chân thật trong tất cả mọi việc mình làm, vì mọi thứ rồi cũng sẽ cho biết là ta có chân thật hay không”.

&   “Một khi tâm đã trụ vào hơi thở, không cần phải lặp lại buddho trong tâm.  Giống như khi ta gọi con trâu nước.  Một khi nó đã đến, đâu cần gọi tên nó nữa!”

&   “Hãy để tâm và hơi thở là một và cùng bản chất.  Đừng biến chúng thành hai”.

&   “Đừng làm tấm ván cắm dưới bùn.  Bạn đã nhìn thấy một tấm ván cắm dưới bùn chưa?  Nó đong đưa ra trước, tới sau, không thể trụ vững.  Dầu có làm gì, hãy cứng rắn và nhất tâm về điều đó.  Giống như khi bạn chú tâm vào hơi thở: Hãy nhập tâm vào đó, giống như tấm ván được chôn chặt trong đá”.

&   “Hãy bám chặt vào hơi thở giống như khi con kiến đỏ cắn: Dầu bạn có kéo đứt thân nó ra khỏi đầu, đầu nó vẫn cắn chặt, không nhả ra”.

&   Lần đầu tiên khi tôi nghe Ajaan Fuang nói về “nắm bắt” hơi thở, tôi không hiểu sư nói gì.  Vì thế, tôi ngồi một cách căng thẳng để nắm bắt hơi thở, nhưng điều đó chỉ khiến tôi mỏi mệt và khó chịu.  Rồi một ngày, khi tôi đang đi xe buýt đến Wat Makut, tôi ngồi chú tâm và nhận thấy rằng nếu tôi để hơi thở ra vào tự nhiên, tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều và tâm có thể trụ vào đó.  Khi đến Wat Makut, theo thói quen của người Tây phương, tôi dọ hỏi ngài thiền sư: “Tại sao sư nói nắm bắt hơi thở?  Khi càng nắm bắt, ta càng khó chịu.  Ta phải để nó ra vào tự nhiên”.

Ngài thiền sư cười và nói: “Ý sư không phải thế.  ‘Nắm bắt’ chỉ có nghĩa là trụ nơi hơi thở, đi theo nó, đảm bảo rằng ta không xao lãng nó.  Con không phải gò ép, áp lực hay điều khiển nó.  Nó như thế nào, chỉ tiếp tục quán sát nó”.

&   “Làm thế cho đến khi ta thực sự biết hơi thở, chứ không chỉ ý thức về nó”.

&   “Quán sát hơi thở là nhân, hỷ lạc phát khởi là quả.  Chú tâm càng nhiều càng tốt vào nhân.  Nếu ta bỏ quên nhân mà quá đà với quả, nó sẽ phai nhạt và cuối cùng ta chẳng được gì cả”.

&   “Khi chú tâm vào hơi thở, hành giả có thể đo lường sự việc bằng cảm giác dễ chịu nhiều hay ít.  Nếu cả hơi thở và tâm đều cảm thấy thoải mái, có nghĩa là sự thực hành của ta đúng.  Nếu một trong hai cảm thấy khó chịu, đó là khi ta phải điều chỉnh”.

&   “Khi hành thiền công việc chính của hành giả là quán sát.  Nếu thấy khó chịu, hãy thay đổi hơi thở cho đến khi ta thấy tốt hơn.  Nếu thân cảm thấy nặng, hãy nghĩ tới việc trải rộng hơi thở cho đến khi thân cảm thấy nhẹ.  Hãy tự nhủ rằng hơi thở đến và đi qua từng lỗ chân lông của da”.

&   “Khi kinh sách nói tập trung vào các cảm giác của hơi thở trên các phần khác nhau của thân, có nghĩa là chủ tâm vào bất cứ cảm giác nào đang có mặt ở thân”.

&   “Hơi thở có thể là điểm dừng cho tâm, hay nó có thể là cái mà tâm đang quán tưởng.  Khi tâm không muốn an tịnh hoặc không muốn trụ vào đâu, đó là dấu hiệu nó muốn hoạt động.  Nên hãy cho nó việc để làm.  Hãy cho hơi thở lướt qua khắp thân và quán xét các cảm nhận của nó ở các bộ phận khác nhau để xem chúng liên kết với hơi thở vào-ra như thế nào, để xem ở đâu mạch năng lượng chảy êm xuôi và ở đâu nó bị cản trở.  Nhưng phải chắc chắn rằng tâm ta không rời bỏ thân.  Hãy giữ nó đi lòng vòng bên trong và không để nó dừng lại cho đến khi nó mệt.  Khi tâm mệt, ta có thể tìm một nơi cho nó ngơi nghỉ, và nó sẽ trụ ở đó mà ta không cần phải ép nó”.

&   “Hãy xem tâm như một thứ nước lỏng, chảy tràn ra khắp cả châu thân”.

&  Có lần Ajaan Fuang bảo một đệ tử, người thích rèn luyện cơ thể bằng cách tập yoga và nhảy nhịp điệu mỗi ngày: “Thay vì vậy, hãy dùng hơi thở để tập luyện.  Ngồi thiền và phát tán hơi thở đi khắp châu thân, đến tất cả mọi bộ phận.  Tâm sẽ được huấn luyện và thân sẽ mạnh khỏe mà không phải vặn vẹo nó hay khiến nó nhảy loay choay”.

&  Có một tu nữ hành thiền với Ajaan Fuang.  Người này từ nhỏ đã không có sức khỏe tốt, nên lúc thì bệnh này khi bệnh khác.  Ajaan Fuang bảo cô: “Mỗi sáng khi thức dậy, con hãy ngồi thiền để tự khám sức khỏe cho mình, xem thân đau nhức ở những chỗ nào, rồi dùng hơi thở của mình để tự chữa trị.  Những nơi đau nhiều sẽ giảm xuống, và nơi đau ít sẽ biến mất.  Nhưng cũng đừng quá xem trọng việc chúng có biến mất hay không.  Cứ tiếp tục quán sát thân và trụ vào hơi thở dầu bất cứ điều gì có xảy ra, vì điều quan trọng là con đang rèn luyện tâm chánh niệm để giữ nó trụ nơi thân, cho đến độ nó trở nên đủ mạnh để vượt lên trên cơn đau”.

 “Điều chỉnh hơi thở cho đến khi nó hoàn toàn êm ái.  Nếu thấy tia sáng trắng, hãy mang nó vào thân, để nó đi đến tận mọi lỗ chân lông.  Tâm sẽ yên tĩnh; thân nhẹ như không.  Con sẽ cảm thấy trắng sáng khắp nơi, và lòng con sẽ cảm thấy thật thư thái”.

&   “Khi hơi thở tràn đầy châu thân, nó giống như nước đổ vào bình tràn đầy.  Dầu ta có muốn chế thêm nước, nó cũng không thể nhận thêm.  Nó chỉ vừa đúng, không thêm, không bớt”.

&   “Thiền tập cần sự buông thư – một cảm giác tự tại nơi thân và tâm –giống như một chất bôi trơn của thiền.  Nếu không nó sẽ trở nên quá khô khan”.

&   “Khi hành thiền ta phải buông theo từng giai đoạn.  Giống như lúc người ta đi vào không gian: tên lửa vũ trụ phải vứt bỏ dần các ống phóng tên lửa trước khi nó có thể đến được mặt trăng”.

&   “Khi tâm đã thực sự ổn định, ta có thể buông hơi thở, vì tâm không lang thang đi đâu nữa.  Giống như khi ta đổ xi-măng: Khi xi-măng chưa cứng, ta không thể dời các khuôn gỗ chắn, nhưng khi nó đã cứng, ta không cần dùng đến các khuôn gỗ chắn nữa”.

&   “Hãy phát tán hơi thở cho đến khi thân và tâm trở nên nhẹ nhàng đến độ ta không còn cảm nhận có thân –chỉ có sự tỉnh thức.  Tâm sẽ trong sáng tựa nước đầu nguồn.  Ta có thể soi mặt xuống nước đó.  Ta có thể nhìn thấy bất cứ điều gì đang xảy ra trong tâm”.

&   “Khi hơi thở tròn đầy và sâu lắng, hành giả buông nó.  Sau đó hành giả quán về các yếu tố khác của thân –đất, nước, gió, lửa, hư không và thức - từng thứ một.  Khi tất cả đều được thông suốt, hành giả gom chúng lại, nghĩa là, điều hòa chúng để thân không quá nóng, quá lạnh, quá nặng hay quá nhẹ: chỉ vừa đúng trong mọi khía cạnh.  Sau đó, hành giả hãy buông các thứ đó, và trụ vào yếu tố hư không –cảm giác của sự trống không.  Khi hành giả đã thiện xảo với việc trụ vào hư không, hãy xét xem cái được gọi là ‘hư không’ là gì.  Đây chính là nơi hành giả quay qua quán sát chính tâm thức.  Một khi tâm đã trở nên nhất quán như thế, hành giả có thể buông sự nhất tâm, để xem cái còn lại là gì”.

“Sau khi đạt đến mức độ này, hành giả tập vào và ra khỏi các tầng thiền khác nhau cho đến khi có thể hoàn toàn thiện xảo, qua đó hành giả có thể thấy các trạng thái khác nhau.  Đó là lúc tuệ bắt đầu xuất hiện”.

&   “Để tự quán sát, sáu yếu tố (sáu đại) phải có trước.  Hành giả phân tách chúng ra, rồi gom chúng trở lại, như khi ta học ABC và cách ghép chúng thành chữ.  Sau khi thuần thục, ta có thể ghép bất cứ chữ nào mà ta muốn”.

&   “Hãy thong thả thực hành để bảo đảm rằng nền tảng này đã vững chắc.  Một khi nó đã vững chắc, thì dầu ta có xây bao nhiêu tầng trên đó, thì cũng dễ dàng và chắc chắn”.

&   “Sự thực hành này, nếu ta nói dễ, thì vâng, nó dễ.  Nếu ta nói khó, thì nó khó.  Tất cả tùy thuộc vào ta”.

&   “Kinh điển cho rằng thiền tập dựa trên hơi thở thích hợp với mọi người, nhưng thực sự không phải thế.  Chỉ khi nào hành giả là người tỉ mỉ thì mới mong có được kết quả từ việc chú tâm vào hơi thở”.

&   Một vị thiền sư nổi tiếng có lần phê bình ngài Ajaan Lee: “Tại sao sư dạy họ quán hơi thở?  Ở đó có gì để quán?  Chỉ có hơi thở ra, hơi thở vào.  Làm sao họ đạt được trí tuệ bằng chỉ việc quán sát hơi thở?”  Ngài Ajaan Lee trả lời: “Nếu họ chỉ thấy có thế, thì họ chỉ được có thế”.  Đây là vấn đề do không biết cách quán.

&   “Người có trí tuệ có thể lấy bất cứ thứ gì và biến nó thành hữu ích”.

Xem mục lục